Lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí Tổng GĐ UNESCO
Đại sứ Phạm Sanh Châu 55 tuổi, từng là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ 2011 -2014.
Đại sứ Phạm Sanh Châu
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao vừa được đề cử vào vị trí Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Đây là lần đầu tiên một nhà ngoại giao Việt Nam ra ứng cử làm người đứng đầu một cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Lễ công bố đề cử được Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây tại Đà Nẵng với sự hiện diện của đại diện một số tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu 55 tuổi, từng là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ 2011 – 2014. Trước đó, ông là người đã nhiều năm gắn bó với các hoạt động văn hoá, di sản và UNESCO. Năm 1999, trên cương vị Đại sứ cạnh UNESCO, ông từng tham gia vận động để UNESCO công nhận và trao danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” cho Thủ đô Hà Nội. Ông cũng là người tham gia vận động Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Theo P.L (Báo Giao thông)
Những phụ nữ trên cuộc đua đến chiếc ghế tổng thư ký LHQ
Cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thư ký Liên Hiệp Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nên biến chuyển lớn về bình đẳng giới bởi rất nhiều người hy vọng sẽ có nữ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đầu tiên.
Lần đầu tiên trong suốt 70 năm lịch sử Liên Hiệp Quốc, cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trở nên vô cùng kịch tính. Ông Ban Ki-moon sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào cuối năm nay và không có ý định tiếp tục tìm kiếm nhiệm kỳ 3. Đến nay đã có 8 ứng viên lộ diện, một nửa trong số họ là các nữ chính trị gia kỳ cựu.
Video đang HOT
Năm của bước ngoặt
Năm nay đánh dấu một bước ngoặt trong cách lựa chọn người đứng đầu Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc. Theo thông lệ, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận riêng với nhau rồi tiến cử một ứng viên để tất cả các quốc gia thành viên có mặt ở đại hội đồng bổ nhiệm. Tuy nhiên, quy trình "đóng cửa" này sẽ bị dẹp bỏ, bởi Chủ tịch đại hội đồng Mogens Lykketoft (Đan Mạch) muốn thay đổi, khuyến khích các quốc gia tự đề cử ứng viên của họ, đồng thời sẽ tổ chức các buổi điều trần công khai. "Những gì chúng ta chuẩn bị làm là tạo nên sự minh bạch chưa từng xảy ra trong quy trình chọn ra tổng thư ký mới", ông Lykketoft cho biết.
Mục tiêu của ông Lykketoft là tạo cơ hội để 193 thành viên đại hội đồng được thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp lên quy trình lựa chọn thay vì bị động bỏ phiếu như trước đây. Cuộc điều trần đầu tiên dự kiến diễn ra trong các ngày 12, 13 và 14.4 trước Đại hội đồng ở New York. Một số nhóm hoạt động xã hội dân sự sẽ được mời đến để chất vấn các ứng viên.
Ngoài sự thay đổi về cách thức lựa chọn, cuộc chạy đua năm nay còn được kỳ vọng sẽ tạo nên biến chuyển lớn về bình đẳng giới bởi rất nhiều người hy vọng sẽ có nữ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đầu tiên. Tháng 2 năm ngoái, một nhóm các chuyên gia và quan chức Liên Hiệp Quốc đã tung ra ra chiến dịch kêu gọi bầu chọn một nữ tổng thư ký thông qua trang web www.womansg.org.
"Tính đến nay đã có 8 tổng thư ký nhưng chưa bao giờ một người phụ nữ được trao chức danh này, mặc dù phụ nữ đại diện cho một nửa dân số thế giới", trang web này khẳng định. Bà Samantha Power - Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cùng với ông Lykketoft từng nhiều lần lên tiếng "kêu gọi tạo cơ hội công bằng cho cả phụ nữ và nam giới để được tiếp cận những vị trí cầm cân nảy mực".
Các quốc gia gồm Croatia, Macedonia, Montenegro, Bulgaria, Moldova, Slovenia, Bồ Đào Nha và New Zealand đang mong chờ sẽ đến lượt ghi tên vào bảng vàng. Từ trước đến nay, chưa có một tổng thư ký nào đến từ Trung và Đông Âu và Nga đang ráo riết muốn thay đổi điều này.
Nhìn vào danh sách các ứng cử viên năm nay thì thấy quả là một tín hiệu tốt bởi đa phần trong số họ đến từ khu vực này, trong đó có 3 nữ ứng viên nặng ký từ Bulgaria, Moldova và Croatia. Trong khi đó, bà Elizabeth Cousens, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cho biết việc luân phiên giữ chức vụ này vẫn chưa được quy định rõ ràng.
"Tây Âu từng được 3 lần cầm chịch, Mỹ Latin 1 lần, châu Phi từng có 2 tổng thư ký nổi tiếng và châu Á cũng góp 2 đại diện", bà Cousens cho biết. Tuy nhiên, bà Cousens không quan trọng việc luân chuyển bởi theo bà tiêu chí quan trọng nhất là chọn ra được "tiếng nói đại diện cho tầng lớp không nói được".
Helen Clark
Cựu Thủ tướng New Zealand, người đứng đầu Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc hiện nay là ứng viên nữ sáng giá nhất. Vai trò của bà Clark tại UNDP đã tạo cơ hội cho bà gầy dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhiều nước đang phát triển ở đại hội đồng.
Là người phụ nữ quyền lực nhất tại Liên Hiệp Quốc hiện nay nhưng bà Clark, 66 tuổi, cho biết khi thông báo tranh cử: "Tôi không tham gia tranh cử với tư cách là một phụ nữ mà là người giỏi nhất cho vị trí này. Tuy nhiên, rõ ràng tôi là một phụ nữ và là người luôn ủng hộ sự trao quyền cho phụ nữ, mong muốn phụ nữ sẽ leo lên những đỉnh cao nhất trong các lĩnh vực mà họ tham gia".
Yếu tố khách quan có lợi nhất cho bà Clark là "mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và các nước Đông Âu khiến Nga có thể sẽ dùng quyền phủ quyết của "ông lớn" để chặn đứng bất kỳ ứng viên nào đến từ khu vực này" theo phân tích của Giáo sư Alexander Gillespie (Đại học Waikato, New Zealand). Đây sẽ là cơ hội lớn cho bà Clark và cho nhóm Anglo Saxon, hiện nay được gọi với một cái tên mới là liên minh Five Eyes gồm 5 nước Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand.
Irina Bokova
Trước khi Helen Clark xuất hiện, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova, 63 tuổi, là ứng viên nữ nặng ký nhất bởi bà có kinh nghiệm điều hành một cơ quan lớn của Liên Hiệp Quốc trong 7 năm và bởi mối quan hệ tốt đẹp mà bà đã xây dựng với phía Nga.
Bà là một trong vài quan chức nước ngoài, trong đó có Chủ tịch Cuba Raul Castro và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được mời tham dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng Thế chiến thứ 2 của Tổng thống Nga V.Putin năm ngoái. Nhiều báo gọi bà là đồng minh của Nga, đây là một lợi thế đồng thời cũng là bất lợi lớn nhìn từ "ông lớn" Mỹ. Bà được cho rằng đã từng khiến Mỹ nổi giận khi công nhận Palestine là một nhà nước.
Bà Bokova từng loại được đối thủ lớn là Cao ủy EU Kristalina Georgieva để nhận được sự đề cử của chính quyền Bulgaria cho chiếc ghế tổng thư ký.
Vesna Pusi
Từng là Phó thủ tướng và Ngoại trưởng Croatia, bà Vesna Pusic, 62 tuổi, còn được biết đến là một chính trị gia ủng hộ mạnh mẽ dân chủ ở Đông Âu. Bà là người sáng lập tổ chức nữ quyền đầu tiên ở Nam Tư cũ, tổ chức các cuộc gặp gỡ dân sự giữa người Croatia và người Serbia khi 2 nước này đang có chiến tranh.
Bà còn nhận được sự ủng hộ của những người thuộc cộng đồng LGBT ở Croatia bởi bà từng được phong trào biểu tình công khai của cộng đồng LGBT là Zagreb Pride trao cho danh hiệu "Người thân thiện với người đồng tính của thập niên" năm 2011. Tuy nhiên, đây cũng là một trở ngại đối với bà bởi ai cũng biết hôn nhân đồng tính là cái gai lớn trong mắt chính quyền Moscow.
Natalia Gherman
Cũng giống như Vesna Pusic, cản trở lớn nhất đối với nữ ứng viên trẻ tuổi nhất Natalia Gherman (47 tuổi), cựu Phó thủ tướng và Ngoại trưởng Moldova là Nga bởi giữa hai quốc gia vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến vùng đất bị mắc kẹt Transnistria.
Người con gái của tổng thống đầu tiên của Moldova - Mircea Snegur có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở Áo, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan thời làm đại sứ. Hành trang đến với chiếc ghế tổng thư ký của bà Gherman còn là sự công nhận của thế giới đối với những hoạt động ủng hộ nhân quyền và bình đẳng giới của bà. Năm 2014, bà được báo Anh The Guardian gọi là "một trong 4 phụ nữ đáng chú ý trên chính trường thế giới bởi họ là những người dẫn đầu sự thay đổi ở khắp mọi nơi".
Nguyệt Hàn
Theo The Guardian, TIME, NPR
Nhà báo Trần Đăng Tuấn trượt hiệp thương vòng 3 Ông Trần Đăng Tuấn không nhận được đủ phiếu ủng hộ tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Hội nghị hiệp thương lần 3 bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2020 của Hà Nội diễn ra sáng nay. Sau khi dành nửa buổi sáng thảo luận, hội nghị đã hoàn tất nội dung lập danh sách người đủ tiêu chuẩn...