“Làn sóng ngầm” chuyển nhượng đất nông nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp thực sự chưa hình thành nhưng đã có những “làn sóng ngầm” mạnh mẽ, nếu không sớm có hành lang pháp lý thì dễ dẫn đến nhiều tác động xã hội. Hoàn thiện các quy định về tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp đang là một đòi hỏi bức thiết hiện nay…
Đất bỏ hoang, doanh nghiệp khát đất
Bà Trần Thị Thanh Nhàn – chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, qua nghiên cứu về thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng (CNQSD) đất nông nghiệp ở một số địa phương, cho thấy, thị trường đất sản xuất nông nghiệp đang xuất hiện một số hình thức chuyển nhượng. Một là, CNQSD đất nông nghiệp diễn ra chủ yếu giữa các nông dân với nhau. Người mua muốn có thêm đất để mở rộng sản xuất, đầu tư cho thuê, chờ đền bù hoặc chuyển mục đích sử dụng. Việc chuyển nhượng này phần lớn chỉ bằng giấy viết tay, quy mô nhỏ lẻ, chỉ vài sào ruộng.
Cần có hành lang pháp lý hình thành thị trường đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất. Ảnh: T.L
Hai là, CNQSD đất nông nghiệp giữa nông dân – doanh nghiệp (DN). Hoạt động này diễn ra rất ít, bởi nhiều rào cản: Khung giá đất không phù hợp với giá thị trường, thiếu cơ sở dữ liệu, hồ sơ đất; DN phải xin ý kiến nhiều ban ngành cho dự án đầu tư.
Ba là, CNQSD đất nông nghiệp bằng hình thức góp vốn. Hình thức này cũng không phổ biến, một số hợp tác xã có góp vốn bằng đất nhưng thực tế chỉ liên kết đầu vào đầu ra.
“Thực tế, thị trường CNQSD đất nông nghiệp giữa nông dân với nông dân ở các địa phương vô cùng trầm lắng, trừ tỉnh Lâm Đồng do địa phương này đang phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao; trong khi ở Hòa Bình 100% giao dịch trong điều tra chỉ là thừa kế; còn ở Hà Nam chỉ mua chờ đầu tư. Trong khi thị trường CNQSD giữa nông dân và DN lại gặp nhiều rào cản do khung giá đất không phù hợp, thiếu khung pháp lý, thủ tục quá rườm rà” – bà Nhàn nói.
Bà Nhàn lấy ví dụ về một DN đi thuê quyền sử dụng đất để trồng và xuất khẩu chè. Sau khi DN này làm đơn xin làm dự án trồng chè (2015), đơn được chuyển đến UBND tỉnh với thời gian hướng dẫn mất 3 tháng. Chưa hết, DN phải tự thuê người kiểm kê rừng (150 cây thông), Sở NNPTNT xác nhận kiểm kê rừng với chi phí 100 triệu đồng. Cộng với các thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, văn bản đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian kéo dài thêm 1 năm. Đến khi phê duyệt dự án đầu tư thì tỉnh yêu cầu đổi mảnh đất khác vì cần xây dựng phương án bảo vệ rừng trong khu đất dự án của tỉnh… Sau 3 năm, chặng đường đi thuê đất của DN này còn khá gian nan.
Tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, thực tế, nhiều DN rất muốn có quỹ đất lớn để mở rộng sản xuất nhưng việc thuyết phục nông dân cho thuê đất rất khó khăn. Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ HD Green (xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) có 5ha đất sản xuất và muốn thuê thêm vì thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau quả sạch khá tốt, nhưng không thể thỏa thuận được với các hộ dân xung quanh dù nhiều hộ vẫn để ruộng không.
Video đang HOT
Bà Thanh Nhàn nhận định, việc DN thuê đất trực tiếp của nông dân là vô cùng khó khăn do chi phí giao dịch cao, rủi ro lớn cho cả 2 bên. “Với thị trường cho thuê quyền sử dụng đất, cụ thể là doanh nghiệp thuê đất khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân, chỉ cần vài hộ không đồng ý cũng phải dừng dự án. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế là đồng thuận khoảng 80% số hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án thì buộc các hộ khác cũng thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm, chuyển đổi cho nông dân” – bà Nhàn nói thêm.
Biến đất đai thành hàng hóa
Trước nhu cầu nguồn đất sạch của DN để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, Chính phủ đang xây dựng nghị định quy định về tập trung tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp nhằm biến đất đai thực sự trở thành hàng hóa, giải phóng những nút thắt đang kìm hãm quá trình phát triển sản xuất lớn hiện nay.
Thái Bình là một địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Bà Khổng Thị Thịnh – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết, do hiện chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương.
Hầu hết các mô hình tích tụ chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương. Đối với DN hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua HTX và UBND xã.
Hay đối với diện tích đất 5% công ích do UBND xã quản lý, UBND xã chỉ được phép cho gia đình cá nhân thuê theo hình thức đấu giá, thời gian cho thuê tối đa 5 năm. Thời gian này chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ, tập trung và DN không được thuê diện tích đất này.
Một số dự án sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ đất đai, khi triển khai phải chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp cho giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà điều hành, nhà bào quản… Như vậy sẽ vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, về quản lý sử dụng đất trồng lúa.
Theo Danviet
Sự chồng chéo giữa các luật đang gây khó cho nông dân TP.HCM
Khó khăn về nguồn vốn, bất cập trong công tác quy hoạch, sự chồng chéo, xung đột pháp luật... đang là những khó khăn mà hội viên nông dân TP.HCM đang gặp phải trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị.
Ngày 26/11, báo cáo đề dẫn tại chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019 do Thành ủy TP.HCM tổ chức, Ban Thường vụ Hội Nông dân TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 114.580ha đất nông nghiệp, chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên.
Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 66.001ha, đất lâm nghiệp 35.684ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798ha, đất làm muối 1.709ha và 386ha đất nông nghiệp khác. Hàng năm, diện tích đất nông nghiệp giảm trên 500ha để phục vụ quá trình đô thị hóa.
Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019 ngày 26/11
Trên địa bàn thành phố hiện có 52.593 hộ có hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định, mức bình quân 5,5%/năm giai đoạn từ 2011-2016 và các năm gần đây đạt mức tăng trưởng bình quân 6%/năm. Năm 2018, đóng góp của ngành nông nghiệp cho GRDP của thành phố đạt ở mức 0,7%/năm, đóng góp số tuyệt đối gần 21 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Hội Nông dân thành phố nêu lên những tồn tại, hạn chế. Công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố còn những khó khăn cho người dân trong thực hiện quyền dân sinh.
Sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai làm cho người dân chưa thực hiện được đầy đủ các quyền như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và không xin được chứng nhận VietGAP do không quy hoạch vùng sản xuất tại một số quận và hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè.
Trong đó, tại Cần Giờ đã hơn 10 năm nhưng vẫn còn 968 hộ dân/1.280 hộ tại các khu vực sạt lở ven sông, ven biển vào tái định cư tại khu dân cư Cọ Dầu (xã Bình Khánh) và khu dân cư Cá Cháy (xã An Thới Đông) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác đền bù giải tỏa gặp khó khăn, do chênh lệch giá đền bù của thành phố thấp so với giá chuyển nhượng đất trên thị trường hàng chục lần, làm cho việc khiếu nại diễn biến phức tạp và hộ nông dân không đủ nguồn lực để tái định cư, tái sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã đền bù, giải tỏa nhưng không thực hiện mà để đất hoang vừa gây lãng phí đất sản xuất nông nghiệp vừa là nơi gây dịch bệnh từ muỗi, chuột, bọ, sâu, rầy.
Đất nông nghiệp TP.HCM giảm trên 500ha/năm do đô thị hóa
Việc phát triển hợp tác xã (HTX), nhất là HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại chưa đạt theo yêu cầu. Sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, HTX với doanh nghiệp còn hạn chế. Gần phân nửa diện tích trụ sở của HTX (49,9%) đang phải thuê, mượn của người dân hoặc được chính quyền địa phương cho mượn tạm.
Việc vay vốn để mở rộng sản xuất của các HTX gặp nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp và do định giá đất nông nghiệp thấp nên số tiền được duyệt vay không đủ đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Năng lực quản lý điều hành của thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, kế toán trưởng các HTX còn hạn chế, gặp khó khăn khi tham gia vào kinh tế thị trường.
Cuối cùng, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, HTX, hộ dân đang có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, như: nhà lưới, chuồng, trại chăn nuôi; nhà kho để vật tư, nông sản, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm.
Tuy nhiên, do vướng quy định chỉ được xây dựng các công trình trên đối với "đất nông nghiệp khác" nên các công trình phụ trợ này chưa được cấp phép xây dựng. Một số HTX hoạt động có hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn.
Dự và chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung ghi nhận những đóng góp của Hội Nông dân TP.HCM trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Hội Nông dân TP có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất và những vấn đề bức xúc, khó khăn, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân nói chung, hội viên, nông dân thành phố nói riêng.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung đề nghị Hội ND tăng cường phối hợp với các cơ quan Nhà nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân
Để tham mưu chuẩn bị chu đáo về nội dung trao đổi với lãnh đạo thành phố, các cấp Hội tăng cường nắm bắt tình hình, dư luận những nội dung, vấn đề hiện nay mà hội viên, nông dân quan tâm liên quan đến việc hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là những vấn đề có nhiều bức xúc, những nội dung chính đáng, hợp pháp đã được cán bộ Hội, hội viên, nông dân kiến nghị, đề xuất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm...
Trực tiếp làm rõ thêm nhiều vấn đề, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung đề nghị các sở, ngành có liên quan đến các vấn đề mà hội viên, nông dân đặt ra phải tiến hành khảo sát và chỉ đạo thực hiện, nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, tạo niềm tin để hội viên, nông dân tiếp tục cùng với các ngành chức năng góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp đô thị thành phố.
Theo Danviet
Cận cảnh nhà xưởng xả khói đen khét lẹt giữa khu dân cư Hà Nội Hàng chục nhà xưởng nấu keo sản xuất gỗ ép, lò đúc kim loại tại nhiều xã trên địa bàn huyện Đông Anh (TP Hà Nội) xả khói ngày đêm gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân xung quanh. Khói đen từ nhà xưởng sản xuất gỗ ép tại xã Dục Tú xả thẳng ra môi trường Tại cánh đồng...