Làng đại học thu phí chụp hình, quay phim
Thông báo ‘Áp dụng thu phí chụp hình, quay phim trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM’ vừa treo lên được 2 tiếng đồng hồ đã bị dư luận phản ứng và người ra thông báo đành phải tháo xuống. Câu chuyện lạ đời xuất phát từ đâu?
Thông báo này vừa đưa lên đã bị phản ứng – Ảnh: Diệu Thông
Kinh tế khó khăn nên thu phí !
Ngày 25.10, tại Hồ Đá nằm trong khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM quản lý xuất hiện 2 băng rôn thông báo: ‘Áp dụng thu phí chụp hình, quay phim trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM từ ngày 1.11.2013′.
Hiện giờ kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí nhà nước cấp ngày càng hạn chế, nên mỗi đơn vị, trong đó có ĐH Quốc gia phải nỗ lực tự tìm kiếm nguồn vốn hợp lý để phát triển
Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM
Sau khi băng rôn được treo lên, nhiều ý kiến cho rằng Trung tâm quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM nói riêng và ĐH Quốc gia TP.HCM nói chung không có quyền thu phí, vì địa điểm được lựa chọn quay phim, chụp ảnh nhiều nhất là khu Hồ Đá đã hình thành từ khi chưa ĐH Quốc gia chưa hiện diện. Ngoài ra, việc thu phí phải được HĐND TP.HCM phê duyệt, chứ không phải cơ quan nào cũng có thể tùy tiện thu phí.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng HĐND quyết định áp dụng đối với trường hợp những phường, xã, cơ quan hành chính, còn trong khu ĐH Quốc gia thì có cơ chế quản lý riêng, không theo hệ thống phường xã! Hồ Đá là một bộ phận của ĐH Quốc gia, vì thế phải quản lý! “Dựa vào quy chế của ĐH Quốc gia, chúng tôi được phép làm những dịch vụ phục vụ cho việc phát triển, trong đó có việc thu phí chụp hình, quay phim…”! , ông Sang nói.
Video đang HOT
Ông Sang cho biết: “Hiện giờ kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí nhà nước cấp ngày càng hạn chế, nên mỗi đơn vị, trong đó có ĐH Quốc gia phải nỗ lực tự tìm kiếm nguồn vốn hợp lý để phát triển. Mặt khác, những người chụp ảnh, quay phim ăn đâu xả đó, vứt rác lung tung. Trong khi mình phải đổ rác, lo công tác an ninh trật tự”.
Thế nhưng, theo phản ảnh của nhiều sinh viên và ghi nhận của chúng tôi, tình hình an ninh cũng như vệ sinh môi trường tại khu vực Hồ Đá ngày càng phức tạp và ô nhiễm nặng (Báo Thanh Niên đã từng có loạt bài phản ảnh gần đây).
Gỡ băng rôn vì chưa được phép
Ông Sang cũng cho biết dự định thu phí này được ủng hộ từ nhiều phía. Như qua 200 phiếu thăm dò… từ 2 năm trước do chính đơn vị của ông khảo sát và địa phương là thị xã Dĩ An trả lời “thuộc quyền của các anh thì làm gì cũng được”! Ông Sang cũng nói những người được thăm dò đề xuất mức phí 200.000 đồng/ngày.
Khi được hỏi: “Liệu khi áp dụng thu phí có kiểm soát được hiện tượng nhân viên thu phí tiêu cực, vòi vĩnh du khách?”, ông Sang nói: “2 năm trước có thuê đội bảo vệ chuyên nghiệp, dẫn đến việc làm tiền gây điều tiếng xấu trong dư luận, nay đã dẹp. Thời gian tới, khi bắt đầu thu sẽ có cả những đội giám sát kiểm tra chéo để đề phòng hiện tượng này. Tất nhiên là không thể đảm bảo 100% vì bộ trưởng, thứ trưởng còn làm chưa hoàn thành. Nhưng sẽ tìm cách khắc phục nhược điểm. Có làm mới lòi ra nhược điểm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu phí chưa được sự đồng ý của lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM. Ông Sang cũng nhìn nhận: “Vì anh em hăng hái, nhiệt tình quá mức nên treo thông báo lên. Sau đó tháo xuống hết. Vả lại vì chưa được phê duyệt nên chúng tôi rút lại, tạm ngưng việc này”. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định: “Chắc chắn sẽ được triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi làm rõ ràng, minh bạch, không có gì phải sợ. Nhưng chưa đủ điều kiện thì chưa làm. Chờ khi nào tờ trình được xem xét phê duyệt, có quyết định chính thức thì làm”.
