Làn sóng biểu tình mới, đòi công lý cho người da đen bị cảnh sát bắn chết ở Mỹ
Nước Mỹ lại bị nhấn chìm trong một làn sóng phản đối mới vào cuối tuần sau vụ một người đàn ông da đen 27 tuổi bị bắn chết bởi sĩ quan cảnh sát da trắng ở Atlanta vào tối thứ Sáu.
Ảnh camera cho thấy, người đàn ông da đen Rayshard Brooks đang nói chuyện với cảnh sát Garrett Rolfe trước khi bị bắn chết.
Theo Independent, cái chết của chàng thanh niên da đen Rayshard Brooks, 27 tuổi tối 12/6 đã thúc đẩy người Mỹ đổ ra đường biểu tình đòi công lý cho nạn nhân, phản đối bạo lực cảnh sát.
Những người biểu tình đã chặn một đường cao tốc và nhà hàng thức ăn nhanh Wendy’s, nơi Brooks bị bắn chết đã bị thiêu rụi.
Làn sóng biểu tình mới nổ ra ở Mỹ sau cái chết của người đàn ông da đen Rayshard Brooks.
Trong khi đó, tại California, hàng trăm người biểu tình đang yêu cầu mở cuộc điều tra về cái chết của người thanh niên da đen Robert Fuller, 27 tuổi tối 12/6. Người biểu tình yêu cầu một cuộc điều tra độc lập, không tin vào kết luận của cảnh sát rằng Fuller đã tự sát. Trước đó, người thanh niên da đen được tìm thấy treo cổ trên cây vào tuần trước.
Quay lại trường hợp của Brooks, cảnh sát đã được gọi tới bãi đỗ xe của nhà hàng thức ăn nhanh Wendy’s sau khi nghe những lời phàn nàn rằng người thanh niên da đen ngủ gật trong xe và đang chặn một trong các làn đường.
Theo camera an ninh, ban đầu cảnh sát đến và thực hiện bài kiểm tra hơi thở thông thường, mọi chuyện diễn ra bình thường. Nhưng căng thẳng nổ ra sau khi các sĩ quan cảnh sát cố gắng bắt giữ Brooks vì lái xe uống rượu.
Brooks đã chống cự cảnh sát và cố bỏ trốn. Khi giật được một dùi cui cảnh sát, Brooks bắt đầu nhắm vào các cảnh sát đang truy bắt mình. Một trong số các cảnh sát, Garrett Rolfe lúc này đã nổ súng. Brooks sau đó đã chết trong bệnh viện dù đã được phẫu thuật.
Khi căng thẳng gia tăng, cảnh sát trưởng thành phố Erika Shields đã từ chức. Sĩ quan cảnh sát Rolfe, người nổ súng đã bị cách chức hôm 14/6 và đồng nghiệp của ông, Devin Brosnan thì bị đình chỉ công tác.
Video đang HOT
Thị trưởng Atlanta, Keisha Lance Bottoms đã lên án vụ nổ súng mới nhất khiến thanh niên da đen Brooks thiệt mạng. “Tôi không tin rằng, đây là hành động sử dụng vũ lực chết người một cách chính đáng”, bà Keisha nói.
“Đây là một lời nhắc nhở khác rằng cảnh sát không thể tiếp tục là thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người thi hành án”, nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Ilhan Omar tuyên bố trên kênh CNN.
Cách các nước châu Âu giảm vai trò cảnh sát
Khi Mỹ loay hoay với cải cách cảnh sát để giảm bạo lực, nhiều nước châu Âu đã thực thi các giải pháp giảm bớt vai trò của lực lượng này.
Cái chết của Rayshard Brooks, thanh niên da màu 27 tuổi, bị cảnh sát bắn vào lưng ở Atlanta hôm 12/6, như "đổ dầu vào lửa" làn sóng biểu tình đòi cắt ngân sách cảnh sát ở Mỹ. Lời kêu gọi này bắt đầu lan rộng sau khi người da màu George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút dẫn đến tử vong ở Minneapolis cuối tháng trước.
Một số nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc cho rằng giải pháp triệt để cho vấn nạn bạo lực cảnh sát là xóa sổ hoàn toàn lực lượng này, nhưng giải pháp đó bị coi là quá cực đoan và vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Nhưng với nhiều người khác, lời kêu gọi cắt giảm ngân sách chỉ đơn giản là thu hẹp vai trò của cảnh sát và đầu tư thêm vào dịch vụ xã hội được thiết kế để giải quyết các vấn đề như sức khỏe tâm thần, tái hòa nhập xã hội và vô gia cư.
