Làng bè đa sắc màu – Điểm du lịch miệt sông độc đáo ở An Giang
Làng bè đa sắc màu được Trung tâm Xúc tiến – Thương mai và Đầu tư An Giang phối hợp cùng các đơn vị du lịch đến từ TP.HCM ra mắt sáng 18/1.
Đầu tư công phu
Làng bè đa sắc màu có vị trí thơ mộng tại ngã ba sông Châu Đốc thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang được Trung tâm Xúc tiến – Thương mai và Đầu tư An Giang thực hiện hoàn thành tháng 12/2023.
Làng bè đa sắc màu ở An Giang có vị trí tại ngã ba sông Châu Đốc.
Công trình dài hơn 1km với 165 bè nổi mà người dân dùng để nuôi cá, được phủ lên lớn sơn với các màu chủ đạo là đỏ – cam – vàng – lục – lam và tím. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 gần 2,7 tỷ đồng.
Làng nổi cá bè Châu Đốc là làng bè nuôi cá nước ngọt được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đầu nơi đây chỉ có vài bè nổi nuôi cá theo kiểu tự nhiên, không cần cho ăn vì nguồn nước tốt.
Điểm nhấn của làng bè là đơn sơn các màu gồm đỏ – cam – vàng – lục – lam và tím.
Tuy nhiên, từ những năm 70 trở đi, do nguồn lợi kinh tế đem lại cao, số lượng bè cá đã tăng lên đáng kể và dần trở thành trọng điểm kinh tế của An Giang.
Thời kỳ hoàng kim là trong khoảng năm 1990 đến năm 2005, các vùng Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Vĩnh Ngươn có trên 2.000 bè cá với sản lượng trung bình thu hoạch hàng năm trên 20.000 tấn/năm.
Video đang HOT
Đa phần cá nuôi tại các bè nổi của các vùng đều là các giống cá da trơn như cá tra, cá ba sa, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài nuôi cá, người dân làng bè Châu Đốc phát triển du lịch để tăng thêm thu nhập.
Hiện nay, việc nuôi cá trên làng bè vẫn được người dân duy trì, đồng thời kết hợp phát triển du lịch nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan đến với vùng sông nước miền Tây, trong đó có tỉnh An Giang.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến – Thương mai và Đầu tư An Giang cho biết, việc hình thành nên làng bè đa sắc màu để phát triển du lịch nhận được sự đồng thuận cao của người dân đang nuôi cá trên bè.
Từ đây, tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng mới để người dân phát triển kinh tế gắn với làng nghề có truyền thống lâu đời ở vùng Bảy Núi – An Giang.
“Điểm khác biệt của làng bè Châu Đốc so với các làng bè khác là ngoài việc nuôi cá thì người dân sinh sống trên bè.
Do vậy, khi làm du lịch thì du khách sẽ có dịp tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa của người dân vùng sông nước. Đồng thời, tạo điểm nhấn khác biệt và góp phần tăng thu nhập của người dân”, ông Hiếu cho biết thêm.
Điểm nhấn du lịch miệt sông
Cũng theo ông Hiếu, sản phẩm du lịch mới được An Giang tổ chức có điểm khởi đầu bắt đầu từ làng bè đa sắc màu tại ngã ba sông Châu Đốc.
Sau đó, du khách sẽ được đưa đi bằng thuyền du lịch đến những điểm tham quan khác là làng Chăm, khu du lịch Quốc gia Núi Sam.
Tiếp đến, du khách sẽ được ngồi xe đến điểm tham quan rừng tràm Trà Sư, kênh Vĩnh Tế và chợ Châu Đốc…
“Với những điều thú vị cùng sản phẩm du lịch khép kín như vậy, chúng tôi hi vọng sẽ mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi du khách có dịp ghé qua tỉnh An Giang”, ông Hiếu nói.
Làng bè đa sắc màu Châu Đốc là điểm đến thú vị thu hút du khách gần xa.
Tham gia cùng đoàn trải nghiệm sản phẩm du lịch mới, nhà báo Thanh Dũng (Báo Nhân Dân) nói: “Thật sự thú vị với sản phẩm du lịch mới này của An Giang khi ngồi trên thuyền bồng bềnh cùng sông nước.
Ngoài ra, khi lên bè, người dân bày trí nhiều sản phẩm quà tặng mang tính đặc trưng của tỉnh sẽ góp phần quảng bá hình ảnh địa phương”.
Nhiều sản phẩm đặc trưng được bày bán góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.
Anh Dương Trần Duy (40 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) – khách theo đoàn trải nghiệm sản phẩm du lịch mới làng bè đa sắc màu Châu Đốc cho biết, An Giang có rất nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, nay thêm sản phẩm du lịch cộng đồng sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách có dịp ghé qua vùng đất Bảy Núi – An Giang.
Anh Duy nói: “Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm sản phẩm du lịch như thế này với làng bè đủ màu sắc nổi trên sông rất bắt mắt.
Điều thú vị hơn là được xem và tận mắt chứng kiến quy trình nuôi cá và đời sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước miền Tây”.
Với thế mạnh là du lịch tâm linh cùng nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, năm 2023, tỉnh An Giang đón hơn 7,5 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu nét đặc trưng vùng Bảy Núi – An Giang.
