Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở phường Ngã Tư Sở, Kỳ3: Lực lượng chức năng đứng ngoài cuộc?
Tại khu vực đầu đường Nguyễn Trãi, ban ngày thì chợ Ngã Tư Sở hoạt động từ sáng đến chiều muộn. Tối đến thì chợ trà chanh nhộn nhịp đến 23g, có hôm đông khách còn có quán bán đến tận 24g.
Người bị phạt, người không bị phạt
Kể cả “chợ trà chanh” hay “chợ bia”, ngoài việc lấn chiếm vỉa hè để làm nơi bán hàng thì lòng đường cũng bị tận dụng làm chốn để xe của khách. Điều ngạc nhiên là bãi giữ xe “tự quản” của các nhà hàng, quán xá… ngang nhiên lấn phố giữa ban ngày cũng không hề bị xử lý. Rồi đến cả những người dân buôn bán tự do kéo nhau ngồi kín vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường… có những hành động tranh giành hỗn độn, không những mất mĩ quan mà còn rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Mặc dù ở mọi thời điểm đều có thể có các lực lượng làm nhiệm vụ, tuần tra như Thanh tra giao thông; CSGT; CSCĐ; CA phường… nhưng hầu như không có sự phản ứng hay xử lý đối với những vi phạm lấn chiếm lòng đường đó. UBND phường Ngã Tư Sở cũng án binh bất động như không hề biết.
Một người dân trên đường Láng phàn nàn: “Khách hàng của tôi để xe vào mua hàng có mấy phút cũng bị bắt xe về phường rồi bị phạt hành chính về hành vi dừng đỗ xe sai quy định theo Nghị định 34 (NĐ 34/NĐ-CP – PV). Vậy mà ở đằng kia, ngày nào cũng có đến hàng chục chiếc xe dừng đỗ sai quy định lại có người trông coi mà có thấy bị xử lý theo Nghi định 34 bao giờ đâu?”.
Cảnh này lực lượng chức năng không nhìn thấy?
Vì được bảo kê?
Tại khu vực đầu đường Nguyễn Trãi, ban ngày thì chợ Ngã Tư Sở hoạt động từ sáng đến chiều muộn. Tối đến thì chợ trà chanh nhộn nhịp đến 23g, có hôm đông khách còn có quán bán đến tận 24g. Thời gian tĩnh lặng chẳng được bao lâu thì lại phải nhường chỗ cho “chợ sớm”. Hầu hết người dân sống quanh khu vực này đều rất bức xúc với những cái “chợ tự phát”, bởi vì tất cả mọi hoạt động đều do người bán, người mua tự đề ra nên nó rất hỗn độn và mất ANTT với những hoạt động tranh giành khách và chỗ ngồi… Như vậy, cả khu phố này đang phải sống trong một “môi trường âm thanh” rất ô nhiễm.
Video đang HOT
Để giữ vững ANTT cũng như giữ một môi trường sinh hoạt ổn định cho người dân khu vực này, cần thiết phải có những biện pháp hữu hiệu. Câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo và các cấp chính quyền cũng như lực lượng CA phường Ngã Tư Sở: Tại sao những hoạt động kinh doanh, buôn bán sai quy định gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý?
Theo chị chủ quán trà chanh thì mỗi tháng một chủ quán phải nộp cho CA phường 500.000-800.000đ đồng (Tuỳ theo chỗ bán rộng hay hẹp, nhiều khách hay ít khách – PV) gọi là “phí bảo kê”, số tiền đó họ cho người đi thu mỗi tháng 2 lần. Chị chủ cũng “tâm sự” thêm: “Thỉnh thoảng CA phường có “đi” cũng chỉ để lấy lòng dân thôi em, họ có nỡ bắt bớ gì các chị đâu. Thà họ cứ làm ngơ để thu tiền bọn chị chả sướng hơn à, tội gì mà cứ phải “đi” cho nó khổ, lại chẳng được gì…”. Khi PV hỏi việc “thu phí” có được giao phiếu thu không? Chị chủ quán trả lời: “Họ đi thu đồng loạt chứ làm gì có phiếu?”. Chị chủ còn cho biết thêm: “Ngoài số tiền 500.000-800.000đ đồng phải nộp cho CA phường, thỉnh thoảng lại có ông “ăn lẻ” đi thu một vài trăm. Mình cứ nộp thì thấy bực lắm, nhưng không nộp, đến đợt họ ra quân lại gặp phải ông ấy thì có mà gặp hạn”. Vậy việc thu phí hàng tháng của các quán trà chanh là do ai thu? Đó có phải là phí dịch vụ để các hàng quán bán trà chanh được bảo kê để tồn tại hay không?
Chính quyền phường sở tại đứng ngoài cuộc?
