Làng game Việt: Khấp khởi tín hiệu thông tư
Làng game Việt hôm nay đã bắt đầu có những dịch động mới từ các nhà phát hành, cùng chờ đợi các thông tin ban hành từ bộ TT&TT về các Thông tư triển khai sau Nghị định 72 (ngày 15/7/2013). Hy vọng từ nay đến hết năm 2013 này, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được cơ hội hiện thực hóa những yêu cầu để ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động Internet chung và môi trường game online nói riêng.
Theo các nhà phát hành, sự chờ đợi các Thông tư hướng dẫn của họ đã diễn ra hơn 4 tháng nay, và giờ đây các tín hiệu tích cực đã bắt đầu được phản hồi, vào đúng những ngày khởi đầu tháng 11/2013
Cộng đồng đã chờ đợi các Thông tư mới trong nhiều tháng qua.
Thêm dự thảo Thông tư
Theo trang thông tin điện tử của bộ TT&TT, dự thảo ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, chiếu theo Nghị định 72, đã được Bộ công khai những ngày qua, nhằm lấy ý kiến người dân, các doanh nghiệp và các tổ chức quan tâm. Sau khi tập hợp các ý kiến góp ý, Bộ sẽ xem xét và điều chỉnh sửa đổi, trước khi chính thức ban hành.
Về cơ bản, nội dung dự thảo Thông tư này cũng tập trung vào yêu cầu tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, phân định phân cấp các cơ quan, đơn vị thuộc bộ TT&TT về vấn đề quản lý các điểm truy nhập Internet công cộng và dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Các nhóm đối tượng thụ hưởng và chấp hành những quy định này không có thay đổi lớn, trực tiếp là cộng đồng người sử dụng Internet.
Tuy nhiên, dự thảo lần này cũng có 1 vài điểm thay đổi thiết thực hơn với các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng Internet.
Các tụ điểm công cộng sẽ không được cung cấp dịch vụ trò chơi.
Cụ thể về quy định các điểm truy nhập Internet công cộng, dự thảo nêu rõ, các điểm truy nhập ở khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và nơi công cộng khác “không được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho công cộng”. Điều này đáng chú ý, bởi làm rõ trách nhiệm và điều kiện sử dụng Internet hiện tại ở các điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi công cộng. Thực tế từ lúc cơ quan quản lý tăng cường các điểm Internet công cộng chấp hành giờ hoạt động dịch vụ trò chơi điện tử, đã có 1 số tổ chức cá nhân lách tránh kiểm soát, bằng việc đưa máy tính vào các quán cafe và người chơi có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ game mà không bị giới hạn giờ chơi (chơi nhiều giờ, chơi sau 22 giờ…).
Quy định về khoảng cách an toàn giữa các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng được dự thảo nêu rõ hơn, là căn cứ vào chiều dài đường bộ ngắn nhất từ cửa địa điểm đến cổng các trường học, đạt từ 200 mét trở lên. Một số đại lý Internet nhìn nhận ngay: “Với quy định này, mập mờ về thông tin khoảng cách không còn nữa. Các cửa hàng Internet có thể yên tâm hoạt động khi đặt cạnh 1 số trường quy mô lớn vì khoảng cách quy định an toàn, bởi từ cổng trường đến tường rào bao quanh có khi xa đã đến vài trăm mét”.
Tăng yêu cầu trách nhiệm
Video đang HOT
Đặc biệt ở dự thảo Thông tư mới, các sở TT&TT địa phương được quy định rõ hơn trách nhiệm phải chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cho các tổ chức cá nhân đăng ký kinh doanh, giúp họ nắm rõ hơn các thông tin cần biết để tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ.
