Lần theo dấu vết của bánh kẹo “dởm”
Có một điều đặc biệt ở La Phù đó là những người dân ở La Phù không bao giờ sử dụng loại hàng bánh kẹo “cây là lá vườn” do chính La Phù sản xuất ra.
Bánh kẹo La Phù được chuyển về các vùng nông thôn đời sống kinh tế còn khó khăn và dân trí thấp
“Hôm đó tôi dắt cháu đi chơi qua cửa hàng mạn ấy thấy ông bố đánh con vì cái tội dám ăn bánh trung thu của nhà mình làm, trẻ con thì có tội gì đâu, nó đi học về đói thấy có cái gì là vơ ăn thôi”, bà chủ quán nước kể lại.
Không sử dụng hàng “ cây nhà lá vườn”
Có một điều đặc biệt ở La Phù đó là những người dân ở La Phù không bao giờ sử dụng loại hàng bánh kẹo “cây là lá vườn” do chính La Phù sản xuất ra. Chẳng thế mà khi tiếp chuyện với bà hàng nước ở đầu làng, người này bỗ bã bảo: “Ăn làm gì mấy cái của nợ ấy, độc hại lắm các chú ạ, người dân ở đây chả ai thèm đụng vào một thứ gì từ bánh kẹo cho đến nước giải khát”.
“Các chú cứ nhìn mà xem, xung quanh mấy cái cơ sở sản xuất chui nước hôi rình, thối hoắc. Chưa nói đến lúc họ sản xuất nữa, bẩn “kinh khủng”, thằng con trai tôi cũng là công nhân làm ở xưởng ngoài đó nó bảo thế…”, bà chủ quán nước cho biết thêm.
Người dân ở La Phù không bao giờ sử dụng mặt hàng do chính nơi đây “ sao chép” ra
Người dân xung quanh biết và chính những người sản xuất cũng biết giá trị của những sản phẩm mình làm ra vậy mà vẫn nhắm mắt làm ngơ trước lợi nhuận, bỏ mặc mối hiểm họa đang rình rập những con người sẽ sử dụng sản phẩm của họ khi cung ứng ra thị trường.
Theo người dân nơi đây, ngày bình thường việc xã đã tấp nập cả vài chục xe đến lấy hàng đi tiêu thụ chưa nói đến những ngày lễ tết số lượng xe có thể lên đến hàng hàng trăm. Nhiều năm gần đây việc ùn tắc xe tải lớn nhỏ tại nơi đây vào những dịp lễ tết xảy ra thường xuyên.
Đường đi của “bánh kẹo nhái”
Mặc dù chỉ là thứ hàng “sao chép” nhưng khi khoác trên mình mác một thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà… bánh kẹo nhái bỗng chốc chẳng khác là bao so với hàng chính hãng. Qua tìm hiểu của PV, mối lấy hàng lớn của các sản phẩm bánh kẹo La Phù chính là những khu vực nông thôn, hẻo lánh, nơi mà đại đa phần bộ phận người dân còn hạn chế về kiến thức chất lượng sản phẩm. “Ở nông thôn, người ta chỉ cần quan tâm đến cái mác bên ngoài và giá cả, còn lõi sản phẩm, cái nào với họ cũng đều giống nhau bởi bánh kẹo với họ là một thứ hàng rất quý”, anh Q. một tài xế của một chiếc xe tải về La Phù lấy hàng cho biết.
Con đường chính tại làng nghề bánh kẹo La Phù luôn tấp nập những chiếc xe tải lớn tập kết “ăn hàng” nhưng đa phần trong số đó là xe ngoại tỉnh. Theo ghi nhận của PV trong hàng dài những chiếc xe tải tập kết ăn hàng kia, đều là xe đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Kạn, Bắc Giang…
Video đang HOT
Chạy theo lộ trình chuyến xe mang BKS: 99K – 45xx từ La Phù xuyên quốc lộ 1A về thành phố Bắc Ninh. Đằng sau thùng xe phủ kín bạt, đầy đủ các mặt hàngbánh kẹo made in La Phù “núp” mác thương hiệu như: Orion, Hữu Nghị… Ngoài bánh kẹo, trên thùng xe còn có một số loại nước giải khát và bia như: C2, Sting, Halida, Hà Nội…
Sau hơn một tiếng đồng hồ trên đường quốc lộ, xe chuyển hướng ngoặt rẽ vào trung tâm TP Bắc Ninh. Dừng tại một đại lý không biển hiệu gần giáp công viên Hoàng Quốc Việt, phụ xe nhanh chóng mở bạt dỡ hàng, đầu tiên là những thùng nước C2 và Sting, sau đến là bánh kẹo, nửa thùng xe được dỡ xuống và chiếc xe nhanh chóng tiếp tục hành trình.
