Làng cổ độc nhất vô nhị, dân quanh năm nói chuyện gây cười thuộc tỉnh nào của Việt Nam?
“ Làng cười Văn Lang” (xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bao đời nay nức tiếng gần xa bởi sở hữu kho tàng văn học đồ sộ trường tồn với thời gian và là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách con người vùng Đất Tổ linh thiêng.
Theo sử sách còn lưu giữ được và lời kể của các bậc cao niên trong làng, thuở xưa khi khai thiên lập ấp, Văn Lang xưa (nay là xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là ngôi làng có nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ, người dân trong làng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Trải qua bao dâu bể của thời gian văn nghệ nông nghiệp làng Văn Lang được hình thành, phát triển và tích lũy từ đời này sang đời khác, tạo ra môi trường văn hóa lý tưởng để người dân trong làng sáng tạo các tác phẩm dân gian.
Tiếng cười là “thang thuốc bổ” xua tan những vất vả nhọc nhằn thường nhật của người dân làng cười Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là kho tàng truyện cười, nơi chất chứa những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của người dân làng Văn Lang xưa. Khi cuộc sống nhiều khó khăn, họ dùng tiếng cười xua tan những vất vả, cực nhọc thường nhật, nuôi dưỡng niềm lạc quan, yêu đời, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cho đến nay, nét văn hóa trong sáng tác truyện cười quần chúng này vẫn luôn được người dân trong xã gìn giữ, lưu truyền và tiếp tục phát huy, để rồi mỗi khi đặt chân đến vùng đất cổ Văn Lương, người ta vẫn cất lên tiếng gọi: Làng Cười Văn Lang!
Không cầu kỳ cũng chẳng hoa mỹ, truyện cười của người dân Văn Lang chỉ đơn thuần là những mảnh ghép mộc mạc, dung dị của cuộc sống, từ lao động sản xuất đến sinh hoạt đời thường, tình yêu lứa đôi, yêu gia đình, quê hương, khát vọng tương lai,…
Tất cả đều được người dân Văn Lang ví von bằng những hình ảnh chân thực, sinh động mang đến tiếng cười, niềm vui lan toả khắp xóm làng. Những mẩu truyện dân gian như Củ sắn qua đường 24, Khoai dẻo, Thuyền đu đủ, Tay ải tay ai, Con ếch cốm… đã quá đỗi thân thuộc trong tiềm thức mỗi người con vùng đất Văn Lang.
Bao nhiêu câu chuyện tếu hài là bấy nhiêu “thang thuốc bổ” xua tan giọt mồ hôi nhọc nhằn trên những thửa ruộng, luống cày, bãi ngô, pha chút “gia vị” tinh thần cho bữa cơm sum họp thêm phần ấm cúng.
Khác với truyện cười dân gian cổ điển, ngôn ngữ xúc tác tạo ra tiếng cười trong những câu truyện của làng Văn Lang có phần phóng khoáng và linh hoạt, đan xen giữa văn xuôi và văn vần, thơ lục bát, ca dao, tục ngữ.
Video đang HOT
Bởi lẽ, những sáng tác truyện cười Văn Lang đều xuất phát từ nguồn cảm hứng ngẫu nhiên trong cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn nên ngôn ngữ sử dụng thường chồng lợp nhiều lớp từ cổ, từ địa phương, tuy giản dị mà đa chiều, đa nghĩa.
Qua sưu tầm và chọn lọc, đến nay, “Làng Cười Văn Lang” có gần 100 mẩu truyện cười, ca dao, tục ngữ nổi bật, được người dân gìn giữ, cách tân và lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ.
Bên cạnh việc sở hữu kho tàng văn học hài hước, phong phú, đa dạng “Làng Cười Văn Lang” còn lưu giữ lại nét độc đáo trong chất giọng đặc thù của địa phương. Giọng nói của người Văn Lang có thổ âm riêng biệt, khi phát âm thường khéo dài, ề à trong câu chữ, tiếng lanh lảnh, lúc trầm lúc bổng, lạc thanh tưng tửng,…
Đặc biệt, trong lối giao tiếp, hành văn người Văn Lang thường xuyên sử dụng hệ thống từ Hán Việt và từ ngữ địa phương phong phú làm điểm nhấn để thu hút người nghe, điều này đã vô tình tạo ra dấu ấn riêng trong văn hóa giao tiếp “Làng Cười Văn Lang”.
Thế hệ trẻ của “Làng cười Văn Lang”.
