Lần đầu trưng bày kim sách triều Nguyễn
22 cuốn sách vàng và 10 kim ấn triều Nguyễn liên quan đến các sự kiện hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, phong hoàng hậu đang được trưng bày ở Hà Nội.
Sáng 31/3, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802 – 1945), lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng 22 cuốn kim sách tiêu biểu và 10 kim bảo liên quan dưới triều Nguyễn.
Kim sách bằng vàng, vua Gia Long cho đúc năm 1806 để ca tụng công đức và truy dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng – người đầu tiên lập nghiệp và xây dựng chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tạo tiền đề cho việc lập triều Nguyễn sau này. Ảnh: Hoàng Phương.
Kim sách là loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng dể ghi việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích. Lời sách do đích thân các hoàng đế triều Nguyễn hoặc đại thần biên soạn và việc chế tạo kim sách được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.
Bộ sưu tập kim sách bằng vàng và bạc mạ vàng, có khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng 5 móng và hình phượng, gáy đóng khuyên tròn. Mỗi kim sách chứa đựng thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa và là di sản vô giá. Nhiều cuốn còn kèm theo kim bảo được đúc cùng thời điểm, sự kiện.
Ấn Thánh Tổ Nhân Hoàng đế chi bảo bằng vàng, đúc năm 1841 do hoàng đế Thiệu Trị cho đúc cùng kim sách dâng tôn thụy cho hoàng đế Minh Mệnh. Ảnh:Hoàng Phương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, những cuốn kim sách này được bảo tàng lưu giữ hàng chục năm, trải qua nhiều thăng trầm, chiến tranh khắc nghiệt và thử thách của thời đại. Có thời gian, sách đã được bàn đến với một tiêu chí khác, đó là chuyển đổi thành giá trị ngân sách cho công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Song may mắn là cuối cùng những hiện vật này vẫn được giữ lại.
“Đến nay, chúng tôi thấy cần phải đưa ra trước công chúng để giới thiệu về một loại hình di sản gắn với các đời vua Nguyễn trong quá trình thống nhất, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nó có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội nghệ thuật. Bảo tàng đã cơ bản hoàn thành việc dịch và hiệu đính kim sách”, ông Cường thông tin.
Video đang HOT
Cuộc trưng bày kim sách, kim ấn kéo dài đến đầu tháng 8/2016.
Nhà Nguyễn (1802 – 1945) là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ khi vua Gia Long lật đổ nhà Tây Sơn và lên ngôi năm 1802; chấm dứt hoàn toàn khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945 sau sự kiện Cách mạng tháng Tám.
Trải qua 143 năm tồn tại, triều Nguyễn có 13 hoàng đế trị vì. Vua ở ngôi lâu nhất là Tự Đức với 36 năm, ngôi ngắn nhất là Dục Đức, chỉ 3 ngày. Đây là triều đại còn lưu giữ được đến ngày nay nhiều hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Mộc bản, nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là di sản tư liệu, di sản phi vật thể thế giới. Đặc biệt, châu bản, mộc bản là những tài liệu có giá trị chứng minh, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoàng Phương
Theo VNE
Ngai vàng duy nhất còn lại ở Việt Nam
Trong 143 năm tồn tại, 13 đời vua triều Nguyễn đã ngự tọa trên ngai vàng ở điện Thái Hòa (Kinh thành Huế), trong đó có vua chỉ ngự được 3 ngày.
Triều Nguyễn được vua Gia Long lập lên vào năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn. Trải qua 143 năm, chiếc ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua. Ngai cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng lộng lẫy. Tất cả đều được làm bằng gỗ với các hình ảnh trang trí rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.
Hiện ngai vàng vẫn được gìn giữ trong điện Thái Hòa, thuộc khu vực Đại nội của Kinh thành Huế. Tháng 1/2016, ngai vàng được xếp hạng bảo vật quốc gia. Bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cho biết đây là bảo vật độc bản. Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam để lại ngai vàng và đó là một trong những lý do chiếc ngai được công nhận bảo vật.
"Giá trị ở đây là duy nhất", bà Vân nói.
Chiếc ngai khá giản dị nhưng được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngai vàng chứng kiến nhiều cuộc tranh giành quyền lực
Giai đoạn nhà Nguyễn độc lập kéo dài 56 năm, qua bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến năm 1858, thực dân Pháp xâm lược và đô hộ. "Có giai đoạn ngai vàng đẫm máu trong những cuộc tranh giành ngôi vua, như 4 tháng thay 3 vua, nhưng không ai dịch chuyển chiếc ngai đi nơi khác", nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An cho hay.
Câu chuyện 4 tháng thay 3 vua là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử nhà Nguyễn, xảy ra sau khi vua Tự Đức băng hà. Do không có con nối dõi nên vua nhận 3 người cháu làm con nuôi. Vua Dục Đức được chọn để truyền ngôi nhưng trong lễ đăng quang trên ngai vàng đã yêu cầu quan đại thần bỏ bớt những dòng vua cha đánh giá không tốt về mình trong Di chiếu. Sau đó vua bị hai quan đại thần phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đề nghị phế truất. Dục Đức làm vua chỉ được 3 ngày rồi bị bỏ đói đến chết trong ngục tối.
