Làng bắt hổ trứ danh, từng được vua triều Nguyễn ban thưởng
Trước nạn ác thú tàn sát dân làng, người dân tìm cách đặt bẫy, vây bắt hổ, từ đó ngôi làng Thủy Ba, Quảng Trị thành nức tiếng.
Thợ bắt hổ từng được vua triều Nguyễn mời vào Huê hàng phục thú dữ.
Hổ (hay địa phương hay gọi là cọp/hùm/”ông ba mươi”) là loài thú rất hung dữ, được xem là “chúa sơn lâm”. Nhưng dù hung dữ đến đâu, hổ cũng phải chịu khuất phục trước người dân Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đầy bản lĩnh, kiên cường cả trong việc chế ngự thú dữ và chống giặc ngoại xâm.
Nghe ông, cha kể chuyện bắt hổ
Câu chuyện bắt hổ ở làng Thủy Ba được lưu truyền trong dân gian từ hàng trăm năm qua, trở thành niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Nga (86 tuổi, ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) để nghe kể về truyền thống bắt hổ. Được biết, ông Nga có ông nội là Nguyễn Chẻng – người bắt hổ rất giỏi, từng được nhà vua ban thưởng. Theo ông Nga, câu chuyện hổ dữ hoành hành, ăn thịt người lẫn gia súc và cuộc chế ngự thú dữ của dân làng Thủy Ba, ông cũng chỉ được nghe kể lại.
Ông Nguyễn Quang Nga kể về truyền thống bắt hổ của địa phương.
“Trước đây, khu vực Thủy Ba toàn rừng núi. Trước nạn thú dữ, dân làng tổ chức nhiều đội bắt hổ, lấy cây song mây trên rừng làm lưới để săn, bẫy. Khắp xã Vĩnh Thủy tổ chức khoảng 20 đội mang theo 20 tấm lưới, mỗi tấm lưới bố trí 12 người. Mỗi nhóm chia nhau đóng trại, luôn sẵn sàng để khi phát hiện thú dữ thì ngăn lại. Khi phát hiện hổ về ăn thịt người và gia súc, dân trong làng sẽ đánh lên 3 hồi chiêng để báo động mọi người vây bắt”, ông Nga kể.
Theo ông Nga, sau khi phát hiện hổ về bắt người, dân làng Thủy Ba huy động lực lượng vây bắt và đã bắt sống thành công một con hổ. Thông tin dân làng bắt được thú dữ lan khắp vùng. Nghe tin, triều đình nhà Nguyễn truyền lệnh xuống, bắt đưa con hổ vào nộp nhưng dân làng không chấp nhận, thống nhất nhấn nước con thú dữ.
“Tiếp đó, nạn hổ dữ hoành hành nên nhà vua truyền lệnh gọi người dân Thủy Ba vào Thừa Thiên bắt hổ. Ông nội tôi làm đội phó của đội bắt hổ, di chuyển vào Thừa Thiên theo lệnh vua. Sau những chiến tích bắt hổ, ông nội tôi và một số thành viên trong đội được nhà vua ban thưởng”, ông Nga kể.
Các cụ cao niên của làng Thủy Ba đều kể về truyền thống bắt hổ của cha ông.
Sau này, khi lớn lên, ông Nga đã xin theo đội bắt hổ đi khắp vùng và đã chứng kiến nhiều trận vây bắt hổ dữ. Ông Nga nhớ rất rõ trận bẫy hổ ở chiến khu Thủy Ba, con hổ cuối cùng bị sập bẫy của dân làng.
Tại Nhà văn hóa xã Vĩnh Thủy hiện lưu giữ nhiều tài liệu, dụng cụ bắt hổ. Trong đó, có tấm lưới được cho là người dân Thủy Ba đã sử dụng để săn hổ hàng chục năm trước.
Video đang HOT
Tấm lưới dùng để bắt hổ được lưu giữ tại Nhà văn hóa xã Vĩnh Thủy.
Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thủy ghi rõ: Từ xa xưa, Thủy Ba là một vùng rừng rú rậm rạp, cây cỏ tốt tươi xen lẫn với các hồ nước, sình lầy, thuận lợi cho các loài muông thú sinh sống. Từ đó, trong dân gian đã có câu: “Cọp Thủy Ba – Ma Trộ Rớ” (Trộ Rớ thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình). Rừng rậm và hổ thì nhiều nơi có, nhưng không ở đâu hổ nhiều và hung dữ như ở Thủy Ba.
