Lần theo kho báu của Đại tá Muammar Gaddafi
Muammar Gaddafi trở thành nhà lãnh đạo đất nước Libya kể từ năm 1969 sau cuộc đảo chính lật đổ Vua Idris I và tuyên bố thành lập một nhà nước Cộng hoà Libya mới với những tư tưởng nhen nhóm mới.
Và cho tới tận bây giờ, hơn 7 năm sau ngày bị lật đổ và sát hại, số tài sản khổng lồ của ông vẫn là một bí ẩn, thu hút sự săn lùng của nhiều thành phần quốc tế.
Tiền của ông Gaddafi ở đâu?
Thật ra không ai biết chính xác số tài sản đó trị giá bao nhiêu, ước đoán trong khoảng từ 100 đến 400 tỉ USD. Sự phỏng đoán ở mức độ cách biệt này là bởi lẽ trong 42 năm nắm quyền, Đại tá Gaddafi cùng người thân của ông đã kiểm soát toàn bộ ngân sách nhà nước, vốn được tích lũy nhờ nguồn tiền bán dầu mỏ.
Dưới thời của ông Gaddafi, Libya có mức thu nhập kinh tế quốc dân trên đầu người cao nhất Bắc Phi, cũng như là một trong những nước có mức GDP trên đầu người cao ở châu Phi. Người dân Libya được hưởng nhiều ưu đãi về hỗ trợ vốn, giáo dục, chăm sóc y tế. Giá xăng tại Libya rất thấp và người dân hoàn toàn không phải trả bất kỳ hóa đơn điện nào trên toàn quốc.
Nhà lãnh đạo Gaddafi được cho là đã để dành nhiều tấn vàng – báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm 2011 cho thấy, Libya có dự trữ vàng khoảng 4,6 triệu ounce, tương đương hơn 143 tấn – cùng một số lượng bạc tương tự với dự định thiết lập đồng dinar vàng được sử dụng giữa các quốc gia châu Phi, trong một nỗ lực để lãnh đạo lục địa đen. Số vàng dự trữ lớn thứ 25 thế giới này được cho là cất trữ trong các kho chứa rải rác khắp đất nước Libya. Và theo các nhà phân tích, chính tư tưởng này là lý do thực sự dẫn tới cuộc nổi loạn cũng như sự can thiệp quân sự của NATO tại Libya.
Sau khi ông Gaddafi bị lật đổ vào cuối tháng 8-2011, rồi sau đó bị lực lượng nổi dậy giết chết ngày 20-10-2011, tung tích 143 tấn vàng này đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn. Đại tá Gaddafi được cho là đã bán 1/5 số vàng này trước khi phong trào nổi dậy nổ ra. Vì thế, Hồ sơ Panama đã đi tìm lời giải về số phận của lượng tài sản khổng lồ này.
Các tài liệu điều tra cung cấp cho tờ báo Đức Sddeutsche Zeitung (SZ) bởi một nguồn ẩn danh giờ đây đang hướng tới hai “cánh tay trái và phải” của Gaddafi. Các cựu cố vấn của nhà lãnh đạo Libya được cho là cũng đã kiếm được hàng triệu USD thông qua các giao dịch “mơ hồ” sử dụng quỹ của nhà nước, trong khi giấu hàng tỷ USD theo lệnh của ông Gaddafi hoặc gia đình Đại tá. Cả hai người này đều nằm trong danh sách truy nã của Interpol trong nhiều năm.
Những “thủ quỹ” của ông Gaddafi
Nhân vật đầu tiên, trung tâm trong việc tìm kiếm kho báu này là Bashir Saleh Bashir, cố vấn thân cận được ví như “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi. Trong suốt những năm Đại tá Gaddafi lãnh đạo đất nước, Bashir được biết đến như “chủ ngân hàng của Gaddafi” khi được cho là đã đứng ra quản lý, đầu tư và che giấu những tài sản khổng lồ của gia đình nhà lãnh đạo. Ngoài ra, Bashir đã từng quản lý một chi nhánh nhiều tỷ USD của các quỹ nhà nước Libya, như quỹ dự trữ tài trợ dầu mỏ mà Gaddafi có quyền tiếp cận bất cứ lúc nào.
Theo Hồ sơ Panama, danh mục đầu tư châu Phi của Bộ Đầu tư Libya được dùng để đầu tư kinh doanh dầu mỏ ở các nước châu Phi khác, nhưng điểm đến chính xác của các dòng tiền hiện vẫn chưa thể xác định.
