Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến tại kỳ họp thứ chín
Sáng mai, ngày 20-5, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc và làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ), chia làm hai đợt, trong đó đợt 1 được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến từ ngày 20 đến ngày 29-5.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Duy Linh.
Cải tiến cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội ứng phó dịch Covid-19
Ngày mai, 20-5, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thành công tốt đẹp, cả nước sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 130 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.
Đây là kỳ họp giữa năm 2020, là năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cũng là năm chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ). Điều đặc biệt, kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp thành hai đợt.
Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20 đến ngày 29-5). Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8 đến ngày 18-6). Theo dự kiến chương trình, Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18-6.
Về cách thức tổ chức họp trực tuyến đợt 1 tại kỳ họp lần này, đại biểu Quốc hội của Đoàn nào sẽ tham dự kỳ họp ở điểm cầu ngay tại Đoàn đó. Trường hợp đang công tác tại tỉnh, thành phố khác sẽ lựa chọn tham dự tại điểm cầu ở nơi công tác hoặc nơi mình tham gia Đoàn và đăng ký với Trưởng Đoàn nơi sẽ tham dự họp. Đại biểu công tác tại Hà Nội (trừ đại biểu thuộc Đoàn thành phố Hà Nội) sẽ tham dự kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng.
Tại các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.
Video đang HOT
Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.
Theo đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua. Thực tế thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có liên quan đến hoạt động họp của các nghị viện. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 21 nghị viện đã có chuẩn bị cho việc họp trực tuyến, trong đó có Việt Nam.
Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho đợt 1 Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV với hình thức họp trực tuyến đã được Văn phòng Quốc hội chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện. Đồng thời, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được Văn phòng Quốc hội cài đặt, cải tiến nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu Quốc hội cũng như cung cấp chân thực nhất thông tin kỳ họp tới cử tri và nhân dân cả nước. Với sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo như vậy, cử tri có thể kỳ vọng và tin tưởng vào một kỳ họp an toàn, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam, trong bối cảnh dịch covid-19 trên thế giới vẫn đang còn diễn biến hết sức phức tạp.
Kiểm tra tín hiệu từ Hội trường Diên Hồng đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều nội dung quan trọng có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội
Theo thông lệ, trong chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội tập trung hơn 50% tổng thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với sáu dự án luật khác. Các dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua và các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này có tác động rất sâu rộng đến đời sống xã hội và được cử tri rất quan tâm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, biểu quyết một số dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét, biểu quyết các nội dung như: Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự.
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết Nghị quyết về nội dung này. Báo cáo giám sát chuyên đề bao quát năm nội dung lớn: Đánh giá tình hình chung về xâm hại trẻ em; Công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; Những giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.
Một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét tại kỳ họp là Báo cáo về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước. Trong báo cáo này có đề cập tới nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các giải pháp ứng phó, phương án phát triển kinh tế – xã hội.
Một số nội dung khác được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này gồm: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV; Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV dự kiến họp trực tuyến trước khi họp tập trung
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội thông báo về Kỳ họp thứ 9. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. (Trang thông tin Quốc hội)
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong thời gian qua, mặc dù có ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã rất cố gắng trong chuẩn bị các nội dung cũng như các điều kiện bảo đảm của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, việc chuẩn bị, tổ chức, tiến hành kỳ họp trong điều kiện hiện nay cần được cân nhắc kỹ.
Căn cứ các quy định của pháp luật, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp thứ 9 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp dự kiến khai mạc trong khoảng 20 đến 25-5 và chia thành hai đợt.
Đợt 1, họp trực tuyến (dự kiến trong khoảng 5 đến 7 ngày) qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu công tác tại Hà Nội (dự kiến khoảng 165 người) tham gia tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và sẽ bố trí khoảng cách ngồi phù hợp, bảo đảm yêu cầu của phòng, chống dịch.
Việc thực hiện họp trực tuyến, vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về kỳ họp Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, về thực tiễn, đã có nhiều hội nghị trực tuyến được tổ chức từ trụ sở Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố. Thực tế cho thấy, chất lượng truyền hình ảnh, âm thanh khá tốt, có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ họp Quốc hội.
Được biết hiện nay, Văn phòng Quốc hội đang khẩn trương phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng hệ thống trực tuyến, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nâng cấp phần mềm biểu quyết được cài đặt trên thiết bị di động của đại biểu Quốc hội.
Nội dung của đợt 1 là họp trù bị, khai mạc kỳ họp; những nội dung không mật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng (như các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8...); xem xét, quyết định một số vấn đề cấp thiết, như Hiệp định EVFTA hoặc một số chính sách, giải pháp liên quan phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh...
Thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu theo quy định hiện hành. Đại biểu tại 63 điểm cầu ở địa phương đăng ký phát biểu qua đường dây nóng, bảo đảm các cuộc gọi đăng ký được thông suốt, không bị nghẽn mạng, kịp thời chuyển đến chủ tọa điều hành.
Việc biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp tại phiên trù bị được thực hiện bằng hệ thống điện tử (qua ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động).
Trường hợp có những nội dung cấp thiết cần Quốc hội sớm quyết định có thể áp dụng một trong hai hình thức biểu quyết theo quy định: bằng hệ thống điện tử (qua ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động); bỏ phiếu kín (ghi phiếu và gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Đợt 2, sau khi công bố kết thúc dịch, sẽ mời đại biểu Quốc hội về họp tập trung trong khoảng 7 đến 10 ngày để xem xét các nội dung mật, biểu quyết thông qua luật, nghị quyết; bế mạc kỳ họp,...
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tại phiên họp thứ 44 (dự kiến khai mạc ngày 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tổng thể công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp để quyết định triệu tập kỳ họp và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp, có cách thức phù hợp để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, vừa bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế ở địa phương; kiến nghị, đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
VĂN CHÚC
Quốc hội sẽ miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ và bà Nguyễn Thanh Hải Ông Vương Đình Huệ sẽ được Quốc hội miễn nhiệm chức Phó thủ tướng và bà Nguyễn Thanh Hải được miễn nhiệm chức Ủy viên Ủy ban TVQH vì được phân công nhiệm vụ mới. Sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Tổng thư ký Quốc hội...