Vì vậy, con người thường xuyên phải đối mặt với hổ dữ, nhiều người đã phải bỏ mạng, mất xác. Nhưng do cuộc sống, mưu sinh, mọi người vẫn phải vào rừng mặc dù biết trước mọi hiểm họa đang đến với mình. Ban ngày đã vậy, đêm đến, hổ dữ còn vào tận nhà bắt người tha vào rừng ăn thịt. Đã có hàng trăm người dân phải nộp mạng một cách thảm thương. Số người bị hổ vồ hụt để lại dấu tích trên người, hoặc bị tàn tật suốt đời cũng không ít. Đối với người dân Thủy Ba, hổ sát nhân trở thành nỗi ám ảnh.
Chính từ cuộc sống khốc liệt phải thường xuyên chống chọi với các loại thú rừng hung dữ nên người dân Thủy Ba đã sáng tạo ra nhiều cách săn bắt, xua đuổi, đặc biệt là cách giăng ải bắt sống hổ sát nhân. Việc bắt sống hổ đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, sự thông minh sáng tạo và tinh thần đoàn kết cao.
Được vua triều Nguyễn ban thưởng
Làng Thủy Ba cũ có ba thôn: Đông, Tây, Hạ. Trai tráng khỏe mạnh trong làng tuổi từ 18-45 đều phải tham gia vào các đội bắt hổ. Mỗi lần nghe tin Thủy Ba giăng ải bắt được hổ, dân chúng khắp các phủ trong tỉnh đổ xô về xem. Nhiều người vì lòng thần phục tài nghệ của dân làng Thủy Ba đã ủng hộ tiền gạo cho đội quân bắt hổ. Quan phủ, quan tỉnh nể phục đã miễn cho dân Thủy Ba một số loại thuế.
Lãnh đạo xã Vĩnh Thủy khẳng định, người dân Vĩnh Thủy không chỉ bản lĩnh trong chinh phục thú dữ mà còn anh hùng trong kháng chiến.
Không chỉ giăng ải bắt hổ để bảo vệ làng xóm, người dân Thủy Ba còn sẵn sàng ra tay trừng trị hổ sát nhân ở những vùng quê khác, có lúc ra tận Ngân Sơn (Quảng Bình) hoặc vào đến phường Thiên Thọ (miền Tây kinh thành Huế).
Chuyện xưa kể lại rằng, cách đây khoảng 180 năm, trong một đêm, hổ sát nhân đột nhập vào làng Sa Lung (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh ngày nay) vồ chết một lúc 7 người trong một gia đình, gieo rắc sự lo sợ, hoảng loạn cho cả một vùng. Dân làng Thủy Ba được tin đã lập tức ra tay diệt trừ hổ dữ để báo thù cho những người dân vô tội. Ải được giăng ở Động Biển, gần ga Sa Lung ngày nay.
Năm Nhâm Thìn, ở phường Thiên Thọ, phía Tây Kinh thành Huế bỗng xuất hiện một con hổ sát nhân ngày đêm quấy phá, giết chết nhiều người cùng trâu, bò, lợn ở trong vùng. Nạn hổ dữ đe dọa cả những chuyến du ngoạn, săn bắn của các vua quan trong triều. Trước tình cảnh đó, nhà vua phải ra chiếu gọi 400 thanh niên trai tráng của Thủy Ba vào bắt hổ. Mọi người buộc phải đình hoãn việc làm ăn, cấy cày để đi lo việc công.
Lưới bắt hổ được lưu giữ qua hàng chục năm.
Đối với người dân Thủy Ba, việc bắt hổ đã thành nghề nên chẳng bao lâu, hổ sát nhân bị bắt sống. Triều đình nhà Nguyễn vô cùng phấn khởi, đã trọng thưởng tiền và sắc phong những người tiêu biểu trong làng. Ông Nguyễn Chẻng được vua ban tặng “Ngân vàng”. Ông Cai Dẫn được “Ngân bạc”. Năm 1705, ông Lê Bằng, một trong những người chỉ huy bắt hổ giỏi của làng Thủy Ba được nhà vua phong chức vụ đứng đầu đội lính vọng thành để bảo vệ triều đình Huế lúc bấy giờ.
