Làn sóng đình công ở Anh tăng cao do tiền lương thực tế giảm khi điều chỉnh theo lạm phát
Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, buộc các hộ gia đình phải siết chặt chi tiêu đang dẫn đến những làn sóng kêu gọi đình công trên khắp nước Anh, bao gồm cả các nhân viên làm việc trong các ngành nghề quan trọng như y tá, công nhân đường sắt, nhân viên bưu điện và giảng viên đại học.
Các thành viên Liên đoàn công nhân đường sắt, hàng hải và vận tải quốc gia (RMT) Anh đình công bên ngoài nhà ga quốc tế St Pancras ở trung tâm London, Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo các số liệu chính thức được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, tiền lương thực tế tại Anh đang giảm khi người lao động đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong ba tháng tính đến tháng 9/2022, mức tăng trưởng trong tổng số tiền lương trung bình hàng tuần bao gồm cả tiền thưởng đã giảm 2,6% so với năm 2021 khi được điều chỉnh theo lạm phát. Lương thường xuyên, không bao gồm tiền thưởng, cũng đã giảm 2,7%.
ONS cho biết, mức giảm này nhỏ hơn một chút so với mức giảm kỷ lục 3% của tiền lương thường xuyên thực tế trong ba tháng tính đến tháng 6/2022, nhưng vẫn là một trong những mức giảm tăng trưởng lớn nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 2001.
Khi tính cả lạm phát, tổng lương cộng với tiền thưởng tăng 6%, trong khi tiền lương không bao gồm tiền thưởng tăng 5,7%. Đây là mức tăng lớn nhất trong tổng số tiền lương ngoài đại dịch và có thể làm dấy lên lo ngại về lạm phát tiền lương tại Ngân hàng trung ương Anh (BoE). Đầu tháng 11/2022, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, BoE sẽ tăng lãi suất nếu kỳ vọng lạm phát cao hơn làm tăng tiền lương.
Khoảng cách giữa tăng trưởng tiền lương của khu vực tư nhân và khu vực công đã đạt đến mức rộng nhất được ghi nhận ngoài đại dịch ở mức 4,4%. Tiền lương tăng 2,2% trong khu vực công, bao gồm các công việc như giảng dạy và điều dưỡng, so với 6,6% trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, ngay cả trong khu vực tư nhân, tiền lương đã giảm trên thực tế.
Bà Louise Murphy, nhà kinh tế học tại Resolution Foundation, cho biết: “Tăng trưởng tiền lương tiếp tục tăng mạnh trong khu vực tư nhân. Điều này đã dẫn đến một sự chênh lệch lớn giữa lương của khu vực tư nhân và khu vực công, vốn đã phải chịu sự dàn xếp rất chặt chẽ. Điều này không bền vững về lâu dài vì nó tạo ra những khó khăn lớn cho việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên khu vực công”.
Bà Murphy cho biết thêm: “Với các dịch vụ công đã bị kéo dài và tỷ lệ tuyển dụng việc làm đã ở mức cao kỷ lục, Bộ trưởng Tài chính sẽ khó có thể đưa ra một giai đoạn hạn chế trả lương kéo dài hơn nữa cho khu vực công.”
Video đang HOT
Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng đã đạt mức 10,1% trong tháng 9/2022 và dự kiến có thể tăng hơn nữa khi tính đến việc tăng hóa đơn năng lượng trong tháng 10/2022. Việc siết chặt chi tiêu trong các hộ gia đình đã dẫn đến những lời kêu gọi đình công về chi phí sinh hoạt. Các nhân viên y tá, công nhân đường sắt, nhân viên bưu điện Royal Mail, nhân viên hàng không, đường thuỷ, luật sự, phóng viên và giảng viên đại học đang kêu gọi tăng lương khi lạm phát đang ăn mòn tiền tiết kiệm của họ.
Khoảng 350.000 nhân viên y tế từ hơn 250 cơ sở y tế trên khắp xứ Anh, xứ Wales (Uên) và Bắc Ireland (Ai-len) đã bỏ phiếu cho hành động đình công công nghiệp để yêu cầu tăng lương và điều kiện lao động trong tháng 12/2022; các nhân viên bưu điện của hãng Royal Mail cũng lên kế hoạch đình công vào hai ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm. Ngoài ra, hơn 70.000 giáo viên đại học thuộc 150 trường đại học cũng sẽ tổ chức đình công vào cuối tháng 11/2022.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết xung đột tại Ukraine (U-crai-na) đã thúc đẩy lạm phát, “một loại thuế” đang ngấm ngầm “ăn mòn” vào tiền lương và tiền tiết kiệm của người dân. Bộ trưởng nói: “Giải quyết lạm phát là ưu tiên tuyệt đối của tôi và điều đó hướng dẫn các quyết định khó khăn về thuế và chi tiêu mà chúng tôi sẽ đưa ra vào ngày 17/11. Khôi phục sự ổn định và giảm nợ là lựa chọn duy nhất của chúng tôi để giảm lạm phát và hạn chế tăng lãi suất”.
