Làn sóng biểu tình phản đối phe cực hữu tại Đức
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 25/2, hàng chục nghìn người đã đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình ở hai thành phố lớn Hamburg và Dresden phản đối đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối phe cực hữu tiếp diễn tại nước này.
Người biều tình mang theo cờ hiệu ghi dòng chữ “Chung tay vì dân chủ” tại thành phố Hamburg, Đức, ngày 25/2/2024. Ảnh: DW
Các nhà tổ chức ước tính có khoảng 50.000 người tham gia cuộc biểu tình lớn nhất tại Hamburg, miền Bắc nước Đức. Trong khi ở Dresden, ước tính khoảng 20.000 người tập trung tại thành phố thủ phủ của bang miền Đông Sachsen này.
Làn sóng biểu tình tại Đức diễn ra sau khi một báo cáo điều tra tiết lộ những phần tử cực đoan cánh hữu đã gặp nhau năm ngoái để thảo luận về việc trục xuất hàng triệu người nhập cư, thậm chí cả những người có nguồn gốc di cư. Một số thành viên của AfD có mặt tại cuộc họp đó.
Ngoài hai thành phố lớn trên, các nhà tổ chức còn kêu gọi tiến hành biểu tình ở những thành phố gần Dresden, như Zwickau, Bautzen, Grlitz và Meissen.
AfD, đảng có tư tưởng hoài nghi châu Âu, được thành lập năm 2013 và lần đầu tiên có chân trong quốc hội Đức năm 2017. Kết quả một cuộc thăm dò trên toàn quốc hồi đầu năm nay cho thấy AfD ở vị trí thứ hai với tỷ lệ ủng hộ 23%, cao hơn nhiều so với mức 10,3% mà đảng này giành được trong cuộc bầu cử liên bang gần đây nhất vào năm 2021. Sau khi thông tin điều tra nói trên được tiết lộ, tỷ lệ ủng hộ AfD sụt giảm mạnh.
G7 cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 24/2 đã cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này bước sang năm thứ ba.
Cờ của các nước G7 và Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Elmau Castle, Đức, ngày 28/6/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến do Italy chủ trì, các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ chính phủ và người dân Ukraine có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của G7. Ngoài ra, G7 cũng tuyên bố sẽ triển khai "những biện pháp mới nếu cần thiết".
Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G7 trong năm 2024 dưới vai trò Chủ tịch luân phiên của Italy. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự sự kiện này. G7 gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 24/2 đã có chuyến thăm không thông báo trước đến Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cho hay nước này đang xem xét về cách thức bổ sung viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp hệ thống vũ khí tầm xa.
Trước đó, ngày 22/2, Quốc hội Đức đã thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, bao gồm các hệ thống vũ khí tầm xa, song không bao gồm tên lửa hành trình Taurus.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergei Marchenko ngày 24/2 cho biết nước này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và vẫn phải trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ cùng các nước châu Âu.
Cuối tháng 11/2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký dự thảo luật ngân sách nhà nước Ukraine năm 2024 với mức thâm hụt hơn 43 tỷ USD.
Chủ tịch EC: Gián đoạn chuỗi cung ứng có thể là trạng thái 'bình thường mới' Ngày 26/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo, với những căng thẳng địa kinh tế có nguy cơ sắp xảy ra, gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động thị trường toàn cầu có thể sẽ trở thành trạng thái "bình thường mới". Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN...