Làng đá cổ Nà Vị – Nét kiến trúc độc đáo ở Cao Bằng
Miền Non nước Cao Bằng có một ngôi làng ẩn chứa vẻ đẹp vượt thời gian với lối kiến trúc độc đáo – làng đá cổ Nà Vị, xã Minh Long, huyện Hạ Lang.
Đây là một điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và kiến trúc cổ truyền của dân tộc Tày.
Theo ông Lý Văn Diệu, Trưởng xóm Nà Vị cho biết: Làng Nà Vị hiện có 102 hộ dân với 416 nhân khẩu, chủ yếu là người Tày. Các ngôi nhà cổ trong làng được xây dựng theo kiến trúc độc đáo, cụ thể: tường nhà được xây bằng những phiến đá lớn kiên cố, mái lợp ngói âm dương truyền thống, hệ thống cột, kèo và cửa được sử dụng bằng chất liệu gỗ. Hiện nay, trong làng có 60 ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc cổ đặc trưng. Điều này thể hiện sự bền bỉ và khả năng bảo tồn văn hóa đáng kinh ngạc của người dân nơi đây.
Kiến trúc độc đáo của ngôi nhà đá cổ ở làng Nà Vị.
Các ngôi nhà đá cổ ở Nà Vị không chỉ là nơi ở, mà còn là những minh chứng sống động cho lịch sử và văn hóa của cộng đồng người Tày. Những ngôi nhà này đã đứng vững trước thử thách của thời gian, với tuổi thọ trung bình hơn 100 năm, thậm chí có ngôi nhà đã tồn tại đến 150 năm. Bên trong những bức tường đá kiên cố là những gia đình với 3-4 thế hệ cùng chung sống, tạo nên một không khí đầm ấm và gắn kết.
Video đang HOT
Bếp lửa – nơi giữ hơi ấm trong mỗi gia đình người Tày.
Những ngôi nhà đá ở Nà Vị được xây dựng từ các phiến đá lớn, xếp chồng lên nhau một cách khéo léo. Kỹ thuật xây dựng này thể hiện công phu và phản ánh trí tuệ của người Tày. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần kiên cố và bền vững.
Điều làm nên sự quyến rũ của làng đá cổ không chỉ nằm ở kiến trúc độc đáo mà còn ở cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cũng như giá trị văn hóa bản địa. Nhìn từ xa, Nà Vị nằm nép mình dưới chân núi Phja Cao, bao quanh làng là những rặng tre xanh mướt và đồng lúa mênh mông, không xa là dòng sông Quây Sơn trong xanh, êm đềm khiến nơi đây hiện ra như một bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Bước vào làng sẽ bắt gặp hình ảnh người dân bản địa trong sắc áo chàm truyền thống hăng hái tham gia lao động sản xuất, nghe tiếng ngân nga của điệu hát Then, đàn Tính, như càng tôn vinh nét đẹp văn hóa của con người và mảnh đất nơi đây.
Nét đẹp của thiếu nữ Tày trong hoạt động sinh hoạt đời thường ở Nà Vị.
Làn điệu hát Then, đàn Tính ngọt ngào sâu lắng của thiếu nữ Tày.
Làng đá cổ Nà Vị là một di sản vô giá của người Tày, là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi làng không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Hãy một lần đặt chân đến Nà Vị để cảm nhận vẻ đẹp của một ngôi làng cổ kính, lắng nghe điệu Then, tiếng Tính cũng như những câu chuyện lịch sử từ những bức tường đá trăm năm tuổi và thấy được sự kiên cường, sáng tạo của người dân nơi đây.
Hoài
Độc đáo kiến trúc nhà sàn đá
Trùng Khánh không chỉ được biết đến bởi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nơi hiện vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Trong đó, nhà sàn đá ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy là một nét văn hóa độc đáo, có vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Tày.
|
Những ngôi nhà sàn xây bằng đá nằm san sát nhau ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy. |
Nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng gần 100 km, với 14 hộ dân sinh sống, 100% hộ là người dân tộc Tày, Khuổi Ky nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá tồn tại hàng trăm năm. Những ngôi nhà sàn đá bình dị với mái âm dương, chắc chắn, mộc mạc và độc đáo lấp ló sau những rặng tre, nằm quần tụ dưới chân núi, tất cả tạo nên khung cảnh đặc trưng.
