Lãng du “miền cổ tích”
Văn Bàn hội đủ những điều kiện phát triển các loại hình du lịch, như văn hoá, sinh thái và tâm linh, mang lại nhiều kỷ niệm khó quên cho du khách dù chỉ một lần đến với vùng đất được mệnh danh là “ miền cổ tích”.
Theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rẽ nút giao IC16 vào Quốc lộ 279, bạn sẽ bất ngờ khi men theo chân núi Tam Đỉnh sừng sững canh giữ một vùng mỏ sắt Quý Xa, vượt dốc cổng trời, phóng tầm mắt bao quát thị trấn Khánh Yên đẹp tựa bức tranh sơn thủy.
Khúc dạo đầu trong chuyến đi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi Gia Lan ẩn hiện trong làn sương mảnh mai. Khánh Yên Thượng nằm khiêm nhường dưới chân núi như nét nhấn trong bức tranh tổng thể của miền quê Văn Bàn.
Thoáng chút ngỡ ngàng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen của lũy tre làng và những tán cọ xanh. Nét quê vùng trung du đan xen, hòa quyện cùng vẻ đẹp bình dị của mái nhà sàn truyền thống và trang phục nền nã, duyên dáng của thiếu nữ Tày nơi đây.
Ở mảnh đất này, bạn sẽ được thăm di tích lịch sử cách mạng Khu du kích Pú Gia Lan; thêm thấu hiểu thông điệp từ bức tượng đá thiên nhiên tạc giữa mây trời hình ảnh “bà bồng cháu”…
Thị trấn Khánh Yên ngày càng thay đổi. Ảnh: Thành Phú
Video đang HOT
Văn Bàn nằm giữa dãy Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc và dãy Con Voi phía Đông Nam, cùng ven sông Hồng và nhiều con suối thơ mộng như ngòi Nhù, ngòi Chăn, Nậm Tha, Nậm Mả…
Cấu tạo địa chất đã hình thành hang động qua quá trình phong hoá, thủy hoá hàng triệu năm như Thẳm Dương, Thẳm Sáng với nhiều hình thù kỳ lạ. Đến Liêm Phú, Nậm Xây, Nậm Xé thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn, bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, vẻ đẹp hoang sơ, hệ thực vật, động vật phong phú…; ngắm thác Bay bọt tung trắng xóa.
Văn Bàn còn là vùng không gian văn hoá, với những di tích lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Đó là đền Ken thuộc xã Chiềng Ken, toạ lạc trên đỉnh đồi, dưới tán cây đại thụ mướt xanh, được vinh danh là Cây di sản.
Khu di tích thờ tướng Nguyễn Hoàng Long – người có nhiều công lao cùng thuộc hạ dòng họ Nguyễn thế kỷ XVIII đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, lập làng yên dân.
Rồi đền Cô thuộc xã Tân An – Di tích lịch sử cấp quốc gia nằm bên tả ngạn sông Hồng, thuộc quần thể di tích đền Bảo Hà. Nơi đây còn lưu giữ kho tàng những giá trị văn hóa phi vật thể đậm bản sắc, với những phong tục, tập quán và lễ hội.
Về vùng đất nổi tiếng với câu thơ của thi sỹ Tản Đà: “Hôm qua còn ở Dương Quỳ/Trắng phau ngựa trắng xanh rì rừng xanh”, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản, như cá suối lam ống nứa, thịt trâu sấy, nhộng cọ chiên, canh chua với măng sặt, măng bói, cùng chén rượu Nậm Cần nồng nàn, ý vị. Chắc hẳn đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến lãng du “miền cổ tích” của mỗi du khách.
Hồ Xạ Hương đẹp lặng thầm trên lưng núi Tam Đảo
Nhắc đến du lịch Tam Đảo là du khách thường nghĩ ngay đến thị trấn mù sương với nhà thờ đá, thác Bạc, đỉnh Rùng Rình, chùa Tây Thiên...
Ít người biết rằng, dưới chân núi Tam Đảo còn có một hồ nước rộng lớn được ví như "nàng tiên" của mảnh đất này, nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ.
Hồ Xạ Hương ở thung lũng núi Con Trâu, thuộc xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Đây là hồ nước ngọt nhân tạo rộng tới hơn 83 ha, thiết kế theo ý tưởng hồ trên lưng núi với mục đích lấy nước phục vụ nông nghiệp.
Hồ Xạ Hương có mùa nước đầy, nước vơi nhưng không bao giờ cạn. Theo ý đồ của người thiết kế ban đầu, dù mực nước hồ Xạ Hương hạ xuống tới "cốt chết", không tự chảy ra mương được nữa thì trong lòng hồ vẫn còn 700.000 m3 nước dự trữ. Nghĩa là hồ Xạ Hương không bao giờ khô cạn trơ đáy. Vì vậy, du khách có thể đến ngắm hồ Xạ Hương vào bất cứ mùa nào trong năm.
Đường dẫn lên con đập của hồ Xạ Hương. Từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 2 lên thành phố Vĩnh Yên, chạy theo đường đi Tam Đảo khoảng 12 km là tới hồ Xạ Hương.
Mỗi mùa, hồ Xạ Hương lại khoác lên mình những vẻ đẹp riêng làm say lòng du khách. Cánh rừng ra chồi non mới xanh mướt mát điểm thêm những cánh hoa mua, hoa sim dọc bờ hồ vào mùa Xuân. Đến mùa Hạ, cánh rừng xanh thẳm mang theo những cơn gió mát lành khiến Xạ Hương trở thành địa điểm cắm trại lý tưởng hoặc đơn giản chỉ là một nơi để tránh cái nóng gay gắt ngày càng khắc nghiệt. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ níu mây trời cao vợi xuống nước và cả những sắc đỏ, sắc vàng của những trảng rừng thông báo hiệu lúc sang Thu; chuẩn bị đón những ngày Đông có sương mù bồng bềnh khắp cả vùng thung lũng, đưa cảnh vật vào vẻ huyền ảo tựa cõi mơ.
Cảnh quan nơi đây cũng đa dạng. Các đồi đất đan xen những ngọn núi đá. Trong vùng, đa phần là núi đá hoa cương và đá thạch anh màu xanh xám và đồi cát. Tuy không có sự xâm thực của phong thủy để tạo ra những hang động kỳ bí như ở những vùng núi đá vôi nhưng núi đá nơi đây lại có nhiều vết nứt lớn nhỏ để tạo nên nhiều khe hẻm, vách đá lạ mắt.
Đến hồ Xạ Hương, những bạn trẻ ưa thích khám phá nên thuê thuyền để đi sâu vào bên trong hồ, tham quan những ngách nước lớn nhỏ chạy xuyên qua cánh rừng để đưa nước xuống vùng hạ lưu. Có đến hồ Xạ Hương mới thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên. Không gian càng mở rộng ra khi đi thuyền giữa bao la đại ngàn, bầu trời cao vợi phía trên và mặt nước thăm thẳm xanh dưới mạn thuyền.
Khám phá Đồng Cao miền cổ tích giữa núi đồi Đông Bắc Cách đây chừng hơn 6 năm (trước năm 2010), Đồng Cao vẫn là một cái tên khá xa lạ với giới "xê dịch", cũng tại đường sá khó khăn, bởi cái xứ ấy chẳng ai lên làm gì. Tình cờ nghe một người bạn đọc đâu đó trên tờ báo địa phương nhắc tới địa danh này, họ gọi đó là "Mẫu Sơn"...