Trong các trường hợp địa điểm cần chấp hành các biện pháp kỹ thuật (bao gồm cả việc cài phần mềm đại lý Internet) giúp cơ quan chức năng quản lý điểm truy nhập Internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng, các sở phải đảm bảo 4 nguyên tắc: có quy định rõ ràng bằng văn bản thống nhất áp dụng trên địa bàn, do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành; không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ truy nhập Internet tại đại lý; không thu thập trái phép thông tin cá nhân, vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng; và phải bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập, ứng dụng và nội dung thông tin trên Internet.
Trách nhiệm quản lý của các sở TT&TT địa phương được đề cao.
Tín hiệu từ dự thảo Thông tư này cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh có liên can đến hoạt động Internet đã bắt đầu được định hướng rõ hơn và thực tế hơn về trách nhiệm và quyền hạn của mình. Các nhà phát hành game từ dự thảo này cũng có thể nhìn nhận lại hướng tổ chức, khai thác dịch vụ của mình vào các điểm dịch vụ công cộng sao cho hiệu quả nhất. Một doanh nghiệp game đang lên kế hoạch “tấn công” mạnh sản phẩm ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp đến bày tỏ, thông tin này khá hữu ích, giúp đơn vị tính toán chính xác hơn số lượng các đại lý Internet hội đủ điều kiện ở vùng “tâm điểm thị trường”, cũng như gắn họ vào được 1 số hoạt động hỗ trợ kiểm soát người chơi theo dịch vụ doanh nghiệp.
Điều quan trọng hơn, dự thảo Thông tư mới chỉ là phần khởi đầu cho các Thông tư sẽ tiếp tục lấy ý kiến để ban hành tiếp theo. Như thế, từ nay đến hết năm 2013, ắt hẳn sẽ có thêm các dự thảo Thông tư sát sườn với hoạt động của làng game Việt, lần lượt được bộ quản lý đưa ra. Đây là dịch động đáng kể, bởi các nhà phát hành đã bắt đầu sốt ruột khi sau Nghị định 72, thị trường vẫn tồn tại nhiều biểu hiện không tích cực mà cơ quan quản lý không can thiệp hạn chế kịp.
Các doanh nghiệp nội dung số mong Nghị định 72 tạo thêm cơ hội cho họ.
Các doanh nghiệp nội dung số mong Nghị định 72 tạo thêm cơ hội cho họ.
Với các Thông tư dự kiến sẽ áp dụng từ mùa xuân con Ngựa đến, Nghị định 72 chắc chắn sẽ đi sâu vào thực tế đời sống và giúp môi trường game Việt thanh sạch hơn !
Theo VNE
Sát Thát và định kiến game Việt
Sau 3 năm ôm ấp ý tưởng tạo 1 sản phẩm chất lượng, rối cuộc mới đây, công ty cổ phần trò chơi Emobi Games đã phải chính thức "xin lỗi bà con", lùi thời hạn hoàn tất dự án Sát Thát Truyền kỳ sang cuối năm 2014. Điều này cho thấy, sự thật những doanh nghiệp làm game Việt không hề dễ dàng để đạt được thành công, mà trước tiên là phải vượt qua nhiều định kiến...
Sự đáng nói, là thông tin của Emobi Games tung ra trong những ngày này, ít nhiều gây băn khoăn ở nhiều cá nhân trong giới làm game. Bởi hiện tại, làng game Việt đang có những xáo động lớn, rất thuận lợi về phát hành game online. Nhiều công ty phát hành đang mau chóng ra mặt, cộng đồng liên tục cập nhật danh sách các game sẽ đi vào thị trường Việt Nam. Hoạt động thương mại game khởi sắc như vậy, tại sao hoạt động sản xuất game lại không lạc quan ?
Sát Thát Truyền kỳ phải lùi thời điểm phát hành qua 2014
Hiện thực luôn màu xám !
Ông Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc Emobi Games tâm sự, tính từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, studio này đã chịu 2 lần áp lực. Thất bại đầu tiên với tựa game 7554, chỉ vỏn vẹn mấy tháng sau khi phát hành, đã khiến cả công ty "tỉnh ra". Tiếp đó là tựa game 2112, đến nay hầu như chỉ còn tồn tại giằng dai cho có, server hiu hắt đến nao lòng, đã giáng thêm 1 đòn vào tâm lý cả đội ngũ.