Có nhiều người Libya nói rằng, Gaddafi – người thích tự gọi mình là “Lãnh đạo của các nhà lãnh đạo Arab”, “Nhà lãnh đạo của cộng đồng người Hồi giáo”, hoặc đơn giản là “Vua của các vị vua châu Phi” – có thể đã tự bỏ số tiền đó vào túi riêng.
Sau khi ông Gaddafi dùng lực lượng quân sự đáp trả làn sóng biểu tình đang dâng lên mạnh mẽ vào tháng 2-2011, Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt lên những người, những tài sản và công ty có quan hệ tới chính phủ của Đại tá Gaddafi.
Video đang HOT
Nằm trong một phần của các biện pháp trừng phạt, tài sản thuộc về Bashir cũng bị Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ đóng băng. Danh mục đầu tư châu Phi do chính quyền Gaddafi điều hành, ngay sau đó, cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vì bị coi như “nguồn tài trợ tiềm năng” cho chế độ quân quản Libya.
Nhưng theo tiết lộ của Hồ sơ Panama, Bashir đã chuẩn bị sẵn các biện pháp phòng ngừa cho tình huống này. Danh mục đầu tư châu Phi sở hữu cổ phần của một công ty bình phong có tên là Vision Oil Services Limited. Hiển nhiên, đây là một phần nhỏ bí mật của Bashir.
Mặt khác, Công ty Luật Mossack Fonseca tại Panama được thành lập vào năm 2007, nhưng không hề có hoạt động nào trong nhiều năm vì các phí hành chính không được thanh toán. Chỉ tới sau ngày 10-3-2011, khi dấu hiệu về sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi ngày một rõ ràng, tất cả các hóa đơn chưa thanh toán đột nhiên thanh toán đầy đủ và được chứng nhận hoạt động tốt nhằm kích hoạt lại công ty. Điều này diễn ra 10 ngày sau khi ông Bashir bị áp các lệnh trừng phạt.
Còn Công ty nước ngoài Vision Oil Services Limited được ngụy trang hoàn hảo. Cả danh mục đầu tư châu Phi lẫn Bashir đều không hề được đề cập đến trong bất kỳ tài liệu chính thức nào.
Một người đàn ông Saudi Arabia được dựng lên để làm giám đốc công ty và có các giấy ủy quyền để mở các tài khoản ở ngân hàng Pictet (tại Geneva, Thụy Sĩ), chi nhánh Viennese của Ngân hàng Landsbanki (tại Luxembourg) và Ngân hàng Standard Chartered (tại Singapore)…
Người đàn ông Saudi này được cho là đã từng làm ăn với những kẻ buôn lậu dầu mỏ ở Jordan và ngồi tù tại Libya vì tội liên quan đến rửa tiền. Ông này đã từ chức Giám đốc Vision Oil Services Limited vào đầu tháng 4-2011 và bổ nhiệm một người Anh sống tại Đức thay thế vị trí này.
Đáp lại các truy vấn của tờ Sddeutsche Zeitung, người đàn ông quốc tịch Anh đã phủ nhận có bất kỳ sự liên quan đến các giao dịch của công ty và nói rằng, ông ta chỉ là một tấm bình phong khi giám đốc của mình đang ở tình thế nguy hiểm.
Nhà lãnh đạo Gaddafi đã bị lật đổ và chết chỉ vài tháng sau khi những sự kiện này diễn ra. Lực lượng nổi dậy đã bắt Bashir, nhưng bằng một cách nào đó, ông đã được thả ra trong sự hỗn loạn của cuộc nội chiến tiếp theo.
Trong những tháng bất ổn này, tất cả các dấu vết của Vision Oil Services Limited cũng biến mất. Chính quyền địa phương của quần đảo Virgin thuộc Anh đã đóng cửa công ty bình phong này vì các khoản nợ của lệ phí hành chính. Từ đó, các tài liệu về tài sản công ty này vẫn còn là một bí ẩn.
Trở lại tung tích của người nắm giữ bí mật của phần lớn các khoản đầu tư Libya tại châu Phi, ông Bashir, chạy trốn sang Niger, sau đó là Nam Phi. Có tin đồn rằng, Bashir đang sống tại Swaziland, quốc gia nhỏ láng giềng của Nam Phi.
