Làng cổ Đường Lâm nơi thời gian ngừng lại
Đến Đường Lâm để hòa mình vào cái êm ả yên bình của thiên nhiên đất trời, để sướng lịm khi cắn một miếng chè lam thanh ngọt và nhấp ngụm nước chè xanh thơm lừng.
Chúng tôi đến Đường Lâm trong chuyến đi thực tế giữa cái se sắt còn sót lại của một ngày nắng dịu tháng Ba.
Từ thị xã Sơn Tây xuôi theo quốc lộ 32 khoảng 4,5 km, rẽ trái theo con đường được trải nhựa uốn khúc mềm mại thêm chừng 400 m, ta bắt gặp cổng làng Mông Phụ – biểu trưng truyền thống đặc sắc của làng Việt cổ truyền.
Là cổng làng duy nhất còn sót lại gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, cổng làng Mông Phụ rêu phong, cổ kính trên trục đường chính dẫn vào làng, được dựng theo lối cổ truyền “thượng gia, hạ môn” – trên là cổng, dưới là nhà, với bốn cây cột cái đứng choãi chân trên những phiến đá xanh Đông Triều tròn vành vạnh như bốn chiếc cối đá đại đặt úp. Ý thức dựng làng, giữ làng để phát triển cho đời sau đã đi vào tâm thức các bậc tiền bối của làng Mông Phụ xưa khi ấn định hướng Đông làm vị trí cho cổng làng – nơi bắt nguồn ánh sáng của sự sống, nơi bắt đầu cho cái mới, và cũng là nơi đất nhiều nguồn sinh lực nhất.
Từ đây, chúng tôi thả bộ dọc theo những con đường nhỏ quanh co… Đường Lâm ban trưa vắng vẻ và yên bình đến kỳ lạ. Nắng trải trên những dãy tường đá ong màu hoàng thổ loang lổ vết rêu, đâu đây vọng ra từ những cổng nhà khép kín tiếng con trẻ khóc. Bầu không khí trở nên trầm mặc và tư lự, khiến mỗi chúng tôi như rơi vào một thế giới riêng mang tên hoài niệm, sống lại những ngày tháng xưa cũ trong tiếng à ơi của bà.
Video đang HOT
Theo con đường đất gồ ghề vắng vẻ đến cuối làng, mở ra trước mắt chúng tôi là bức tranh về nông thôn Bắc bộ đặc trưng với màu xanh mướt của những ruộng lúa bạt ngàn, cái mùi ngai ngái của rạ rơm, nồng nàn hương lúa mới đương thì con gái.
Đường Lâm hãnh diện là đất hai vua – nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc, Phùng Hưng và Ngô Quyền, lại càng tự hào hơn nữa khi mảnh đất nhỏ bé này cũng chính là quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc từng làm rạng danh đất Việt vào dịp tuế cống nhà Minh năm 1638, thám hoa Giang Văn Minh.
Không chỉ thế, nhắc đến Đường Lâm, người ta vẫn trìu mến một tên gọi rất riêng “làng Việt cổ đá ong”. Người làng Mông Phụ kể rằng, từ thời cụ bành tổ đã có đá ong. Loại đá này khi mới đào từ dưới đất lên tương đối mềm, có thể cắt thành những viên vuông vức. Trải qua những thăng trầm của thời gian, đá ong càng cứng, càng sần sùi, ghồ ghề, màu vàng nâu chuyển thành nâu sậm như được tráng một lớp mật ong rừng, khiến cho con người Đường Lâm càng thêm tin yêu vào mảnh đất mình đang sống – một cuộc sống bình dị nhưng vững bền.