Đợi chiếc xe chuyển bánh khoảng chừng 20m, chúng tôi thử vào đại lý hỏi mua nước C2… Bóc từ thùng vừa được xe đổ xuống, bà chủ đại lý niềm nở “các chú may đấy, chị cháy hàng mấy hôm nay giờ mới có”. Cầm chai C2 trên tay với thứ nước màu vàng đậm, chúng tôi e dè hỏi nguồn gốc những chai nước. Bà chủ đại lý cho biết: “Đây là hàng của công ty từ Hà Nội chuyển lên, đảm bảo chính hãng”.
Cơ quan chức năng từ chối trả lời
Khi đến làm việc với cơ quan chức năng sở tại của xã, chúng tôi đã không nhận được câu trả lời về vấn đề đưa ra trong việc quản lý, theo dõi các sản phẩm của làng bánh kẹo La Phù.
Trong một diễn biến khác, khi trao đổi với một cán bộ y tế (đề nghị xin được giấu tên) cho biết: “Qua những đợt kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở La Phù đều vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSANTP). Cảnh quan, nhà xưởng ẩm thấp, trang phục công nhân không đảm bảo sạch sẽ”.
Theo xahoi
Trung thu buồn của trẻ em vùng rốn lũ
Những ngày này khi trẻ em ở các phố phường đang từng bừng háo hức với cơ man là đồ chơi, bánh kẹo, quần áo đẹp... thì những trẻ em vùng rốn lũ chỉ mong có đủ cơm ăn mỗi ngày.
Vượt gần 60km, từ thành phố Thanh Hoá, chúng tôi trở về Quảng Phú, Xuân Châu, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá), nơi cơn lũ lịch sử vừa đi qua đúng dịp Tết trung thu. Mặc dù cơn lũ đã đi qua được hơn nửa tháng nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn đó. Những ngôi làng vẫn còn hoang tàn xơ xác, hàng trăm ha mía, lúa hoa màu chết trắng. Cuộc sống sau lũ của người dân phải đối mặt với vô vàn khó khăn, miếng cơm manh áo đã trở thành niềm trăn trở khôn nguôi.
Những đứa trẻ nơi quê nghèo không chờ đợi, hy vọng nhiều vào Tết trung thu.
Có lẽ vì thế mà trẻ em nơi vùng quê nghèo này đã thiệt thòi càng thiệt thòi hơn. Khi nơi phồn hoa phố thị, trẻ em được đi chơi, được mua quần áo đẹp, mua đèn lồng, bánh trung thu...khi Tết trung thu về, thì nơi đây, trẻ em không dám mơ một mâm cỗ đầy, những chiếc bánh trung thu hay những chiếc đèn lồng.
Tại xã Xuân Châu, nhiều con đường vẫn còn nhầy nhụa trong bùn đất, những đổ nát của nhiều ngôi nhà chưa được sửa sang khiến không gian ở xã nghèo này càng thêm hoang tàn hơn. Anh Nguyễn Đức Vạn, xã Xuân Châu bùi ngùi: "Lũ cuốn đi hết rồi, mọi năm còn tạo điều kiện sắm tết cho mấy đứa nhỏ cho có lệ nhưng năm nay chắc là không có gì. Cũng thương mấy đứa nhỏ nhưng biết làm sao được".
Cháu Vân Anh, 5 tuổi, xã Xuân Châu khoe với chúng tôi: "Cháu còn giữ cái đèn trung thu năm ngoái, năm nay mẹ không có tiền mua cho cháu nên cháu dùng lại. Nó vẫn còn mới lắm ạ".
Cô Tạ Thị Oanh (áo đỏ), Hiệu trưởng trường mầm non Quảng Phú chia sẻ về khó khăn của đơn vị sau cơn lũ đi qua.
Cận kề ngày Tết trung thu, nhưng ở đây, người lớn còn tất bật bộn bề với ruộng vườn với những lo toan "cơm áo gạo tiền", những đứa trẻ chỉ biết ước mơ chứ không dám vòi vĩnh một thứ quà cáp gì cho mình. Lũ trẻ dường như cũng quen rồi nên chúng gần như dửng dưng khi nói về Tết trung thu, trung thu đến rồi đi, không chờ đợi cũng không hy vọng...
Khi gặp một số cháu chừng 5,6 tuổi, chúng tôi hỏi tết trung thu các cháu có đi chơi đâu không thì lũ trẻ tròn xoe mắt ngơ ngác. Trung thu đối với trẻ vùng quê nghèo dường như vẫn còn là điều gì đó lạ lẫm và "xa xỉ" lắm.
Chị Phạm Thị Thắm, thôn 9, Quảng Phú cho biết: "Mọi năm cũng mua cho mấy đứa nhỏ vài gói bánh hay kẹo, đúng là cũng chẳng đáng là bao nhưng năm nay lũ về, tài sản trong nhà, lúa, mía mất trắng hết, giờ gạo cũng không có mà ăn thì nói gì đến sắm trung thu cho các cháu. May mà còn có các nhà hảo tâm giúp đỡ nhân dân chứ không chúng tôi không biết sống thế nào".
