Láng giềng Trung Quốc đua nhau nhập khẩu vũ khí
Lo sợ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ và Pakistan đang tăng cường khả năng quân sự, trở thành những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Trang tin Business Insider dẫn kết quả nghiên cứu gần nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, ba nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong nhiều năm trở lại đây là Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan – ba nước đều có biên giới với nhau và có những tranh chấp âm ỉ lâu đời.
Bản đồ 3 nước Ấn Độ – Trung Quốc – Pakistan. Vùng gạch chéo là vùng có tranh chấp giữa các nước.
Những tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng và tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan đối với khu vực Kashmir đã từng dẫn đến nhiều cuộc xung đột vũ trang, như chiến tranh Trung – Ấn hồi năm 1962.
Theo BI, những tranh chấp trên cùng một loạt các yếu tố khác đang đẩy 3 nước này vào một cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ tăng tới 111% trong các khoảng thời gian 2004 – 2008 và 2009 – 2013.
Từ năm 2009 đến năm 2013, Ấn Độ chiếm 14% lượng hàng nhập khẩu vũ khí của cả thế giới.
Trong khoảng thời gian này, lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ cũng lớn hơn gấp 3 lần so với Pakistan và Trung Quốc. Trung Quốc và Pakistan, mỗi nước chiếm 5% lượng hàng nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Đáng chú ý, 54% lượng vũ khí mà Pakistan nhập lại là từ Trung Quốc.
Vũ khí Ấn Độ nhập chủ yếu là từ Nga (75%), Mỹ (7%) và Israel (6%). Trong khi đó, 64% lượng vũ khí Trung Quốc nhập là từ Nga, sau đó là từ Pháp (15%) và từ Ukraine (11%).
Theo BI, Ấn Độ đang cố gắng thúc đẩy năng lực quân sự trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ từ lâu đối với cả 2 nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan luôn có nguy cơ bùng phát.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Pakistan cũng đã tăng cường đối thoại nhưng họ vẫn chưa đạt được kết quả nào đột phá. Khu vực biên giới bất ổn Kashmir là nguyên nhân chính dẫn đến 3 cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan.
Theo BI, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều khúc mắc. Hai nước đã từng có cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962. Mặc dù đã từng xảy ra chiến tranh, nhưng hai bên vẫn chưa thể phân định được rõ ràng chủ quyền đối với Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng.
BI cho rằng, theo lẽ tự nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ của nhau trong tương lai bởi vì hai nước đang cùng phát triển mạnh mẽ. Nhưng Ấn Độ đang cảm thấy bị đe dọa hơn bởi sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn khu vực Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Tướng Deepak Kapoor, một cựu Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Ấn Độ cho rằng “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc đang bao vây Ấn Độ.
Video đang HOT
Các loại vũ khí mà Ấn Độ nhập trong giai đoạn 2009 – 2013 bao gồm một tàu ngầm hạt nhân, 90 chiến đấu cơ Su-30 MKI, một tàu sân bay cùng 27 máy bay MiG-29K sử dụng trên tàu sân bay đó. Ấn Độ cũng là đối tác phát triển một máy bay thế hệ thứ năm T-50 của Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
Theo Infonet
10 siêu vũ khí thay đổi tương lai quân sự Mỹ
Theo trang tin Business Insider (BI), quân đội Mỹ đang phát triển một vũ khí lase có thể bắn hạ máy bay không người lái. Tuy nhiên, đây không phải là vũ khí ấn tượng duy nhất sắp tới của quân đội Mỹ.
Sau đây là 10 vũ khí ấn tượng nhất mà quân đội Mỹ sắp được sử dụng:
1. Xe bay Transformer TX
Hồi cuối năm 2013, Công ty vũ khí Lockheed Martin của Mỹ tuyên bố sẽ sản xuất Transformer TX, một loại máy bay trực thăng vận tải tự động có hình dáng như một chiếc xe quân sự và khả năng hạ cánh ở các vùng địa hình nhỏ hẹp.
Hình ảnh mô phỏng Xe bay Transformer TX.
Giống như cái tên của nó, Transformer TX có hình dạng kỳ lạ, kết hợp giữa xe quân sự và trực thăng. Nó có thể bay tự động hoặc do con người điều khiển và khi cần có khả năng di chuyển như xe.
Theo Lockheed, Transformer TX an toàn và linh hoạt hơn nhiều so với máy bay trực thăng. Dự kiến Tranformer TX sẽ được thử nghiệm bay vào đầu năm 2015.
