Làn gió mới
Như một lời tri ân đến thầy Nguyễn Hoàng Trung – trưởng khoa Ngữ văn Pháp.
Thầy bước vào. Y như tin hành lang xì xào. Đẹp trai lồng lộng và nét mặt lạnh băng! Dạy môn Dịch, ngay ngày đầu tiên, thầy giao bài tập “chia nhóm và tự soạn từ điển bỏ túi mảng kinh tế”. Tôi nhìn quanh, y như rằng bao nhiêu khuôn mặt méo xệch, chực chờ thầy ra khỏi lớp là xỉu…rầm!!!
“…tsunami au japon…” Giọng thầy cất lên, trong và ấm. Quan trọng hơn, âm thanh ấy y như những bản tin trên đài Pháp mà tôi thường nghe. Đang chăm chú, tôi bỗng giật mình khi thầy chỉ. Luống cuống, ấp úng, chưa bao giờ tự tin với việc nói tiếng Pháp, tôi đứng dậy, đọc bài và căng thẳng đợi một trận như thuở nào. Nhưng, thầy chỉ cười và chỉnh lại những chỗ tôi phát âm sai. A ha, lần đầu tiên tôi thấy nụ cười nhẹ nhàng đến thế. Cả lớp đều được thầy chỉnh cách phát âm. Tôi “đắc thắng” nghĩ bụng “chấm dứt chuỗi ngày cười cợt nhá!”
Những ngày học cứ bình lặng trôi qua như thế. Sẽ không có gì để nhớ, sẽ không có gì để kể, và sẽ không có một góc ký ức ấm áp nếu…
Kinh kong! Tiếng thang máy báo hiệu mở cửa, nó túa ra cùng dòng người vội vã, vô tình quẹt phải ai đó, quay đầu lại chưa kịp xin lỗi, tiếng “Ơ!” bật ra. Cả hai người ngó lom lom, chợt mừng rỡ.
- Mi đi đâu đó?
- Dạ, con đi thi. Thầy,…
- Thầy cũng đi thi.
Video đang HOT
Trái đất tròn, tôi gặp lại người thầy thời phổ thông nơi thành phố rộng lớn này. Cùng lớp luyện ôn, cùng một cuộc thi. Thêm tiếng “Ơ” bật ra khi thầy nhìn thấy thầy trưởng khoa.
- Mi biết người kia không?
- Dạ,… biết. Thầy con mà thầy.
- Thầy? Mi hỏi coi, phải dân Daklak không?
Lạch cạch, lạch cạch… “Em chào thầy, thầy phải là người Daklak không ạ?”. Nó nhấn nút gửi xong, ngồi thừ trước máy tính, thấy mình kì khôi. Màn hình nhấp nháy, thầy đang online:
- Phải, tôi dân Daklak.
- Dạ, em xin lỗi, em hỏi dùm thầy em.
- Thầy em là ai?
- Dạ, là là….
- À, bạn của em tôi.
Một lần nữa trái đất tròn, thầy cũng từng học ở trường phổ thông ấy. Đúng như văn hóa người Việt, hai chữ đồng hương có sức mạnh vô hình. Nhờ đó, tôi luôn nỗ lực hơn, học chăm chỉ hơn vì … sợ. Sợ quá đi chứ khi tung tích đã phơi bày rồi. Tôi thường trò chuyện, email hỏi bài thầy nhiều hơn để rồi chợt nhận ra đằng sau khuôn mặt nghiêm nghị là cả tấm lòng một người thầy.
Giờ học của thầy không còn gói gọn trong tên gọi là Dịch. Đó là thế giới của văn hóa, chính trị, xã hội, là tranh luận, là đi đến tận cùng vấn đề… là những buổi cả đám sinh viên cùng chạy đuổi theo chuyến xe buýt cuối cùng về thành phố vì lớp tan học trễ. Thầy về khoa, sinh viên có sách đọc. Thư viện khoa im lìm phủ bụi đã được các bạn sinh viên hồ hởi quét dọn, sắp xếp. Văn phòng Khoa cũng được sinh viên “viếng thăm” nhiều hơn, để mượn về những quyển sách mà dù lùng sục khắp các nhà sách lớn bé cũng khó tìm ra. Thời gian không còn là giới hạn. Thứ bảy, chủ nhật? Chuyện nhỏ! Thầy luôn lắng nghe và giúp đỡ chúng tôi bất cứ lúc nào.
