Làng cổ Đông Hòa Hiệp: Nơi lưu giữ nhiều kiến trúc Nam Bộ độc đáo
Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), nơi có những ngôi nhà cổ mang đậm phong cách nhà vườn Nam Bộ có tuổi đời hơn 100 năm, là điểm đến thu hút đông đảo du khách.
Du khách nước ngoài tham quan nhà cổ ông Kiệt tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Cùng với làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội và làng cổ Phước Tích ở Huế, làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Một trong những điểm ấn tượng đối với du khách khi đến với làng cổ Đông Hòa Hiệp là hình ảnh của những ngôi nhà cổ mang đậm phong cách nhà vườn Nam Bộ có tuổi đời hơn 100 năm.
Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia theo tại Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017.
Hiện nay làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80-100 năm. Trong các ngôi nhà này vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm và đẹp.
Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà chúng nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và trở nên cuốn hút du khách. Các ngôi nhà cổ ở đây không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay thu hút đông du khách quốc tế.
Nhà cổ ở làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Những ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp nằm rải rác trong các ấp An Bình Đông, ấp Phú Hòa, ấp An Lợi, ấp An Thạnh…Một số ấp nối với nhau như khu bàn cờ, trong bán kính khoảng 2km nên du khách chỉ cần một chiếc xe đạp hoặc đi bộ là có thể đi quanh làng.
Làng cổ nằm ở xã Đông Hòa Hiệp gồm 7 nhà cổ được xây dựng theo cấu trúc nhà truyền thống Nam Bộ có 5 gian, 3 chái hình chữ Đinh cùng các hoa văn chạm khắc, trang trí công phu.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp của huyện Cái Bè đã được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những di sản văn hóa quý giá và là cơ sở để tiềm năng du lịch sinh thái phát triển.
Nằm trong khuôn viên rộng hơn 19.000m2, được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) mang kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp.
Nhà được xây dựng vào năm 1850, trong nhà có lưu giữ các cổ vật quý hiếm như 4 cây cột bằng gỗ căm xe; 3 bộ tủ, bộ liễn khảm xà cừ; chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860; 9 bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa khung cảnh làng quê bình dị bên dòng sông.
Nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m2, gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh; trên các vì kèo, ô cửa… bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn như tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết đặc trưng văn hóa Nam bộ.
Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm.
Video đang HOT
Ngôi nhà đã được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “Cửu đại mỹ gia” (9 ngôi nhà đẹp nhất) ở Việt Nam; được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường Đại học Kiến trúc Nữ chiêu hoàng (Nhật Bản) đầu tư kỹ thuật và tài chính để trùng tu vào năm 2002.
Bên trong những ngôi nhà cổ, bức hoành phi, đôi liễn được chạm trổ tinh xảo. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Nhà cổ của gia đình ông Lê Quang Xoát (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, có diện tích hơn 700m2. Đây là ngôi nhà có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam Bộ.
Ngôi nhà có 3 gian 2 chái đôi toàn bằng gỗ quý, mái ngói âm dương trên diện tích khuôn viên vườn cây ăn trái 9.215 m2. Trải qua 6 đời, tuy có một số lần sửa chữa, tu bổ, nhìn bên ngoài như mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, nhưng bên trong ngôi nhà vẫn giữ được nét đặc trưng ban đầu theo lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam Bộ.
Đặc biệt, tại gian ngoài của ngôi nhà còn đặt 1 bộ ván ngựa đôi (2 miếng ghép lại) bằng đá cẩm thạch rất đặc biệt. Theo chủ nhà, bộ ván cẩm thạch này có tính năng đặc biệt là mát về mùa hè nhưng lại ấm về mùa đông. Nhiều người chơi đồ cổ đã tìm đến và nài nỉ mua với giá rất cao nhưng gia đình không bán.
Với bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật trang trí độc đáo cũng như một số ngôi nhà khác ở xã Đông Hòa Hiệp, nhà cổ của gia đình ông Lê Văn Xoát đã được tổ chức JICA và ngành văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014.
Nếu muốn trải nghiệm nghỉ ngơi, ăn uống ở nhà cổ, du khách có thể liên hệ trước với gia đình nhà ông Kiệt, ông Võ, ông Ba Đức… Những ngôi nhà này cổ này đều có dịch vụ du lịch homestay. Du khách có thể trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá; nghe đờn ca tài tử.
Ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đánh giá giá trị nghệ thuật kiến trúc nhà ở độc đáo của cư dân và văn hóa làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp gắn liền với vườn cây ăn trái, sông nước được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ước tính mỗi năm, làng đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.
Tỉnh Tiền Giang có dự án quy hoạch và đầu tư xã Đông Hòa Hiệp trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, thực sự là hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước gắn với các nhà cổ của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè Lê Văn Ý cho biết lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 7-9/11/2022 tại xã Đông Hòa Hiệp.
Trong 3 ngày lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và du lịch như hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả”; tổ chức farmtrip; triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ, trang trí tiểu cảnh; biểu diễn đờn ca tài tử; hội thi “Ẩm thực du lịch;” hội thi “Đua xuồng, thả đèn hoa đăng”./.
Viếng chùa Kh'leang Sóc Trăng - ngôi cổ tự mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer Nam Bộ
Du lịch Sóc Trăng, du khách không chỉ được trải nghiệm một vùng đất đa sắc màu văn hóa mà còn có cơ hội viếng thăm nhiều ngôi chùa Khmer cổ nổi tiếng như chùa Dơi, chùa Kh'leang,...
Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ cũng là nơi sinh sống, cộng cư của nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Khmer. Nổi tiếng là xứ sở có nhiều công trình tôn giáo bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long nên khi đến đây du lịch và khám phá, bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính và nguy nga, mang dấu ấn kiến trúc đặc trưng riêng biệt, không hòa lẫn với các nơi khác, trong đó phải kể đến ngôi chùa mang tên Kh'Leang.
Ngôi cổ tự mang đậm phong cách Khmer Nam Bộ Kh'Leang tọa lạc tại thành phố Sóc Trăng - nơi có hơn 20 ngôi chùa của nhiều dân tộc khác nhau. Đặc biệt, ngôi chùa này còn mang ý nghĩa rất thiêng liêng với đồng bào Khmer vì là nơi cử hành các nghi lễ tôn giáo, các lễ hội đặc trưng của dân tộc Khmer. Ngoài ra, đây còn là công trình lưu giữ các giáo lý nhà Phật, trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật
Sóc Trăng là vùng đất có nhiều chùa ở miền Tây.
Chùa Kh'Leang có lịch sử lâu đời
Theo truyền thuyết xa xưa, Khleang là một trong những chùa cổ nhất, công trình tôn giáo đầu tiên được xây dựng trong vùng, cụ thể là vào khoảng năm 1532 và gắn với địa danh Sóc Trăng, giữa khuôn viên rộng khoảng 4.000m2. Dấu ấn về vùng đất Sóc Trăng gắn liền với tên gọi Kh'Leang vì nếu dịch ra từ tiếng Khmer, sẽ có nghĩa là "xứ có kho", gợi về một vùng đất xưa trù phú và giàu có.
Tên gọi của chùa cổ Kh'Leang gắn liền với truyền thuyết địa danh Sóc Trăng.
Thời đó, Sóc Trăng vẫn còn là vùng đất hoang vu, chưa được bàn tay con người khai phá nên dân cư rất thưa thớt. Thậm chí, ban đầu chùa còn khá thô sơ do được xây dựng bằng nguồn vật liệu có sẵn tại chỗ, do lưu dân trong vùng đóng góp như tre, gỗ, lá,...
Đến ngày nay, những chứng tích buổi đầu thành lập chùa đã không còn nữa mà được thay bằng toàn bộ kiến trúc hiện đại do chùa được dựng mới lại từ những năm 1945.
Nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ.