Do thông báo chỉ ghi sẽ thu phí từ 1.11, nên nhiều sinh viên lo lắng liệu họ có phải đóng phí khi quay phim, chụp hình trong khu vực ĐH Quốc gia? Ông Sang cho biết: “Không đụng chạm tới quyền lợi của sinh viên. Nếu có thắc mắc thì giải thích chứ không thể đưa đủ thứ lên băng rôn, như thế rất kỳ cục, không có băng rôn nào giải thích toàn bộ cả”.
Theo ông Sang, chỉ áp dụng thu phí những người ngoài khi quay phim, chụp ảnh. Được biết, hiện tại mỗi ngày có khoảng 5-7 nhóm người đến khu vực này để quay phim, chụp ảnh cưới.
Theo TNO
Sinh ra trong tâm bão, nhiều bé được đặt tên Nari
Khi cơn bão số 11 (bão Nari) đang quần thảo với sức gió cấp 12, người mẹ trở dạ. Vượt qua mưa lớn, cây ngã đổ, trời tối vì điện cắt, những em bé mang một tên chung là Nari đã chào đời.
Vợ chồng anh Huỳnh Kim Trí và chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu vui mừng sau khi được giúp đỡ sinh con trong bão lớn.
Xe cấp cứu "bò" trong bão cứu sản phụ
Hơn 5 ngày cơn bão số 11 (có tên Nari) với sức gió giật cấp 12 đi qua TP Đà Nẵng để lại hậu quả nặng nề, nhưng cũng có những câu chuyện xảy ra trong bão khiến nhiều người không thể nào quên. Ngồi chăm sóc vợ con trong Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), anh Huỳnh Kim Trí (trú tại đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nở nụ cười mãn nguyện vì vợ và con anh đã "mẹ tròn con vuông".
Anh Trí cho biết, bão số 11 đổ bộ vào Đà Nẵng (đêm 14/10, rạng sáng 15/10 - PV) vợ anh là chị Nguyễn Thị Ngọc Diệu trở dạ. "Lúc đó khoảng 1 giờ, vợ tôi kêu đau, ôm bụng đi lại trong nhà. Biết vợ sắp sinh nhưng ngoài trời gió bão rất mạnh, cả nhà hoảng hốt không biết làm sao. Gọi taxi thì họ sợ không dám chạy vì gió quá lớn. Tôi liền gọi xe cấp cứu của Bệnh viện Hoàn Mỹ ở quận Hải Châu nhưng họ không qua được vì bão làm cây đổ chắn đường, xe không đi được. Bão thì ngày một lớn, vợ tôi càng kêu đau, nếu không đưa vào bệnh viện kịp thời thì cả mẹ và con đều nguy hiểm...", anh Trí kể lại.
Sau đó, gia đình anh Trí liên lạc với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLBTKCN) TP Đà Nẵng nhờ giúp đỡ và họ đã liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115 điều xe cấp cứu từ quận Ngũ Hành Sơn tiếp ứng. Tuy nhiên, do gió giật mạnh nên xe cấp cứu phải "bò" 5-10km/h và chạy những tuyến đường ít ngập nước, cây xanh ít bị đổ mới tới được nhà anh Trí đưa chị Diệu vào Bệnh viện Hoàn Mỹ để sinh nở. Được đưa vào bệnh viện kịp thời, chị Diệu đã hạ sinh một bé gái an toàn. Để nhớ lần sinh "chạy bão", hai vợ chồng anh Trí, chị Diệu đã đặt tên bé là Nari như tên của cơn bão số 11.
"Vợ chồng tôi cảm ơn BCH PCLBTKCN thành phố, Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã không quản ngại mưa gió tới gia đình đưa vợ tôi vào bệnh viện sinh nở an toàn. Nếu không có họ không biết giờ này vợ con tôi sẽ ra sao. Cảm ơn nhiều lắm", anh Trí bùi ngùi nói.
Sẵn sàng đỡ đẻ trên...xe quân đội
Ngồi nhớ lại giây phút "chiến đấu" với cơn bão số 11 để đưa sản phụ vào bệnh viện sinh nở, y sỹ Bùi Thị Kim Chung (SN 1963, Trưởng trạm Y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đến giờ vẫn chưa hết âu lo mặc dù mọi chuyện đã an toàn và tốt đẹp. Y sỹ Chung cho biết, rạng sáng ngày 15/10, lúc tâm bão số 11 ập vào Đà Nẵng, Trạm nhận được tin báo có sản phụ Đặng Thị Thu Thủy (SN 1984, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đang vỡ nước ối, rất nguy kịch.
