Làn sóng ủng hộ việc phụ nữ cho con bú nơi công cộng
Bình thường hóa việc cho con bú ở nơi công cộng, nâng cao nhận thức của mọi người về việc nuôi con bằng sữa mẹ đang là nỗ lực của nhiều phụ nữ.
Sau khi sinh con trai đầu lòng hồi tháng 3, người mẫu đình đám Emily Ratajkowski (Mỹ) đã ghi lại hành trình nuôi con bằng sữa mẹ và chia sẻ điều đó với hơn 27,5 triệu người theo dõi trên trang cá nhân.
Emily Ratajkowski thể hiện sự ủng hộ đối với những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ như mình. Trên trang cá nhân, cô thoải mái đăng hình đang cho cậu con trai Sylvester bú sữa mẹ, nhằm thể hiện đó là hành động rất tự nhiên và bình thường.
Emily Ratajkowski thể hiện sự ủng hộ với việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nàng mẫu 29 tuổi còn đăng bức hình ngồi cạnh là người bạn thân Caitlin King, cũng đang cho con cô ấy bú sữa. Hình ảnh có phần vui nhộn cho thấy đó không phải hành động quá riêng tư cần phải giới hạn.
Theo Glamour , thực tế nhiều phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ khi bị bắt gặp đang cho con bú, dù là nơi công cộng hay trên mạng xã hội. Dù việc yêu cầu một người mẹ rời khỏi nơi công cộng vì cô ấy cho con bú là bất hợp pháp, không ít phụ nữ hạn chế điều đó vì cảm giác e ngại như thể họ hành động khiếm nhã.
Phụ nữ e ngại
Mới đây, câu chuyện bà mẹ tên Holly Chapman (28 tuổi, Anh) đang cho con bú trên xe buýt thì bị yêu cầu phải ngừng lại hoặc rời khỏi xe đã gây chú ý trong cộng đồng mạng.
Holly sau đó đành phải xuống xe và tiếp tục cho đứa con mới 19 tuần tuổi bú ở bến xe buýt trong khi chờ chuyến khác.
Nhiều người mẹ thường có cảm giác xấu hộ khi bị nhìn thấy đang cho con bú nơi công cộng.
Theo một cuộc khảo sát ở Anh, 1/3 phụ nữ được hỏi cảm thấy xấu hổ hoặc không thoải mái khi cho con bú nơi công cộng, và gần 2/3 số người thường cố che giấu việc đó.
Năm 2016, “mỹ nhân đẹp nhất Philippines” Marian Rivera từng bị phê bình khi bức ảnh cô cho con gái bú ngay trong tiệc sinh nhật được chia sẻ trên mạng.
Trong các bức hình, cô vừa cho con bú, vừa vui vẻ trò chuyện với khách tham dự tiệc.
Nhiều người cho rằng cô nên tìm một nơi kín đáo hơn để cho con bú. Tuy nhiên, Marian Rivera đã đáp lại rằng “Có lẽ chỉ những ai làm mẹ mới hiểu được tôi”.
Video đang HOT
Tuyên bố này của người đẹp nhận được sự đồng tình từ Hiệp hội Bà mẹ và trẻ em Philippines. Nhiều người ủng hộ khi nữ diễn viên chấp nhận nuôi con bằng sữa mẹ thay vì ăn kiêng để giữ dáng.
Bì kỳ thị
Theo SCMP , năm 2019, Liz Thomas, nhà báo làm việc cho một tổ chức tin tức toàn cầu tại Hong Kong, phát động #Ittasteslikelove, một chiến dịch nhằm bình thường hóa việc cho con bú ở Hong Kong, nơi 40% phụ nữ cho con bú ở nơi công cộng đã khiếu nại hoặc có trải nghiệm khó chịu, theo cuộc thăm dò của UNICEF.
Trước đó, cô đang cho con bú trên một chiếc xe buýt thì bị người phụ nữ bên cạnh hét lên “che người cô lại đi”. Liz từ chối và tiếp tục việc đang dở.
Liz không cô đơn. Năm 2018, một người mẹ tên Cathy Ho đang cho con bú trên ghế công cộng thì bị nhân viên an ninh yêu cầu chuyển đến nhà vệ sinh gần đó. Cô từ chối, cho biết mình có quyền hợp pháp để cho con bú ở nơi công cộng.