Chùa cổ Kh'Leang với lịch sử gần 500 trăm hình thành và tồn tại, phát triển, đến nay vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer, thể hiện vẻ đẹp của một phong cách xây dựng tinh tế, sắc sảo, kết hợp hài hòa phong cách Việt - Hoa trong cách bài trí, sắp xếp.
Chùa Kh'Leang nằm ở đâu?
Địa chỉ: Đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, TP. Sóc Trăng, cách Trung tâm chợ TP. Sóc Trăng khoảng 1km.
Là một trong những chùa Khmer cổ kính ở Sóc Trăng, chùa cổ Khleang có vị trí khá đẹp và thuận tiện vì nằm ngay trung tâm thị xã, bên bờ sông Trăng thơ mộng. Công trình tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn, xung quanh có hàng rào bao bọc bằng, cổng ra vào được trang trí tỉ mỉ bằng hoa văn cổ truyền Khmer, nhìn lên trên là tán cổ thụ, hàng thốt nốt - loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer mát rượi soi bóng.
Chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đẹp và độc đáo.
Đến viếng chùa cổ, du khách sẽ vừa được tận hưởng không khí trong lành giữa khuôn viên rộng rãi, xanh mát vừa được tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer cũng như được các nhà sư hoặc bậc cao nhiên địa phương kể về truyền thuyết nguồn gốc Sóc Trăng, đồng thời chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa thể hiện qua những nét đẹp dưới đây.
Chùa mang giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc.
Kiến trúc độc đáo của chùa KhLeang
Theo các thư tịch xưa thì chùa cổ KhLeang được xây dựng từ năm 1532, với vật liệu chủ yếu là gỗ và lá. Qua từng thời kỳ, năm 1918 và 1945, ngôi chùa nhiều lần được xây mới lại bằng gạch và ngói để có dáng vẻ như hiện nay. Nhìn tổng quan, chùa có kiến trúc gần giống như các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia.
Ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng.
Cũng giống như chùa Chén Kiểu hay chùa Dơi, quần thể kiến trúc chùa cổ Khleang bao gồm: chính điện, khu sa la, nhà tăng và hội trường,... Các công trình chính phụ đều được bố trí hài hòa trên nền đất cao ráo. Chùa có vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong. Điểm đặc sắc là khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng khiến cho du khách có cảm giác chùa chiếm diện tích rất lớn.
Cổng chùa quay mặt về hướng Đông.
Điểm khác biệt của công trình tôn giáo Khmer này so với chùa Hang, chùa Ông Bổn hay chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên là hầu hết đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ xưa. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong. Chưa kể, các công trình dù chính hay phụ đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn với các họa tiết tinh xảo thể hiện phong cách kiến trúc cổ kính và tinh tế của người Khmer.
Đầu tiên ngay khi bước vào khuôn viên Khleang tự, bạn sẽ nhận ra cổng chùa quay mặt về hướng Đông và được trang trí hoa văn cầu kỳ, màu sắc rực rỡ đặc trưng cho văn hóa Khmer. Phần mái chùa được xây dựng theo hình thức tam cấp. Trên mỗi cấp lại có 3 nếp với nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên và đặc biệt là không có tháp nóc chùa. Ở các góc của mái chùa được đắp hình đuôi rắn cong vút lạ mắt.
Tòa chính điện nằm ở trung tâm được chia làm ba bậc nền.
Nhưng đặc sắc và tỉ mỉ nhất lại chính là chánh điện của ngôi cổ tự. Chùa Kh'leang được xây cao lên với 3 bậc tam cấp, mỗi bậc cao khoảng 1 mét có hàng rào bao bọc xung quanh. Phía trước có 7 hàng cột ngang ở phía trước, mỗi hàng lại có 10 cây cột trụ kéo dài ra tận phía sau. Các cây cột bằng gỗ đều khá to, đen mượt, được sơn thếp bằng vàng và khắc các hình ảnh nói về cuộc đời Đức Phật cùng các sinh hoạt Phật pháp. Trên trần chính điện và chung quanh đều được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật, qua đó thể hiện được sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa Khmer.
