Lãn Ông
Phố Lãn Ông trước gọi là phố Phúc Kiến, một phố cũ của Thăng Long xưa. Phố dài 180 mét, đi từ phố Hàng Đường đến phố Thuốc Bắc.
Phố này đầu thế kỷ 20 có tên là phố Phúc Kiến vì đó là khu vực cư ngụ được phép của Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến. Họ được tổ chức thành ” bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 42. Hội quán Phúc Kiến chiếm một khu đất rộng; khi xây nhà Hội quán có xây thêm hai ngôi nhà gác ở hai bên (số 40 và số 44) cho thuê lấy lợi tức cho hội.
Sách Đại Nam thống nhất chí (thế kỷ 19) có chép phố Phúc Kiến bán đồng; sách Chuyến đi chơi Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký năm 1870 cũng nói đến phố đó bàn đồ đồng, đồ sắt. Đồng bán ở đây là đồng thỏi ngày xưa người Tàu từ mỏ Tụ Long ở biên giới về, đồng còn thấy bán cả ở phố Hàng Ngang; phố Phúc Kiến ở gần chợ Đông Thành có khu thợ thủ công đồng sắt ở phía bên trái Cửa Đông.
Số lượng người Hoa kiều Phúc Kiến ít hơn số người gốc tỉnh Quảng Đông; ở Hà Nội họ phần đông là chủ những hiệu buôn hàng thực phẩm, món hàng cung cấp chủ yếu cho nhà binh trong thành và cho người Âu ở các phố Tây, nên những cửa hàng thực phẩm của người Phúc Kiến phân tán đến các đầu đường phố gần trại lính và khu phố Tây.
Phố Phúc Kiến có một số gia đình người Minh Hương (họ Vương); họ thờ Tổng Thái hậu ở trong nhà Hội quản, còn người Tàu Phúc Kiến dùng nhà Hội quản làm nơi hội họp. Người Việt Nam ở phố này cúng lễ riêng, hoặc theo về đình Đức Môn, hoặc theo về đình Xuân Yên.
Video đang HOT
Phố Phúc Kiến dài một trăm tám mươi mét, có sáu mươi nhà bên phía bắc dãy số chẵn, bảy mốt nhà bên phía nam dãy số lẻ. Phố này mới được mở mang cho mãi tới năm 1920 chỗ đầu phố giáp Hàng Đường hãy còn vướng một ngôi nhà ra đến nửa lòng đường khiến xe tay xe bò khó qua lại, đó là bức tường của nhà ông lang Hoạch. Chỗ tường đó dán những tờ tuyên truyền của Nhà nước Bảo hộ dân chúng mua quốc trái. Sau bức tường đó được phá bỏ, đường phố rộng thêm.
Những năm 20 đầu thế kỷ nhà trong phố Phúc Kiến hầu hết là một tầng; dần dần lác đác có nhà hai tầng. Nhà làm theo kiến trúc cổ: nhà ngoài dài sáu, bảy mét, rồi đến sân giữa chung quanh che mái, có ao con ở chỗ phố Hàng Sơn. Ngôi nhà đầu tiên xây hai tầng ở phố Phúc Kiến là nhà số 53, trên gác để làm kho chứa thuốc để bán.
Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc có từ sớm. Quang cảnh cửa hàng bán thuốc cũng giống như cửa hàng các phố khác; ban ngày những tấm cửa lùa hạ xuống kê trên mễ và bậu cửa, trên bày những thúng đựng các vị thuốc sống, những thứ quí thì đựng trong túi vải cất trong ngăn tủ gỗ kê sát tường, dưới nền nhà là dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Cửa hiệu có bán lẻ thuốc Bắc kèm theo thuốc Nam. Thuốc Nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ.
Những nhà buôn thuốc Bắc ở phố Phúc Kiến thời kỳ đầu là những người ở làng Đa Ngưu (huyện Văn Giang – Hưng Yên), họ Phó. Cũng như ở các phố khác, nghề bán thuốc ở trong tay phụ nữ, con gái đều biết chữ nho, thuộc tên thuộc mặt tất cả các vị thuốc, xem đơn cân thuốc thành thạo. Người làng Đa Ngưu vốn có nghề buôn bán thuốc sống đi rong; họ Phó ra lập nghiệp ở Hà Nội, buổi đầu cũng chỉ mới có dăm ba nhà, cửa hàng nhỏ. Thuốc buôn lại của các cửa hiệu lớn người Tàu bên phố Hàng Buồm, Hàng Bồ.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Chiếu
Phố dài 276 mét nối từ cửa ô Quan Chưởng đến ngã tư Hàng Đường - Đồng Xuân.
Nằm trong khu vực phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Phố có mặt cắt 11m, là con phố buôn bán sầm uất với nhiều loại mặt hàng.
Đây nguyên là đất thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Đình thôn Thanh Hà trước ở gần kề cửa Ô Quan Chưởng, năm 1817 sửa chữa cửa ô, mở rộng thêm đường nên được di dời vào số nhà 77 Hàng Chiếu nhưng mặt chính lại quay ra số 10 ngõ Gạch; thờ ông Trần Lựu, tướng đời nhà Trần. Thời Pháp, họ lấy tên của gã lái buôn kiêm gián điệp Rue Jean Dupuis đặt tên cho phố, nhưng dân ta vẫn gọi là Phố Mới, là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp (phía đầu phố). Tại phố này, Gác-ni-e đã tiến vào hạ thành Hà Nội của tướng Hoàng Diệu.