Đến Đường Lâm vào giờ tan đồng, ngồi quán nước đầu làng nghe các cụ già kể chuyện “ngày xưa”. Hương sen từ ao làng len vào trong gió, ủ trên đôi hai má hây hẩy vì hanh khô của con bé con đang nép mình bên cạnh ông lão, thi thoảng lại liếc trộm chúng tôi như muốn dò xét những kẻ lạ mặt từ phương xa tới trong con mắt của một thiếu-nữ-lên-năm. Tôi nghe có tiếng thở dài, phải chăng ai đó đã bắt gặp chính mình trong hình ảnh cô bé ấy, của ngày xưa? Ai đó, hay lại chính tôi?
Cụ già vẫn tiếp tục câu chuyện của những tháng năm cũ, với cái tiếng nằng nặng đặc trưng của con người xứ Đoài, với ánh mắt xa xăm như tiếc nuối một thời trai trẻ.
Bạn chìa cho tôi một miếng nhỏ màu trắng ngà, bảo ăn thử. Tôi trợn mắt, thảng thốt. Bạn nguýt tôi một cái rất dài. Bà cụ bán nước chè nhìn chúng tôi, móm mém một nụ cười phúc hậu. Tôi cắn một miếng chè lam, cảm nhận rõ rệt cái vị dẻo thơm của gạo nếp, vị bùi của lạc, vị cay dịu của gừng, vị ngọt đậm của mật mía. Nhắm mắt và hít một hơi dài cái khí trời thanh bình, sảng khoái. Tất cả quyện vào nhau và tạo nên cái thơm mát đến lạ lùng, như tan ra trong vòm miệng và lan tỏa trong tâm trí.
Thoát ra khỏi những ồn ã tất bật của phồn hoa phố thị, đến Đường Lâm một ngày, để sống với cái thuần phác giản dị của con người vùng quê nơi đây, để hòa mình vào cái êm ả yên bình của thiên nhiên đất trời, để sướng lịm khi cắn một miếng chè lam thanh ngọt và nhấp ngụm nước chè xanh thơm lừng, lại chùng lòng và thấy rằng trái tim mình, cần lắm những khoảng lặng bên lề cuộc sống – thanh thản, đến như thế này.
Theo 24h
Đừng để làng cổ chỉ còn là những cái tên
Câu chuyện giữ gìn những giá trị làng cổ - trầm tích của văn hóa nông thôn được tích tụ suốt nhiều thế hệ vẫn là nỗi niềm của những người làm công tác bảo tồn và chính người dân đang sống tại những ngôi làng ấy. Phải làm sao khi làng "hóa" phố, đảm bảo quyền lợi của người dân như thế nào... đó vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải.
Bảo tồn làng cũng là bảo vệ những giá trị phi vật thể
"Xộc xệch" kiến trúc làng
KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích vừa đưa ra những hình ảnh so sánh làng cổ Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) từ năm 2004 đến năm 2013 với những thay đổi khiến ai xem qua cũng sững sờ. Từ một ngôi làng có bề dày lịch sử với những nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, thì nay làng Cự Đà chỉ còn thấy một khung cảnh "tan hoang". Những ngôi nhà cao tầng bê tông sừng sững mọc lên với biển hiệu quảng cáo chắp vá lộn xộn, từ đầu đến cuối làng như một công trường với những xe chở bột làm miến, chở vật liệu xây dựng... ngày đêm ra vào rầm rập. Con sông Nhuệ bị lấp dần để xây nhà xưởng, nhiều dấu vết văn hóa xưa kia đã biến mất. Ngay cả tấm biển đề tên làng cũng bị biến dạng đến thảm thương. KTS Lê Thành Vinh không khỏi chua xót: "May còn có cổng vào chứ không chúng tôi khó lòng nhận ra những địa danh ấy nữa".
