Làn sóng di cư từ Venezuela gây lo ngại khắp Mỹ Latinh
“ Venezuela không còn là nồi áp suất nữa, mà đây là một quả bom có thể đang chuẩn bị nổ tung”, Đại sứ Colombia…
Một tình nguyện viên Colombia hỗ trợ thực phẩm cho người di cư Venezuela tại cầu quốc tế Rumichaca ở Ecuador, ngày 18/8
“Venezuela không còn là nồi áp suất nữa, mà đây là một quả bom có thể đang chuẩn bị nổ tung”, Đại sứ Colombia tại Hoa Kỳ cảnh báo như vậy trước nguy cơ đối diện một cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng trầm trọng tại châu Mỹ Latinh.
2,3 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước
Lusiana Garcia, 22 tuổi, cùng 2 con nhỏ, đã rời Venezuela tới thành phố biên giới Cucuta của Colombia cách đây 4 tháng. Cô là một phần trong làn sóng 2,3 triệu người rời bỏ đất nước từng giàu nhất châu Mỹ La tinh vì khủng hoảng kinh tế.
Garcia nói rằng, cô buộc phải ra đi khi không kiếm đủ thức ăn cho con và họ không được chăm sóc y tế. Tại Cucuta, Garcia bán nước trái cây và bánh, kiếm được khoảng 50 USD/tuần. Khoản tiền này dù chưa đủ cho các phí dịch vụ, tiền thuê nhà và thức ăn nhưng số tiền đó nhiều hơn những gì cô kiếm được ở Venezuela.
Theo nhà phân tích Krishnadev Calamur của tờ Atlantic, cuộc khủng hoảng khiến đất nước Nam Mỹ rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm và điều kiện chăm sóc y tế xuất phát từ chính sách thời cựu Tổng thống – ông Hugo Chavez. Theo đó, từ những năm 2000 Venezuela, đã thiết lập các chương trình phúc lợi xã hội hào phóng, quốc hữu hóa nhiều ngành công nghiệp và cung cấp dầu miễn phí hoặc chiết khấu cao cho các nước láng giềng để đổi lấy hỗ trợ y tế và chính trị. Vào thời điểm đó, giá dầu – huyết mạch của nền kinh tế Venezuela cao tới mức kỷ lục, giúp đất nước này luôn duy trì trạng thái giàu có nhất châu Mỹ Latinh.
Sau khi ông Chavez qua đời năm 2013, ông Maduro lên nắm quyền và vẫn giữ nguyên các chính sách nêu trên. Nhưng, sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới cùng với sự suy giảm lớn trong sản lượng dầu đã khiến Venezuela không đủ tiền để chi trả cho các nhu yếu phẩm nhập khẩu. Thêm vào đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ từ năm 2017 lại càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Video đang HOT
Trish Bury, Phó giám đốc các chương trình của Ủy ban Cứu nạn quốc tế tại Colombia cho biết: “Hàng nghìn người đang đổ về cầu Simon Bolivar (con đường nối Venezuela tới Cucuta) mỗi ngày”.
Trong đó, tỷ lệ trẻ vị thành niên không có người giám hộ đến từ Venezuela cao gấp 4 lần tình trạng báo động ở các nơi khác trên thế giới.
Bà Bury cũng lo lắng về những tệ nạn đang ngày càng phổ biến như bóc lột lao động, lạm dụng, buôn người, hay các công việc bất hợp pháp sử dụng lao động trẻ em.
Hệ lụy cho các nước Mỹ Latinh
Trước thực trạng trên, một số nước Mỹ Latinh đã bắt đầu chuẩn bị phương án đối phó lượng người di cư ngày càng tăng. Tháng trước, Brasil đã gửi quân đến biên giới để duy trì trật tự sau khi người dân Brasil tấn công người di cư Venezuela. Trong khi đó, Peru tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp ở hai tỉnh, nơi các quan chức ngành Y cảnh báo những người di cư đang lây lan bệnh sởi và sốt rét.
Đại sứ Colombia tại Hoa Kỳ Francisco Santos nói trong một sự kiện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS- ở Washington) rằng, “Colombia và một số quốc gia đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tại Venezuela”.
“Nếu các nước không cùng tìm ra cách giải quyết khủng hoảng tại Venezuela thì sẽ không có chương trình nghị sự nào khác với Nhà Trắng, cũng như các nước khác”, ông Santos cảnh báo.
Colombia, quốc gia có 48 triệu dân hiện đang là quê hương của 1 triệu người Venezuela, được so sánh với cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. “Đức đón 1 triệu người tị nạn từ Syria trong 3 năm. Còn chúng tôi đã đón lượng người tương tự chỉ trong 1 năm. Hãy tưởng tượng dòng người di cư này ảnh hưởng như thế nào tại châu Mỹ Latinh”, vị đại sứ nói với các nhà nghiên cứu chiến lược Mỹ.
Cũng tại CSIS, ông Matthew Reynolds, quan chức hàng đầu của Mỹ và vùng Caribe tại Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, cuộc khủng hoảng Venezuela đã vượt trên quy mô cuộc khủng hoảng tại Syria.