Mọi đánh giá, phân tích lý do vì sao thất bại đều trở nên không còn cần thiết, nhưng vẫn làm người trong cuộc day dứt. Quan trọng nhất, cả studio nhận ra, từ khát vọng hoài bão, tự đánh giá tay nghề, đến va chạm thực tiễn là cả 1 khoảng cách rộng lớn. Không như mọi giấc mơ hồng thành công, hiện thực luôn là 1 màu xám !
Không hề đơn giản để các studio game Việt thành công.
Chính vì thế, với game Sát Thát Truyền kỳ, ông Huy cùng các cộng sự đã ráng giấu thông tin, đợi đủ điều kiện mới công bố. Song đến lúc này, doanh nghiệp vẫn không thể tự tin tiến bước. Thậm chí chia sẻ với 1 số đồng sự làng game, ông Huy tỏ ra rất dè dặt với tương lai doanh nghiệp.
Căn nguyên vấn đề, được ông Huy chia sẻ, là thực trạng khó khăn về tài chính, cũng như nội lực làm game ở Emobi Games không còn mạnh mẽ như trước. Nhiều cộng sự của ông đã thấy mỏi mệt vì thất bại. Bản thân ông cũng đắn đo với mỗi tính toán tiếp theo. Tất cả buộc Emobi Games thời gian qua phải lo tổ chức sản xuất, gia công theo đơn hàng ngoài, thay vì tập trung vào sáng tạo game như trước. Đơn vị đã phải "nhường" 1 phần nhân lực giỏi cho mảng gMO, vốn mới nảy sinh gần đây và trước đây chưa hề được đặt ra nghiên cứu.
Có quá nhiều định kiến đang tồn tại quanh game Việt...
Định kiến quá gian nan
Tuy nhiên, ẩn tàng phía sau những khó khăn mang tính khách quan, hoàn cảnh như vậy, Emobi Games, cũng như các studio làm game khác, còn phải đối mặt 1 sự thật đáng ngại hơn, là các định kiến của làng game Việt. Giám đốc 1 studio game cũng ở phía bắc bộc bạch, 2 chữ định kiến này không phải không có ở các nước khác, song có lẽ chỉ ở Việt Nam mới trở thành những mối dây ràng buộc, chằng níu, cản trở sự hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp.
Có ít nhất 3 sự định kiến như vậy, đang tồn tại với làng game Việt.
Đầu tiên, là định kiến "chính sử". Nghĩa là dù biết làm game phải có sáng tạo, thậm chí phải có những suy nghĩ "điên khùng" đi trái mọi quy luật thiên nhiên, song với làng game Việt, những nội dung tôn trọng chính sử, mô tả mỹ thuật quan hệ "ta và địch" lại rất được bảo vệ. Cái đẹp, cái tốt, cái hay, tất nhiên sẽ luôn giành cho "phe ta". Có quá nhiều "bất quy tắc" phải bảo đảm như vậy. Ví dụ Trần Quốc Toản phải là 1 thiếu niên xinh đẹp, can trường, chứ không thể vẽ hình thành 1 cậu bé còi cọc, "đầu trọc lóc lơ thơ vài sợi tóc"... Không nói hài về các vị anh hùng, không biến tấu chuyện lịch sử thành những vấn đề nghịch đảo được
Game Việt phải luôn là chính sử !
Vì yêu cầu chính sử này, mà dường như dự án làm game Việt nào cũng phải có cấu trúc "rất nghiêm trang", trong khi thực tế chơi game của đa số người lại đòi hỏi hết sức thoải mái. Cơ hội cho thị trường game cũng vậy, cần có những khung cảnh giải trí vô tư lự và cả vô lý, như người ta mê mải bắn Chim Điên, còn các game Việt đã bán được ra nước ngoài thì chỉ thuần tiêu khiển, như Ủn Ỉn, Khu vườn trên mây...