Khoảng 15g20 ngày 28-9-2011, PV báo PL&XH có mặt tại trụ sở CA phường Ngã Tư Sở, một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực ban cho biết: “Lãnh đạo CA phường đang bận, anh ngồi đợi một tí”. Sau gần 1 giờ chờ đợi, PV lại nhận được câu trả lời của 1 chiến sĩ CA khác: “Lãnh đạo CA phường bận cả rồi, anh sang UBND phường mà hỏi”. Điều ngạc nhiên là đang trong giờ hành chính nhưng chiến sĩ CA này vẫn mặc trang phục dân sự để tiếp dân. Khi PV hỏi tên và chức vụ, cấp bậc thì chiến sĩ CA này trả lời: “Anh hỏi để làm gì?”.
Sáng 6-10-2011, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CA TP Hà Nội đã khẳng định với báo chí việc Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm về vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm tại khu vực của mình. Các lực lượng CA, Thanh tra giao thông… có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm.
Vậy những hoạt động lấn chiếm vỉa hè và lòng đường để kinh doanh, bán hàng, để xe, họp chợ… đang tồn tại trên địa bàn Ngã Tư Sở có được UBND phường cho phép và thu phí? Lực lượng CA phường đã phối hợp với UBND phường để kiểm tra, xử lý vi phạm đến đâu? Tuy nhiên những hoạt động lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè dưới mọi hình thức làm xấu đi vẻ đẹp của phố xá Thủ đô, tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân gây cản trở giao thông, thậm chí gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… là điều không thể chấp nhận được.
PV báo PL&XH đã đến liên hệ công tác tại UBND phường Ngã Tư Sở, tuy nhiên đến nay chưa nhận được thông báo của thường trực văn phòng UBND phường để PV hẹn làm việc với lãnh đạo, UBND phường Ngã Tư Sở.
Hoạt động lấn chiếm vỉa hè và lòng đường ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa đã đến mức “báo động”. Chính quyền sở tại và CA phường Ngã Tư Sở đang đứng ngoài cuộc?
Theo PLXH
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở phường Ngã Tư Sở, Kỳ1: Và những chuyện đáng nói...
Mấy cậu đầu tóc vàng hoe lao ra chặn đầu xe, hỗn độn những câu chào mời "xí" khách. Một kiểu mời chào rất mất mĩ quan và nguy hiểm...
Thời gian qua, nhiều bạn đọc tại phường Ngã Tư Sở gọi điện đến Đường dây nóng 0915544455 báo PL&XH phản ánh tình trạng việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và hoạt động trái phép của những hàng quán cũng như chợ tự phát tại một số địa điểm thuộc phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. PV báo PL&XH đã "mục sở thị" để tìm hiểu hoạt động cũng như những ảnh hưởng của chợ tự phát đến cuộc sống dân sinh ở đây.
Chợ trà chanh kín vỉa hè
Chặn xe mời khách
Từ đường Láng, PV cho xe giảm tốc độ để chuẩn bị rẽ về đường Nguyễn Trãi. Bỗng một cậu choai tóc vàng hoe lao ra chặn đứng xe lại:
- Anh ơi để xe đây đi, trà chanh ngon lắm, giá chung rồi.
PV kịp dừng xe gấp để tránh bị xảy ra tai nạn. Chưa kịp phản ứng gì thì xuất hiện thêm mấy cậu choai khác, hai tay vẫy vẫy, chỉ trỏ rồi luôn miệng xí khách: "Anh ơi lại đây đi. Trà chanh ngon, hướng dương giòn, trái cây tươi..."; "Anh ơi bên này còn rộng, thoáng lắm, sang đây ngồi uống nước cho thoải mái này..."; rồi "Anh ơi, nhà em nước ngon, giá rẻ, ngồi thoải mái, anh ơi vào đây đi...". Có những "cò choai" còn liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm, lao ra giữa đường để chặn đầu xe của khách, trong khi xe đang chạy với tốc độ khá cao.
Cứ như thế, ai đi qua vòng cua này cũng bị chèo kéo và mời mọc, người không có nhu cầu thì cố lách ra như để "chạy thoát", còn ai chỉ ngập ngừng thôi cũng bị kéo. Hàng chục cậu choai, mỗi người đứng bên một tấm biển quảng cáo nhốn nháo dưới lòng đường để... xí khách suốt dọc bên đường.
PV cố tình "lách" qua cò để rẽ sang đường Nguyễn Trãi nhưng vẫn không được buông tha. Hoạt động chèo kéo và xí khách ở đây không chỉ có các cậu choai, mà còn có cả mấy chị, mấy cô tuổi đã tứ, ngũ tuần. Ngoái lại phía sau, hàng chục người đi đường giảm ga để qua lối rẽ này đều bị "chặn đầu xe", trong số đó có người vẻ mặt lo sợ. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến cảnh này và bị chèo kéo, xí khách ở đất Hà thành?
Cuối cùng thì PV cũng chọn được một quán trà chanh để dừng chân. Chị chủ cũng có vẻ "tử tế", bởi hành động mời mọc của chị không phản cảm như đám "cò choai" kia. Chị ngồi chỗm chệ trên chiếc ghế nhựa, hai chân khoanh tròn và luôn tay "vẫy khách" với những câu chào mời rất nhẹ nhàng dễ thương, có lẽ là do giọng nói của chị: "Dừng xe vào uống nước các em ơi"; "Uống nước à em, để xe đây đi, chị trông cho"...