Theo khảo sát của CNN , ở Hàn Quốc, phụ nữ thường không cho con bú ở nơi công cộng. Họ sẽ bơm, vắt sữa ở nhà bỏ vào bình sữa và cho con bú bằng bình. Họ nói rằng “sợ bị đánh giá không chuyên nghiệp” nếu để lộ hình ảnh cho con bú trực tiếp.
Phụ nữ Nhật Bản thường ở nhà suốt thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu ra ngoài, họ cũng cho con uống bình.
Ở Đài Loan, từng có tranh cãi về việc có nên ra luật bảo vệ các bà mẹ cho con bú khỏi bị kỳ thị tại nơi làm việc hay không. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có nhiều ý kiến cho rằng nếu luật đó ra đời, phải thêm điều kiện phụ nữ cần phải che đậy ngực lại.
Liz Thomas thường phải hút sữa cho con ở nơi làm việc.
“Thật không công bằng khi chấp nhận hình ảnh bộ ngực phụ nữ trên khắp các bảng quảng cáo, phương tiện truyền thông xã hội, video âm nhạc và quảng cáo nhưng lại cho rằng việc một người mẹ cho con bú lại là sự khiêu khích hay tìm kiếm sự chú ý. Sao ảnh hở ngực được công khai, còn việc phụ nữ cho con bú thì không?”, Liz nói.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát động chiến dịch “Nói CÓ với nuôi con bằng sữa mẹ” để “nâng cao thái độ tích cực của công chúng đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và nơi công cộng”.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, sữa mẹ không chỉ là một nguồn kháng thể phong phú mà còn giúp trẻ giảm tỷ lệ hen suyễn, béo phì và tiểu đường.
Theo bà mẹ 2 con Liz, các chiến dịch nâng cao nhận thức ngày càng được nhiều thương hiệu lớn hưởng ứng khi đưa hình ảnh phụ nữ cho con bú vào tạp chí, phần quảng cáo sản phẩm.
Về phía những người chỉ trích, Liz nói: “Tại sao một trong những hành động sinh học tự nhiên nhất lại bị kỳ thị? Những thành kiến về phụ nữ và tiêu chuẩn kép là các nguyên nhân chính. Cho đến khi chúng tôi có chế độ nghỉ thai sản tốt hơn, được luật pháp bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ, hút sữa ở nơi làm việc, chúng tôi vẫn sẽ thấy phụ nữ tiếp tục phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, giữa phòng họp và phòng chơi cho trẻ”.
Ảnh: @emrata
Không phải vấn đề cho con bú nơi công cộng, đây mới là chi tiết khiến nhiều người tranh cãi
Với những bà mẹ đang nuôi con nhỏ thì việc nên cho con bú nơi công cộng thế nào để văn minh lại an toàn cho bé chính là điều được rất nhiều bà mẹ quan tâm.
Nhiều người vẫn hay nói, thiêng liêng nhất là nghề làm mẹ, nhưng nhiều vất vả nhất cũng chính là nghề làm mẹ. Sinh một đứa trẻ đã khó, nuôi dạy chúng thế nào đôi khi còn khó hơn. Thế nhưng, trước khi những đứa trẻ trưởng thành, bạn sẽ phải tập làm quen với rất nhiều thứ. Một trong số đó chính là cho con bú nơi công cộng thế nào để vừa không gây phản cảm cho mẹ lại không làm hại tới sự sức khỏe của bé.
Dùng tấm vải che khi cho con bú nơi công cộng liệu có khiến trẻ bị ngạt?
Mới đây, trên mạng xã hội Quora, một tài khoản có tên Lisa Bernardi Wolf đã đăng tải bài viết với nội dung: "Bạn có sử dụng tấm che khi con bú ở nơi công cộng hay không?" đã tạo ra một luồng tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể, bài đăng có nội dung tạm dịch như sau:
"Bạn có nhớ rằng mình từng phải trốn dưới 1 lớp vải bọc khi bú sữa mẹ lúc còn bé? Chuyện gì đã xảy ra sau vài phút? Bạn sẽ lấy tay vén tấm vải lên và thở hổn hển vì bên dưới đã cạn kiệt oxy.Tôi tự hỏi rằng mọi chuyện sẽ tồi tệ thế nào nếu 1 đứa trẻ không thể tự mình vén lớp vải bọc?
Bạn chẳng cần che đậy gì cả. Khi bạn vén áo lên cho con bú, người ta sẽ chẳng thấy gì đâu. Không tin tôi sao?
Tôi nhớ có hôm mình vừa cho con bú vừa ngồi tám chuyện với nhỏ bạn. Cho tới khi đứa bé phát ra 1 tiếng động nhỏ, bạn tôi mới nhận ra rằng tôi đang cho con bú suốt từ nãy đến giờ. Đứa trẻ đang được bú sẽ ngoan ngoãn và ít quấy nhiễu hơn khi đói rất nhiều. Miễn là bạn đang mặc 1 chiếc áo có thể dễ dàng vén từ dưới lên, thì cứ thoải mái cho con bú đi.
Ở khu vực phòng thử đồ thường có chỗ ngồi êm ái trước mấy tấm gương. Đó là 1 nơi yên tĩnh và phù hợp để cho con bú khi bạn đang đi mua sắm.
Mọi tiểu bang đều bảo vệ quyền lợi của bạn được cho con bú bất cứ khi nào, bất kỳ nơi đâu. Không ai có quyền cấm bạn làm điều đó. Không ai được phép bắt bạn rời đi.
Nếu bạn không thích bị trùm mền kín mít khi đang ăn thì cũng đừng bắt con bạn phải chịu đựng điều đó chỉ để xoa dịu cái nhìn của người khác. Họ thậm chí còn có thể chẳng để tâm đến chuyện này đâu. Còn nếu như có ai đó để tâm đến nó, thì hãy mỉm cười và lịch sự nói với họ rằng bạn cần sự riêng tư.
Hãy thật thoải mái và vui vẻ chăm sóc đứa bé. Bạn không cần phải che đậy gì hết."
Có thể thấy, bài đăng của tài khoản có tên Lisa Bernardi Wolf bày tỏ góc nhìn về việc các mẹ bỉm sữa nên thoải mái hơn khi cho con bú ở nơi công cộng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một chi tiết vô cùng quan trọng khác và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra sự tranh luận trái chiều. Đó chính là nếu như tấm vải bọc để bảo vệ cho mẹ không bị hở ngực vô tình che vào mặt trẻ thì có khiến trẻ bị ngạt hay không?
Phía dưới bài đăng, có rất nhiều người đã nêu ra quan điểm cá nhân về điều này.
"Hồi nhỏ lúc bú vẫn nhớ là mình sẽ vén cái vải che lên hả? Chẳng hiểu là lấy tấm vải che hay là lấy cái gối rồi đè mạnh vào mặt bé mà sợ bé cạn kiệt oxy?
Bạn nên hiểu rằng, mật độ sợi vải của một tấm vải quá dư khả năng để không khí lọt qua và việc em bé lấy tay (nếu bé đủ khỏe để làm thế) là vì bé muốn nhìn thấy mặt của mẹ, nhưng thông thường lúc bú bé đều nhắm mắt hết và chẳng có đứa nào lấy tay đẩy tấm vải che ra cả. Em bé chưa ngủ thì có cách che để em bé nhìn thấy mẹ mà vẫn không bị lộ ngực.", một người dùng bình luận.
Đồng thời cũng có rất nhiều ý kiến khác có cùng quan điểm trên.
"Tôi thấy việc dùng khăn mỏng che vẫn hợp lý mà. Thực ra thì bé sẽ không bị ngộp như mấy bạn nghĩ đâu. Các bạn chỉ cần lựa khăn mỏng, phủ khăn rộng tạo nhiều không gian bên trong khăn và không che kín là được. Em bé bú 5-10p thôi là xong rồi. Mình nghĩ việc này cũng nên tế nhị.", một tài khoản khác bày tỏ.
"Làm ơn đi, người ta có bán những loại vải cho con bú chuyên dụng mà không làm bé ngạt thở. Các bạn chỉ cần mua về và sử dụng là được. Che đậy thân thể mình, đặc biệt là những phần nhạy cảm là phép lịch sự tối thiểu dành cho mình và cả người khác. Đừng lo bé bị ngạt thở chỉ vì nguyên nhân đó, chúng ta có rất nhiều cách để giải quyết cơ mà."
"Lúc cho bú lấy tay đẩy tấm vải lên cho không che mặt bé là được. Mình có 2 đứa con và thấy dùng tấm vải che không ảnh hưởng gì tới việc bú của con, không gây ngộp nếu mẹ chú ý kéo tấm vải hở ra 1 khoảng."
Dùng tấm vải che khi cho con bú có khiến trẻ bị ngạt hay không chính là chi tiết gây ra nhiều tranh cãi.