Thứ hai, là định kiến "đám đông". Định kiến này gần như đi ngược định kiến trên, vì chủ yếu dựa vào ngẫu hứng của cộng đồng. Không ít nhà phát hành game Việt đã đúc kết những yêu cầu từ thói quen chơi game của cộng đồng game thủ Việt, là phải có auto, là phải "không hút máu"... Cho dù là 1 game có "chính sử" bao nhiêu, như 7554, nhưng nếu không có sự thu hút đám đông, tức khắc sẽ bị người chơi quay đầu, ngoảnh mặt, mặc dù trước đó họ có thể cùng tham gia hô hào "nên ủng hộ".
Ủn Ỉn, 1 game được phát hành ra nước ngoài của Việt Nam.
Làm sao có thể thay đổi tâm lý người chơi game Việt, rầm rộ đông đảo đăng nhập vào game lúc mở server, đến mức nghẽn sập cả máy chủ, nhưng chỉ vài ngày sau đó là thờ ơ, không có ai bền bỉ gắn bó nữa ? Câu hỏi này, coi như mãi mãi treo lơ lửng trước mặt các nhà sản xuất game Việt như lời thách đố không giải được.
Cuối cùng, là định kiến "thua thiệt". Định kiến này gắn bó với lịch trình chơi game đã nhiều năm qua tại làng game Việt. Cơ hội Internet đã mở ra rất nhiều dịp may để người chơi thoải mái cọ xát với đủ loại game trên thế giới, và qua đó đã biến nhiều game thủ thành những "tín đồ game ngoại". Với họ, luôn có những "thành trì" lớn lao để ngưỡng mộ và mọi tựa game ra đời sau đều được so sánh để dè bỉu.
Sản phẩm game Việt có thể so sánh như thế này ?
Đây là lý do để tựa game 2112 mà Emobi Games giành công sức làm nên, mau chóng bị cộng đồng bỏ rơi khi có nhiều lời so sánh với "tượng đài" StarCraft. Game Việt luôn xấu hơn, kém hơn, "bắt chước" game khác..., đó là những nhận xét đầy tính "vô thưởng vô phạt" của các game thủ, vì bản thân họ không bao giờ chịu trách nhiệm về những đánh giá ấy. Hậu quả là nếu nhà sản xuất nào "lắng nghe", chắc chắn mãi loay hoay tìm cách thay đổi sản phẩm của mình để rồi... chả ai chơi !
Theo 1 số nhà phát hành nhìn nhận, với những định kiến như vậy, có thể dễ hiểu vì sao nhóm game thương mại, kể cả các game "nhái" lại đang có cơ hội phát triển với làng game Việt, trong khi các dự án làm game gốc Việt lại không được mặn mà và ngày càng hiếm hoi. Không phải tự nhiên để khá nhiều studio game quy mô ở làng game Việt, trong 1 sớm 1 chiều đã phải "lủi thủi' chia tay, trong đó có cả những đội hình mạnh như của FPT Online, VTC Online... Đó là chưa nói đến các "lỗ hổng" lớn về nội lực nhân sự, kinh nghiệm làm game, môi trường đầu tư còn nhiều ách tắc, chính sách thu hút cổ vũ doanh nghiệp công nghiệp game chưa đồng bộ..., mà cộng đồng doanh nghiệp game Việt Nam luôn phải đương đầu
Game Việt nên định dạng thế nào ?
Sát Thát Truyền kỳ, hay những tựa game khác, đang nằm trong giấc mơ ấp ủ của đa số doanh nghiệp game Việt, xem ra sẽ còn "khổ tâm" dài dài, với những định kiến ấy. Nhưng hướng vận động nào để thay đổi được những định kiến ấy, thì dường như, chẳng ai có được câu trả lời ?
Theo VNE