Nhà văn hóa xã trưng bày nhiều hình ảnh tư liệu về truyền thống của địa phương.
Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủy Ba trở thành căn cứ địa kháng chiến. Hổ sát nhân trở lại hoành hành, uy hiếp cuộc sống và các hoạt động kháng chiến của ta. Chỉ tính từ 1946 đến 1953 vùng Bình – Trị – Thiên đã có gần 120 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ bị hổ dữ giết hại. Trước tình hình ấy, cuối năm 1952 Ủy ban kháng chiến hành chính huyện đã hỗ trợ kinh phí để Thủy Ba mua sắm vũ khí và đan lưới diệt trừ hổ sát nhân.
Năm 1953, con hổ sát nhân nguy hiểm nhất trong vùng và là con hổ cuối cùng bị sập bẫy của dân làng Thủy Ba. Tính từ xa xưa, Thủy Ba đã giăng ải bắt được gần 100 con hổ, loại trừ mối hiểm họa lớn cho người dân trong cả ba tỉnh Bình – Trị – Thiên.
Từ đó đến nay, do nhiều nguyên nhân, hổ dữ không còn hoành hành. Người dân đi rừng thỉnh thoảng mới lại thấy dấu chân hổ, nhưng ở rất sâu, giữa rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Bảo tồn giá trị văn hóa của làng
Theo ông Nguyễn Quang Chiến – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, người cuối cùng của đội bắt hổ ngày trước là ông Nguyễn Đăng Hạp đã mất cách đây 3 năm.
Bao đời nay, người dân xã Vĩnh Thủy đều kể về truyền thống bắt hổ của địa phương. Nhắc đến xã Vĩnh Thủy và chiến khu Thủy Ba, nhiều người tâm đắc về truyền thống chống giặc ngoại xâm và chế ngự thú dữ.
Dụng cụ bắt hổ gồm lưới, mác, bàn chông…
“Chính quyền địa phương mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của làng Thủy Ba xưa và xã Vĩnh Thủy ngày nay, qua đó muốn tìm tài liệu lịch sử, tìm lại sắc phong vua ban thời nhà Nguyễn làm cơ sở pháp lý, xây dựng lại mô hình, tái hiện lại chiến khu Thủy Ba nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”, ông Chiến cho hay.
Chiến khu Thủy Ba là căn cứ quan trọng thời kháng chiến.
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Thủy, thời gian qua, một số trường học đã tổ chức các buổi ngoại khóa, đưa học sinh đến tìm hiểu về truyền thống bắt hổ của địa phương.
Có thể nói rằng, truyền thống bắt hổ của người dân Thủy Ba đã trở thành huyền thoại, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là một trong những kinh nghiệm vô cùng quý báu được sáng tạo và tích lũy trong quá trình đấu tranh chế ngự thiên nhiên, bảo vệ sự sống và công cuộc xây dựng, mở mang xứ sở.
Từ TP.HCM về quê đón Tết bằng xe máy, hai vợ chồng tử nạn thương tâm
Vợ chồng anh Trữ đi xe máy từ TP.HCM về Quảng Ngãi để tiết kiệm ít tiền mua sắm Tết thay vì đón xe khách.
Nhưng khi về đến Bình Định, tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống cả vợ chồng, bỏ lại 2 con thơ.
Chiều 24.1, người thân và dân làng đã tổ chức mai táng vợ chồng anh Nguyễn Văn Trữ (37 tuổi) và chị Trần Thị Thảo (34 tuổi, ở thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường, TX. Đức Phổ, Quảng Ngãi). Nhiều người rớm lệ khi hai bé thơ Nguyễn Trần Thảo My (9 tuổi) và Nguyễn Trần Thảo Ngân (5 tuổi) đội khăn tang đứng trước linh cữu của cha mẹ.
Bà Xuân (ngồi hàng thứ nhất, từ trái sang) cùng 2 cháu đau đớn khi mất người thân. Ảnh TRANG THY
Bà Nguyễn Thị Xuân (75 tuổi, mẹ anh Trữ) nửa tỉnh nửa mê kể từ khi hay tin vợ chồng con trai qua đời. Ông Trần Nhẫn (63 tuổi, cha của chị Thảo) nghẹn ngào cho biết: Cuộc sống gia đình khó khăn nên 7 năm trước vợ chồng anh Trữ rời quê vào TP.HCM mưu sinh. Anh làm thuê bên xưởng cơ khí, chị là công nhân may với thu nhập đắp đổi qua ngày.
Dịch Covid-19 bùng phát, công việc và thu nhập của anh giảm hẳn so với trước. Công ty may giải thể nên chị Thảo nhận đồ về may gia công tại phòng trọ với thu nhập chẳng đáng là bao. Cháu nhỏ đã được đưa về quê tránh dịch, còn lại cháu lớn ở lại TP.HCM với cha mẹ. Chiều 22.1, anh chị đưa con gái lớn đến gửi người thân đưa về quê bằng xe khách rồi vợ chồng vượt chặng đường xa bằng xe máy với hy vọng sum vầy trong những ngày Tết đoàn viên.
Vợ chồng anh Trữ qua đời bỏ lại mẹ già và hai con thơ dại. Ảnh TRANG THY
"Vợ chồng con tôi làm ăn xa và chỉ về quê vào dịp Tết. Năm nay, nghe cháu điện thoại về bảo dịch bệnh Covid, làm ăn khó khăn nên về quê bằng xe máy. Khi con bé lớn về đến nhà chừng hơn 5 giờ đồng hồ thì nhận được điện thoại vợ chồng nó bị tai nạn. Tôi cùng vài người bà con thuê xe vào Bình Định đưa vợ chồng nó về. Cứ mong đến Tết tụi nó về vui cửa vui nhà. Không ngờ hai vợ chồng nó lại vắn số như vậy...!", ông Nhẫn đưa tay lau dòng lệ.
Người thân và dân làng tiễn đưa vợ chồng anh Trữ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh TRANG THY
Ông Nguyễn Phát (dượng của chị Thảo), rớm lệ kể chuyện phút chia tay vợ chồng người cháu bất hạnh. Vợ chồng anh Trữ gửi con với tâm trạng "lo sợ con say xe" nên thường điện thoại hỏi han. Khoảng 8 giờ sáng ngày 23.1, anh điện cho ông Phát hỏi xem sức khỏe của con. Hơn 5 giờ sau khi vợ chồng ông cùng cháu My về đến nhà thì nhận tin báo anh Trữ cùng vợ tử nạn trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn phường Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Cú va chạm với xe đầu kéo container khiến anh chị từ giã cõi đời, bỏ lại mẹ già và hai con thơ dại. "Nghe tin vợ chồng nó bị tai nạn tôi rụng rời chân tay. Thương tụi nó quá chừng. Nhìn hai đứa nhỏ đội khăn tang, mất cả cha lẫn mẹ mà đứt ruột...", ông nghẹn ngào.
Chiều muộn, nhiều người ái ngại nhìn cảnh 2 trẻ côi cút, mẹ già bơ vơ. Căn nhà tuềnh toàng, rui, kèo mục nát sắp ngã sụp. Vợ chồng anh Trữ dự định qua Tết sẽ mượn tiền sửa chữa lại nhà làm nơi trú ngụ cho mẹ già và con thơ khi mưa bão. "Nó có điện về hỏi vợ chồng tôi và anh chị nó mượn tiền. Ở ngoài này dự định gom góp cho nó mượn 150 triệu làm lại nhà chứ sụp trong nay mai. Vậy mà.... Cô Xuân già yếu và hai cháu còn quá nhỏ. Nhà cửa xập xệ nhưng chưa có điều kiện xây mới. Vợ chồng nó chết rồi khiến cuộc sống của mấy bà cháu sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Nhẫn vừa khóc vừa nói.
Hai bố con mất tích khi ra khỏi nhà, sau hai ngày thấy nổi trên sông Hai bố con chở nhau bằng xe máy ra khỏi nhà mất tích suốt 3 ngày qua. Đến sáng 23-10, người dân phát hiện thi thể hai cha con nổi lên giữa sông. Chiếc xe máy được phát hiện ven bờ sông cách nơi hai cha con nổi lên khoảng vài trăm mét - Ảnh: Đ.N. Chiều 23-10, ông Võ Văn Tuấn -...