Làng chài Sê San vui đón tết… miền Tây
Vừa tất bật chăm sóc những lồng cá bồng bềnh bên sông để chuẩn bị thu về một mẻ lưới nặng đầu năm, những ngư dân ở “ xóm làng chài” vừa tất bật sắm sửa, trang hoàng nhà cửa đón tài lộc đầu xuân Kỷ Hợi.
Sau nhiều giờ đồng hồ lênh đênh giữa bốn bề sông nước, trước mắt chúng tôi đã hiện ra những ngôi nhà bè giữa dòng Sê San. Đây là những ngôi nhà của các ngư dân thuộc thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum. Những ngôi nhà được kết nối với nhau giữa những ngọn núi hùng vĩ và một dòng sông thơ mộng. Một bức tranh hoàn toàn khác xa với những lần đến trước đó, chúng tôi ngỡ ngàng với không khí náo nhiệt và tưng bừng nơi đây. Những tiếng cười giòn tan của các ngư dân trên dòng Sê San, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ như xua tan đi sự nhọc nhằn, mệt mỏi của chúng tôi sau một ngày dài ngồi thuyền vượt sóng nước. Những điều đó cho thấy người dân nơi đây sẽ đón một cái tết ấm áp trên bờ, trong ngôi nhà mới.
Các ngư dân vui mừng bên mẻ lưới cuối năm. Ảnh: Trần Hiền
Sê San là một trong những dòng sông lớn nhất của khu vực Tây Nguyên, với chiều dài hơn 200km chảy qua hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum trước khi tới hạ lưu phía Campuchia. 10 năm trước, giữa dòng sông này xuất hiện một làng chài là nơi những con người xa xứ lưu lại để mưu sinh bằng nghề đánh bắt và nuôi cá. Họ chủ yếu là những người đến từ miền Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thừa Thiên – Huế…
Trước đây, cuộc sống của 24 hộ dân ở làng chài là những tháng ngày lênh đênh sông nước với những căn nhà nhỏ được dựng tạm bằng thân cây nứa ghép lại. Khi ấy, những lúc trời nổi dông gió, họ chỉ biết thu mình trong ngôi nhà nhỏ, nín thở chờ tai họa qua đi. Gần 10 năm, cái tết của họ không được mấy trọn vẹn, bọn trẻ ở làng cũng không được nô đùa hay đi chơi tết, vì những nguy hiểm rình rập nơi con nước…
Video đang HOT
Làng chài Sê San sẽ là nơi phát triển kinh tế của người dân sau khi lên bờ. Ảnh: Trần Hiền
Cứ ngỡ rằng cuộc sống của những ngư dân ở xóm làng chài sẽ không bao giờ đổi thay được, ấy vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra. Họ được chính quyền cấp đất, xây nhà và hỗ trợ giống cá để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Sức sống mới trên dòng Sê San
Thật khó tả hết cảm xúc hiện hữu trên khuôn mặt rạng ngời của ông Nguyễn Văn Triều (SN 1975, quê An Giang) khi ông vừa xuất bán xong 4 lồng cá, thu về gần 150 triệu đồng. Ông cười rổn rảng cho hay: Vậy là năm nay ăn tết ngon nghẻ rồi, còn 2 lồng cá lăng đầu năm tới sẽ bán. Cũng tròn 10 năm lênh đênh trên sông rồi đấy, trước đây vì cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên ông khăn gói cùng anh em vào lập nghiệp ở Đăk Lăk, một thời gian sau đó thì chuyển qua Gia Lai, rồi “kết duyên” với dòng sông này. Cũng nhờ chính quyền quan tâm nên người dân ở đây đã có được ngôi nhà trên bờ cho con em đi học được thuận tiện, người lớn cũng yên tâm hơn trong cuộc sống.
Những ngôi nhà mới này sẽ mở ra một cuộc sống ổn định với các ngư dân nơi đây. Ảnh: Trần Hiền
“Tết này chúng tôi sẽ lên bờ đón tết, làng xóm lại được quây quần bên nhau lâu hơn, không sợ mưa gió dưới sông nữa. Có đất, có nhà rồi, nay chúng tôi còn vững về kinh tế nữa vì được sự hỗ trợ cá giống từ chính quyền. Năm 2015 nhà tôi mới có 2 lồng, nhưng chỉ sau 3 năm đã tăng lên 6 lồng rồi. Năm nay là năm đầu tiên được đón cái tết trên bờ nên vợ chồng tôi cũng sắm sửa tươm tất lắm…” – ông Triều bảo.
“Xã cũng đã thành lập Hợp tác xã Sê San để bao tiêu và tìm đầu ra cho những sản phẩm mà người dân làm ra. Sắp tới xã sẽ xây dựng làng nghề về đánh bắt và nuôi trồng hải sản ở làng chài Sê San”.
Ông Chế Hồng Quyền
Bên cạnh việc phát triển nguồn lợi có sẵn, những ngư dân làng chài còn biết đánh bắt cá cơm dưới lòng hồ để làm nên món bánh tráng cá cơm đặc sản của làng.
Trải lòng với chúng tôi, ông Trần Tằm (SN 1961, quê gốc Thừa Thiên – Huế) cũng bùi ngùi chia sẻ: “Sau mấy năm trời sống đời trôi dạt trên dòng Sê San, tết năm nay chúng tôi đã chính thức được lên bờ. Dù đã quen cuộc sống dưới nước nhưng tính đi cũng phải tính lại, thấy cuộc sống ở đây rất bất tiện. Chúng tôi già rồi thì không sao, nhưng còn bọn trẻ hàng ngày phải lên xuống thuyền đi học nguy hiểm lắm, nhất là vào mùa mưa. Giờ có nhà cửa đàng hoàng trên bờ để mời tổ tiên về ăn tết rồi, được sum vầy bên nhau gói bánh chưng nữa… Mới nghĩ thế mà đã mừng rơi nước mắt”.
Ông Chế Hồng Quyền – Chủ tịch xã Ia Tơi cho biết, năm 2018 xã đã cấp đất và bắt đầu xây dựng nhà cho 24 hộ dân làng chài Sê San. Tết Nguyên đán nàyhọ đã có nhà cửa và đón tết trên bờ. Hiện phía huyện đang hoàn thành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ được cấp 400m2. Bên cạnh việc cấp đất xây nhà ổn định chỗ ở cho người dân, chính quyền còn tạo kế sinh nhai, phát triển kinh tế cho các hộ dân. Hàng năm Sở KHCN, Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum và xã đã hỗ trợ các loại giống cá cho bà con chăn nuôi ngay trên dòng Sê San.
Theo danviet.vn
Khởi tố vụ cất giấu 37,5m3 gỗ lậu dưới chân đập Thủy điện Sê San 3A
Liên quan đến vụ việc bắt giữ bãi tập kết gỗ lậu 37,5m3 dưới chân đập Thủy điện Sê San 3A, kiểm lâm đã khởi tố vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ sang công an tiếp tục điều tra chủ gỗ.
Ngày 28-1, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án cất giấu lâm sản trái phép diễn ra dưới chân đập Thủy điện Sê San 3A (xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum).
Theo vị lãnh đạo này, thời điểm khởi tố vụ án, đơn vị chưa xác định chủ gỗ, cũng như chưa xác định được vị trí gỗ khai thác từ đâu. Vụ việc đã được hạt chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ vị trí khai thác và chủ gỗ theo thẩm quyền.
Trước đó, như Báo SGGP phản ánh, vào khoảng 23 giờ ngày 17-12-2018, sau nhiều lần tuần tra, trinh sát, Đội Kiểm lâm cơ động số 3, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum bất ngờ ập vào kiểm tra tại khu vực bến sông nằm dưới chân đập Thủy điện Sê San 3A (xã Ia Tơi) thì phát hiện bãi tập kết gỗ. Qua đo đếm, xác định có tổng cộng 41 lóng, chủng loại thuộc nhóm III đến nhóm VI, tổng khối lượng gỗ là 37,5m gỗ.
Sông Sê San đoạn qua xã Ia Tơi, thuộc huyện biên giới Ia HDrai là đoạn giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Đây được đánh giá là một trong những cung đường vận chuyển gỗ lậu từ Kon Tum về Gia Lai trước khi tuồn vào các xưởng gỗ. Điều đáng nói, đây không chỉ là lần đầu tiên ngành chức năng bắt gỗ lậu tập kết ở sông. Trước đó, vào ngày 30-10, cũng tại sông Sê San đoạn qua xã Ia Tơi, ngành chức năng cũng đã bắt giữ 3 sà lan chở gỗ đang chờ tẩu tán với khối lượng gỗ vi phạm hơn 40m.
HỮU PHÚC
Theo SGGP
"Làng miền Tây" khấm khá nhờ nuôi cá lồng bè ở Tây Nguyên Đươc hô trơ giông ca, 29 hô dân trên lang chai tai thôn 7, xa Ia Tơi, huyên Ia Hdrai, tinh Kon Tum đa biêt tân dung long hô, nuôi ca lông be mang lai thu nhâp ôn đinh. Chi trong 6 thang đâu năm, vơi khoang 70 lông ca nhưng hô dân nay đa vê 31, 75 tân ca Đo la lang...