Lần đầu tiên, xứ Nghệ có 17ha hành tăm được chứng nhận VietGAP
Tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An tổ chức cấp Giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm hành tăm của địa phương.
Cánh đồng hành tăm 17 ha của xã Nghi Lâm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nhật Tuấn
Mô hình trồng hành tăm theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) được Chi cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An phối hợp với UBND xã Nghi Lâm xây dựng tại xứ đồng Cắt Sắt, Giáp Cận với tổng diện tích 17 ha. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An đã hướng dẫn 150 hộ dân tham gia mô hình thực hiện theo quy trình VietGap từ khâu sản xuất đến thu hoạch và sơ chế.
Cuối năm 2017, kết quả phân tích mẫu sản phẩm hành tăm cho thấy hành tăm của mô hình đạt tiêu chuẩn VietGap. Ngày 25/12/2017, Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1 đã có Quyết định số 569/QĐ-TTCL1 về việc cấp Giấy chứng nhận VietGap cho HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghi Lâm chứng nhận sản phẩm hành tăm sản xuất tại xứ đồng Cắt Sắt, Giáp Cận xã Nghi Lâm, diện tích 17 ha, sản lượng 272 tấn/năm được sản xuất phù hợp Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam.
Quyết định cũng nêu rõ: trong thời gian hiệu lực chứng nhận, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghi Lâm có trách nhiệm duy trì áp dụng VietGap và chịu sự giám sát của Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1, định kỳ 12 tháng/lần và đánh giá đột xuất theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An trao Giấy chứng nhận VietGAP cho HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghi Lâm. Ảnh: Nhật Tuấn
Tại lễ trao Giấy chứng nhận VietGap sản phẩm hành tăm, ông Dương Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An cho biết tới đây sẽ làm quy trình cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giúp HTX tìm cơ sở kho lạnh nhận bảo quản sản phẩm hành tăm khi cây trồng này thu hoạch rộ, chưa tiêu thụ kịp trên thị trường. Đồng thời, liên hệ và kết nối 25 cơ sở kinh doanh ở thành phố Vinh nhận bao tiêu một phần sản phẩm hành tăm VietGap của nhân dân xã Nghi Lâm.
Hành tăm xã Nghi Lâm được cấp Giấy chứng nhận VietGAP là tiền đề để địa phương xây dựng thương hiệu, quảng bá mở rộng tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường.
Theo Nhật Tuấn (Báo Nghệ An)
Trồng chanh không hạt, không những hết nghèo còn tiền tỷ tậu ô tô
Với mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước và bán được giá cao.
Triệt để áp dụng VietGAP, GlobalGAP
Những ngày gần cuối năm, khoảng 20 lao động tại HTX Nông nghiệp Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) đang tất bật thu hoạch, sơ chế và phân loại chanh không hạt thu mua từ bà con, đồng thời còn cung cấp cây giống chanh không hạt cho những người có nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Chiến (Hai Chiến) - người đứng ra thành lập HTX luôn phải túc trực điện thoại, sẵn sàng trao đổi với bà con xã viên, người trồng chanh về kỹ thuật trồng và các vấn đề có liên quan.
Điểm thu mua chanh không hạt của HTX Nông nghiệp Thạnh Phước. Ảnh: T.L
"Nhờ áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm chanh không hạt của HTX được tiêu thụ lâu dài ở hệ thống siêu thị Co.op mart, bán cho các công ty và xuất khẩu sang một số nước ở Trung Đông, châu Âu với giá khoảng 10.000-30.000 đồng/kg tùy theo mùa". Ông Nguyễn Văn Chiến
Tiền thân là Câu lạc bộ khuyến nông xã Đông Thạnh, sau đó HTX Nông nghiệp Thạnh Phước được thành lập với 17 thành viên tham gia ban đầu. Khi mới thành lập, sản xuất còn manh mún, sản phẩm làm ra ít nên HTX đi đàm phán nhưng không đối tác nào chịu ký hợp đồng vì sản phẩm làm ra không đáp ứng được số lượng đơn hàng.
Ông Hai Chiến cho biết: "Thấy được những bất cập này nên HTX đã kiên trì vận động xã viên, cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật vào canh tác nên đã mang lại hiệu quả cao. Từ đó, thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia vào HTX. Hiện HTX có 84 xã viên, diện tích canh tác chanh không hạt lên đến 97ha".
Theo ông Hai Chiến, chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Nhưng với mục đích sản xuất ra những sản phẩm an toàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng ra thị trường thế giới, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất chanh không hạt. Với sự giúp đỡ của Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, HTX tập trung bảo đảm 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ.
Đến nay, HTX đã có 17,2ha chanh không hạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học để xuất khẩu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu "Chanh không hạt Hậu Giang".
Không chỉ làm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều xã viên của HTX còn mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu là GlobalGAP. Hiện nay, HTX Thạnh Phước có 12 xã viên với diện tích canh tác 13ha chanh không hạt được Công ty The Fruit - Republic (Hà Lan) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Singapore.
Tậu xe hơi nhờ trồng chanh
Là 1 trong những xã viên giàu lên nhờ trồng chanh không hạt, ông Nguyễn Văn Khỏe (Tám Khỏe) phấn khởi cho hay: Gia đình có 1ha đất vườn trước kia chuyên trồng nhãn nhưng thu nhập không đáng kể do giá cả đầu ra bấp bênh. Thấy HTX trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao nên gia đình ông đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng.
"Sau 2 năm trồng chanh bắt đầu cho trái, hàng tháng hái trái 2-3 lần. Bình quân 1ha thu được 40 tấn/năm. Tùy vào từng thời vụ, giá chanh dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Nhờ trồng chanh mà tui có điều xây nhà cửa khang trang, mới đây còn sắm được xe hơi gần bạc tỷ" - ông Tám Khỏe khoe.
Theo ông Hai Chiến, năm 2004 - khi mới thành lập, HTX có tới 11/17 hộ xã viên thuộc diện nghèo. Đến năm 2009, các xã viên đều thoát nghèo.
"Hiện nay, 84 hộ xã viên trong HTX thuộc diện khá, giàu. Một số hộ xã viên có diện tích canh tác lớn, nắm vững quy trình kỹ thuật đạt mức thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Hai Thanh, Bảy Bé, Tám Khỏe..., những hộ này đều sắm được xe hơi nhờ trồng chanh" - ông Hai Chiến cho hay.
Theo ông Hai Chiến, để nâng cao năng suất, chất lượng chanh không hạt, HTX thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách cắt tỉa quả và bón phân hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, cách chăm sóc cho quả to, da bóng cho các xã viên.
Theo các xã viên HTX, thực hiện chăm sóc tốt, ổn định đầu ra, tính trung bình, một cây chanh sẽ cho khoảng 40kg quả, năng suất trung bình khoảng 30 - 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi thành viên sẽ lãi trên 400 triệu đồng/ha.
Theo Danviet
Thực phẩm sạch ăn Tết: Du học Châu Âu, 2 chàng trai về làm rau sạch Từ việc tích lũy kinh nghiệm khi đi làm thêm tại các trang trại nông sản lúc đang du học tại Pháp, Australia..., Hai anh em trong một gia đình thuần nông ở Bắc Ninh khi trở về nước có cùng ý tưởng đã quyết tâm lập công ty đầu tư vào làm nông sản sạch và đến giờ họ đã thành công...