Về thăm khu chợ quê làng Văn Lang những ngày giáp Tết, tôi không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh mộc mạc, dung dị chốn làng quê yên bình, lắng nghe những ồn ào, nhộn nhịp kẻ bán người mua tấp nập, tiếng nô đùa, rộn ràng, ríu rít của đám trẻ thơ… mà còn ấn tượng bởi những lời giao bán nông sản hóm hỉnh, độc đáo của người dân nơi đây:
“Văn Lang có cây rau rền/ Trèo lên ngọn thấy ba miền nước non”; “Làng tôi trồng loại ớt cay/ Mới ngửi ngoài vỏ lăn quay ra nhà”…
Dẫu chỉ là những sản phẩm nông nghiệp bình dị, nhưng đặt vào những câu ca dao lại trở nên vô cùng sống động.
Là một trong những người gắn bó với ngôi làng cổ Văn Lang hơn nửa quãng đời, ông Bùi Văn Phẩm bộc bạch: “Truyện Cười Văn Lang từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con Văn Lang. Mỗi mẩu truyện, câu ca dao, tục ngữ không đơn thuần chỉ nhằm tạo ra tiếng cười giải trí mà chất chứa trong đó là nỗi niềm, tình cảm của người dân thôn quê, lòng ngợi ca vẻ đẹp quê hương, nét văn hóa, tập quán đặc trưng, dung dị của vùng đất văn hiến ngàn đời”.
Ngày nay, kho tàng văn học đồ sộ của “Làng Cười Văn Lang” không chỉ được biết đến qua các câu chuyện truyền miệng mà nhiều tập thơ, truyện ngắn sưu tầm truyện cười làng Văn Lang được xuất bản rộng rãi cả trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, những tiểu phẩm hài tết dựa trên cốt truyện “Làng Cười Văn Lang” được phục dựng nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của làng Việt cổ Văn Lang.
Bà Hán Thị Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lương cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của “Làng Cười Văn Lang”, hằng năm xã Văn Lương thường tổ chức các buổi giao lưu tại các trường tiểu học và THCS trong và ngoài xã, truyền tải thông điệp giáo dục giàu giá trị nhân văn từ các mẩu truyện cười ý nghĩa, khơi gợi nét đẹp văn hóa Làng Cười Văn Lang đến thế hệ trẻ.
“Bên cạnh đó, xã còn thành lập Đội diễn văn nghệ, thường xuyên tổ chức các buổi diễn hài kịch vào dịp lễ, Tết để người dân trong xã được thưởng thức trọn vẹn giá trị văn hóa đặc sắc của làng Việt cổ Văn Lang”
Bà Hán Thị Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ .
Khi giông lốc đi qua
Những ngày đầu tháng 5, người dân tại nhiều địa phương của tỉnh Phú Thọ phải gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai.
Những trận mưa lớn kèm theo giông lốc không chỉ gây thương vong mà còn lấy đi tài sản của nhiều người. Để giảm bớt phần nào mất mát đó những người làm công tác Mặt trận đang nỗ lực đến với người dân với những phần quà ý nghĩa, thiết thực.
Nhiều ngôi nhà ở Cẩm Khê (Phú Thọ) tan hoang sau giông lốc.
Ruộng vườn, đường sá, nhà cửa tan hoang là những hình ảnh chúng tôi ghi lại ở nhiều huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh trong những trận mưa giông lớn vừa qua. Huyện miền núi Tân Sơn là một trong 10/13 huyện, thành thị của tỉnh Phú Thọ bị thiệt hại nặng nề từ đợt giông lốc ấy.
Trong ngôi lán tạm mới được dựng lên sau khi bị mưa lốc thổi bay, anh Hà Văn Min (xóm Cọ Sơn 1 xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn) đang cùng vợ thu dọn lại những vật dụng cần thiết còn sót lại được.
Để dựng lại một nơi ở mới thực sự là bài toàn "nan giải". Anh Min nhẩm tính cũng phải ngót nghét tốn tới vài chục triệu đồng. Điều đó vượt ngoài tầm với của đôi vợ chồng trẻ như anh.
Anh Min chia sẻ, sau khi thiên tai xảy ra gia đình anh đã được Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong thôn cùng xắn tay vào cùng giúp đỡ gia đình dọn dẹp thu dọn nhà cửa, xây dựng nơi ở tạm để chờ xây nhà mới.
Là một trong ba hộ dân có nhà bị sập đổ hoàn toàn của huyện Tân Sơn, gia đình anh Phùng Văn Quân (xóm Còn 1- xã Thu Ngạc cũng nhận được số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ. Anh Quân cho biết, với sự động viên kịp thời từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, gia đình anh sẽ có thêm nguồn lực để có thể xây dựng được nơi an cư mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Vũ Tiến Bắc cho biết trận giông lốc xảy ra vào chiều tối ngày mùng 8 và ngày 9/5/2020 đã làm 3 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 70 nhà dân và 2 nhà văn hóa khu dân cư bị tốc mái; có trên 48 ha lúa, ngô bị đổ thiệt hại từ 30-70%; 43 ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy. Ngay sau khi xảy ra sự cố UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng rà soát, thống kê thiệt hại để kịp thời thăm hỏi, động viên, huy động các lực lượng hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại như dọn dẹp nhà cửa, lợp lại nhà bị tốc mái, khắc phục các diện tích lúa ngô bị gãy đổ.
Ông Bắc cũng cho biết, để góp phần giúp các hộ gia đình bị thiệt hại có thể xây dựng được nơi ở mới UBND huyện Tân Sơn hỗ trợ đối với 1 nhà sập hoàn toàn là 19 triệu đồng (trong đó UBND huyện hỗ trợ 15 triệu đồng, UB MTTQ huyện hỗ trợ 2 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 1 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 1 triệu đồng).
Cũng tương tự như Tân Sơn, Yên Lập là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận giông lốc đêm qua. Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đến 12h ngày 10/5 toàn huyện đã có 16 nhà ở bị sập đổ hoàn toàn cùng 430 nhà bị tốc mái; 62 phòng học bị tốc mái; trên 211 ha lúa bị thiệt hại; 450ha cây lâm nghiệp bị gẫy đổ... với ước tính thiệt hại 22 tỷ đồng.
Theo Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lập Đinh Thị Thu Thủy cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, MTTQ đã chủ động phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương huy động các lực lượng giúp dân thu dọn nhà cửa. "Nhiệm vụ cấp thiết lúc này mà huyện Yên Lập là tổ chức lực lượng, nhanh chóng giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống; phát huy tinh thần tương thân, tương ái đùm bọc giúp đỡ lân nhau trong cơn hoạn nạn. Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn; huy động các lực lượng, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, các đoàn thể cùng chung tay giúp các gia đình bị ảnh hưởng theo đúng phương châm "4 tại chỗ"- bà Thu khẳng định.
Thông tin về phương án hỗ trợ của Mặt trận đối với các địa phương bị thiệt hại, ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết trên cơ sở số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình. Việc hỗ trợ tập trung vào 3 nhóm đối tượng là các gia đình có người bị thương vong, các gia đình bị sập đổ hoàn toàn. Mức hỗ trợ đối với gia đình có người bị thiệt mạng là 5 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có người bị thương là 2 triệu đồng; hỗ trợ cho gia đình có nhà bị sập hoàn toàn là 5 triệu đồng/nhà.
Ông Nguyễn Hải cũng cho biết, đối với hơn 2.500 hộ gia đình bị thiệt hại một phần (từ 30-70%), Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ cho rà soát và tập trung hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế không có khả năng khắc phục từ nguồn kinh phí của Quỹ "Vì người nghèo" để giúp bà con sửa chữa nhà cửa, có nơi ở trong thời gian sớm nhất.
"Hiện tại, Ủy ban MTTQ tỉnh đã trích gần 300 triệu đồng từ "Quỹ cứu trợ" của tỉnh để hỗ trợ nhân dân. Bên cạnh đó các huyện, thị đang tiếp tục rà soát các hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng để đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ"- ông Nguyễn Hải thông tin.
*Để kịp thời, chia sẻ với những khó khăn với các địa phương bị thiệt hại, trong ngày 11 và ngày 12/5 Đoàn công tác của UBMTTQ tỉnh Phú Thọ do ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình bị thiệt hại do giông lốc tại các huyện Tam Nông, Cẩm Khê, Tân Sơn và Yên Lập.
Cùng ngày 12/5, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Chí Thắng đã đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà bị sập tại huyện Thanh Ba; thăm 2 cháu học sinh bị thương tại Thị xã Phú Thọ.
Mưa giông khiến 1 người tử vong, gây nhiều thiệt hại về tài sản Từ đêm 8/5 đến sáng 9/5, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm 1 người bị chết, 8 người bị thương, gây thiệt hại nhiều tài sản nhà cửa và hoa màu của người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Dông lốc làm nhiều gia đình bị thiệt hại về tài sản tại Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)...