Lần đầu tiên Mỹ công nhận Việt Nam không bán phá giá tôm
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định sơ bộ mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, giai đoạn từ 1-2-2011 đến 31-1-2012 (POR7).
Theo quyết định này, cả bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều có mức thuế 0%. Cụ thể, hai bị đơn bắt buộc là Minh Phu Seafood Corp và Nha Trang Seafoods có mức thuế 0%. Mức thuế đối với các công ty khác tham gia xem xét hành chính giai đoạn này cũng là 0%.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, DOC công nhận tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá. Đại diện Vasep nhận định, quyết định này mang lại nhiều hi vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.
Video đang HOT
Năm 2012, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 454,5 triệu USD và chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tháng 1-2013, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam với mức tăng trưởng 36,9% so với tháng 1-2012, tương đương 33 triệu USD.
Theo ANTD
'Nhà nước không nên can thiệp vụ kiện bán phá giá'
Nếu bị dính vào vụ kiện bán phá giá, Nhà nước của đơn vị xuất khẩu không nên tham gia giải quyết trực tiếp vì đây là "chuyện" giữa doanh nghiệp với nhau.
Theo GS.TS Võ Thanh Thu, Thành viên Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam, để đối phó với các vụ kiện bán phá giá của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, hiệp hội cần tìm hiểu lý do vì sao hàng xuất khẩu của Việt Nam lại bị kiện. Đồng thời, cần có những biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra.
Các hiệp hội ngành hàng đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp đối phó, thực hiện các công việc giải quyết vấn đề. Doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra của vụ kiện, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Nói như vậy, không có nghĩa Nhà nước đứng ngoài cuộc, mà Nhà nước cần thực hiện công việc điều tiết xuất khẩu vào các thị trường. Bản thân các doanh nghiệp không thể làm được việc đó. Mọi người chỉ biết sản xuất và xuất hàng, còn thông tin về tình hình của thị trường đó chỉ có cơ quan ban ngành mới có thể tiếp cận.
Thực tế, lượng hàng hóa xuất khẩu đi từng thị trường đều có con số cụ thể nằm tại hải quan. Nếu có thể thì cần hạn chế xuất ở một số lượng nhất định sẽ dễ dàng tránh được những vụ kiện bán phá giá. Vì nếu một mặt hàng nhập khẩu chiếm thị phần vượt qua mức cho phép của thị trường nhập khẩu và có ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong nước thì mới bị khởi kiện.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức chủ động các phương thức phòng chống các vụ kiện thông qua việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất.
Tuy nhiên, theo ông Thu, làm thế nào để doanh nghiệp có thể thực hiện tốt khâu sổ sách vẫn còn là vấn đề nan giải... vì chưa có cơ quan nào hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Điều này cần được các Hiệp hội, VCCI cùng doanh nghiệp phối hợp tổ chức các khóa đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp về vấn đề này.
Theo VNE
Xuất khẩu thủy sản gặp khó Các nhà máy đối mặt với nguy cơ khủng hoảng do thiếu nguyên liệu cá tra để sản xuất. Xuất khẩu tôm gặp khó bởi rào cản thương mại từ thị trường Nhật, Hàn Quốc và vụ kiện bán phá giá tôm tại Mỹ. Những tháng đầu năm 2013, ngành thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn...