Lấn Biển Đông, Trung Quốc dùng kế độc chiếm quyền kiểm soát
Khi tàu sân bay John C. Stennis và 4 tàu chiến khác của Mỹ tới Biển Đông tuần trước, thông điệp trở nên rõ ràng: Mỹ là cường quốc quân sự chiếm ưu thế trong khu vực và sẽ tiếp tục giữ vững điều này.
Nhưng có vô số tàu hải quân Trung Quốc hoạt động gần đó, Hải quân Mỹ cho biết, nhiều hơn hẳn những năm trước. Một quan chức Bắc Kinh nói trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng, các tàu xuất hiện để “theo dõi, nhận diện, và đuổi” tàu bè, máy bay nước ngoài, phụ thuộc vào khoảng cách với “các đảo của chúng ta”.
Kể từ ba năm trước đây, Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược sử dụng các đảo để mở rộng dấu chân của quân đội trong khu vực, dần dần hình thành nên những tiền đồn ở xa đất liền Trung Quốc bất chấp sự phản đối của láng giềng cũng như Washington.
Cuộc đầu tư nhiều tỉ đô la của Bắc Kinh đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ Biển Đông – vùng biển có những hải lộ nhộn nhịp nhất thế giới.
Chiến lược “lấn biển”
Chiến lược “lấn biển” mà Trung Quốc theo đuổi cũng đang làm thay đổi nguyên trạng cán cân quân sự ở Tây Thái Bình Dương kể từ khi Thế chiến II kết thúc, giúp Trung Quốc đến gần hơn với mục tiêu xây dựng vùng đệm an ninh vươn xa ngoài khu vực bờ biển – giấc mơ mà các nhà chiến lược Trung Quốc đặt ra kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Marc Lanteigne, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế Na Uy chuyên về chính sách đối ngoại Trung Quốc, đã so sánh chiến lược trên với vị thế của Mỹ tại Caribbean. “Trung Quốc muốn có vùng biển của chính họ, nơi họ có thể hoạt động quân sự, tàu thuyền quân sự thoải mái đi lại mà không cần lo lắng tới sự hiện diện của hải quân Mỹ, Ấn Độ hoặc những nước khác”.
Video đang HOT
Quá trình xâm lấn tiến hành từng bước nhưng khá nhanh chóng và ngày càng tăng tốc. Bắc Kinh đã tiến hành nạo vét cát, làm đảo nhân tạo ngay trên các bãi ngầm chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa vào đầu năm 2014, và khẩn trương hoàn tất vào năm ngoái. Các đảo này giờ đây có rất nhiều cảng nước sâu, những đường băng dài đủ phục vụ tàu chiến, máy bay chiến đấu.
Sau đó là các bộ nạp năng lượng cho tên lửa đất đối không xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa. Rồi giờ đây, những hình ảnh vệ tinh cho thấy những cơ sở radar giúp mở rộng khả năng tác chiến của tên lửa Trung Quốc – hệ thống được thiết kế để đánh chìm tàu sân bay. Thực tế là, những công sự này ít có khả năng đe dọa quân đội Mỹ bởi dễ dàng phá hủy trong trường hợp xảy ra xung đột.
Nhưng quan chức Mỹ lại ngày càng lo lắng về việc gia tăng quân sự của Trung Quốc, bởi nếu không bị kiểm soát, Bắc Kinh sẽ giành quyền kiểm soát vùng biển mở rộng có kích thước tương đương Mexico và giành ưu thế quân sự vượt trội so với láng giềng – những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Hơn thế nữa, theo một số nhà phân tích, nó có thể khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang khu vực và gia tăng nguy cơ xung đột.
Trong khi quan chức tại Washington quả quyết Trung Quốc còn lâu mới có khả năng “đuổi” lực lượng Mỹ khỏi Biển Đông, thì giới phân tích nói rằng, việc gia tăng quân sự hóa của Bắc Kinh sẽ khiến Hải quân Hoa Kỳ gặp khó khăn hơn khi triển khai lực lượng bảo vệ đồng minh, như Philippines. Điều động máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và radar tối tân có thể thúc đẩy lòng tự tin của Hải quân Trung Quốc, và khiến tướng lĩnh Mỹ phải cân nhắc.
Lập vùng nhận diện phòng không
Điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện tháng trước, Đô đốc Harry B. Harris Jr., chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo, các hành động của Trung Quốc “đang thay đổi cảnh quan hoạt động ở Biển Đông”. Và trong thư gửi tới ủy ban này, phụ trách cơ quan tình báo Mỹ, James R. Clapper, dự đoán, Trung Quốc “sẽ có khả năng đáng kể để nhanh chóng mở rộng sức mạnh quân sự trong khu vực”.
Clapper viết, dù Trung Quốc chưa kết thúc xây dựng, nhưng họ có thể đã triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình cũng như các tàu chiến lớn tới những đảo nhân tạo mới làm ở Trường Sa.
Phụ trách tình báo Mỹ cũng xác nhận radar quân sự đã được lắp đặt tại Đá Châu Viên – cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần cả nghìn km. Về lý thuyết, nó có thể cải thiện khả năng của loại tên lửa DF-21D với mệnh danh “sát thủ tàu sân bay”, nghĩa là gây khó khăn cho Hải quân Mỹ khi tính các biện pháp đối phó.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ gần đây cảnh báo, Trung Quốc dường như sẵn sàng “trục xuất” lực lượng Philippines khỏi các tiền đồn khác tại Biển Đông, và thúc giục chính quyền Obama thể hiện phản ứng rõ ràng. Tháng trước, Manila tố cáo các tàu công vụ Trung Quốc đã chặn tàu cá ngư dân tiếp cận vùng đánh bắt.
Theo giới phân tích, sự xâm lấn và chiếm giữ khiến các tàu Trung Quốc dễ dàng hoạt động hơn trong thời gian dài tại quần đảo Trường Sa mà không cần phải trở về đất liền. “Các tàu Trung Quốc giờ đây có thể ở Trường Sa chừng nào họ muốn”, Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) nói.
Ông Poling nhấn mạnh, các hệ thống radar mới tại Đá Châu Viên có thể giúp Trung Quốc khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cách khá xa như Eo biển chiến lược Malacca.
Quan chức Mỹ cho rằng, tiếp theo Bắc Kinh sẽ xây những bể chứa nhiên liệu lớn trên đảo để giúp máy bay chiến đấu hoạt động trong khu vực lâu hơn, phục vụ cho mục tiêu tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông như đã từng làm tại biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.
Theo Minh Tâm/Diplomat
Vietnamnet
Hải quân Trung Quốc tiếp nhận ba tàu đổ bộ xe tăng
Trung Quốc bàn giao ba tàu đổ bộ tác chiến Type 072B cho hạm đội hoạt động ở biển Hoa Đông.
Ba tàu đổ bộ xe tăng Type 072B. Ảnh: Guancha
Hạm đội Đông Hải hôm qua tiếp nhận thêm ba chiếc tàu đổ bộ xe tăng Type 072B, theo Guancha. Ba tàu này mang tên Vũ Di Sơn 914, Tồ Lai Sơn 915 và Ngũ Đài Sơn 917, thuộc loại tàu đổ bộ lớn nhất mà Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Tàu có lượng giãn nước tối đa khoảng 5.008 tấn, tốc độ tối đa khoảng 19 hải lý/h, dài 119,5 m, rộng 16,4 m, mớn nước 3,2 m.
Tàu đổ bộ Type 072B được thiết kế với đài chỉ huy từ kiểu mở cải tiến thành kiểu kín, có khả năng tàng hình khá tốt, đồng thời thiết kế sàn boong tàu nối thẳng, tiện lợi cho việc vận chuyển nhanh chóng các trang bị đổ bộ. Mũi tàu được lắp đặt hệ thống pháo kiểu mới, có thể bắn chuẩn xác các mục tiêu tầm gần trên biển và trong không trung, phía đuôi tàu có chỗ đáp và cất cánh cho máy bay trực thăng.
Các tàu này chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tác chiến đổ bộ cho xe tăng và binh lính, đồng thời vận chuyển lương thực, vũ khí. Ngoài ra, nó còn có thể thực hiện các nhiệm vụ quân sự phi chiến tranh như tiếp tế, cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy.
Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 6 tàu đổ bộ Type 072B cho hạm đội Đông Hải nhằm nâng cao sức chiến đấu cho hải quân tại khu vực biển Hoa Đông, nơi nước này có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Quốc Trung
Theo VNE
Tàu sân bay Trung Quốc - phế phẩm trong mắt tướng lĩnh Mỹ Lầu Năm Góc tin rằng tàu sân bay Trung Quốc không sở hữu những công nghệ cần thiết để có thể đe dọa trực tiếp đến lực lượng Mỹ trên các vùng biển sâu. Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PA Ngày 3/3, Xinhua dẫn lời Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo, cố vấn chính trị quốc gia, thành...