Chính điện có bức tượng Phật cao 6,8 m.
Càng đi sâu vào bên trong ngôi chánh điện, du khách càng cảm nhận được những chi tiết trang trí, hình ảnh, hoa văn tinh xảo. Khu vực những bức tường thấp được dựng dọc theo hành lang tạo thành hình cánh sen hoặc các hình khối, có đường viền cách vách chánh điện 1,5 m. Gần các bức tường thấp này, các vị sư trồng đã cho trồng nhiều loại cây đặc trưng của địa phương như thốt nốt, cây hoa sứ,...
Trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ.
Ở từng đầu cột phía hành lang bao quanh chính điện còn có tượng Krud với tư thế dang tay chống đỡ. Ngoài ra, ở các bậc thang dẫn lên cao cũng trang trí các tượng thần Teahu và tượng chằn (Yeak).
Trong các câu chuyện cổ Khmer thì Yeak (Chằn) chính là nhân vật tượng trưng cho cái Ác, nhưng sau này đã được đức Phật cải hóa, thường có dáng vẻ dữ tợn, miệng to, lông mày xếch, răng nanh dài, mắt lồi. Chằn hay đội mũ nhọn, mình mặc áo giáp, tay cầm cái chày dài. Yeak thường được đặt đứng hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện nhằm mục đích bảo vệ ngôi chùa.
Bộ mái chùa được xây theo ba nếp.
Ngoài những chi tiết trang trí chính, chính điện chùa còn được vẽ sơn dầu các hình tượng sinh động khác như chim muông hoa lá hoặc hình tiên nữ đang múa trên bầu trời rộng bao la. Khuôn viên chùa còn có nhiều tủ kính lưu giữ một số sách cổ, trong đó có một bản sao tài liệu ghi chép thư tịch gốc về địa danh Sóc Trăng cũng như sự kiện xây dựng chùa đầu tiên cùng các bậc tiền hiền có liên quan trực tiếp đến nhà chùa. Ngoài ra, cũng có nhiều cổ vật và hơn 50 tượng Phật làm bằng đồng.
Kiến trúc chùa có sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc.
Có thể nói chùa KhLeang mang đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, qua đó thể hiện rõ đặc trưng nghệ thuật truyền thống của người Khmer xưa và nay. Không những vậy, nhiều chi tiết trang trí, xây dựng đã chứng tỏ sự giao thoa nghệ thuật của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa như bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ. Đây thực sự là công trình có giá trị cao về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc trong quá trình cộng cư lâu dài ở vùng đất nổi tiếng có chợ nổi Ngã Năm và vườn cò Tân Long.
Không chỉ là công trình tôn giáo mang giá trị kiến trúc lịch sử cao, chùa còn là nơi cử hành các nghi thức lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Khmer như Tết Chôl - Chnăm - Thmây, lễ hội Dolta, Lễ Ooc - Om - Boc, nơi diễn ra cuộc thi đua ghe Ngo,...
Chùa còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer.
Chùa Kh'leang đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 27 tháng 4 năm 1990.
Nếu có dịp du lịch miền Tây, check in Sóc Trăng, bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội viếng ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi mang tên Khleang nhé. Hãy đến chùa cầu an, dạo bước giữa khuôn viên ngập bóng cây xanh, tận hưởng không khí trong lành và nhớ dành thời gian tìm hiểu về các thư tịch cổ Khmer cũng như nghe kể lại truyền thuyết về nguồn gốc tên gọi Sóc Trăng, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đẹp và độc đáo này bạn nhé!
Giữa Đắk Nông nghe đại ngàn hát Thành phố này không chỉ khoác lên mình vẻ xa hoa, hào nhoáng mà còn đó là những công trình kiến trúc cực kỳ độc đáo. Đắk Nông hiện nổi lên với cơn sốt đất vì khí hậu ôn hòa, giá đất còn tương đối rẻ. Nhưng Đắk Nông hoàn toàn không chỉ có thế. Núi lửa Krông Nô - Ảnh: Thanh Hải...