2. Súng gập FMG-9
Được phát triển cho các mật vụ Mỹ, FMG 9 có thể nguy trang giống như một chiếc pin của máy tính xách tay. Nó có kích thước nhỏ nhẹ, vừa với túi quần sau của hầu hết những chiếc quần mặc thông thường. Khi cần chỉ bấm một nút bấm là cơ cấu lò xo sẽ đưa FMG 9 từ dạng hộp thành súng thông thường. FMG 9 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
3. Robot Wildcat
Robot Wildcat
Di chuyển kỳ lạ như một sinh vật sống, Wildcat có thể chạy với tốc độ gần 26 km/h và phi nước đại như một con vật thực thu. Wildcat được thiết kế để hỗ trợ quân đội chiến đấu trên mặt đất và có thể chạy ở mọi loại địa hình.
4. Súng ngắn Armatix
Khẩu súng ngắn này có tính năng an toàn điện tử có thể tự động bị vô hiệu hóa thông qua một chiếc đồng hồ đeo tay đặc biệt đi kèm với súng. Súng chỉ được đưa vào trạng thái chiến đấu khi ở cách đồng hồ không quá 35 m. Chiếc đồng hồ trên sẽ phát tín hiệu nhận dạng đặc biệt do chủ nhân khẩu súng tự đặt.
Theo công ty Armatix (Mỹ), phát minh trên là nhằm giảm các vụ lấy cắp súng và sử dụng súng ở nơi công cộng.
5. Súng phóng lựu liên hoàn M32
Súng phóng lựu liên hoàn M32
M32 có thể bắn tới 6 quả đạn trong vòng 3 giây, phù hợp cho mục đích chống bộ binh và chống chiến thuật biển người.
Súng này có ổ đạn hình trụ như súng ngắn ổ quay.
6. Súng bắn góc Corner Shot 40 mm
Súng này có thể được dùng để bắn các góc khuất, sử dụng đạn phóng lựu cỡ nòng 40mm.
Corner Shot 40 mm còn có 1 máy quay nhỏ có độ phân giải cao và màn hình. Do đó, người sử dụng có thể nhìn được các mục tiêu nấp bên kia góc tường.
7. Trực thăng tấn công AH-64 Apache
Quân đội Mỹ mới đưa ra một công nghệ mới cho phép các phi công của AH-64 Apache có thể nhìn thấy mục tiêu và các dữ liệu giám sát một các rất hoàn hảo.
Trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Mũ của phi công được tích hợp hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hiện đại. Hình ảnh có màu sắc thực và độ phân giải cao chứ không phải chỉ là đen và trắng, tạo cho họ một lợi thế rất lớn trong việc định vị vị trí của địch.
8. Kính Google Glass của Hải quân
Hải quân Mỹ đang phát triển một công nghệ tương tự như của Google Glass, hiển thị những thông tin và dữ liệu cho các thủy thủ.
9. Xe tự hành dưới nước Reliant
Reliant là một robot, có thể hoạt động dưới nước để bảo vệ các tàu của Hải quân Mỹ và các vùng biển của Mỹ. Robot này vừa chạy thử nghiệm thành công 315 dặm.
10. Cảnh sát giao thông vệ tinh
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu phát triển hệ thống những vệ tinh có thể làm việc như cảnh sát giao thông để bảo vệ các máy bay không người lái và các thiết bị trên không khác.
Những vệ tinh cảnh sát trong không gian.
Hiện Mỹ đang thử nghiệm một hệ thống có căn cứ trên mặt đất mang tên STARE (Space-Based Telescopes for Actionable Refinement of Ephemeris). Hệ thống này bao gồm một nhóm các vệ tinh siêu nhỏ, có nhiệm vụ theo dõi sự vận động của các vệ tinh khác giúp chúng không va chạm với nhau, đồng thời có nhiệm vụ dọn rác vũ trụ.
Theo Infonet
Bộ trưởng Ấn Độ phát ngôn sốc: Cưỡng hiếp đôi khi đúng, đôi khi sai Trong bối cảnh công chúng đang phẫn nộ về nạn tấn công tình dục đối với phụ nữ, một Bộ trưởng Nội vụ ở Ấn Độ ngày 5.6 phát biểu cho rằ ng, cưỡng hiếp đôi khi đúng, đôi khi sai. Người đưa ra phát ngôn gây sốc trên là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Babulal Gaur của bang miền trung Ấn Độ,...