Trước vấn đề được nêu ra ở trên, nhiều người cho rằng tấm vải che được dùng khi cho trẻ bú đã được thiết kế phù hợp với kích thước khá rộng để vừa đủ che cho bé được kín đáo khi bú lại vừa đủ để tạo ra một không gian rộng rãi phía trong để bé thấy dễ chịu khi bú và không bị ngạt thở.
Ngoài ra còn rất nhiều ý kiến khác nói về việc các mẹ cho con bú nên thoải mái hơn, ngay cả khi đang ở nơi công cộng, không nên vì sợ người khác để ý, soi mói mà bỏ mặc những đứa trẻ. Thậm chí, nhiều người cho rằng đây là một điều vô cùng thiêng liêng và may mắn cho những ai có đặc quyền ấy.
"Mình không để ý việc này lắm, vì mình đói thì cũng ăn như heo vậy. Nên nếu bọn trẻ con đói thì các chị các mẹ cho nó ăn thế thôi. Sao nhiều người cứ phải làm quá lên?"
"Thật ra mình vẫn không hiểu vì sao mọi người kì thị việc cho con bú thế. Nó không những là chuyện rất rất bình thường mà còn là điều hạnh phúc nhất trên đời này của các mẹ ấy chứ!"
Dẫu biết rằng, nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những điều tuyệt vời nhất mà một người mẹ có thể làm cho thiên thần bé nhỏ của mình nhưng trên thực tế vẫn không nhiều người ủng hộ chuyện các bà mẹ bỉm sữa vô tư cho con bú nơi công cộng là lý do khiến các mẹ bỉm sữa không thể thoải mái, tự tin thực hiện thiên chức, nhất là ở nơi công cộng. Do vậy, đây vẫn là một trong những điều khiến nhiều người hết sức băn khoăn.
Vậy, làm thế nào để cho con bú nơi công cộng vừa văn minh cho mẹ lại vừa đảm bảo an toàn cho bé?
Bên cạnh những ý kiến trái chiều kể trên, nhiều người cũng đưa ra một vài gợi ý cho các mẹ như: cho con bú bình hoặc sử dụng các loại áo có thiết kế phần khóa kéo ở ngực...
"Mình đẻ 2 đứa và chưa bao giờ vạch ra cho bú ở nơi công cộng cả. Bạn có thể lựa chọn vắt sữa đem theo, hoặc bí bách lắm thì chọn một khu vực thật kín đáo và riêng tư để cho con bú là được.", một người dùng chia sẻ.
"Thường thì nếu ra ngoài dưới 2 tiếng mình sẽ cho con bú ở nhà rồi mới đi. Còn ra ngoài lâu thì phải mang theo khăn mỏng, nếu không tranh thủ về sớm được thì nên chọn chỗ kín đáo một chút như trong góc của quán cà phê chẳng hạn... Như vậy thì chỉ cần che 1 phía, phía kia vẫn thoáng khí và con sẽ không bị khó chịu.
Còn nếu trong trường hợp con bạn có thể bú bình thì bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị sẵn một bình sữa và giữ nhiệt để sẵn sàng cho bé bú ngay khi đói rồi."
Tuy nhiên, dù phải đứng trước nhiều ý kiến trái chiều nhưng có lẽ, đã làm mẹ thì ai cũng luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con. Vì vậy, điều bạn nên cân nhắc cuối cùng vẫn là sự thoải mái, văn minh của mẹ và sự bình an của con trẻ cũng như chính bản thân mình. Trong trường hợp cảm thấy việc dùng tấm vải che còn khiến bản thân băn khoăn về sự an toàn thì có thể lựa chọn cách chuẩn bị sữa bình để mang theo phòng hợp trẻ đói, hoặc lựa nơi kín đáo có thể thuận tiện hơn trong việc cho con bú...
Phát hiện chồng ngoại tình từ 1 vật siêu nhỏ xuất hiện tại nhà sau chuyến công tác, vợ "phá án" chỉ trong 1 đêm và màn "chốt hạ" quá chất "Không thể tin nổi tôi đã tìm được 2 kẻ đáng nghi chỉ sau 1 đêm", cô vợ kể. Đừng đùa với phụ nữ - Đó là khẩu hiệu nhiều đàn ông đã "lĩnh hội" được sau khi bị vợ/ người yêu mình "vạch mặt" vì làm nhiều việc gian dối. Không cần biết động cơ ngoại tình của các anh là gì...