Cũng theo Hồ sơ Panama, các nhà điều tra đã suýt tìm được kho báu của Gaddafi khi vào năm 2012, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Libya, ông Abdullah Sanussi tiết lộ rằng ông Gaddafi đã chôn số vàng còn lại trong sa mạc Libya. Một cựu bộ trưởng dưới thời ông Gaddafi sẵn sàng hợp tác để truy tìm số vàng, nhưng ông ta bị ám sát một cách bí ẩn trước khi kịp cung cấp thông tin. Cuối cùng, Sanussi đã không tiết lộ vị trí chính xác về kho báu của ông Gaddafi.
Còn nhiều tranh cãi
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, các nhà điều tra lần theo dấu vết kho báu của Gaddafi chú ý tới một thân tín khác của nhà lãnh đạo Gaddafi, ông Ali Dabaiba.
Theo các nhà điều tra Libya, trong suốt 2 thập kỷ, Daibaiba đã giám sát Tổ chức phát triển trung tâm hành chính (ODAC), một cơ quan điều hành tất cả các hoạt động kinh doanh nhà nước Libya. Trong khoảng thời gian này, ODAC đã chi khoảng 28 tỷ USD tiền ngân sách cho các dự án xây dựng ở bang giàu dầu mỏ.
Theo báo cáo, các kiểm toán viên đã kiểm tra chặt chẽ lại các hợp đồng kinh doanh của ODAC và phát hiện nhiều nghi vấn. Một trong những cố vấn của Gaddafi đã giải thích rằng, sự thiếu nhất quán trong các giấy tờ đã được phát hiện khá sớm nhưng chúng không được xem xét chi tiết bởi ông Gaddafi cũng như con trai ông có liên quan tới việc điều hành tổ chức.
Mặc dù Dabaiba đã phản bội lại phe phái của Gaddafi trong thời kỳ cao trào của cuộc nội chiến Libya, nhưng chính phủ mới vẫn đóng băng tài sản của Dabaiba và liệt ông vào danh sách bị tình nghi tham nhũng. Cuối cùng Dabaiba chuyển đến London, nơi gia đình ông sở hữu một vài tài sản có giá trị.
Các nhà điều tra Libya cáo buộc Dabaiba đã trao các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD cho các công ty có liên quan tới gia đình ông và trục lợi từ các giao dịch này ở nước ngoài thông qua một mạng lưới các công ty bình phong.
Cho đến nay, các nhà điều tra đã tìm thấy hơn 100 công ty có đăng ký kinh doanh tại quần đảo Virgin của Anh, Malta, Lichtenstein và Vương quốc Anh có liên quan tới Dabaiba và gia đình ông. Hơn 40 công ty trong số đó là ở Scotland.
Theo tờ Guardian, gia đình của Dabaiba đã bác bỏ những cáo buộc là vô căn cứ và khăng khăng rằng, họ không bị điều tra ở Libya; và luật sư của gia đình Dabaida tuyên bố họ không bị truy nã bởi bất kỳ cơ quan tư pháp, tài chính hoặc an ninh nào.
Ngoài ra, cũng theo tờ báo Anh, các công ty liên quan tới Dabaiba còn đầu tư vào ít nhất 6 căn hộ và nhà tại Anh với giá trị hiện tại lên tới hơn 25 triệu bảng, bao gồm căn hộ hạng sang 16,5 triệu bảng ở Mayfair, căn hộ trị giá 1 triệu bảng ở Marylebone, căn nhà trị giá 7 triệu bảng ở Hampstead và hai ngôi nhà ở Surrey trị giá 2 triệu bảng.
Các bí mật đang dần tìm được lời giải khi các nhà điều tra phát hiện được tên của Riad G., một người quốc tịch Anh, xuất hiện liên tiếp trong các tài liệu liên quan đến một số công ty bình phong thuộc về Dabaiba.
Riad G. đã học trung học tại Libya và học đại học tại London. Trang mạng xã hội của ông này có kết nối với gia đình Dabaiba. Các nhà điều tra cũng chỉ ra rằng, Riad cũng từng sở hữu nửa số cổ phần của một khách sạn lâu đời Kenmore ở Cao nguyên Scotland, trong khi công ty sở hữu khách sạn đang bị nghi ngờ được dùng để che giấu nguồn tiền từ các ngân quỹ Libya.
Theo hồ sơ đăng ký thương mại, công ty đứng đằng sau khách sạn sang trọng 500 tuổi được điều hành bởi hai người đàn ông đã nhận được các hợp đồng trị giá hàng triệu USD từ ODAC trong năm 2008, vào thời điểm Dabaiba điều hành tổ chức. Các liên kết ngầm đang dần được lộ rõ khi chính quyền Scotland xác nhận rằng các cuộc điều tra về vấn đề này hiện đang được tiến hành.