Dòng chữ "cắt ngân sách cảnh sát" được người biểu tình sơn trên con phố dẫn tới Nhà Trắng, thủ đô Washington, Mỹ, hôm 7/6. Ảnh: AP.
Phần lớn những đề xuất này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Thụy Điển, Scotland hay Phần Lan. Giới nghiên cứu cho rằng Mỹ có thể học hỏi từ các mô hình này.
"Đây là cơ hội để cảnh sát Mỹ tìm thấy cách phục vụ cộng đồng hài hòa hơn", Megan O'Neill, chuyên gia về trị an cộng đồng tại Đại học Dundee, Scotland, nói.
Bà O'Neill cho hay ở hầu hết quốc gia châu Âu, chính sách trị an không được xem xét từ lăng kính thực thi luật pháp, mà được coi là một phần trong giải pháp lớn hơn cho các vấn đề xã hội.
"Cách tiếp cận của họ không phải là cử cảnh sát tới bất cứ chỗ nào có vấn đề xảy ra, mà là cùng nhau tìm giải pháp cho vấn đề đó. Cảnh sát chỉ được xem là một phần nhỏ trong một bộ giải pháp lớn hơn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội", bà cho hay.
Chuyên gia O'Neill cho rằng điều mà nhiều cuộc tranh luận ở Mỹ không đề cập tới là "chúng ta không thể chuyển ngân sách cảnh sát cho các mục đích khác, bởi toàn bộ hệ thống trị an rất tốn kém và cần được đầu tư tốt".
"Thông điệp quan trọng dành cho người Mỹ là hãy đầu tư vào dịch vụ công", Elizabeth Aston, giám đốc Viện Nghiên cứu Trị an Scotland, nhận định.
Việc cắt giảm ngân sách của dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Mỹ đã khiến cảnh sát phải tăng cường đối phó với người mắc căn bệnh này. Ước tính 10% số vụ đụng độ của cảnh sát liên quan tới người bị bệnh tâm thần. Kết quả phân tích tỷ lệ người bị bắn và chết vì cảnh sát trong 6 tháng năm 2015 của Washington Post cho thấy 25% trường hợp liên quan tới khủng hoảng sức khỏe tâm thần.
Một số cộng đồng đã thành lập các "đội can thiệp khủng hoảng" gồm các sĩ quan cảnh sát từng được đào tạo về cách ứng phó với bệnh nhân tâm thần. Một số khác có cách tiếp cận mới mẻ hơn là sử dụng chuyên gia sức khỏe tâm thần thay thế hoặc phối hợp với cảnh sát.
Thụy Điển lựa chọn giải pháp thay thế cảnh sát bằng chuyên gia sức khỏe tâm thần. Từ năm 2015, đội y tế này đã được triển khai ở các khu phố của thủ đô Stockholm.
"Nếu một người có vấn đề về tâm thần, họ nên được chăm sóc bởi đội ngũ nhân viên y tế đã qua đào tạo chuyên nghiệp", Andreas Carlborg, giám đốc bệnh viện tâm thần North Stockholm, nói.
Xe cứu thương chăm sóc sức khỏe tâm thần của Stockholm, gồm hai y tá và một tài xế, giúp giải phóng nguồn lực cho cảnh sát, để các sĩ quan có thời gian tập trung vào lĩnh vực họ có kinh nghiệm hơn, theo Carlborg. Trong một ca làm việc điển hình, đội y tế này sẽ giải quyết 5 hoặc 6 trường hợp khẩn cấp.
Một phân tích được đăng trên Europe PMC hồi tháng 1 kết luận dự án của Stockholm đã khiến nhiều bệnh nhân tâm thần cảm thấy họ có "môi trường an toàn" để được trao đổi cởi mở.
Cảnh sát Scotland giám sát cuộc biểu tình ôn hòa chống phân biệt chủng tộc ở Glasgow cuối tuần qua. Ảnh: AFP.
Năm 2015, thành phố Glasgow ở Scotland được mệnh danh là "thủ phủ tội phạm giết người ở châu Âu". Để gột rửa tai tiếng này, cảnh sát Glasgow quyết định thành lập đơn vị giảm thiểu bạo lực. Họ xem hành vi bạo lực như "bệnh truyền nhiễm" từ người qua người, nên để ngăn chặn, họ cần phải cắt chuỗi lây nhiễm và tập trung phòng ngừa.
Đội ngũ nhân viên y tế tới trường học khắp Scotland để chia sẻ họ đã chữa trị cho nạn nhân của các vụ đâm chém. Cựu tù được phép tới khu cấp cứu bệnh viện để tiếp cận và chia sẻ câu chuyện của mình, nhằm giúp các "giang hồ đâm chém" kịp thời hối cải. Cảnh sát cũng mở nhiều quán cà phê mang tên Street and Arrow, với nhân viên là người từng phạm tội, để giúp họ có kinh nghiệm làm việc và dễ dàng được tư vấn tâm lý tại chỗ.
