Làng cá khô Gành Hào sôi động vào mùa Tết
Với 600 tàu cá, huyện Đông Hải chiếm đến một nửa tổng số phương tiện khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu.
Công đoạn xẻ cá để mang đi phơi khô.
Cùng với khai thác thủy sản, nghề làm khô của người dân nơi đây đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh từ rất lâu. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, cũng là lúc không khí của những làng nghề làm khô ở huyện Đông Hải càng nhộn nhịp.
Những cơ sở sản xuất khô tại Đông Hải đang tất bật chuẩn bị các mặt hàng khô truyền thống phục vụ Tết. Nắng to, gió nhiều được xem là yếu tố thời tiết thuận lợi đối với nghề làm khô.
Những ngày này, làng khô tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải luôn trong không khí lao động náo nhiệt. Mỗi người một công việc, xẻ khô ướp muối, mang khô phơi nắng… Tất cả đều diễn ra với nhịp điệu khẩn trương, ai cũng tranh thủ, hy vọng sẽ làm ra nhiều sản phẩm chất lượng trong tiết trời nắng đẹp.
Bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền, ở ấp 1, thị trấn Gành Hào, gắn bó với nghề làm khô đã hơn 20 năm, từ khi còn là thiếu nữ cho đến nay đã có cháu ngoại, cháu nội. Cần mẫn đảo từng con cá khô dưới cái nắng chang chang, bà Tuyền cho biết, năm nào cũng vậy, từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, các thành viên trong gia đình bà lại tất bật vào mùa khô phục vụ Tết. Nghề làm khô của gia đình bà Tuyền cũng như những hộ dân khác ở đây diễn ra quanh năm, nhưng mùa Tết là mùa sôi động nhất, làm nhiều sản phẩm nhất và cho doanh thu tốt nhất. Để con khô tại đây đạt chất lượng, có thương hiệu, những công đoạn làm khô từ thu mua nguyên liệu, đến xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói sản phẩm đều phải đảm bảo đúng quy trình. Những sản phẩm như khô cá lưỡi trâu, khô cá đuối, khô cá lù đù, cá khoai, khô mực, tôm khô… sau khi thành phẩm không chỉ phục vụ thị trường tại Bạc Liêu mà được vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố, là mặt hàng biếu Tết được người dân ưa chuộng.
Video đang HOT
Cá sau khi xẻ được mang đi phơi khô.
Làng khô của huyện Đông Hải chia thành nhiều tầng nấc, từ những gia đình làm khô nhỏ lẻ kiểu truyền thống đến các cơ sở sản xuất quy mô. Nhưng dù sản xuất theo hình thức nào, thì con khô ở đây cũng nổi tiếng ngon, là mặt hàng nhiều người kiếm tìm. Đông Hải cũng là địa phương có nhiều vựa khô nhất tỉnh. Người dân làng nghề sau khi sản xuất, một phần bán tự do ra bên ngoài, nhưng phần lớn là bán cho vựa. Từ các vựa, khô sẽ được đóng gói bao bì bán cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, địa phương có trên 30 cơ sở sản xuất, chế biến khô (chủ yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào), mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 700 tấn khô. Nhằm nâng cao giá trị con khô Gành Hào, những năm qua, huyện Đông Hải phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người làm khô yên tâm gắn bó với nghề, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Đến nay đã có trên 10 sản phẩm khô của các chủ thể trong huyện được đánh giá, phân hạng OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng, khô cá kèo…
Năm nay, Gành Hào có trên 30 tấn khô để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trong đó, cung cấp theo đơn đặt hàng của các vựa khô ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh trên 20 tấn, còn lại bán lẻ khoảng 10 tấn. Theo bà Trần Thị Bé, chủ cửa hàng khô Xuân Mai, thị trấn Gành Hào, do tình hình khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm, nguồn nguyên liệu làm khô khan hiếm, giá khô tăng hơn những năm trước. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân làng khô cũng dè dặt không dám sản xuất nhiều vì sợ đầu ra không có. Giá các loại khô có tăng nhưng không nhiều, chỉ từ 10-20% so với thời điểm 1 tháng trước.
Khô Gành Hào lâu nay đã hiện diện trong nhiều bữa ăn của gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Tự hào về nghề làm khô của quê hương mình, người dân làng cá khô thị trấn Gành Hào luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng. Vì thế, khô Gành Hào lâu nay luôn được người tiêu dùng tín nhiệm, thương hiệu ngày càng vươn xa.
Làng cá khô Phú Thọ rộn ràng vụ Tết
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, để chuẩn bị cho nhu cầu thị trường Tết, thời điểm này, Làng khô Phú Thọ (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) tất bật, rộn ràng không khí sản xuất cá khô nhằm kịp phục vụ khách hàng gần xa.
Khô cá lóc sợi - sản phẩm mới của Làng khô Phú Thọ đang được thị trường ưa chuộng.
Từ sáng sớm, hơn 10 lao động của Cơ sở sản xuất khô Như Hằng (xã Phú Thọ) đã bận rộn làm khô cá lóc với những công đoạn như: làm cá, xẻ cá, ướp cá, mang đi phơi nắng... Theo ông Tăng Thiện Như, chủ Cơ sở sản xuất khô Như Hằng, những tháng cao điểm dịch bệnh COVID-19, sản lượng khô tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng, cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng. Từ khi tỉnh thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, cơ sở của ông Như dần khôi phục hoạt động.
Ông Tăng Thiện Như cho hay, hiện nay, còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sức mua của thị trường chưa hoàn toàn phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm này gần Tết, thị trường tiêu thụ mạnh hơn nên cơ sở tăng công suất hoạt động. Trung bình mỗi ngày, cơ sở thu mua 600kg cá lóc nguyên liệu để làm khô, cao hơn khoảng 300kg so với bình thường. Cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị, thuê thêm lao động, có khi cho nhân công làm việc thêm giờ vào ban đêm mới kịp giao hàng cho đối tác. Mỗi lao động thu nhập bình quân 180.000 đồng/ngày, nếu làm thêm giờ thì tăng lên khoảng 280.000 đồng.
Phơi khô cá lóc tại cơ sở sản xuất khô Như Hằng tại xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp)
Dọc Tỉnh lộ ĐT 844, đoạn qua địa phận xã Phú Thọ, huyện Tam Nông có nhiều cơ sở sản xuất và quầy bán cá khô. Những ngày này, Làng khô Phú Thọ nhộn nhịp, rộn ràng hẳn lên sau thời gian dài "ngủ đông" do COVID-19. Cặp hai bên đường ĐT 844 là những chiếc giàn phơi đầy ắp cá khô đang đón nắng.
Chị Nguyễn Ngọc Xê, chủ Cơ sở sản xuất khô Ngọc Xê (xã Phú Thọ) phấn khởi chia sẻ: "Từ tháng 11 âm lịch hàng năm, cơ sở của tôi tăng công suất hoạt động so với ngày thường vì đơn hàng nhiều hơn. Hiện tại, mỗi ngày, tôi sản xuất và tiêu thụ hơn 120kg khô cá lóc. Dù không nhiều bằng những năm trước nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ như vậy là khá tốt".
Làng khô Phú Thọ có trên 100 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh cá khô các loại như: cá sặc rằn, cá chạch, cá chốt... nhưng chủ yếu là cá lóc. Sản lượng khô cá lóc bình quân hơn 600 tấn/năm. Trung bình khoảng 3 - 4kg cá lóc tươi sẽ thu được 1kg khô cá lóc, giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Nhờ hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý nên nhiều năm qua, đặc sản cá khô Phú Thọ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp ưa chuộng. Không chỉ có mặt khắp các tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà khô Phú Thọ còn tiêu thụ mạnh ở tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...
Ông Nguyễn Văn Nhứt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, các hộ sản xuất khô đang tăng cường nhập nguyên liệu sản xuất cá khô để đủ sản lượng cung ứng cho khách hàng. Chính quyền địa phương và ngành chức năng tích cực hỗ trợ trong việc quảng bá thương hiệu khô Phú Thọ. Qua đó, được nhiều người biết đến, sẽ vừa duy trì lượng khách hàng truyền thống vừa tìm kiếm khách hàng mới.
Sản phẩm cá khô đặc sản của xã Phú Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận "khô Phú Thọ". Nhằm góp phần tạo nên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nâng tầm giá trị thương phẩm, năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông thực hiện dự án "Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận khô Phú Thọ".
Vùng cây ăn quả vào vụ tết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề. Chạy đua với thời gian, nông dân ở các vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh đang hối hả thu hoạch bưởi, cam, quýt, thanh long... phục vụ thị trường tết. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nhưng giá bán các sản phẩm cây ăn quả vẫn ổn định, bảo...