Lan tỏa tình người ấm áp từ nghĩa cử hiến máu
Hưởng ứng thông điệp “ Phòng chống nCoV – Đừng quên đi hiến máu”, tại sự kiện hiến máu tình nguyện “Xuân Hồng” 2020, đông đảo các tầng lớp nhân dân từ khắp nơi đã cùng về đăng ký tham gia hiến máu.
Vượt quãng đường xa tới hiến máu
Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sáng 11/2/2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Khi biết thông tin Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang thiếu máu trầm trọng, lịch hiến máu dự kiến bị nhiều đơn vị hủy bỏ vì e ngại dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát, Bùi Kim Ngọc (Đông Triều, Quảng Ninh) đã lên Facebook cá nhân kêu gọi bạn bè cùng tham gia hiến máu.
Chỉ với dòng trạng thái ngắn ngủi tối hôm trước “sáng mai có ai đi hiến máu ở Hà Nội với tôi không?”, hôm sau Ngọc đã có thêm 3 người bạn cùng đồng hành trong hoạt động đầy tính nhân văn.
Vượt hơn 100 km từ Đông Triều, Quảng Ninh lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiến máu khi Hà Nội ở vào những ngày mưa rét và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Kim Ngọc không hề băn khoăn; trái lại còn cảm thấy may mắn vì được nghỉ làm thêm một ngày nên mới thu xếp được thời gian đi hiến máu.
Ngọc chia sẻ, trước đấy, em cũng biết được thông tin tổ chức hiến máu của một số bệnh viện, đơn vị tại Hà Nội nhưng vì không thu xếp được thời gian nên không tham gia được. Về vấn đề dịch bệnh, Ngọc cho rằng, nếu mình tuân thủ theo đúng quy định phòng dịch của Bộ Y tế, các quy định khác của bệnh viện và đảm bảo vệ sinh cá nhân sẽ không có vấn đề gì.
Trong thời gian còn theo học tại trường Đại học Mở (Hà Nội), Kim Ngọc từng là thành viên của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Có lẽ quãng thời gian ấy đã giúp Kim Ngọc hiểu rõ hơn sự cần thiết của những giọt máu ấm đối với người bệnh, đặc biệt là sau những kỳ nghỉ dài.
Kim Ngọc cho biết: Cứ đến khi đủ điều kiện thời gian hiến máu và rảnh là em lại tham gia hiến máu. Từ ngày về công tác tại Đông Triều, Quảng Ninh đến nay mới được 6 tháng nhưng Ngọc đã có 2 lần về Hà Nội để hiến máu. Đặc biệt, chàng trai 24 tuổi ấy mới bắt đầu tham gia hiến máu được gần 6 năm nhưng đã có tới 21 lần thực hiện nghĩa cử cao đẹp này (mỗi năm một người được tham gia hiến máu tối đa 4 lần).
Với suy nghĩ “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, Kim Ngọc khẳng định bản thân luôn sẵn sàng hiến tặng những “giọt máu hồng” của mình với mong muốn góp phần cứu chữa cho những bệnh nhân cần máu. Hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe, còn là việc làm có ích cho cộng động và xã hội, vì vậy Ngọc sẽ còn tiếp tục tham gia hiến máu nhiều lần nữa khi đủ điều kiện sức khỏe và thời gian.
Cùng người thân lan tỏa tinh thần nhân ái
Kiểm tra sức khỏe cho tình nguyện viên đăng ký hiến máu tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sáng 11/2/2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Dẫn cậu con trai 6 tuổi cùng tới điểm hiến máu cố định Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nôi), chị Nguyễn Thu Phương (Lương Ngọc Quyến, Hà Nội) cho biết, chị thường dẫn con đi theo trong các hoạt động từ thiện nhân đạo mình tham gia, thông qua cách này chị muốn dạy con về tình thương yêu giữa con người với con người, không chỉ gói gọn trong tình thương gia đình, còn là tình thương với cộng đồng, xã hội – những người không quen biết; đồng thời để con được tiếp xúc, hiểu được làm từ thiện có rất nhiều cách khác nhau và hiến máu là một trong những cách đó.
Chị Phương hy vọng, con trai sẽ thấm nhuần những ý nghĩa tốt đẹp từ những việc làm này để trở thành người có ích cho xã hội, tiếp tục giúp đỡ những người khác trong khả năng của mình.