Sau Dục Đức, Hiệp Hòa là con thứ 29 của vua Thiệu Trị (em khác mẹ của vua Tự Đức) được Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa lên làm vua. Tương truyền, trong lễ đăng quang có một con quạ đen bay đến đậu trên ngọn cây trước điện Thái Hòa, kêu lên 4 tiếng. Như một điềm báo trước, vua giữ ngai được 4 tháng và bị xử tử theo lệ của cung đình vì duyệt tờ biểu trừ khử hai quan quyền thần Thuyết và Tường.
Cũng chính quan Thuyết và Tường sau đó quyết định chọn người con nuôi khác của vua Tự Đức là hoàng tử Ưng Đăng kế thừa ngôi báu. Từng chứng kiến hai cái chết liên tiếp, vị hoàng tử sợ sệt khi hai quyền thần đến đưa về kinh làm vua khi mới 15 tuổi, lấy hiệu là Kiến Phúc. Tuy lên làm vua nhưng Kiến Phúc luôn lo âu khi ngồi trên ngai vàng. Tâm trạng căng thẳng khiến nhà vua thường xuyên đau ốm và chết sau 8 tháng đăng quang.
Trong 13 vua triều Nguyễn, duy nhất vua Đồng Khánh lên ngôi không do vua cha truyền lại hay do triều đình tôn lên. Ông tự vận động và được thực dân Pháp đặt lên ngai vàng. Vị vua này cũng lén lút lấy của cải quốc gia chôn giấu trong đại nội để xây dựng lăng, điện; dựa vào sức mạnh của Pháp để giết hại những ai không về phe với mình...
Bửu tán được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Nguyễn Đông.
Không ai dám phạm thượng với ngai vàng
Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An cho biết, vào những dịp lễ đăng quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần hay các buổi đại triều, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng đặt giữa điện Thái Hòa, khu vực Đại nội của Kinh thành Huế. Phía trong điện chỉ có các quan tứ trụ và những hoàng thân quốc thích mới được diện kiến nhà vua. Các quan khác có mặt đông đủ, đứng sắp hàng ngang theo thứ tự ghi trên các phẩm sơn bằng đá nhỏ đặt bên sân, theo nguyên tắc quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải.
Theo ông Phan Thuận An cho biết, thời nhà Nguyễn trong kinh thành có những đội thợ chuyên chế tác đồ dùng cho hoàng gia và triều đình. Do đó, chiếc ngai được đóng tại chỗ chứ không phải đặt làm ở nước ngoài. "Đến thời vua Khải Định, nhà vua cho trùng tu lại điện Thái Hòa và có cho làm lại bửu tán phía trên ngai vàng, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo", ông An nói và cho hay vì là chiếc ngai duy nhất nên không có chiếc thứ hai để so sánh về mặt nghệ thuật.
Kể câu chuyện được chứng kiến khi còn làm việc cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ông An cho biết đầu những năm 90 có một đoàn làm phim về vua Thành Thái vào điện Thái Hòa để thực hiện một số cảnh quay vua ngồi trên ngai. Nhân vật đóng vai vua phải quỳ lạy chiếc ngai rồi mới dám lên ngồi. "Họ tôn trọng sự thiêng liêng của ngai vàng, nơi những ông vua là nguyên thủ quốc gia từng ngồi", ông An nói.
Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều nhà Nguyễn ngồi trên ngai vàng. Ảnh: Tư liệu.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh yêu cầu các địa phương giữ gìn di vật, bảo vật do các đời trước để lại, không được phá hủy. "Điều kỳ lạ là sau những biến cố của lịch sử, chiếc ngai vẫn đang còn đó. Cũng có thể không được khảm kim châu, ngọc quý nên không bị lấy mất", Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế nói.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết thêm, người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở Hoàng cung về xây dựng nhà mình, bởi rất tôn trọng sự thiêng liêng. Khi chế độ phong kiến chấm dứt cho đến giai đoạn đất nước bị chia cắt, không ai dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng, chứ chưa nói đến chuyện dịch chuyển đi nơi khác.
Nhận định về ngai vàng của triều Nguyễn được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia, ông Phan Thuận An nói: "Trên phương diện quốc gia, dân tộc thì việc công nhận cổ vật của phong kiến là xứng đáng. Vì dù sao đó cũng là một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thế vinh của 13 vua triều Nguyễn".
Ngày nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho phục chế một số ngai vàng đặt ở bên trong Đại nội, lăng vua Tự Đức... để phục vụ du lịch, thu phí với những du khách muốn mặc áo hoàng bào chụp ảnh kỷ niệm.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Lũy đá phòng thủ 200 tuổi của người xưa giữ biển Lũy đá có tượng Trần Hưng Đạo chạy dọc trên đỉnh núi ở TP Quy Nhơn là hệ thống phòng thủ của các triều đại xưa, trấn giữ cửa biển Thị Nại, bảo vệ kinh thành. Đứng trên tường lũy có thể nhìn bao quát thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Phương Thảo Từ vương triều Chăm Pa cho đến triều Nguyễn, Thị Nại...