Làng đá Di sản lo tìm mẫu chế tác thay thế linh vật “ngoại lai”
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) thấp thỏm với nỗi lo “ôm” hàng sư tử kiểu ngoại lai, và tìm hướng chế tác mẫu linh vật sao cho vừa đảm bảo giữ gìn thuần phong mỹ tục, vừa tạo thị trường hấp dẫn người mua.
Làng đá Non Nước (Đà Nẵng) đang định hướng tìm mẫu chế tác thay thế linh vật ngoại lai
Làng đá mỹ nghệ Non Nước vừa mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hồi tháng 8 vừa qua. Đây là làng nghề có tiếng lâu đời hình thành từ cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII. Và cũng là một trong những làng nghề hiếm hoi đến nay vẫn ăn nên làm ra với nghề truyền thống. Hiện làng có khoảng hơn 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất đá mỹ nghệ với gần 4.000 lao động. Các mặt hàng chủ lực tại đây là các tượng tôn giáo, linh vật, trang sức đá mỹ nghệ…
Video đang HOT
Theo ông Phan Văn Hiệp, chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ khá lớn tại đây cho biết: Làng nghề phát triển mạnh và bắt đầu ăn nên làm ra từ khoảng năm 1997-1998 tới đâydo máy móc hỗ trợ chế tác hiện đại hơn, cộng với việc thợ làng nghề luôn theo dõi bắt kịp thị hiếu của thị trường. Với mặt hàng lân, sư tử đá có giai đoạn khá lâu trước đó, khách vẫn chuộng kiểu sư tử phương Tây; nhưng khoảng vài năm trở lại đây, khách bắt đầu chuộng lân, tỳ hưu…theo kiểu Trung Quốc (các tượng mà thợ làng nghề ở đây vẫn gọi là lân có kiểu mẫu giống với sư tử đá canh mô của Trung Quốc). Khách đặt làm mẫu nào thì thợ làm theo kiểu đó. Những mặt hàng này bán rất chạy, mà thời gian chế tác lại khá dài (nếu tượng cao 2m thì ít nhất phải 2 tháng mới hoàn tất khâu chế tác) nên hầu hết các cơ sở đều chế tác mẫu để sẵn khi khách cần hàng gấp.
Hàng mẫu linh vật “ngoại lai” chế tác sẵn còn tồn đọng rất nhiều ở làng đá Non Nước
Trong khi đó, khoảng hơn nửa tháng trở lại đây, từ vụ việc phát sư tử đá kiểu Trung Quốc được trưng bày ở trước các di tích chùa chiền cổ; tiếp đến Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, sức mua mặt hàng này đã chững lại. Nhiều cơ sở ở làng đá mỹ nghệ thắc thỏm lo “ôm” lượng hàng mẫu chế tác sẵn với vốn liếng khá lớn. Thêm vào đó, là việc đơn hàng giảm, thì nhiều lao động làng nghề sẽ có một thời gian phải nghỉ tay.
Mặt hàng đang bán chạy đột ngột chững lại, người thợ làng nghề lo phải nghỉ tay một thời gian dài chờ xu hướng mới
Ông Nguyễn Văn Sơn, thợ làng nghề có gần 20 năm tuổi nghề ở làng đá Non Nước nói: “Nghề này từ đời ông cố tôi đã theo nghề rồi cứ thế mà cha truyền con nối. Chủ yếu khách hàng đặt làm mẫu nào thì chúng tôi làm theo mẫu đó chứ cũng không để ý. Hàng nào chạy thì cơ sở sản xuất họ làm hàng mẫu nhiều hơn, như tượng lân kiểu Trung Quốc. Chừ mà “ôm” hàng là cũng mất vốn nhiều lắm chớ. Như một cặp lân, sư tử đá có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/cặp. Mỗi cơ sở kha khá trước đây xuất vài chục cặp mỗi năm là bình thường. Chừ không có người mua thì để đó chứ không chế tác lại kiểu khác được. Thêm nữa, là chừ ít khách đặt mua, mặt hàng đang chạy đột ngột chững lại thì thợ thầy bọn tui cũng ít việc hẳn đi”
Ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất đá mỹ nghệ ở làng đá Non Nước nói trên cho rằng: “Ít nhất, cần có thời gian để các chuyên gia, nghệ nhân nghiên cứu những mẫu linh vật thuần Việt và giới thiệu ý nghĩa sao cho hấp dẫn người tiêu dùng. Như chế tác tượng con Nghê theo mẫu thuần Việt sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn, làng nghề phải chuyển hướng sao cho vừa đảm bảo giữ gìn thuần phong mỹ tục truyền thống thuần Việt, vừa đúng ý khách thì mới tiếp tục phát triển bền vững được”.
Khánh Hiền
Theo Dantri