Chợ bia cũng sầm uất
"Thà nhầm còn hơn bỏ sót..."
Theo những người dân sống xung quanh khu chân cầu này, khi bóng tối vừa buông xuống, khu vực chân cầu vượt Ngã Tư Sở lại trở nên nhộn nhạo hơn hẳn. Hàng quán thi nhau mọc lên, những tấm biển quảng cáo bắt đầu tràn xuống lòng đường, bàn ghế xếp ngổn ngang... người ở đâu ùn ùn kéo về, chẳng mấy chốc chật cứng cả vỉa hè, rồi chen chúc nhau như lễ hội đầu năm. Những đôi tình nhân, những nhóm bạn, thậm chí có cả những gia đình ngồi nhâm nhi những cốc trà chanh và tí tách cắn hạt hướng dương hàn huyên trò chuyện...
Bọn "cò choai" thi nhau lao xuống đường để "bắt khách", khách hàng thì rôm rả cười nói những câu chuyện trên giời dưới biển... tạo nên khung cảnh nhộn nhịp của khu chợ trà chanh này vào mỗi buổi tối. Dường như cả khách hàng và chủ quán đều không nghĩ đến cả một khu dân cư đang phải cố chịu đựng những hoạt động của họ.
Ở phường Ngã Tư Sở, không chỉ khu vực chân cầu vượt bị lấn chiếm vỉa hè làm nơi bán hàng. Đầu phố Thái Thịnh cũng xuất hiện một "chợ bia" rất sầm uất. Cứ chiều chiều nơi đây lại trở nên lộn xộn với hàng trăm lượt khách bia hẹn hò tụ tập. Cũng giống kiểu mời chào khách như chợ trà chanh, khách đi đường từ Tây Sơn rẽ vào Thái Thịnh cũng bị chèo kéo và cản trở tham gia giao thông bởi những cánh "tay cò" giơ ra vẫy khách.
Sở dĩ có chuyện chèo kéo và xí khách là do ở một khu vực có nhiều nhà cùng kinh doanh một loại mặt hàng, các chủ hàng đã sắp xếp lực lượng "cò" vừa có trách nhiệm trông giữ xe cho khách, vừa phải thực hiện các động tác rất phản cảm để mời chào khách. Một "cò" ở "chợ bia" chia sẻ: "Bọn em biết kiểu mời chào như thế rất nguy hiểm nhưng chủ quán bắt phải làm thế, nếu không làm theo thì dễ bị đuổi việc anh ạ".
Thấy có người xi nhan sang đường, "cò" vội ngắt lời rồi lao ra "làm nhiệm vụ", xong lại tiếp tục câu chuyện với PV: "Biết là người đi đường có phải ai cũng có nhu cầu uống bia đâu, nhưng cứ mời đại đi cho chủ hài lòng, được khách nào thì được. Nhiều lúc bọn em còn bị người ta chửi cho cái tội cản trở giao thông, nhưng thà mời nhầm còn hơn bỏ sót anh ạ. Người có chửi thì cũng chửi mình được một lần, nghe nhiều thành quen rồi, còn hơn bị chủ chửi suốt ngày".
Những quán bia vỉa hè thường bán từ 17g đến tận khuya, bụi bặm và chen chúc, nhưng không hiểu sao rất đông khách. Có một vị khách ngồi cạnh PV giải thích: "Ở đây mát mẻ, tội gì mà không ngồi?". Người bán hàng thì tận dụng vỉa hè và lòng đường để bán hàng bớt được khoản tiền thuê quán. Nhưng chính những vị "khách vỉa hè" này đã rất chủ quan và coi thường sức khoẻ cũng như cả tính mạng của mình. Từng cốc bia, từng đĩa thức ăn trên bàn hứng bao nhiêu bụi đường là điều ai cũng có thể thấy. Liệu công tác VSATTP có được đảm bảo? Không ít khách hàng được chứng kiến một chậu nước được chủ quán dùng để tráng cốc uống bia cho cả buổi bán hàng!. Làm một phép tính đơn giản, mỗi người uống bao nhiêu cốc bia thì bấy nhiều lần cái cốc được tráng vào một chậu nước, theo quan sát thì mỗi quán bia ở đây có hàng trăm khách uống bia mỗi ngày, không biết một chậu nước phải tráng đến bao nhiêu lượt cốc uống bia?...
Theo PLXH
'Chợ cóc' lấn đường, vỉa hè gây tắc nghẽn Vào giờ cao điểm, nhiều chợ cóc với đủ loại mặt hàng như quần áo, giày dép, chăn ga gối đệm... được bày bán tràn lan trên vỉa hè, lòng lề đường tại nhiều tuyến phố thủ đô khiến tình trạng tắc nghẽn ngày càng nghiêm trọng. Cuối giờ chiều, đúng thời điểm tan tầm trên nhiều tuyến phố của thủ đô Hà...