Cù lao Giêng - Điểm du lịch hấp dẫn
Nếu có dịp về An Giang, du khách sẽ thấy nơi đây có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Trong số các địa điểm nên đến, có một cù lao đặc biệt về cả bề dày lịch sử và các hoạt động lễ hội, du lịch, đó là cù lao Giêng.
Cù lao Giêng cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 25km, cách TP Châu Đốc khoảng 60km. Nơi đây đại diện cho văn hóa miệt vườn và còn lưu giữ nhiều dấu tích của thuở khai hoang. Qua bến đò Rạch Sâu, chúng tôi về thăm cù lao Giêng trải dài trên 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới vào một ngày đầu năm. Giữa bốn bề sông nước là không gian rợp bóng mát của những vườn cây trái trĩu cành và di tích độc đáo. Vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời xứ này thanh bình như muôn đời vẫn thế!
Đến nay, cù lao Giêng vẫn là nơi ghi dấu đại diện cho văn hóa miệt vườn. Ngoài ra, nơi đây còn tập trung các cơ sở thờ tự có từ xưa. Đến cù lao Giêng, du khách còn được tham quan các vườn cây ăn trái, trang trại sinh thái ven sông, nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, làng nghề truyền thống như đóng xuồng, nghề mộc, đan giỏ nylon; thưởng thức đờn ca tài tử, ngắm hoàng hôn trên sông Tiền...
Tương truyền, thời Pháp thuộc, nơi đây có cả bến đò lớn, bến xe ngựa. Có cả 2 cột dây thép dựng bên cù lao và bên kia sông để tiện liên lạc với đất liền. Không những vậy, lúc đó còn có các chuyến tàu thủy đi Nam Vang - Sài Gòn cũng thường ghé cù lao Giêng rước khách. Hiện tại, trên cù lao vẫn còn nhiều dấu tích của một thời lịch sử này.
Thánh đường cù lao Giêng - nơi được mệnh danh là nhà thờ cổ đẹp nhất miền Tây
Cù lao Giêng có nhiều kiến trúc cổ, trong đó không nên bỏ qua Thánh đường cù lao Giêng được mệnh danh là nhà thờ cổ đẹp nhất miền Tây. Thánh đường cù lao Giêng (còn gọi là Thánh đường họ Đầu Nước) là nhà thờ thuộc Giáo phận Long Xuyên. Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 1875 đến năm 1887 mới hoàn thành (sau nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn một thời gian ngắn).
Được biết, đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của miền Tây Nam bộ tính từ hạ lưu sông Mê Kông được thiết kế theo phong cách kiến trúc Roman - một loại hình kiến trúc phổ biến ở các nước phương Tây, chủ yếu là Trung Âu và Tây Âu. Vật liệu xây dựng nhà thờ hầu hết được mang từ Pháp sang. Sức chứa của thánh đường khoảng 300 người. Hiện tại, công trình vẫn nguyên vẹn với thời gian. Đây là niềm tự hào của người dân xứ đạo sống trên cù lao.
Tu viện Chúa Quan Phòng là một trong những công trình giá trị nhất trên cù lao Giêng. Được thành lập năm 1874, tu viện mang nét rêu phong, trầm mặc với thời gian, toát lên vẻ cổ kính, lâu đời, tạo cảm giác hoài cổ trong cái nhìn đầu tiên đối với du khách. Hiện nay, cơ sở chính của dòng nữ tu trên được đặt tại TP Cần Thơ, còn cơ sở ở cù lao Giêng chỉ còn là nơi an dưỡng của các nữ tu già yếu thuộc dòng tu này.
Ngoài ra, đến với cù lao Giêng, du khách có thể chiêm ngưỡng các ngôi chùa đẹp. Trong đó, phải kể đến chùa Phật giáo cổ kính như chùa Bà Lê (Phước Hội tự) cũng là di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia; Thành Hoa tự (còn gọi là chùa Ông Đạo Nằm) ở xã Tấn Mỹ; chùa Phước Minh còn gọi là chùa Bà Vú ở xã Bình Phước Xuân, mang nhiều huyền thoại; nổi bật nhất là chùa Phước Thành - một công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt đẹp.
Nơi đây còn có phủ thờ Nguyễn tộc hay còn gọi là lăng Ba Quan Thượng Đẳng, có từ năm 1909, được trùng tu, xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Vào phủ, du khách sẽ gặp các công trình chạm, lộng gỗ tinh xảo và các vật dụng trưng bày như khánh, biển, liễn thờ, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ còn khá nguyên vẹn. Hàng năm, vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 6 Âm lịch, phủ thờ Ba Quan Thượng Đẳng diễn ra nghi lễ cổ truyền độc đáo...
Nằm biệt lập giữa bốn bề sông nước, vùng đất này chứa cả một quần thể di tích nhiều tôn giáo khác nhau. Đến cù lao Giêng, du khách còn được hòa mình vào không khí trong lành, tươi mát của "vương quốc" xoài, thưởng thức các món ăn vùng sông nước miền Tây,... để lắng đọng lòng mình trong làn gió sông Tiền man mát. Lòng thư thái, bình yên hơn giữa một vùng cù lao xanh mượt.
Du lịch tâm linh hành hương Núi Cấm - An Giang Là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn với 715m so với mặt nước biển (vùng Bảy Núi), tỉnh An Giang, Núi Cấm hay còn gọi Thiên Cấm Sơn không chỉ kỳ vĩ về cảnh sắc "bồng lai tiên cảnh", mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí. Nơi đây là một trong những điểm du lịch tâm linh hành hương...