Lần đầu công bố hình ảnh xác ướp lâu đời nhất trên thế giới: Cách ướp xác gây bất ngờ!
Cách ướp xác của xác ướp 8.000 năm tuổi ở Bồ Đào Nha khiến các nhà khoa học bất ngờ.
Khoảng 60 năm trước, Manuel Farinha dos Santos, một nhà khảo cổ học đã chụp được những bức ảnh về một số bộ hài cốt chôn cất trong các ngôi mộ 8.000 năm tuổi ở thung lũng Sado, miền Nam Bồ Đào Nha.
Một phân tích mới hiện nay về những bức ảnh này cho thấy có thể những xác ướp cổ xưa nhất của con người không phải đến từ Ai Cập hay Chile, mà là ở châu Âu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hơn chục bộ hài cốt thời cổ đại đã được tìm thấy ở thung lũng Sado, thuộc phía Nam của Bồ Đào Nha trong các cuộc khai quật vào những năm 1960.
Sau khi phân tích các hình ảnh và quan sát bãi chôn cất, các nhà nghiên cứu cho biết, ít nhất một trong số những hài cốt trên đã được ướp xác, có thể là để vận chuyển dễ dàng hơn trước khi chôn cất. Điều này cho thấy tập tục ướp xác đã phổ biến tại khu vực này vào thời điểm đó.
Các nhà khoa học đã tiến hành xem xét lại tài liệu của nhà khảo cổ học người Bồ Đào Nha Manuel Farinha dos Santos (qua đời năm 2001). Trong nghiên cứu mới này, các chuyên gia đã phát hiện ra các bức ảnh đen trắng của 13 ngôi mộ từ thời kỳ đồ đá giữa.
Bức ảnh chụp về cuộc khai quật cho thấy một số người đã được ướp xác trước khi chôn cất cách đây khoảng 8.000 năm. Ảnh: Peyroteo-Stjerna et al/European Journal of Archaeology.
Dù có một số tài liệu và bản đồ vẽ tay về khu chôn cất này ở thung lũng Sado được lưu giữ trong Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở Lisbon, nhưng những bức ảnh trên chưa từng được công bố. Theo Rita Peyroteo-Stjerna, nhà khảo cổ học tại ĐH Uppsala, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, những bức ảnh đã cho các nhà khảo cổ có cơ hội để nghiên cứu về các ngôi mộ.
Cách ướp xác cổ xưa gây bất ngờ
Sau khi sử dụng các bức ảnh đen trắng để tái dựng lại các ngôi mộ, các nhà khoa học quan sát thấy phần tay và chân của một số bộ hài cốt bị kéo đến vị trí mà vượt quá giới hạn tự nhiên. Điều này cho thấy rằng người chết đã bị trói chặt bằng những sợi dây nhưng sau đó đã tan ra hết. Bên cạnh đó, các đoạn xương của hài cốt vẫn còn gắn liền với nhau sau khi chôn cất, trong khi thực tế những xương bàn chân rất nhỏ thường bị rời ra hoàn toàn khi cơ thể phân hủy.
Kỳ lạ là không có dấu hiệu nào cho thấy rằng phần đất của ngôi mộ từng bị dịch chuyển khi mô mềm của cơ thể người phân hủy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không xảy ra sự phân hủy.
Video đang HOT
Cách ướp xác cổ xưa này khiến nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Ảnh: Peyroteo-Stjerna et al/European Journal of Archaeology.
Nhà khảo cổ học Peyroteo-Stjerna chia sẻ, những dấu hiệu trên cho thấy người này được ướp xác sau khi qua đời. Có thể cơ thể người chết được làm khô và sau đó dần dần thu nhỏ lại bằng cách quấn chặt dây xung quanh.
Việc nghiên cứu và phân tích các ngôi mộ cổ này dựa trên những phát hiện từ các thí nghiệm phân hủy được thực hiện tại Cơ sở Nghiên cứu Nhân chủng học Pháp y tại ĐH bang Texas.
Những thí nghiệm trên các hài cốt này cho thấy người cổ đại có thể từng thực hiện những thao tác nào đó khi ướp xác người chết ở thung lũng Sado.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng những cư dân xưa đã trói người chết lại, sau đó đặt lên trên một cấu trúc cao, chẳng hạn như bệ nâng, để cho phép chất lỏng phân hủy thoát ra ngoài và tránh tiếp xúc với cơ thể.
Mặt khác, ngưa xưa cũng có khả năng dùng lửa để làm khô thi thể và dùng các dây buộc trên cơ thể, thắt chặt dần qua thời gian. Cách làm này giúp giữ được tính toàn vẹn về mặt giải phẫu, đồng thời tăng khả năng uốn dẻo của các chi.
Nhà khảo cổ học Peyroteo-Stjerna cho biết, nếu một số hài cốt được đưa từ nơi khác đến thung lũng Sado để chôn cất, thì việc ướp xác để giúp xác chết nhỏ và nhẹ hơn nhiều, sẽ giúp cho quá trình vận chuyển trở nên dễ dàng hơn.
Nghiên cứu này mới công bố trên tạp chí European Journal of Archaeology.
Ảnh phục dựng từ xác ướp Nữ hoàng Ai Cập mệnh danh 'huyền thoại nhan sắc' từng khiến thế giới ngỡ ngàng, liệu có đẹp như lời đồn?
Đầu thế kỷ 20, bức tượng bán thân thể hiện khuôn mặt "đẹp không tì vết" của bà đã làm rung động cả thế giới.
Một ngày năm 1912, giữa sa mạc đầy nắng và gió ở Ai Cập, nhóm khảo cổ người Đức do nhà khảo cổ học Ludwig Borchardt dẫn đầu đã tiến hành khai quật thành phố bị lãng quên Amarna.
Trong quá trình khai quật, Ludwig tình cờ phát hiện một bức tượng bán thân đẹp tuyệt vời bị vùi trong đống đổ nát. Sau khi tiến hành nghiên cứu xác minh, nhóm của ông nhận định bức tượng có niên đại hơn 3.300 năm, khắc họa gương mặt sắc sảo của người phụ nữ nổi tiếng cả về quyền lực và nhan sắc thời Ai Cập cổ đại, Nữ hoàng Nefertiti, vợ của Pharaoh Akhenaten, mẹ của Pharaoh Tutankhamun.
Bức tượng bán thân của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti.
Thời điểm đó, tức đầu thế kỷ 20, bức tượng thể hiện khuôn mặt "đẹp không tì vết" của bà đã làm rung động cả thế giới. Người ta ca tụng, ngưỡng mộ, tôn vinh nhan sắc của bà. Thậm chí, kể từ đó, mỗi khi người ta phát hiện thêm mẩu chuyện hay manh mối nhỏ về cuộc đời của bà là lập tức gây chú ý.
Điều đáng tiếc là cho đến nay, sau hơn 1 thế kỷ đào bới, tìm kiếm không biết mệt mỏi, các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể tìm ra lăng mộ Nữ hoàng Nefertiti hay nơi đặt thi hài của bà. Cũng có một số phát hiện cho rằng đó là xác ướp của Nữ hoàng Nefertiti nhưng tất cả mới chỉ là phỏng đoán!
Bức tượng bán thân của tuyệt sắc giai nhân làm chao đảo cả thế giới
Bức tượng bán thân của Nữ hoàng Nefertiti, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Neues, Berlin, Đức. Michelle Moran, tác giả cuốn "Nefertiti", một tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng về vị nữ hoàng này, cho biết: " Nefertiti được xem là Cleopatra trong thời đại của mình. Không chỉ sở hữu nhan sắc tuyệt trần và sự giàu có, bà còn là người phụ nữ vô cùng quyền lực. Sẽ là một chấn động lớn nếu thực sự tìm ra nơi chứa thi hài của bà".
Trong bài viết trên tờ The Guardian năm 2015, tác giả Moran khẳng định lịch sử Ai Cập không hiếm những phụ nữ quyền lực lên ngôi trị vì đất nước, nhưng có một lý do khác khiến Nefertiti thu hút sự chú ý của thế giới hiện đại. Đó chính là vẻ đẹp bức tượng bán thân.
Ông mô tả: "Bạn sẽ thấy bởi đường nét thanh tú của chiếc cổ cao, hàng lông mày mỏng uốn cong cùng gò má cao nhọn của nữ hoàng. Nếu sống trong thời hiện đại, Nefertiti có thể trở thành một siêu mẫu. Những chuẩn mực của cái đẹp dường như không hề thay đổi qua thời gian".
Giáo sư Ai Cập học Aidan Dodson thì cho hay: "Có rất nhiều huyền thoại, trong đó có huyền thoại về nguồn gốc của bà. Một số người khăng khăng rằng bà là công chúa hoàng gia, hoặc tìm cách biến bà thành công chúa ngoại quốc vì tên của bà có nghĩa là "Người phụ nữ xinh đẹp đã đến". Nhưng thực tình thì cái tên Nefertiti là một cái tên tiếng Ai Cập cực kỳ phổ biến vào thời kỳ đó. Bức tượng bán thân tuyệt đẹp của Nữ hoàng Nefertiti, được tìm thấy năm 1912, đã khiến bà trở thành một "mỹ nhân có sức mê hoặc" quốc tế hơn là thực sự xem bà là nhân vật có tư tưởng và ảnh hưởng".
Vị Nữ hoàng nổi tiếng với lối trang điểm như "tự sát"
Nữ hoàng Nefertiti đẹp, điều đó ai cũng tin nhưng vì sao bà lại có sắc đẹp tuyệt trần như vậy là câu hỏi gây ra rất nhiều tò mò. Các nhà khoa học đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng để có được nhan sắc mĩ miều như vậy, Nữ hoàng Nefertiti đã phải chịu đau đớn rất nhiều, thế nên mới nói mọi thứ đều có giá của nó.
Theo đó, toàn bộ tóc cũng như lông trên cơ thể của Nữ hoàng Nefertiti được cạo nhẵn nhụi, bà đội tóc giả và đánh mi mắt màu đen bằng phấn côn.
Loại phấn Ai Cập cổ xưa này được làm từ chì đen - đồng nghĩa với việc Nữ hoàng đang tự hủy hoại bản thân mỗi khi trang điểm mắt, nhưng phấn côn vẫn phải chào thua loại son đặc chế từ... brôm, lại một chất hóa học độc hại khác ngự trị trên môi nữ hoàng mỗi ngày.
Một cuộc phục dựng gây tranh cãi
Ngày 11/2/2018, trong chương trình Expedition Unknown trên kênh Travel Channel, một nhóm các nhà khoa học đã công bố hình ảnh phục dựng khuôn mặt Nữ hoàng Nefertiti sống cách đây 3.400 năm.
Họ đã sử dụng công nghệ chụp ảnh 3D mới nhất thời điểm đó đồng thời sử dụng cấu trúc gương mặt của xác ướp có tên gọi "Quý bà trẻ" (Xác ướp mà người ta nghi ngờ thuộc về Nữ hoàng Nefertiti, được tìm thấy năm 1898, nhưng không có bằng chứng xác thực) để tái hiện chân dung của bà.
Họa sĩ Daynes bên chân dung phục dựng từ xác ướp Quý bà trẻ của Nữ hoàng Nefertiti.
Để tạo ra tượng bán thân của vị nữ hoàng cổ đại, một nhóm nhà khoa học ở Đại học Bristol tại Anh lập bản đồ kỹ thuật số gương mặt của xác ướp. Sau đó, họa sĩ cổ sinh học Elisabeth Daynes tái tạo gương mặt của nữ hoàng trên tượng, một quá trình công phu với 500 giờ làm việc miệt mài.
Thông qua so sánh tượng bán thân với hình ảnh lịch sử của Nefertiti, các nhà nghiên cứu có thể chứng minh xác ướp "Quý bà trẻ" chính là vị nữ hoàng nổi tiếng Nefertiti. "Gương mặt đặc biệt này khá giống với những mô tả cổ xưa về Nefertiti", Aidan Dodson, nhà Ai Cập học ở Đại học Bristol, một thành viên của dự án, nhận định. "Kết quả thật vi diệu. Khi xem xét và phân tích dữ liệu di truyền, bản phục dựng cung cấp cho chúng tôi bằng chứng thực sự thú vị cho thấy xác ướp "Quý bà trẻ" không phải ai khác mà chính là Nữ hoàng Nefertiti".
Tuy nhiên, hình ảnh phục dựng này cũng đã trở thành đề tài tranh cãi. Người ta cho rằng nước da sáng màu của chân dung phục dựng khác hẳn với màu da sẫm của bức tượng bán thân cổ đại nổi tiếng mô tả nữ hoàng Nefertiti.
Hình ảnh dựng 3D của một họa sĩ trên mạng về nhan sắc của Nefertiti.
Bằng chứng về chuyện hiến tế trẻ em man rợ ở thời cổ đại tại Peru Các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện ra dấu tích về việc dùng trẻ em là đồ hiến tế gần xác ướp 1.000 năm tuổi ở Peru. Hiến tế trẻ em dường như đã xảy ra tương đối phổ biến trong các nền văn hóa của Peru cổ đại. Trong đó bao gồm cả nền văn hóa Sican tiền Inca, hay...