Ông Triệu Ích Bút, 54 tuổi, làng trong, xóm Khuổi Ky cho biết: Nhà sàn của người Tày ở đây chủ yếu là nhà có hai mái được lợp bằng ngói âm dương vì dễ lợp, dễ sửa, xây dựng theo kết cấu khung cột kết hợp với tường đá dày; kiểu không gian ba tầng: tầng đất, tầng sàn, tầng gác. Tầng đất là nơi nhốt gia súc, gia cầm. Tầng sàn là nơi ngủ và sinh hoạt của gia đình. Tầng gác chứa đồ vật, các loại nông phẩm. Để dựng nhà, người Tày thường sử dụng gỗ, tre để chịu lực dựa trên kết cấu mái gồm: cột, xà ngang, xà dọc, mái. Cột nhà được làm bằng gỗ lim, nghiến được đẽo tròn và nhẵn hoàn toàn theo phương thức thủ công. Hệ thống cột được chôn thẳng xuống đất hoặc kê đá, sau đó sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn với cát và nước. Đặc biệt, bốn vách tường nhà đều được xây bằng đá, khác hẳn với nhà sàn các vùng khác. Bên trong nhà sàn thường được chia làm 3 gian hoặc 5 gian, chiều sâu từ 5 - 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2 - 2,5 m. Chiều cao của nhà thường từ 7 - 8 m. Những bức tường đá kiên cố dày khoảng 40 cm được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát.
Không gian sinh hoạt trong nhà có sự phân chia rõ rệt đó là ở phía trong cùng ngôi nhà đặt bếp lửa, kế bên trên đó đặt bàn thờ tổ tiên và các gian bên cạnh bàn thờ là chỗ ngủ các thành viên trong gia đình. Cửa nhà làm bằng gỗ, then cửa đặt ngang bằng gỗ hoặc tre. Phía bên ngoài có sàn phơi và cầu thang lên xuống, tất cả đều được xây bằng đá. Thông thường, nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà sàn đá mất khoảng 2 - 3 năm. Những ngôi nhà sàn đá thể hiện được sự khéo léo của đôi bàn tay, sự sáng tạo trong kiến trúc của đồng bào Tày nơi đây. Đặc biệt, số lượng bậc cầu thang lên nhà sàn bao giờ cũng là số lẻ 7 hoặc 9 bậc, bởi người Tày quan niệm chọn bậc cầu thang theo hồn vía con người (7 hồn 9 vía). Ông Bút cho biết thêm, khi chuẩn bị làm nhà mới người Tày rất chú ý việc xem tuổi chủ nhà có hợp hay không để chọn ngày động thổ, sau đó chú trọng xem hướng nhà tốt. Để làm nhà, đầu tiên chủ nhà phải đi xem ngày lành tháng tốt. Khi vào nhà mới, đun lửa trong bếp 3 ngày và không được để lửa tắt. Họ làm vậy với mong muốn mang lại hơi ấm và may mắn cho gia đình.
Ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên. |
Đến Khuổi Ky, du khách thập phương không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh những ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới thung lũng mờ sương hay bên những dải ruộng xanh mướt. Cùng với đó, du khách được trải nghiệm nét đẹp của những phong tục tập quán, lễ hội được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời, thưởng thức làn điệu then ngọt ngào của những cô gái Tày, những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc... Tất cả tạo nên hình ảnh đẹp bình dị, nên thơ, làm say lòng bao du khách gần xa.
Những "điểm hẹn" mùa hè Cao Bằng đang bắt đầu bước vào cao điểm vụ hoa và thu hoạch trái cây mùa hè, một số nhà vườn đã mở cửa cho khách du lịch đến tham quan. Đến nay, một số nơi trở thành điểm hẹn du lịch khi đến mùa hoa quả như: vườn hoa hướng dương Đoàn Thu Trà, vườn nho hạ đen Ánh Dương (Thành...