Tôi ra trường, ít gặp thầy hơn trước.
Một ngày, từ trại hè ở đất nước Phật giáo, tôi nhắn hú họa hỏi thầy vài điều về văn hóa. Thế mà, ngay lập tức qua mạng internet chập chờn, thầy chỉ dẫn rõ để tôi không phải ngập ngừng nơi xứ bạn. Một ngày, tôi để lời nhắn trên facebook: “Thầy ơi, giúp con”.
Thầy đã dành một buổi chiều phản biện, giúp tôi hoàn tất đề án cho một cuộc thi. Một ngày, tôi lúng túng xin thầy đứng tên giới thiệu đến một hội nghị. Vài ngày sau, tôi nhận lại không chỉ vài dòng chiếu lệ, mà là những nhận xét rõ ràng, từ tâm một người thầy hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh sinh viên mình.
Cảm ơn thầy.
Theo người lao động
Những gói xôi tình bạn
Năm 1980, tôi vào học lớp 4 tại Trường Thắng Tam, TP Vũng Tàu. Lúc bấy giờ, bữa cơm của nhà tôi toàn khoai và rau, có khi cả tháng trời, tôi không biết đến hột cơm. Mỗi buổi sáng, tôi đến lớp với cái bụng lép kẹp.
Tôi nhớ rất rõ đó là vào một ngày cuối năm. Đang ngồi học trong lớp, tự nhiên tôi thấy những chữ viết trên bảng của cô giáo như nhảy múa, hình ảnh cô giáo trên bục giảng cứ nhập nhòe, đôi lúc biến thành hai, ba cô giáo. Ngọc Lan, cô bạn gái rất thân ngồi kế bên, nhìn tôi với vẻ mặt đầy lo lắng.
Ngọc Lan sờ trán tôi một lúc rồi nói thì thầm: "Mình nghĩ có lẽ tại bạn đói quá". Nói xong, Ngọc Lan liền lôi trong cặp ra một gói xôi đậu đen với muối mè rồi đưa cho tôi. Ăn xong, người tôi tỉnh hẳn ra.
Sau đó, ngày nào tôi cũng nhận được một gói xôi từ Ngọc Lan và ăn một cách ngon lành. Cho đến một hôm vào buổi trưa, khi tôi và Ngọc Lan đang nắm tay nhau đi học về thì mẹ Ngọc Lan bất ngờ đến trường đón bạn. Sau khi mẹ lục chiếc cặp đi học không thấy gói xôi đâu, Ngọc Lan đành nói thật với mẹ là đã đưa gói xôi cho tôi ăn vì thương tôi đói quá. Mẹ Ngọc Lan nghe vậy liền ôm chặt lấy bạn khóc nức nở: "Sao con không nói thật cho mẹ biết để mẹ mua hai gói...".
Thì ra, mẹ của Ngọc Lan phải đi làm tăng ca nên buổi trưa không về nhà được. Buổi sáng, sau khi cho Ngọc Lan ăn sáng xong, bà ghé vào một hàng xôi ven đường mua một gói xôi bỏ vào cặp để buổi trưa Ngọc Lan ăn tạm. Những gói xôi đó Ngọc Lan đã đưa cho tôi ăn nên buổi trưa bạn ấy phải nhịn đói. Nhận thấy vẻ mặt mệt mỏi bơ phờ của cô con gái nên bà mẹ sinh nghi. Trưa hôm ấy, bà quyết định bất ngờ tới đón Ngọc Lan ở cổng trường để kiểm tra chiếc cặp của bạn.
Nhớ lại những năm tháng đi học khốn khó đã qua nên bây giờ dù kinh tế gia đình cũng không khá giả gì, tôi và các con vẫn cố dành dụm tiền hỗ trợ cho các học sinh và sinh viên nghèo đến lớp; vận động mọi người gom góp quần áo, sách giáo khoa cũ gửi cho những học sinh nghèo vùng sâu vùng xa... Tôi vẫn thường dạy các con tôi rằng nhân ái là một việc mà con người phải làm trong suốt cuộc đời.
Theo người lao động
Thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền Một chiều hạ trắng nắng trải dài trên những hàng phượng xanh um, tán bằng lăng tím ngát, tôi chạy xe vòng Tam Kỳ để tìm cho mình cái cảm giác xôn xao của mười năm trước, cái tuổi học trò mực tím lá me. Ở lứa chúng tôi ai trong đời cũng có một lần cắp sách đến trường để mai này...