Theo ông Reynolds, UNHCR đã tăng hơn một nửa khung ngân sách 146 triệu USD để hỗ trợ người Venezuela cả trong và ngoài đất nước. Và với sự gia tăng liên tục của dòng người tị nạn cũng như nhu cầu của người dân Venezuela, các nguồn lực sẽ phải huy động nhiều hơn trong năm 2019.
Thùy Dương
Theo baogiaothong
Dù gia tăng trừng phạt, Mỹ vẫn bác bỏ giải pháp quân sự với Venezuela
Bất chấp các tuyên bố gia tăng trừng phạt, nhưng các nước trong khu vực, trong đó có cả Mỹ vẫn bác bỏ giải pháp quân sự can thiệp vào Venezuela.
Ngày 25/9, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào phu nhân của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cùng các quan chức cấp cao khác của quốc gia Nam Mỹ này. Bất chấp các tuyên bố gia tăng trừng phạt, nhưng các nước khu vực, trong đó có cả Mỹ vẫn bác bỏ giải pháp quân sự can thiệp tại Venezuela. Các vấn đề khủng hoảng kinh tế và di cư hàng loạt tại Venezuela dự kiến là một trong những nội dung được đề cập tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này tại New York.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Access 24
Bộ Tài chính Mỹ hôm qua (25/9) tuyên bố, bà Cilia Adela Flores de Maduro, phu nhân Tổng thống Maduro và cũng là cựu Tổng Chưởng lý Venezuela, cùng Phó Tổng thống Delcy Eloina Rodriguez Gomez và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez là 3 trong 6 cá nhân chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, 3 thực thể khác cùng một chiếc máy bay cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Maduro cho rằng, đây là những hành động hèn nhát nhằm vào người thân của ông, cũng như lực lượng vũ trang nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Maduro vẫn tin vào "phép màu" có thể diễn ra với cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Tôi nghĩ nếu Tổng thống Mỹ và tôi có cơ hội thảo luận, chúng tôi có thể hiểu nhau hơn. Hy vọng sẽ có một ngày, mà tôi cho rằng đó là phép màu trong cuộc sống, là cuộc thảo luận trực tiếp giữa nhà lãnh đạo hai nước Mỹ-Venezuela".
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây liên tục tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức chính phủ Venezuela. Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ cũng đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Venezuela nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của chính phủ nước này. Trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang gặp nhiều khó khăn với việc thiếu thực phẩm và thuốc men, các biện pháp gia tăng sức ép trừng phạt có thể khiến cuộc khủng hoảng tại nước này trầm trọng hơn.
Bên cạnh sức ép trừng phạt, Tổng thống Donald Trump cũng đã từng đe dọa can thiệp quân sự vào Venezuela. Mặc dù vậy, ứng cử viên cho vị trí người đứng đầu chiến dịch quân sự của Mỹ tại Mỹ Latin Craig Faller ngày 25/9 cũng cho biết, Mỹ không có kế hoạch cho bất cứ một hình thức can thiệp quân sự nào để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Venezuela.
Thực tế giải pháp can thiệp quân sự vào Venezuela cũng đã được Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro đề cập nhưng đều vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia trong khu vực. Phát biểu khi đến New York tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9, Tổng thống Peru Martin Vizcarra bác bỏ giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng Venezuela, đồng thời cho rằng cần đưa thêm nhiều lựa chọn, trong đó có các biện pháp gia tăng sức ép lên chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Tổng thống Peru Vizcarra nhấn mạnh: "Tình hình tại Venezuela khó khăn đã tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực. Riêng tại Peru có khoảng 400.000 người Venezuela đến. Cần phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên chúng tôi cũng cần phải nói rõ rằng, chúng tôi phản đối một giải pháp quân sự hay giống như một hình thức chiến tranh đối với Venezuela. Chúng ta phải nỗ lực để tìm ra một giải pháp nhưng phải nằm trong khuôn khổ các tiêu chuẩn hòa bình".
Việc thực hiện một chiến dịch quân sự tại Venezuela được cho là sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Trước hết đó là kháng cự quyết liệt của quân đội Venezuela và nhiều người dân trung thành với Tổng thống Maduro, khiến cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt hơn, tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực.
Bất ổn tại Venezuela cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy hoặc thị trường đen khác sinh sôi, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Chính vì vậy, các quốc gia đều tái khẳng định cam kết khôi phục nền dân chủ Venezuela bằng biện pháp hòa bình và đối thoại nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi Chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra những bước đi tích cực để cải thiện tình hình./.
Phạm Hà
Theo VOV1
Mỹ trừng phạt phu nhân Tổng thống Venezuela và 5 thành viên Chính phủ Ngày 25/9, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với phu nhân Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và 5 thành viên trong Chính phủ Venezuela. Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, 6 cá nhân, 3 thực thể nằm trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ. Trong số 6 cá nhân, đáng chú ý có đệ nhất...