Sở dĩ có tên là Phố Mới là vì buổi đầu thành phố mở mang, người kinh doanh theo gót Jean Dupuis đã chọn khu vực này làm chỗ làm ăn tập trung lập những cơ sở kinh doanh. Và thêm đầu năm 1888 có cháy lớn ở phố Đông Hà, thiêu huỷ toàn bộ nhà lá và nhà gạch sơ sài, rồi khu này được xây dựng lại theo một quy hoạch mới: nhà mặt phố phải được xếp thẳng hàng, đường phố có vỉa hè, có trồng cây hai bên, có đèn thắp ban đêm, nghĩa là có quang cảnh một phố theo kiểu phố Tây (tuy vẫn là những ngôi nhà nhỏ) khác hẳn với những đường phố chung quanh của khu Cửa Đông. Phố mới đúng là có vẻ là một phố dáng dấp mới thời bấy giờ.
Sau vì nhiều lý do: bến tàu ngoài sông bị cát bồi phải rời lui xuống phía dưới, chỗ ngang Cột Đồng Hồ đầu Hàng Muối, thì bên trong cửa Ô Đông Hà (tức cửa ô Quan Chưởng) không có triển vọng mở mang lớn vì vướng khu phố cũ của ta, đường phố hẹp, nhà cửa nhỏ, bọn thương gia pháp đã hướng về phía khác để mở cửa hàng. Từ cuối những năm 90 thế kỷ 19, Phố Mới (Hàng Chiếu) nói về mặt xây dựng không thay đổi mấy nữa.
Phố Hàng Chiếu ngày nay là đường phố có từ lâu đời, nối khu vực những phố bên ngoài Cửa Đông thành Hà Nội với bến sông, qua cửa ô Đông Hà. Cửa ô đó hiện nay vẫn còn và là cửa ô duy nhất của Hà Nội cũ còn tồn tại trong số ngót hai chục cửa ô đã bị phá huỷ khi mở mang phố xá.
Cũng ở đây, vào thời Pháp thuộc có nhà Vạn Bảo do Hoa kiều thuê lại của chủ Tây đã thầu với thành phố; đó là Sở làm nghề cho vay, cầm đồ lấy lãi. Tiệm đó có liên quan mật thiết với đời sống của nhân dân ta, một số người Hà Nội và người các tỉnh túng tiền, nhà quê kẻ chợ, giàu nghèo mang đủ mọi thứ đến cầm và chuộc ồn ào suốt ngày. Họ cầm cố từ quần áo, nồi sanh, mâm thau đồ thờ, đến nữ trang vàng bạc đá quý. Số lượng giao dịch rất lớn nhất là vào vụ thu thuế, cuối năm trang trải công nợ. Những người buôn bán thua lỗ, công nợ vì cờ bạc, cô đầu, bút xách, cần tiền chạy chọt công việc hoặc kiện tụng, lo lệ làng. Cũng có những nhà hàng phố sau tết đêm quần áo tư trang đến Vạn Bảo gửi để khỏi lo bị mất trộm, bảo quản, khi phải dùng đến lại chuộc về. Đồ đạc cầm ở Vạn Bảo hạn mười tháng chịu lãi 2% (tức là lãi 24% năm), để quá chỉ một ngày là bị mất.
Hàng tháng bọn Tây già Tràng Tiền kéo nhau đến nhằm mua vàng và kim cương và tên chủ nhà Tầm Tầm hàng Trống đến bán đấu giá các đồ cầm để quá hạn. Nhà Vạn Bảo có đông người làm công, họ ngồi bên trong quầy có chấn song sắt, quầy cao người ngồi nhìn xuống đám khách đến cầm đồ. Trên trần một dãy hàng chục chiếc quạt kéo. Quầy chia thành chỗ nhận hàng, chỗ trả tiền, chỗ làm biên lai, chỗ chuộc đồ. Người làm công toàn là khách trú, tổ chức khéo, ngăn nắp, không để nhầm lẫn. Nhà Vạn Bảo tồn tại đến năm 1946. Phố Mới (Hàng Chiếu) có hai hãng buôn của người Pháp, có từ những năm thập niên mười: nhà Daurelle và nhà Magnabar.
Cũng vào thời thuộc Pháp, cuối phố về phía chợ Đồng Xuân là "chợ người", nơi rao bán sức lao động của các vú em, người hầu, xe kéo, con sen, con nụ... Đây là nơi mà nhà văn Vũ Trọng Phụng lấy bối cảnh viết nên thiên ký sự nổi tiếng "Cơm thày cơm cô", mà những cây bút hài của Cười 24H rất nên có những vẫn thơ họa.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Tre Phố dài 292 mét, đi từ phố Hàng Mắm đến phố Lò Sũ. Nguyên là đất thôn Trừng Thanh (xưa kia có 10 thôn Trừng Thanh), thuộc tổng Tả Túc huyện Thọ Xương. Phố Hàng Tre cuối thế kỷ 19 có tên là phố Hàng Cau vì nơi đây tập trung buôn bán cau tươi, cau khô chở bằng thuyền từ các nơi...