"Lúc đó khoảng gần 4 giờ sáng, tôi nhận được tin báo từ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thành Nam có một sản phụ đã vỡ nước ối, chuẩn bị sinh, rất nguy kịch. Tôi trao đổi với anh Nam, có xe hộ tống thì tôi sẵn sàng "vượt bão" để đưa sản phụ đến bệnh viện. Khoảng 3 phút sau, anh Nam nói đã có xe u-oát của quân đội sẵn sàng giúp đỡ đưa sản phụ tới bệnh viện. Tôi nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ lên đường. Vì sản phụ đã vỡ nước ối nên tôi đã chuẩn bị phương án nếu trên đường tới bệnh viện, sản phụ sinh trên xe tôi sẽ đỡ đẻ ngay tại chỗ...", y sỹ Chung cho biết.
Dù ngoài trời gió to, mưa lớn, trên đường nhiều cây ngã đổ, trời tối vì điện cắt, xe chạy rất khó khăn nhưng y sỹ Chung vẫn cùng hai nhân viên y tế và hai cán bộ của phường đã tới nhà sản phụ để giúp đỡ. "Đường từ nhà sản phụ Thủy tới Bệnh viện Sơn Trà khoảng 2km nhưng xe chỉ "bò" từng đoạn với vận tốc 5km/h. Bên ngoài cửa xe gió rít từng cơn, cây xanh quật vào thành xe ầm ầm, có lúc xe lắc lư như sắp bị lật. Cả đoàn ngồi trên xe ai cũng lo lắng. Do lái xe là lính quân đội rất có kinh nghiệm nên cuối cùng cũng đến được Bệnh viện Sơn Trà đưa sản phụ vào sinh nở kịp thời...", y sỹ Chung kể lại.
Khi vào Bệnh viện Sơn Trà, sản phụ Thủy đã sinh một bé trai kháu khỉnh, nặng 3,1 kg. Cảm động trước tấm lòng của các cán bộ UBND phường, Trạm Y tế phường An Hải Bắc, anh lái xe không quản ngại mưa bão đã tới giúp đỡ hai vợ chồng sản phụ Thủy vui mừng không nói nên lời. "Lúc đó cả gia đình cũng gọi xe taxi nhưng họ nói bão lớn nguy hiểm nên không đến được, chồng tôi nhớ số điện thoại Văn phòng UBND phường và Ban Phòng chống lụt bão của phường nên đã gọi giúp đỡ. Nhờ sự nhiệt tình hết lòng vì dân của các cán bộ phường, Trạm Y tế phường nên tôi và con tôi đã thoát khỏi nguy hiểm. Mẹ con tôi cảm ơn nhiều lắm", chị Thủy cho biết.
Để nhớ kỷ niệm này, vợ chồng chị Thủy đã đặt tên thân mật của con trai là Nari, còn tên khai sinh là Bão Nam (sinh ra trong bão và được Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Thành Nam "lệnh" khẩn đến giúp đỡ nên lấy tên là Nam).
"Tôi về công tác ở Trạm Y tế phường từ năm 1984 đến giờ. Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải một trường hợp sinh nở trong tâm bão như thế này. Nói thật, lúc đưa mẹ con sản phụ Thủy đến bệnh viện trong mưa bão lớn, ai cũng sợ, lỡ may...Nhưng cứ nghĩ đến hai mẹ con chị Thủy đang gặp nguy hiểm nên ai cũng cố gắng vượt qua. Bây giờ thấy hai mẹ con sản phụ an toàn, chúng tôi ai cũng thấy vui", y sỹ Chung tâm sự.
Theo Đức Hoàng
Gia đinh & Xa hôi
Những sếp lớn từ chức sau... mấy ngày nắm quyền Vừa nhậm chức chưa được nóng ghế, không ít lãnh đạo đã bất ngờ thoái vị khiến cho dư luận xôn xao. 8 ngày Mặc dù mức lương 80 triệu đồng/tháng kèm khoản thưởng 200.000 cổ phiếu Mai Linh cho thời gian làm việc từ 12/8/2013 đến 11/11/2013 nhưng chỉ sau 8 ngày chính thức điều hành hãng taxi này, bà Bùi Bích...