Nụ cười tươi của trẻ khi nói về ước mơ có một cái Tết trung thu đủ đầy.
Trong cái nắng gay gắt giữa trưa, hai chị em Lê Thị Lệ, học sinh lớp 3 và Lê Văn Vọng, học sinh lớp 1, trường tiểu học Quảng Phú vẫn phải giang nắng để giúp mẹ phơi rơm. Đôi chân trần lấm đất, người gầy khô, đen nhẻm, cô bé Lệ quệt ngang những giọt mồ hôi đang chảy trên trán chia sẻ: "Mai mới đến trung thu nhưng chắc mẹ không mua bánh cho đâu. Còn phải để tiền mua gạo nữa".
Con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào trường mầm non Đá Lát, cách trung tâm UBND xã Quảng Phú 7km, ngôi trường tồi tàn nằm chênh vênh trên một quả đồi, nơi có những ánh mắt ngây thơ đang ê a tập hát. Không khỏi ứa nước mắt khi nhìn các cháu trong căn nhà ẩm thấp, lũ lụt đã làm hư hỏng hết tất cả các đồ chơi cũng như đồ dùng học tập.
Những cháu học tại đây hầu hết là con của các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi hỏi các cháu Tết trung thu bố mẹ có mua quà cho không thì các cháu đều lắc đầu, đôi mắt thơ ngây tỏ vẻ ngơ ngác đến tội nghiệp. Khi hỏi các cháu thích gì trong ngày Tết trung thu thì các cháu đều bảo thích có đèn ông sao, thích có bánh trung thu, thích được đi chơi. Cô bé Nguyễn Thị Yến Nhi, 5 tuổi còn thỏ thẻ: &'Cháu thích được như các bạn ở trên ti vi, hôm qua cháu xem ti vi thấy các bạn có quần áo đẹp, được đi chơi nhưng tết trung thu nhà cháu chỉ được ông Châu (ông xóm trưởng - PV) cho gạo thôi".
Cô Tạ Thị Oanh, Hiệu trưởng trưởng mầm non xã Quảng Phú tâm sự: "Xã Quảng Phú là một xã miền núi của huyện Thọ Xuân, bình thường đời sống của bà con nhân dân cũng đã gặp nhiều khó khăn. Nhưng đợt lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi tất cả khiến cho đời sống của người dân nơi đây càng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì thế mà việc sắm Tết trung thu cho các cháu còn nhiều hạn hẹp".
Hai đứa trẻ vẫn phải giang nắng phơi rơm cùng mẹ giữa trưa trong ngày cận kề trung thu.
Chiếc đèn lồng năm cũ được bé Vân Anh giữ lại cho năm nay.
"Hôm qua trường cũng đã kếp hợp với chính quyền địa phương cùng một số đoàn hảo tâm tổ chức tết trung thu cho các cháu. Nói là tổ chức Tết trung thu cho "oai" nhưng thực ra là mua một số bánh kẹo để các cháu được ngồi lại, vui chơi cùng nhau để các cháu nhớ về cái ngày của mình".
Ông Lê Bá Lộc, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: "Mặc dù sau cơn lũ còn nhiều việc cần phải làm, những xã, các cấp các ngành cũng không thể quên được ngày của các cháu nhỏ. Địa phương cũng đã trích số tiền 3 - 5.000đ cho mỗi cháu rồi giao xuống cho các chi đoàn tổ chức trung thu cho các cháu để các cháu phần nào đỡ tủi thân, bớt thiệt thòi".
Rời vùng quê nghèo, đằng sau những cánh đồng mía, lúa, hoa màu bị chết trắng là không ít những nỗi niềm trăn trở, một mùa trung thu trọn vẹn của lũ trẻ quê nghèo mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ.
Một chiếc đèn ông sao được mua trong năm nay cũng là niềm vui xa xỉ của những đứa trẻ quê nghèo.
Niềm an ủi của các cháu nhỏ nơi đây là những phần quà từ những nhà hảo tâm.
Cơn lũ đi qua, để lại sau lưng người nông dân bao nỗi vất vả, khó khăn, những đứa trẻ nơi đây cũng không có được cái Tết trung thu đủ đầy.
Theo Dantri
Xét tặng PGS. Hà Đình Đức danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô Hội đồng Thi đua khen thưởng Hà Nội vừa thống nhất thông qua danh sách 10 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2012. Trong danh sách có nhạc sĩ Hoàng Vân, PGS.TS Hà Đình Đức và Thượng tá Lê Đức Hoàng... Đây là năm thứ 3 thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu...