Làng biệt thự Măng Đen hồi sinh sau 10 năm bỏ hoang
Rót tiền tỷ hồi sinh làng biệt thự Măng Đen Sau 10 năm hoang phế, hàng loạt nhà đầu tư quay trở lại rót tiền tỷ sơn, sửa hồi sinh “Làng biệt thự” ở khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Rót tiền tỷ hồi sinh làng biệt thự Măng Đen Sau 10 năm hoang phế, hàng loạt nhà đầu tư quay trở lại rót tiền tỷ sơn, sửa hồi sinh “Làng biệt thự” ở khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
10 năm trước nhiều doanh nghiệp, cá nhân đổ xô về huyện Kon Plông (Kon Tum) mua đất ở Măng Đen xây biệt thự đón “làn sóng” khách du lịch. Đến năm 2009, khi những căn biệt thự sắp hoàn chỉnh thì các chủ biệt thự bắt đầu dừng xây dựng khiến cho công trình rơi vào tình cảnh dở dang, bỏ hoang kéo dài.
Lãnh đạo huyện Kon Plông lý giải do suy thoái kinh tế trong nước và thế giới, các chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính nên tạm dừng xây công trình. Ba năm trước, nhiều người rao bán biệt thự với giá chỉ từ 1 đến 1,5 tỷ đồng nhưng không có ai mua.
Hai năm gần đây, bất động sản ở Măng Đen trở nên “ nóng sốt” nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân quay trở lại đầu tư hàng tỷ đồng tu sửa, nâng cấp mở rộng các căn biệt thự từng bị bỏ hoang đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Chị Trần Thị Hà (ngụ huyện Kon Plong) cho hay làn sóng du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chuyển biến tích cực mang đến “luồng sinh khí” mới cho “làng biệt thự” ở Măng Đen. Hiện giá mỗi căn biệt thự nơi đây tăng giá chóng mặt từ 4 tỷ đến 10 tỷ tùy theo từng vị trí dọc theo quốc lộ 24.
Khan hiếm thợ xây dựng, một số công nhân tất bật với công việc sơn, sửa biệt thự với giá nhân công từ 600.000 đến 700.000 đồng mỗi ngày. “Hai tháng qua, nhiều chủ biệt thự cần xây tường rào, đầu tư thêm các gian phòng nên ngày nào tôi cũng bận rộn, thu nhập tương đối ổn định”, ông Nguyễn Thành, một thợ hồ ở thị trấn Măng Đen nói.
Ông Lê Thành Diễn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông Măng Đen, xác nhận sau nhiều năm bỏ hoang, nhiều nhà đầu tư đã quay lại tu sửa, nâng cấp mở rộng hoàn thiện 180 biệt thự đưa vào phục vụ du khách. Một số nhà đầu tư sẵn sàng chi hàng tỷ đồng mua lại biệt thự để xây tường rào, mở rộng thêm phòng ở, phòng ăn đón khách.
“Huyện khuyến khích các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành biệt thự. Tổ công tác xúc tiến đầu tư cùng đồng hành giới thiệu khách hoặc thuê lại biệt thự của họ để đưa vào kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng ở Măng Đen”, ông Diễn chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Măng Đen, cho hay khu du lịch sinh thái Măng Đen ví như “nàng công chúa ngủ quên” nhiều năm dài trong rừng giờ đây đang được đánh thức.
“Thời gian gần đây du khách yêu thích không gian sinh thái đã đổ xô về Măng Đen nghỉ dưỡng. Trước cơ hội này, các nhà đầu tư đã quay trở lại tiếp tục nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện các căn biệt thự một thời bỏ hoang nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch phục vụ du khách, cải thiện thu nhập”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, doanh nghiệp mới đầu tư hơn 3 tỷ đồng mở rộng thêm hệ thống khách sạn mang tên loài hoa Sim, kiến trúc biệt thự kiểu Pháp đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch.
Năm 2017, tình cờ đến tham quan ở khu du lịch sinh thái Măng Đen, ông Bùi Quốc Khánh (sống tại Hà Nội) cảm thấy vùng đất này hội tụ nhiều điều kiện khí hậu, không gian rừng nguyên sinh, danh lam thắng cảnh… có thể phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tháng 3/2018, ông quyết định đầu tư 1,9 tỷ mua lại một biệt thự bỏ hoang và không gian vườn với tổng diện tích 800 m2.
Ông Khánh đầu tư thêm 2,7 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng biệt thự này lên thành 7 phòng, không gian bếp kiến trúc Pháp gắn với không gian vườn đồi thơ mộng. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình ông thu lãi từ dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch khoảng 40 đến 50 triệu đồng.
Du khách chụp ảnh lưu niệm giữa không gian đồi thông phía trước các biệt thự ở Măng Đen. Vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen từ lâu được nhiều người ví là thiên đường nghỉ dưỡng, “xứ sở Đà Lạt” của phía bắc Tây Nguyên.
Măng Đen có khí hậu ôn đới nên mùa nào cũng hoa đua nở khoe sắc bên những biệt thự thơ mộng dưới tán rừng thông. Thống kê của huyện Kon Plông, nếu như năm 2015 chỉ có 85.000 lượt khách tham quan Măng Đen thì 8 tháng đầu năm 2019, hơn 150.000 khách đã đến du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng đất này.
Không chỉ quay trở lại Măng Đen đầu tư, sơn sửa lại biệt thự, một số chủ đầu tư còn mua đất làm homestay gắn với không gian núi rừng thiên nhiên hoang dã thu hút du khách.
Măng Đen nằm ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 16-20 độ C. Không chỉ chú trọng đầu tư không gian biệt thự hướng mở về phía đồi thông, một số chủ đầu tư còn chú trọng mở nhà hàng mang nét văn hóa ẩm thực địa phương. Các món ăn nổi tiếng ở đây như cơm nếp nướng ống lồ ô, gà đồi, heo thả rông nướng, rau rừng, sâm dây, đương quy… hấp dẫn du khách.
Theo news.zing.vn
Trung thu sớm của trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS
Hoạt động "Trăng yêu thương" lần 8 năm 2019, cho các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn nhân mùa trung thu năm nay vừa được tổ chức trong hai ngày 7 & 8-9, tại Trung tâm Văn hóa quận 5 và Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi.
Sự kiện nói trên do Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, chương trình Góp một bàn tay, CLB Bầu Trời Xanh, phòng khám Nhà mình phối hợp tổ chức. 400 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM đã có một đêm trung thu ý nghĩa với nhiều hoạt động vui tươi, sôi nổi. Các em được tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức bufet, các tiết mục thời trang, văn nghệ đặc sắc.
Ngoài các suất học bổng dành tặng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì 400 em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS này đều nhận được phần quà gồm bánh trung thu, lồng đèn, tập, viết và các nhu yếu phẩm do các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp. Hoạt động này mang đến không khí ấm áp, tình đoàn kết gắn bó, sự quan tâm của cộng đồng, cũng như kêu gọi không kỳ thị phân biệt giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tự tin hòa nhập cộng đồng.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Mỹ Sơn là trung tâm văn hóa, sinh hoạt tôn giáo của đất nước Chămpa từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13. Quần thể kiến trúc này được UNESCO công...