Cùng chịu chung số phận với làng Cự Đà, những ngôi làng ven đô cũng không tránh khỏi những biến động mạnh mẽ trước cơn lốc đô thị hóa. PGS. TS Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ ra nghịch lý ở làng Kẻ Mơ (gồm ba làng Hoàng Mai, Tương Mai, Mai ộng ngày nay), quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tự phát dẫn đến thực trạng phố không ra phố, làng không ra làng. Đường làng được đặt tên phố nhưng vẫn là đường làng cũ, ngoằn ngoèo, chật chội, lộn xộn. Dân cư sống theo lối thôn xóm, nhưng nhà cửa lại được xây theo phố xá, sinh hoạt theo tổ dân phố. Trong khi đó, làng Đông Ngạc (Từ Liêm) cũng đang lúng túng trước việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống. Ngôi đình làng quy mô vốn là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng thường ngày của người dân thì nay chỉ phục vụ cho các dịp lễ hội, rằm hay mồng một hàng tháng. Trong khi đó, làng lại cho xây thêm một nhà văn hóa và nay lại bỏ không. Theo ông Đinh Khắc Thuân, việc xây dựng nhà văn hóa nhưng không theo quy cách này chẳng khác nào đang làm "xộc xệch" thêm kiến trúc cổ truyền làng xã.
Làng Cự Đà thành công trường xây dựng
Không bảo tồn theo kiểu "đóng băng"
Bài học của làng cổ Đường Lâm trong năm vừa qua là một minh chứng điển hình cho việc chúng ta chưa có sự nhận diện và tiếp cận đúng hướng trong việc bảo tồn làng cổ trước sự phát triển tất yếu của cuộc sống đương đại. Từ những vấn đề của Đường Lâm, PGS. TS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia thẳng thắn nhận xét: "Dường như chúng ta chỉ đang bảo tồn nhà cổ". Trong khi đó, bảo tồn làng cổ không những bảo tồn về mặt kiến trúc mà phải bảo vệ không gian "sống", từ kiến trúc cho đến các loại hình thiết chế vật chất của làng như đình, đền, chùa, cây đa, bến nước... Đồng thời , những thiết chế ấy phải được đặt trong mối quan hệ với những giai tầng khác nhau trong xã hội, với việc giữ gìn những giá trị văn hóa vật thể và cả phi vật thể, trong đó có nếp sống, phong tục, lễ hội... Nếu chỉ coi trọng những giá trị vật thể, thì rất có thể xảy ra tình trạng mà theo PGS. TS Hoàng Đạo Kính viện dẫn, có đến 95% người dân ở một xã thuộc tỉnh Hải Dương đã trả lời không muốn ở nhà cũ, nhà cổ. Vì ở nhà cổ cũng kéo theo muôn vàn nỗi... khổ, vì thiếu tính năng, thiếu tiện nghi mà cuộc sống vận động không ngừng nảy sinh ra những nhu cầu thiết yếu.
Bảo tồn làng cổ là công việc không đơn giản, nếu không được điều tiết bằng một hệ thống chính sách đồng bộ, đứng trên quan điểm từ nhiều góc độ để đánh giá. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội thừa nhận, giải quyết vấn đề này là một bài toán khó, nhất là khi việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với từng làng cổ phải phù hợp với đặc điểm, tính chất, điều kiện kinh tế từng vùng, từng địa phương. Nhưng thiết nghĩ, chính sự thiếu tiếng nói chung giữa những người thực hiện luật với nhau, hay với cộng đồng chủ thể người dân đang sinh sống tại chính những ngôi làng cổ, mà Đường Lâm là ví dụ điển hình, đang tạo ra những "bức tường" trong việc dung hòa lợi ích của việc bảo tồn và phát triển. Khi đã xảy ra sự xung đột này, thì người dân cũng không còn thiết tha giữ làng, giữ những giá trị truyền thống. Và khi đó, dần dà, làng cổ cũng chỉ còn là cái tên?
Theo ANTD
Làng cổ Đường Lâm: Sẽ có cơ chế đặc thù Xung quanh thông tin về một số hộ dân sinh sống tại thôn Đông Sàng và Mông Phụ thuộc làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tiếp tục viết đơn xin trả lại danh hiệu di sản lần 2, hôm qua 27-9, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã cử đoàn công tác về Đường Lâm để tiếp tục tìm hiểu những...