Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đồng thời lấy 6 tạng từ một người chết não, ghép cứu sống 5 bệnh nhân
Từ 6 tạng hiến của người đàn ông 40 tuổi, các bác sĩ BV Việt Đức đã thực hiện đồng thời 4 ca ghép tạng cứu sống 4 người bệnh đang nguy kịch. Một quả thận từ người hiến cũng được vận chuyển xuyên Việt vào TP Hồ Chí Minh, cứu sống một bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối.
Ngày 24/12, GS. TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, đây là một trường hợp hiến tạng, ca ghép đa tạng, ghép phổi vô cùng đặc biệt.
Người hiến tạng là nam giới 40 tuổi (Ninh Bình), tiền sử khỏe mạnh, chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai không có kết quả. Người nhà bệnh nhân cho biết, ngay từ khi khỏe mạnh, anh đã luôn tha thiết sẽ được hiến tạng nếu sau này có mệnh hệ gì không qua khỏi.
Vì thế, khi không may chết não do bệnh phình mạch não vỡ, người nhà bệnh nhân đã thông qua Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng hiến tạng. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về BV Hữu Nghị Việt Đức hiến tạng.
Có được 6 tạng hiến gồm tim, 2 phổi, 1 gan, 2 thận, các bác sĩ đã tính toán rất kỹ việc ghép cho những bệnh nhân đang trong tình huống nguy kịch.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật và lồng ngực – BV Việt Đức) cho biết, bệnh nhân nhận phổi là một thanh niên 17 tuổi bệnh nhân đang nằm điều trị tại Trung tâm hô hấp (BV Bạch Mai) do mắc bệnh mô bào ở phổi, hai phổi tổn thương nặng. Cuộc sống của người bệnh gắn chặt với máy thở trên giường bệnh, không cách nào điều trị, tiên lượng cuộc sống sẽ dừng lại rất sớm do bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Khi được chuyển đến BV Việt Đức, nam bệnh nhân nằm trên giường thở oxy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng, gầy trơ xương do mắc bệnh trọng kéo dài.
“Trên hình ảnh chụp cắt lớp ngực, gần như toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu hủy hết thành các nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ không có cơ hội sống”, PGS Ước cho biết..
Video đang HOT
Ca ghép phổi được thực hiện ngay sau khi lấy tạng, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 12/12/2018. Trải qua 14 tiếng đồng hồ, êkip gắp là các bác sĩ BV Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép.
Diễn biến hậu phẫu của bệnh nhân ghép hai phổi trong 10 ngày đầu rất thuận lợi, các tiêu chícuyên môn liên quan đến ghép phổi đều tiến triển tốt.
Tuy nhiên toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng, diễn biến hậu phẫu còn phức tạp do toàn trạng bệnh nhân quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác. Đến ngày hôm nay (24/12) bệnh nhân đã không còn phải thở máy.
Bệnh nhân được ghép tim là nam giới 60 tuổi mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối, đang điều trị hồi sức this cực chờ ghép tim tại BV Việt Đức. BN trong tình trạng thở máy, nguy cơ tử vong rất cao, chỉ dự kiến sống được trong 1 tháng nếu không có tim dể ghép. Sau hơn 10 ngày bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống, sinh hoạt tại phòng cách ly sau ghép.
Bệnh nhân ghép gan nữ 63 tuổi bị u gan; Bệnh nhân được ghép thận là nam giới 41 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối.
Đặc biệt, qua Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, tại BV Nhi đồng II (TP hồ Chí Minh) có trường hợp nam thiếu nhi 15 tuổi, mắc suy thận giai đoạn cuối cần ghép thận gấp. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã điều phối “xuyên Việt” đưa ngay một quả thận vào ghép, cứu sống bệnh nhi.
GS Giang cho biết, đây là lần đầu tiên BV Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp phẫu thuật hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện. Là lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ một người cho chết não. “Cùng một lúc, bệnh viện đã tổ chức các êkip lấy tạng, ghép gan với hàng trăm người, sáng đèn xuyên đêm để thực hiện thành công các ca ghép tạng này”, GS Giang chia sẻ.
Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi.
Riêng tại BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng trong đó 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tin (6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác, 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.