Tuyên bố mùa Thu của Bộ trưởng Tài chính Hunt dự kiến sẽ mang lại 33 tỷ bảng (39,2 tỷ USD) cắt giảm chi tiêu và 22 tỷ bảng tăng thuế để lấp khoản thâm hụt ngân sách 55 tỷ bảng trong tài chính công.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh vẫn ở gần mức thấp lịch sử, ở mức 3,6% trong ba tháng tính đến tháng 9/2022, so với 3,8% trong quý II/2022. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp thậm chí sẽ giảm xuống 3,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm chủ yếu là do người lao động nghỉ việc tạm thời, chứ không phải do gia tăng tỷ lệ người có việc làm. Số người phải nghỉ việc vì mắc bệnh dài hạn tại Anh đang ở mức cao kỷ lục.
Mức độ việc làm vẫn thấp hơn 1,1 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch, ở mức 75,5%. Tỷ lệ không hoạt động kinh tế (mô tả tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không có việc làm cũng như không tìm kiếm việc làm), tăng 0,2 điểm phần trăm lên 21,6%.
Số vị trí tuyển dụng tiếp tục giảm từ mức cao kỷ lục gần 1,3 triệu vào đầu năm nay. Có khoảng 1,2 triệu vị trí tuyển dụng trong số liệu mới nhất từ tháng 8-10/2022. Ông Darren Morgan, Giám đốc thống kê kinh tế và lao động tại ONS, cho biết: “Tỷ lệ người không đi làm cũng như không tìm việc đã tăng trở lại. Kể từ khi đại dịch bùng phát, sự thay đổi này phần lớn là do những người lao động lớn tuổi rời bỏ thị trường lao động, nhưng trong quý gần đây nhất, đóng góp chính thực sự đến từ các nhóm trẻ hơn”.
Ông Morgan nói: “Thời gian vừa qua đã chứng kiến hơn nửa triệu người tham gia đình công với tổng số ngày đình công trong hai tháng cao nhất trong hơn một thập kỷ, phần lớn đến từ lĩnh vực giao thông và liên lạc. Với thu nhập thực tế tiếp tục giảm, không có gì ngạc nhiên khi các nhà tuyển dụng mà chúng tôi khảo sát cho chúng tôi biết, hầu hết nguyên nhân các cuộc đình công là về tiền lương”. Ông cho biết thêm các vị trí tuyển dụng tiếp tục giảm so với mức cao nhất gần đây, với nhiều nhà tuyển dụng cho biết, áp lực kinh tế là một yếu tố khiến họ quyết định ngừng tuyển dụng.
Bà Yael Selfin, nhà kinh tế trưởng tại hãng kiểm toán KPMG, cho biết, năng suất đã bị ảnh hưởng một lần nữa khi nền kinh tế Anh suy yếu. Bà Selfin cho biết: “Với các vết nứt hiện đang bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế rộng lớn hơn, mức giảm việc làm tương đối nhỏ so với GDP trong quý III, có nghĩa là sản lượng trên mỗi công nhân đã giảm trong quý thứ hai liên tiếp, lần đầu tiên kể từ dịch COVID dịu bớt. Môi trường suy thoái tác động đến thị trường lao động chỉ là vấn đề thời gian, khi các nhà tuyển dụng ngày càng phải cân nhắc giữa nhu cầu suy yếu và chi phí lao động tăng cao. Mặc dù tỷ lệ nhà cho thuê bị bỏ trống có thể sẽ là một trong những chỉ báo đầu tiên thay đổi, nhưng chúng tôi dự đoán tỷ lệ thất nghiệp cuối cùng sẽ đạt đỉnh khoảng 6% vào năm 2024″.
Bà Selfin cho biết, mức tăng lương danh nghĩa có thể đẩy BoE hướng tới một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 12/2022 khi BoE cố gắng ngăn chặn vòng xoáy giá cả tiền lương, trong đó tiền lương tăng khiến giá cả tăng thêm và ngược lại. Tuy nhiên, sự gia tăng trong tăng trưởng lương danh nghĩa che đậy sự sụt giảm sức mua của các hộ gia đình, vì tăng trưởng lương thực tế đã bị lạm phát vượt qua trong tháng thứ mười liên tiếp.