Còn về phía các nhà điều tra Libya, họ không tin vào tuyên bố mới đây nhất về tài sản của Dabaiba tại Anh, cho rằng ông chỉ sở hữu một vài chiếc xe, một số đồ trang sức và một trang trại với bốn con lạc đà mà thôi.
Theo Thùy Dương/ANTG
Có gì tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2019?
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có đông dân hơn bất kỳ khu vực nào khác và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ cho tăng trưởng toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn là chủ đề được thế giới hết sức quan tâm
Vì vậy, theo trang mạng stratfor.com, những chuyển động trong khu vực này trong năm 2019 chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Trung Quốc nỗ lực vượt qua cơn bão thương mại
Bắc Kinh sẽ cố gắng duy trì các tuyến thông tin liên lạc mở về thương mại với Washington bằng cách đề xuất mua thêm hàng hóa của Mỹ và hạ thấp một cách có chọn lọc các rào cản đối với đầu tư. Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường cải cách khu vực kinh tế công thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực tài chính, ô tô và năng lượng.
Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc phải giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước cho lĩnh vực công nghệ, nhưng điều đó sẽ chỉ buộc Bắc Kinh phải đẩy nhanh những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Để tiếp tục ngăn chặn sức ép thương mại của Mỹ, Bắc Kinh sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, chẳng hạn như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương... Với việc bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ, Bắc Kinh sẽ nhân đôi nỗ lực để tìm các thị trường xuất khẩu và đối tác mới thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường.
Bên cạnh đó, khi cố gắng làm suy yếu cấu trúc liên minh khu vực của Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục cách tiếp cận theo hướng hòa giải với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN bằng cách ưu tiên các nỗ lực giải quyết tranh chấp và các mối quan hệ đối tác kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra các đề xuất với Australia, mà các cuộc bầu cử vào tháng 4 của nước này có thể thúc đẩy việc nối lại tình hữu nghị.
Cùng lúc đó, Washington cũng sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trên biển Đông và tại eo biển Đài Loan. Đáp lại, Trung Quốc sẽ áp dụng tư thế cứng rắn hơn trên không và trên biển. Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Washington, nhưng sẽ hạn chế tham gia các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông hoặc tuần tra ở eo biển Đài Loan.
Nhật Bản thức tỉnh, Triều Tiên chưa rõ ràng
Năm 2019, Mỹ kỳ vọng đạt được sự nhượng bộ rõ ràng từ Triều Tiên và cũng là năm mà Bình Nhưỡng hy vọng giành được nhiều lợi ích nhất có thể từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump trước khi Mỹ bị phân tâm bởi chu kỳ bầu cử của họ. Triều Tiên sẽ thận trọng đưa ra những cam kết và chờ đợi tiến triển thực chất trong việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hoặc hướng tới một thỏa thuận hòa bình.
Hiện quyền phủ quyết của Washington tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm bãi bỏ các biện pháp đa phương, ngay cả khi Trung Quốc và Nga thúc giục cộng đồng quốc tế treo thưởng cho Triều Tiên vì sự hợp tác của họ. Đồng thời, Mỹ sẽ gây sức ép buộc các nước khác phải hợp tác trong các biện pháp trừng phạt.
Giữ vững vị trí của mình cho đến năm 2021, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đặt mục tiêu thông qua các cải cách hiến pháp trước khi năm 2019 kết thúc, đồng thời bù đắp cho các tác động kinh tế của đợt tăng thuế tiêu dùng đột ngột thông qua chi tiêu cho các công trình công cộng, khuyến khích đầu tư vào khu vực tư nhân và miễn thuế cho một số sản phẩm.
Tokyo sẽ đưa ra những nhượng bộ giúp xoa dịu phần nào các mối quan ngại thương mại của Mỹ - miễn là sự thúc đẩy quyền tiếp cận nông nghiệp của Mỹ không vượt quá giới hạn được nêu trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các thỏa thuận thương mại Liên minh châu Âu - Nhật Bản. Ngoài ra, Tokyo cũng sẽ chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Nhật Bản.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
Theo SGGP
Chạy thử tàu hỏa liên Triều Ngày 30-11, đoàn tàu hỏa gồm 6 toa từ Hàn Quốc đã lên đường sang Triều Tiên trong chuyến đi kéo dài 18 ngày để kiểm tra đường sắt liên Triều. Một đoạn đường liên Triều được khôi phục ở phần đất Hàn Quốc. Ảnh: Arirang. Theo Yonhap, chuyến tàu chở các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc rời ga Dorasan lúc...