Làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron có thể gây bất ổn cho xã hội Bỉ
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn đánh giá của Bộ trưởng Y tế Bỉ, Frank Vandenbroucke, cho biết làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những bất ổn cho xã hội Bỉ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Antwerp, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Biến thể Omicron đang ngày càng lây lan nhanh chóng trên khắp nước Bỉ và nhà virus học Steven Van Gucht dự báo cao điểm sẽ rơi vào cuối tháng 1 này với 30.000 đến 125.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Bộ trưởng Vandenbroucke nhấn mạnh mặc dù sự lây lan nhanh của biến thể Omicron có khả năng tạo ra miễn dịch cộng đồng, nhưng đó không phải là chiến lược lúc này, vì sự gia tăng số ca nhiễm mới cũng kéo theo tỷ lệ nhập viện gia tăng, gây nguy hiểm cho hệ thống y tế và xã hội Bỉ.
Chính phủ Liên bang của Bỉ đang chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, đồng thời kích hoạt lại kế hoạch cung cấp thực phẩm mà Trung tâm Khủng hoảng quốc gia đã xây dựng trong đợt dịch đầu tiên. Ngoài ra, quân đội Bỉ cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện nếu cần.
Hiện tại, số người mắc COVID-19 tại Bỉ đã tăng gấp đôi trong một tuần. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Y tế công cộng Bỉ (Sciensano), từ ngày 2 – 8/1, trung bình 21.874 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhiều hơn 96% so với tuần trước đó.
Video đang HOT
Về mức độ lây lan của biến thể Omicron, tính trung bình trong 7 ngày qua, biến thể này đã gây ra 72% số ca mắc mới (tăng 38,8% so với giai đoạn trước đó), trong khi biến thể Delta gây ra 27,9% (giảm 38,6%) và 0,2% đối với các biến thể khác.
Kể từ đầu đại dịch cho tới nay, Bỉ ghi nhận tổng cộng 2.307.843 ca mắc COVID-19, trong đó có 28.539 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong hiện là 17,4 ca/ngày.
* Sau Israel, Hy Lạp là quốc gia tiếp theo tiến hành chương trình tiêm mũi vaccine thứ 4 phòng COVID-19, bất chấp những cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng cần phải ưu tiên vaccine cho những nơi khác trên thế giới.
Giới chức y tế của Hy Lạp ngày 11/1 đã phê duyệt việc tiến hành tiêm mũi thứ tư cho những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Ủy ban Tiêm chủng quốc gia Hy Lạp đã quyết định rằng nhóm này có thể tiêm mũi thứ tư trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng sau mũi thứ ba.
Quyết định trên được áp dụng với những bệnh nhân mắc bệnh về máu và ung thư đang được điều trị, những người được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, những người được ghép tạng và những bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp hoặc suy thận.
Tổng Thư ký của Bộ Y tế Hy Lạp Marios Themistocleous cho biết đến nay giới chức nước này chưa thảo luận về việc mở rộng mũi thứ tư cho những nhóm đối tượng còn lại, và ông hy vọng, điều này sẽ không cần thiết.
Người đứng đầu Ủy ban Tiêm chủng của Hy Lạp, Maria Theodoridou, khẳng định việc tiến hành tiêm mũi thứ tư cho những đối tượng còn lại phải được căn cứ vào sự thay đổi của dữ liệu dịch tễ học và lâm sàng, và hiện tại, Hy Lạp vẫn đang ưu tiên tiến hành tiêm mũi thứ ba cho mọi đối tượng.
Hiện Hy Lạp quy định bắt buộc tiêm phòng COVID-19 đối với tất cả mọi người trên 60 tuổi. Những ai không đặt lịch hẹn trước ngày 16/1 sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt hàng tháng là 100 euro. Chính phủ đang xem xét việc mở rộng tiêm chủng bắt buộc cho những người từ 50 tuổi trở lên.
Hàn Quốc thay đổi chính sách phòng dịch COVID-19
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa ra các chiến lược ứng phó mới với đại dịch COVID-19, tập trung chủ yếu vào việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, chuẩn bị cho một làn sóng lây nhiễm mới trong những tuần tới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 12/1, truyền thông Hàn Quốc cho biết các cơ quan chức năng nước này có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận "lựa chọn và tập trung", sử dụng chiến thuật "3T" (xét nghiệm, theo dõi và điều trị), đồng thời nhanh chóng cho phép sử dụng thuốc kháng virus đối với những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao đang điều trị tại nhà.
