Lần đầu tiên trong gần 60 năm, Nữ hoàng Anh vắng mặt tại buổi Lễ khai mạc Quốc hội
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 9/5, Cung điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ không dự lễ khai mạc Quốc hội vào ngày 10/5 và Thái tử Charles sẽ thay mặt bà đọc diễn văn khai mạc sự kiện.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1963, Nữ hoàng Anh không tham dự Lễ khai mạc Quốc hội, sự kiện đánh dấu khởi đầu một năm làm việc của Nghị viện Anh. Theo truyền thống, tại Lễ khai mạc Quốc hội, Nữ hoàng Anh – với tư cách là người đứng đầu nhà nước, sẽ đọc diễn văn khai mạc, công bố chương trình nghị sự của chính phủ và các đạo luật mà chính phủ sẽ ban hành trong năm.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 96 tuổi, gặp vấn đề về vận động và gần đây đã phải hủy một số sự kiện xuất hiện trước công chúng. Trước đó, Cung điện Buckingham vẫn tuyên bố Nữ hoàng hy vọng sẽ tham dự sự kiện, song tối 9/5 xác nhận rằng bà sẽ không tham dự buổi lễ ở Westminster sau khi được các bác sĩ tư vấn. Thái tử Charles và Hoàng tử William-Công tước xứ Cambridge, được trao quyền thay mặt Nữ hoàng khai mạc Quốc hội. Vương miện của Hoàng gia sẽ vẫn được đưa đến Quốc hội và ngai vàng của Nữ hoàng sẽ để trống. Trước đó, Nữ hoàng đã vắng mặt tại một số sự kiện, trong đó có Lễ Phục sinh, và thông báo bà sẽ không tổ chức các bữa tiệc vườn thượng uyển trong năm nay.
Trong suốt 70 năm trị vì, chỉ có 2 lần Nữ hoàng không tham dự Lễ khai mạc Quốc hội vào năm 1959 và 1963 khi đang mang thai.
Nữ hoàng Anh muốn con dâu trở thành vương hậu
Nữ hoàng Anh Elizabeth II muốn con dâu Camilla được phong vương hậu khi Thái tử Charles lên ngôi.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II (phải) cùng con trai là Thái tử Charles và con dâu Camilla (Ảnh: EPA).
Thái tử Anh Charles kết hôn với bà Camilla vào năm 2005 sau khi ông ly dị người vợ trước là Công nương Diana vào năm 1996. Sau khi kết hôn, họ thống nhất rằng, bà Camilla sẽ không dùng danh xưng Công nương xứ Wales của cố Công nương Diana do e ngại phản ứng của dư luận thời điểm đó. Nhiều người cũng đồn đoán rằng, một khi Thái tử Charles được truyền ngôi, bà Camilla, 74 tuổi, có thể sẽ không lấy tước vị vương hậu, thay vào đó chỉ dùng danh xưng vương phi.
Tuy nhiên, vào dịp kỷ niệm 70 năm kể từ khi kế vị ngai vàng, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 95 tuổi, ngỏ ý muốn con dâu trở thành vương hậu. "Mong ước chân thành của tôi là khi con trai tôi Charles trở thành quốc vương, Camilla sẽ được biết đến là vương hậu khi Camilla tiếp tục phụng sự hoàng gia", Nữ hoàng cho biết.
Nữ hoàng được cho là sẽ tham vấn những người trong danh sách kế vị trực tiếp gồm Thái tử Charles và Hoàng tử William trước khi đưa ra công bố quan trọng về tước vị hoàng gia. Động thái mới của Nữ hoàng Anh cho thấy, công chúng Anh đã có quan điểm cởi mở và đón nhận hơn đối với bà Camilla.
Tại các quốc gia châu Âu, vương hậu là tước vị dành cho vợ của quốc vương. Một vị vương hậu được thừa nhận ngay lập tức khi quốc vương ấy kế vị hoặc được chính thức làm lễ kết hôn. Các vương hậu thường được sắc phong ngay trong buổi lễ đăng quang của vị quốc vương đó, nhưng đại đa số đều không có lễ đăng quang chính thức.
Về mặt pháp lý, vương hậu có quyền lực được công nhận, nhưng thực tế về phương diện chính trị, họ hầu như không được phép can thiệp. Tuy vậy, bằng cách này hay cách khác, không ít trường hợp các vương hậu trở thành cố vấn chính trị của quốc vương, thậm chí trở thành một thế lực đằng sau ngai vàng.
Nữ hoàng Anh kêu gọi hành động chung đối phó với khủng hoảng khí hậu Ngày 1/11, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hợp tác trong "sự nghiệp chung" đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu để giải quyết những "chướng ngại vật" vốn khó có thể vượt qua. Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: AFP/TTXVN Trong thông điệp được phát qua video tại...