Sáu lần hiến máu, có nửa số lần chị Phương dắt con trai đi cùng, cậu bé An Nguyên mới 6 tuổi nhưng có vẻ rất hiểu chuyện. Không chỉ động viên mẹ trong lúc hiến máu, An Nguyên còn tỏ vẻ tiếc nuối khi luôn miệng thắc mắc “Tại sao con không được hiến máu?”. Sau nhiều lần giải đáp, An Nguyên khẳng định chắc nịch: “Lớn lên con nhất định tham gia hiến máu”.
Cũng cùng người thân tham gia hiến máu, chị Đậu Thị Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đọc được tin Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thiếu máu dự trữ, chị rủ em trai cùng tới Viện hiến máu. Do đêm hôm trước thức khuya tới tận 2 giờ sáng nên khi hiến máu xong chị Hoàng cảm thấy hơi mệt và khó thở nhưng chỉ sau 5 phút nằm nghỉ, cô gái ấy lại tươi cười cho biết sẽ tiếp tục hiến máu.
“Hiến máu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội. Hiến máu vừa tốt cho mình, vừa tốt cho người, hy vọng mọi người có thể cùng tham gia để mang lại niềm vui, sự sống cho những số phận kém may mắn” – chị Hoàng nói.
Tình nguyện viên đăng ký hiến máu tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sáng 11/2/2020. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Với tinh thần “Hiến giọt máu đào – trao đời sự sống” những người như chị Hoàng, chị Phương, bạn Kim Ngọc và hàng nghìn người khác đã chung tay khắc phục “ cuộc khủng hoảng máu” tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương dịp sau tết Nguyên đán Canh Tý; lan tỏa tình người ấm áp để xua tan những ngày lạnh giá; vượt qua “cái bóng nặng nề” của sự e dè dịch bệnh bùng phát. Những “giọt hồng” – một loại thuốc đặc biệt, một món quà ý nghĩa đã được trao đến những người bệnh cần máu một cách kịp thời, giúp nhiều người giành lại sự sống.
Video đang HOT
Theo Minh Huệ (TTXVN)
Cần biết: 7 điểm tiếp nhận người hiến máu của Lễ hội Xuân hồng 2020
Với khẩu hiệu "Phòng chống nCoV - Đừng quên đi hiến máu", thay vì tổ chức ngày hội tập trung như mọi năm, để hạn chế lây lan dịch bệnh, chuỗi Lễ hội Xuân Hồng sẽ được tổ chức trong 12 ngày, từ ngày 11-2 đến 22-2 tại 7 địa điểm ở Hà Nội
Từ ngày 11 đến 22/02/2020, tại TP Hà Nội, chương trình hiến máu "Xuân hồng lần thứ XIII - năm 2020". Chương trình do Viện Huyết học - Truyền máu TW, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP. Hà Nội và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội phối hợp tổ chức.
Thông điệp của Lễ hội Xuân hồng năm 2020 là "Phòng chống nCoV - Đừng quên đi hiến máu"
Theo TS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu TW, với khẩu hiệu "Phòng chống nCoV - Đừng quên đi hiến máu", để hạn chế lây lan dịch bệnh, chuỗi Lễ hội Xuân Hồng sẽ được chuẩn bị chu đáo nhất về công tác bảo vệ cho người hiến máu. Đây có lẽ là một mùa Xuân Hồng đặc biệt nhất từ trước đến nay.
Được khởi xướng từ năm 2008, Lễ hội Xuân hồng đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng lượng máu thường thiếu hụt ngay sau Tết Nguyên đán, góp phần tạo dựng và duy trì thói quen hiến máu đầu xuân của nhiều người dân.
Rất đông người dân tham gia hiến máu tại ngày đầu tiên của lễ hội Xuân hồng năm 2020
Sau 12 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng tại Hà Nội đã thu hút 215.000 lượt người tham dự và tiếp nhận 78.620 đơn vị máu.
TS Bạch Quốc Khánh cho biết, tính đến ngày 1/2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 6.700 đơn vị máu. Đến sáng 7/2, lượng máu dự trữ của Viện vẫn chỉ duy trì ở mức 5.000 đơn vị máu, nhóm A đáng báo động khi còn chưa đến 200 đơn vị.
Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố khi dự trù máu từ các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1.500 đơn vị.
Nhiều người dân đến hiến máu san sẻ yêu thương giữa lúc các bệnh viện đang cần máu để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm máu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu ở tất cả các thời điểm. Năm nay thêm một nguyên nhân nữa là dịch bệnh nCoV đang diễn biến hết sức phức tạp; kéo theo hệ lụy là tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn.
Ngày 2/2, Viện đã phát đi thông tin kêu gọi kêu gọi hiến máu. Với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, nhiều cơ quan, đơn vị, khu dân cư đã tích cực tổ chức các ngày hiến máu, hàng ngàn người dân đã không quản ngại thời tiết mưa rét tới các điểm hiến máu; có ngày đã có hơn 2.000 người tới tham gia hiến máu.
Người dân chờ hiến máu trong ngày đầu tiên của lễ hội Xuân hồng
Nhờ vậy, trong 11 ngày sau Tết (31/1 đến 10/2): Viện đã tiếp nhận 10.643 đơn vị máu. Đặc biệt, riêng trong 5 ngày sau kêu gọi (5 - 10/2), Viện đã tiếp nhận 9.888 đơn vị máu. Trong khi 13 ngày trước đó (từ 23/1 đến 4/2): Viện chỉ tiếp nhận được tổng cộng 875 đơn vị máu. Cùng thời điểm sau Tết năm ngoái, trong 11 ngày (từ 11 - 21/2/2019), Viện chỉ tiếp nhận được 3.393 đơn vị máu.
TS Bạch Quốc Khánh chia sẻ: Câu chuyện chia sẻ tình người Việt Nam qua những giọt máu hiến tặng trong thời điểm dịch nCoV thật cảm động. Không phải chờ đến hôm nay - ngày đầu tiên của kỳ Xuân hồng thứ XIII mà nhiều ngày qua, không khí người dân đến hiến máu còn hơn cả Xuân hồng.
Nhiều cán bộ y tế trên cả nước đã tiên phong trong việc chia sẻ thông tin và trực tiếp hiến máu; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư đã kêu gọi tổ chức hiến máu đạt số lượng ngoài dự kiến chỉ sau vài ngày.
Mọi lứa tuổi đều nhiệt tình tham gia hiến máu vì cộng đồng
"Thay mặt người bệnh được nhận máu, tôi vô cùng biết ơn những tấm lòng nghĩa tình đã hiến tặng những giọt máu đong đầy tình người vô cùng quý giá. Trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các phóng viên đã đồng hành cùng chúng tôi trong hoạt động truyền thông, kêu gọi hiến máu, tổ chức hiến máu và bản thân đã tham gia hiến máu"- TS Bạch Quốc Khánh nói
Đến sáng 11/2/2020, lượng máu dự trữ của Viện là hơn 10.000 đơn vị máu, trong đó nhóm A là 1.200 đơn vị. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng máu rất cao và bị thiếu hụt trong gần 3 tuần nên vẫn rất cần sự tiếp tục chung tay của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng với người bệnh trong những ngày tiếp theo.
Cũng trong ngày 11/2, BVĐK Quốc tế Thu Cúc thông tin đã cứu sống sản phụ chuyển dạ sinh con so 39 tuần bị băng huyết sau mổ. Điều đáng nói là trước diễn biến xấu của sản phụ, nhiều bác sĩ đã tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân ngay trong đêm.
Từ ngày 11-22/2, người dân có thể tham gia hiến máu trong khung giờ 8-11 giờ 30 và 13 giờ 30-17 giờ tại 7 địa điểm sau:
Điểm 1: Viện Huyết họcTruyền máu Trung ương (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy) từ 11-22/2.
Điểm 2: Số 10, ngõ 122 Đường Láng, quận Đống Đa (từ 11-22/2).
Điểm 3: 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (từ 11-22/2).
Điểm 4: 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân (từ 11-22/2).
Điểm 5: Nhà Văn hóa Mộ Lao, 106 Trần Phú, quận Hà Đông (từ 17-20/2).
Điểm 6: Nhà Văn hóa quận Hai Bà Trưng, 257 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (từ 19-20/2).
Điểm 7: Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, số 9 Phố Viên, quận Bắc Từ Liêm (từ 19-21/2)./.
Thái Bình
Theo suckhoedoisong
Nghĩa cử cao đẹp: Thầy giáo 24 lần hiến máu cứu người Thầy giáo với tấm lòng hảo tâm đã hiến máu tình nguyện tới 24 lần với mong muốn 'giúp đời, giúp người'. Theo Giáo dục & Thời đại, ở tuổi 53, thầy Nguyễn Viết Linh - Hiệu trưởng Trường THCS 719 (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) vẫn bền bỉ theo đuổi việc hiến máu cứu người. Tới nay, thầy đã...