Theo thống kê tại Việt Nam, kỷ lục lấy và ghép tạng nhiều nhất là 5 tạng (26/2/2018), có 2 ca ghép phổi đã được thực hiện tại các BV 103 và 108, với kíp phẫu thuật là thầy thuốc Việt Nam và chuyên gia nước ngoài.
Hồng Hải
Theo Dân trí
4 người chết não hiến tạng cứu 16 bệnh nhân nguy kịch
16 bệnh nhân bị suy tạng mãn giai đoạn cuối có thể tử vong bất cứ khi nào đã được cứu sống diệu kỳ, nhờ nguồn tạng hiến của 4 người không may chết não.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 16/5 đến 13/6), tại Bệnh viện Hữu nghi Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận mô tạng của 4 bệnh nhân chết não để ghép cho 16 bệnh nhân tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Đây là một kỳ tích về số người hiến tạng, người được ghép tạng lần đầu tiên được ghi nhận tại nước ta.
Với nguồn tạng hiến của 4 người chết não, các bác sĩ đã ghép tim cứu sống 4 người bệnh, ghép thận cho 8 trường hợp và ghép gan cứu sống 4 bệnh nhân ở cả Hà Nội và Huế.
Theo GS Giang, các kỹ thuật ghép tạng bác sĩ Việt làm chủ hoàn toàn. Vấn đề duy nhất chính là nguồn tạng hiến. Trước đây, nguồn tạng khan hiếm, trước khi được ghép tạng, bệnh nhân phải nằm viện lâu, phải thở máy kéo dài, phải truyền máu và truyền dịch nhiều... nhưng không phải ai cũng chờ đợi được đến khi có nguồn tạng hiến, rất nhiều người đã tử vong trước khi tìm được nguồn tạng hiến phù hợp để ghép.
GS Giang chia sẻ thêm, kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam ngày càng hoàn thiện. "Hầu như những trường hợp ghép thận, chúng tôi không cần phải truyền máu như trước nữa. Ghép gan thì số lượng truyền máu cũng rút xuống còn 1-2 đơn vị, ghép tim cũng vậy, thậm chí có ca ghép gan không cần truyền máu. Trước đây, thời gian bệnh nhân phải nằm thở máy sau mổ từ 24-48 giờ, bây giờ chỉ còn 3-4 tiếng", GS Giang nói.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng chia sẻ thêm, sự thành công của các ca ghép tạng thể hiện ở ,ỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiệm cận được với tỷ lệ của thế giới.
Như với bệnh nhân ghép thận tỷ lệ sống sau 1 năm là gần 95%, sau 5 năm là 90%. Đối với bệnh nhân ghép gan thì tỷ lệ thấp hơn vì đa số bệnh nhân ghép gan là do ung thư gan; với bệnh nhân xơ gan thì sau khi được ghép gần như khỏi hoàn toàn; còn đối với ung thư gan thì có một tỷ lệ bị tái phát ung thư.
Trung bình tỷ lệ sống sau 5 năm ghép gan là 75% và sau 10 năm là 70%. Trong số 19 bệnh nhân ghép tim chỉ có 2 trường hợp đã tử vong còn lại 17 bệnh nhân vẫn sống sau 8 năm.
Được biết, đến nay bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép được hơn 600 ca ghép thận, gần 60 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim.
GS Giang chia sẻ thêm, nhân lực cho kỹ thuật ghép các tạng khác như ghép phổi cũng đã được BV Việt Đức cử đi học hỏi, hứa hẹn sẽ tiến hành ghép phổi sớm nhất. Khi đó, sẽ có thêm cơ hội ghép tạng cứu sống thêm nhiều người bệnh khác khi có nguồn tạng hiến.
GS Giang cũng bày tỏ sự tri ân đến những gia đình bệnh nhân chết não đã hiến tạng để nối dài sự sống cho những bệnh nhân khác đang nguy kịch mỗi ngày vì căn bệnh suy tạng mãn.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Nghẹt thở cuộc đua giành sự sống của những chiến binh blouse trắng Các bác sĩ đã chạy đua với bao tình huống nghẹt thở để thực hiện ca phẫu thuật ghép tạng thành công, giành lại sự sống cho những bệnh nhân hiểm nghèo. Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép tạng Cuộc chạy đua cân não Nhắc lại hành trình vận chuyển tạng của ca ghép xuyên Việt đầu tiên năm 2015,...