Cùng ngày, Trung tâm Các biện pháp đối phó thảm họa và an toàn thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đang lập một kế hoạch cách ly mới để đối phó với biến thể Omicron và nội dung cụ thể sẽ được công bố vào ngày 14/1 tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với sự lan rộng ngày càng tăng của biến thể Omicron vốn có khả năng lây nhiễm cao. Mặc dù sự lây lan hiện tại ở Hàn Quốc chủ yếu vẫn là do chủng Delta, song KDCA đã đưa ra dự đoán rằng biến thể Omicron, hiện mới chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc, sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế vào cuối tháng 1 này.
Ngày 11/1, Hàn Quốc ghi nhận 2.318 ca nhiễm biến thể Omicron, đánh dấu mức tăng theo tuần lên tới 44% so với mức 1.318 ca vào ngày 3/1. Các chuyên gia y tế hiện lo ngại rằng một làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron làm chủ đạo có thể khiến số ca mắc mới mỗi ngày ở Hàn Quốc tăng lên tới ngưỡng 10.000 ca cho dù các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hiện tại vẫn được duy trì.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng năng lực xét nghiệm PCR lên 850.000 xét nghiệm/ngày so với mức 750.000 xét nghiệm/ngày hiện tại. Theo đó, năng lực xét nghiệm PCR sẽ tập trung vào các nhóm ưu tiên, bao gồm người cao tuổi, những người có bệnh lý cơ bản và những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, để giảm bớt gánh nặng cho các xét nghiệm PCR, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét áp dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho những trường hợp ít khẩn cấp hơn.
Hiện các bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 vẫn chưa được các cơ quan y tế Hàn Quốc tích cực sử dụng như một công cụ chẩn đoán tiêu chuẩn hóa do độ chính xác vẫn thấp hơn so với các xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, sự gia tăng của các ca nhiễm Omicron dự kiến sẽ khiến nhu cầu xét nghiệm tăng cao nên bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh có thể sẽ được tăng cường sử dụng tại các phòng khám nhỏ cũng như tại các trường học sau khi tiến hành thảo luận với các cơ quan quản lý giáo dục trên cả nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường năng lực y tế để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ. Thực tế cho thấy hầu hết những người bị nhiễm biến thể Omicron đều có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc hiện được điều trị tại các trung tâm điều trị biệt lập thuộc các bệnh viện đa khoa, song một số chuyên gia nước này đang kêu gọi chính phủ chỉ định các phòng khám nhỏ hơn để thực hiện việc điều trị này. Jung Jae-hun, Giáo sư Y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế Gachon, cho rằng: "Một khi biến thể Omicron trở thành chủ đạo và số ca nhiễm mới bắt đầu gia tăng, bệnh nhân COVID-19 sẽ không thể tránh khỏi việc phải nằm điều trị tại các bệnh viện và phòng khám nhỏ hơn. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc nên chuẩn bị hướng dẫn điều trị cho các phòng khám như vậy".
Cùng ngày, KDCA ghi nhận có thêm 4.388 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4.007 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc lên 674.868 ca. Đây cũng là lần đầu tiên sau 6 ngày, số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc đã quay trở lại trên ngưỡng 4.000 ca/ngày. Hàn Quốc cũng ghi nhận có thêm 52 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 6.166 người và tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã lên đến 0,91%. Số bệnh nhân COVID-19 thể nặng là 749 ca và duy trì ở dưới ngưỡng 800 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp. Tính đến ngày 12/1, Hàn Quốc ghi nhận có 43,22 triệu người (84,2% dân số) đã được tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản và 21,81 triệu (42,5%) đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.
Làn sóng Omicron khiến Israel lập kỉ lục lây nhiễm dù tiêm mũi vaccine thứ 4 Israel trong ngày 5/1 ghi nhận 11.978 ca nhiễm mới, với tỉ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở mức trên 6%. Dòng người xếp hàng để đợi đến lượt làm xét nghiệm COVID-19 ở Tel Aviv, Israel ngày 4/1. Ảnh: AP Đây là mức kỉ lục mới về lây nhiễm ở Israel kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện...