Lần đầu đến Kbang
Đã qua nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi lần về công tác tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hồi năm 1988.
Đúng là một kỷ niệm khó quên.
Bây giờ thì từ quốc lộ 19 có nhiều con đường vào huyện như đường Trường Sơn Đông hoặc đi từ cầu sông Ba ngang qua Nhà máy Đường rồi qua xã Kông Bơ La giữa cánh đồng mía bạt ngàn; từ Song An vào theo tỉnh lộ 669. Nhưng ngày ấy thì chỉ một con đường vào Kbang là từ ngã ba Đồng Găng, An Khê.
Một góc thị trấn Kbang nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Thời gian này, tôi công tác ở Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục huyện Chư Păh. Bấy giờ, nhà trường dùng chung cơ sở và trực thuộc Phòng Giáo dục huyện, biên chế chỉ 5 người gồm: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và 3 giáo viên, hầu hết đều là giáo viên dạy giỏi.
Sáng sớm, chúng tôi xuất phát từ thị trấn huyện Chư Păh lên xe đò ra đến Pleiku rồi chuyển sang xe khách đi Quy Nhơn. Đến ngã ba Đồng Găng lại xuống và tiếp tục lên xe đò vào huyện. Những năm đó, đường sá thì xuống cấp, lắm ổ gà, ổ voi; xe thì chở cả người và hàng hóa, lại thường dừng bắt khách dọc đường. Đi từ sáng sớm nhưng mãi đến quá nửa buổi chiều trong ngày mới đến được Kbang dẫu quãng đường chỉ hơn 100 km.
Năm ấy, Kbang vừa chuyển trung tâm huyện từ xã vùng sâu Sơ Pai ra Ka Nak nên cơ sở còn nghèo nàn, ngoại trừ trục đường chính được rải lớp nhựa mỏng, các con đường còn lại đều là đường đất lổn nhổn đá sỏi.
Mặc dù đã có Liên hiệp Xí nghiệp Lâm công nghiệp Kon Hà Nừng (Đoàn 332) đặt cơ sở tại Ka Nak nhưng lúc này thị trấn vẫn chưa được thành lập mà còn thuộc địa giới hành chính xã Đông. Dân cư khá mỏng, chủ yếu là gia đình cán bộ, công nhân của Đoàn 332, nhà cửa thưa thớt, tạm bợ, phần lớn lợp bằng tôn hoặc lợp tranh, vách ván (Đầu năm 1989, thị trấn Kbang mới có quyết định thành lập).
Video đang HOT
Khu vực trung tâm huyện nằm giữa một thung lũng rộng, những ngọn đồi xanh sẫm cây rừng bao bọc xung quanh. Đêm về khuya, chúng tôi vẫn nghe được tiếng con mang tác, tiếng nước đổ qua thác Hang Dơi vọng về. Buổi sáng thức dậy, khí trời se lạnh. Cả thung lũng chìm trong màn sương mù khá dày, cảnh vật mờ ảo, bềnh bồng trong sương mai.
Du khách khám phá thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc
Người tôi gặp đầu tiên ở Phòng Giáo dục huyện Kbang là anh Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng. Anh Minh là bạn cùng lớp, cùng phòng ở khu nội trú sư phạm với tôi. Anh kể: Sau khi ra trường đầu tháng 1-1977, anh nhận quyết định về công tác ở huyện An Khê. Đến khi An Khê tách các xã phía Bắc ra thành lập huyện Kbang, anh được tăng cường vào đây.
Thật là một cuộc hội ngộ cảm động, bởi từ khi ra trường đến lúc ấy đã 10 năm chúng tôi mới gặp lại nhau. Ngày đó, gọi điện thoại đường dài là chuyện hiếm, ai có việc cần đều phải đến bưu điện đánh điện tín nên hầu như mọi liên lạc đều bằng thư, cho nên chúng tôi “bặt vô âm tín” là chuyện bình thường. Chiều muộn hôm ấy, chúng tôi ăn cơm ở nhà anh Minh, ngôi nhà cũng lợp tôn, vách thưng ván dựa vào sườn đồi.
Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi phải thuê xe lam từ Ka Nak ra Trường Nội trú đóng tại xã Đông để làm việc. Tôi là cán bộ huyện khác cử đến nên làm Chủ tịch Hội đồng coi thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở huyện Kbang; anh Trần Vĩnh Hương-Cán bộ Phòng Giáo dục Kbang làm Phó Chủ tịch (năm đó chưa có chức danh chuyên viên). Các thí sinh (lớp 5 và lớp 9) dự thi khoảng vài chục em, hơn một nửa là con em cán bộ, công nhân Đoàn 332 và con em xã Đông, xã Nghĩa An; số còn lại là các em người Bahnar.
Sau này, mãi đến khi chuyển sang làm báo, tôi mới có dịp trở lại Kbang. Lúc này, huyện đã thay đổi nhiều. Nhiều người bạn của tôi đều đã trưởng thành, là những cán bộ chủ chốt của địa phương. Anh Nguyễn Văn Minh là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, sau đó thì chuyển công tác về Bình Định. Anh Trần Vĩnh Hương sau đó là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Khu trung tâm huyện giờ là thị trấn Kbang sầm uất, nhà cửa, hàng quán san sát với hàng trăm con đường nội thị rộng rãi, trải nhựa phẳng lì. Kbang cũng không còn là “ốc đảo” như trước kia, không chỉ hệ thống giao thông thông suốt với các địa phương trong tỉnh và Bình Định mà còn thông thương với Kon Tum, Quảng Ngãi.
Khai thác thế mạnh về du lịch với hàng chục thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ như thác K50, thác Kon Bông; các khu di tích quốc gia nổi tiếng như: Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu, Khu lưu niệm Anh hùng Núp… Kbang còn là xứ sở của mía, mắc ca cùng hàng chục loài lâm sản đặc hữu dưới tán rừng.
Mỗi khi có dịp về đây, thị trấn buổi sáng vẫn êm đềm, bàng bạc sương mai làm tôi không khỏi nhớ lại một Kbang năm ấy.
Chư Mố huyền bí
Mỗi khi đến thung lũng sông Ba, như một phản xạ có điều kiện, tầm mắt tôi lại lia thẳng về phía có ngọn Chư Mố.
Mặc dù chỉ là lướt qua hay sẽ vượt sông sang bên ấy thì những câu chuyện về núi Mố huyền bí lại hiện về trong tôi.
Chư Mố là ngọn núi nhỏ, nằm lẻ loi trên một vùng đất bằng phẳng ở bờ Bắc sông Ba, thuộc huyện Ia Pa. Cuối năm 1983, xã Ia Tul được được chia tách để thành lập thêm xã mới Chư Mố (lúc đó thuộc huyện Ayun Pa). Thế là Chư Mố trở thành tên của một xã, nơi sinh sống của các cộng đồng Jrai hình thành từ làng gốc Plei Pa nổi tiếng khắp vùng vì có nhiều con gái đẹp.
Các bạn trẻ trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố năm 2018. Ảnh: Chí Hào
Theo Ơi Phôk (buôn Biah, xã Ia Tul), người Jrai trong vùng giải thích việc núi Mố đứng một mình cũng rất thú vị. Chuyện là, một vị thần chẳng may có con bị chết. Thương con, thần phải đi lấy đất từ phía Tây về để đắp mộ cho con ở gần núi Jú. Khi bay ngang qua đây, thần làm rơi một ít đất, tạo thành ngọn Chư Mố tròn như cái bát úp cạnh sông Tul.
Dù chỉ cách Ayun Pa 7 km nhưng đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, dòng sông Ba hiền hòa, thơ mộng vào mùa khô, lại là lát cắt hung dữ, nghiệt ngã, ngăn cách vùng Plei Pa với thị trấn sầm uất ở bờ Nam sông trong mùa lũ.
Bến đò Chư Mố nhỏ nhoi, bất lực chứng kiến mỗi mùa mưa, dòng sông mang đi ít nhất một mạng sống, mà dân làng tin rằng, đó là những người bị Yang Ia (thần Nước) bắt đi. Nhưng có lẽ cũng vì sự cách trở mà đến lúc ấy, mảng chuyện ly kỳ, huyền bí vẫn ăm ắp ở nơi này.
Người Plei Pa quanh núi Mố tự hào với niềm tin Chư Mố là một ngọn núi anh hùng. Thuở xưa, núi đã từng đi chiến đấu, đánh nhau và chiến thắng núi Hdrung (Hàm Rồng) trên cao nguyên Pleiku, lấy được một góc của Hdrung đắp vào núi Mố. Vì vậy mà sau này, Hdrung thì bị khuyết một miếng; còn núi Mố dù nằm giữa vùng đất phù sa ven sông nhưng trên đỉnh lại có một phần là đất đỏ bazan.
Trong ánh lửa bập bùng, huyền ảo nơi góc nhà sàn, bên cạnh những lời ru thể hiện mơ ước của người Plei Pa mà chú Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ) lúc sinh thời vẫn nói với chúng tôi: "Mẹ sinh con trai đẹp như cà trắng, như người thầy giáo, như con trai Kinh" thì nhiều câu chuyện được kể trong đêm của những thầy cúng như ông Rơ Ô Nêm (Ơi Phôk), Hiao Chul (Ơi Thoại)... xen tiếng củi nổ tí tách, tiếng gió thầm thì... đưa chúng tôi vào với thế giới huyền bí của thần linh cũng có sức hút lạ lùng.
Theo lời của người già nơi đây, bà con Jrai trong vùng tin rằng, ở núi Mố có 4 vị thần cai quản ở 4 hướng. Lần lượt là: Mố ở phía Tây Bắc, Săk ở phía Tây Nam, Dyung ở phía Đông Nam và H'Djô ở phía Đông Bắc.
Thứ bậc linh thiêng của các vị thần này được thể hiện trong lời khấn lần lượt từ Mố, Săk, Dyung và cuối cùng là H'Djô. Trong số 4 vị thần cai quản núi Mố thì Săk và Dyung là nam thần; còn Mố và H'Djô là nữ thần. Người dân trong vùng tin rằng, họ đã từng nghe tiếng giã gạo trên núi Mố của các thần.
Mố-tên của vị thần ở núi này không chỉ có nghĩa là "vợ" trong ngôn ngữ Jrai (cũng hàm nghĩa của tên ngọn núi, đối diện với một núi khác người Jrai gọi là Chư Ung-núi Chồng) mà còn có ý là "cưng", "yêu" để chỉ một phụ nữ không chồng. Từ này cũng được người Jrai trong vùng dùng để "nựng" những bé gái như kiểu người Việt gọi là "cưng".
Ngoài những vị thần nói trên, ở núi Mố còn có 2 vị thần mà theo người địa phương là ít quan trọng hơn: Yang War Kơbao (thần chuồng trâu) ở đỉnh núi và Yang Ia Mun (thần giếng nước) ở chân núi phía Nam.
Ngày xưa, trên sườn núi Mố còn có con voi đá cũng rất linh. Có một toán người Việt đã tìm cách lấy nó đi. Họ buộc con voi vào một cái gậy để khiêng. Xuống đến chân núi, những người khiêng voi cảm thấy như họ đang bị lún sâu xuống nước. Họ phải buông con voi ra, quẫy cựa để thở. Rồi họ đi như bơi, sau đó ngã xuống đất, tự cào cấu vào ngực mình cho đến chết.
Năm 1961, khi nghe người Jrai nói về việc này, Dournes (một linh mục người Pháp ở Cheo Reo) đã vào Plei Pa bắt đầu cuộc kiếm tìm. Ở đây, ông nghe Ama Khe kể rằng: Năm 1920, khi còn nhỏ, Ama Khe và những đứa trẻ chăn trâu thấy một con voi đá bị chôn một nửa dưới đất và đào nó lên. Một cậu bé Jrai nghịch ngợm đã nhảy lên lưng voi, thế là bị ốm ngay. Sau việc này, trong vùng có rất nhiều người ốm và một trận hạn hán đã xảy ra.
Người Jrai cho rằng, vì họ đào con voi đá lên mà gây ra sự rủi ro này, vì vậy, đã chôn nó xuống. Dournes đã tổ chức một đoàn đi tìm kiếm ở gần núi Mố và đào được tượng voi bằng đá (sau này được xác định là di vật của người Chăm) có kích thước 50 x 50 x 20 cm rồi đem về nhà. Tháng 4-1970, tượng voi được ông giao lại cho Viện Bảo tàng Quốc gia ở Sài Gòn.
Du lịch trải nghiệm dưới chân đèo Tô Na (Gia Lai) Xuôi dòng sông Ba tới đèo Tô Na (khu vực giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa, Gia Lai), du khách có cơ hội trải nghiệm tuyệt vời khi lạc vào Thung lũng Hồng với vẻ đẹp hoang sơ làm mê đắm lòng người, được thưởng thức trái cây ngọt lịm cùng đặc sản cá chốt thơm lừng. Bức...