Tỷ lệ tội phạm giết người của Glasgow đã giảm đáng kể, khoảng 35% trong thập kỷ qua, theo số liệu chính phủ Scotland cung cấp năm 2019. Mô hình này đã được cảnh sát ở nhiều quốc gia khác như Canada và New Zealand quan tâm.
Là quốc gia có tỷ lệ bắt giam cao hàng đầu thế giới, Mỹ thường đối mặt với chỉ trích quốc tế về hệ thống tư pháp, cũng tỷ lệ tái phạm tội cao. Trong khi đó, một số quốc gia khác nỗ lực tìm cách giúp nhiều người phạm tội lần đầu không phải ngồi tù.
Thụy Sĩđã tái cấu trúc hệ thống tư pháp vào năm 2017, sau khi giới chức nhận thấy các án tù ngắn gần như không giúp giảm tỷ lệ tái phạm, mà thậm chí phản tác dụng.
"Tạm biệt nhà tù", bài báo năm 2007 trên Neue Zrcher Zeitung đã thảo luận về các thay đổi. Thay vì phải ngồi tù như trước, tội phạm trộm cắp bị phạt hành chính hoặc phải lao động công ích. Một số đề xuất khác bao gồm cho phép phạm nhân có mức án thấp ra ngoài làm việc ban ngày, để giúp họ có việc làm.
Phần Lan là ví dụ điển hình ở châu Âu về giải quyết vấn đề vô gia cư. Lúc đầu, chính phủ cung cấp nhà ở lâu dài cho người vô gia cư. Sau đó, họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khác như cai nghiện và tư vấn việc làm.
Kể từ khi triển khai chương trình "ưu tiên an cư" năm 2008, số người vô gia cư ở Phần Lan đã giảm hơn 42%. Thủ đô Helsinki giờ chỉ duy trì một nhà tạm trú với 52 giường.
Cách tiếp cận hướng tới người vô gia cư không phải do cảnh sát khởi xướng, nhưng đã giúp nhiều người vừa ra tù hoặc muốn lại làm cuộc đời không rơi vào cảnh không tìm được nhà. Người tham gia chương trình cũng nhận được nhiều hỗ trợ khác nhằm giảm tỷ lệ tái phạm tội hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
Juha Kaaakinen, tác giả của sáng kiến này và người đứng đầu Y-Foundation, tổ chức phi lợi nhuận về nhà ở lớn nhất Phần Lan, xem vấn đề nhà ở là quyền con người.
Đối với Phần Lan, mục tiêu của chính sách hình sự được tóm gọn trong khẩu hiệu: "Chính sách phát triển xã hội tốt chính là chính sách hình sự tốt nhất".
Người phụ nữ vô gia cư ngồi trên phố ở thủ đô Helsinki, Phần Lan, hồi năm 2011. Ảnh: AFP.
Ngoài các chính sách trên, việc giám sát lực lượng cảnh sát cũng đóng vai trò quan trọng. 43 lực lượng cảnh sát của Anh và xứ Wales chịu sự giám sát của Cơ quan Thanh tra cảnh sát Hoàng gia Anh (HMIC), bộ phận độc lập chịu trách nhiệm thanh tra, báo cáo và đưa ra khuyến nghị.
Lawrence Sherman, nhà nghiên cứu về tội phạm học tại Đại học Cambridge, cho biết HMIC có quyền giữ lại khoảng một nửa ngân sách cho các đơn vị cảnh sát. Mối đe dọa bị cắt ngân sách này khiến cảnh sát trưởng các địa phương phải cân nhắc và tìm cách làm việc thật tốt.
"Đáp án cho câu hỏi làm thế nào để kiểm soát một sở cảnh sát yếu kém không phải là có cảnh sát trưởng giỏi. Câu trả lời nên là cần có cơ quan giám sát xem quy trình pháp lý có được thực hiện công bằng, không bị chi phối bởi nỗi sợ, sự thiên vị hay quen biết hay không", Sherman nói.
Cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu: Dân biểu tình, cảnh sát trưởng từ chức Cảnh sát trưởng Atlanta (Mỹ) từ chức sau vụ việc một sỹ quan cảnh sát của thành phố này bắn chết người đàn ông da màu 27 tuổi tối 12/6. Vụ việc viên cảnh sát thành phố Atlanta (Mỹ) bắn chết anh Rayshard Brooks (27 tuổi, người Mỹ gốc Phi) làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, nhiều người kéo...