Làn sóng đình công tại Anh, Hà Lan và Đức
Ngày 26/8, trên 115.000 nhân viên của công ty dịch vụ bưu chính Royal Mail (Anh) đã bắt đầu đình công đòi tăng lương.
Cảnh vắng vẻ tại nhà ga King's Cross ở London, Anh trong bối cảnh diễn ra cuộc đình công của công nhân đường sắt, ngày 27/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là hoạt động mới nhất trong hàng loạt cuộc đình công tại Anh thời gian qua, khi người lao động đòi tăng lương do khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát dự báo vượt 13% trong năm nay.
Royal Mail khẳng định đã đề nghị tăng 5,5% lương cho nhân viên, mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, Nghiệp đoàn lao động ngành thông tin liên lạc (CWU) cho rằng công ty đã áp mức tăng 2% đối với các nhân viên và chỉ tăng thêm 1,5% tùy thuộc vào điều kiện.
Hãng bưu chính có lịch sử hàng trăm năm này đã xin lỗi khách hàng vì tình trạng gián đoạn dịch vụ. Royal Mail cho biết đã triển khai kế hoạch ứng phó, song không thể thay thế hoàn toàn công việc hàng ngày của các nhân viên tuyến đầu.
Đầu tháng này, Royal Mail cảnh báo sẽ bị thua lỗ tại Anh trong tài khóa 2022 - 2023 nếu đình công diễn ra. Dự kiến, các cuộc đình công tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 31/8, 8/9, và 9/9.
* Tại Hà Lan, các nhân viên của Công ty Đường sắt Hà Lan (NS) đã đình công ở nhiều địa phương sau khi các cuộc đàm phán về điều kiện trả lương thất bại.
Tại các tỉnh miền Bắc như Friesland, Groningen, Drenthe và các khu vực của Flevoland, Overijssel, đã không có chuyến tàu nào chạy từ 4h đến 16h ngày 24/8. Một cuộc đình công kéo dài 24 giờ khác cũng được lên kế hoạch tại miền Tây Hà Lan trong ngày 26/8. Các công đoàn cũng thông báo rằng một cuộc đình công trên toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 9, nếu NS không đáp ứng các yêu cầu của họ.
Sau thất bại trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận lao động tập thể vào tuần trước, các nhân viên đường sắt đã quyết định đình công. Các công đoàn đã yêu cầu NS hỗ trợ nhân viên một lần khoản tiền 600 euro (600 USD) và tăng lương thêm 100 euro/tháng.
Đáp lại, NS khẳng định dù hiểu mối quan tâm về tài chính của nhân viên, song công ty cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức như tình trạng thiếu hụt lao động, giá cả tăng cao và lượng hành khách không còn như trước.
* Tại Đức, Vereinigung Cockpit (VC) - công đoàn đại diện cho các phi công - ngày 25/8 cho biết các phi công tại Lufthansa đã từ chối đề xuất mức lương của hãng hàng không này và có thể đình công bất cứ lúc nào.
VC cho biết đề xuất gần đây nhất của Lufthansa là một bước đi đúng hướng nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của công đoàn, bao gồm việc tăng lương 5,5% trong năm nay cho các phi công và tự động bù lạm phát sau đó.
Lufthansa đã ghi nhận phản hồi của công đoàn sau khi gửi đề nghị cho các phi công của Lufthansa và Lufthansa Cargo vào sáng cùng ngày. Hãng hàng không hàng đầu của Đức cũng muốn thảo luận về hình thức linh hoạt của đề xuất này với VC và đề nghị tiếp tục đàm phán.
Các cuộc đình công và tình trạng thiếu nhân viên đã buộc các hãng hàng không, trong đó có Lufthansa phải hủy hàng nghìn chuyến bay trong mùa Hè này, dẫn đến tình trạng xếp hàng dài trong nhiều giờ tại các sân bay lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch du lịch của người dân sau thời gian bị hạn chế bởi dịch COVID-19.
Trước đó, ban lãnh đạo của Lufthansa đã đạt được thỏa thuận trả lương với nhân viên mặt đất, sau khi đình đông đã buộc hãng phải hủy hơn 1.000 chuyến bay.
Lạm phát châm ngòi cho làn sóng lao động đòi tăng lương trên toàn cầu Trong bối cảnh chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt mà tốc độ tăng lương không theo kịp, lạm phát đang làm dấy lên làn sóng phản đối và đình công của công nhân trên khắp thế giới. Hành khách rời khỏi tàu tại nhà ga Waterloo ở thủ đô London, Anh, khi các công nhân tiến hành đình công kêu...