Làm Vlog kiểm tra Văn, thầy trò FPT gây ấn tượng với cách học lý thú
Ứng dụng Văn thuyết minh vào làm vlog bài tập, sản phẩm cuối kỳ của học sinh FPT nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía cộng đồng dạy, học chương trình phổ thông.
Mới đây, dự án học Văn 4.0, áp dụng CNTT, phương thức tiếp cận kiến thức sáng tạo giảng dạy các môn xã hội của teen THPT FPT nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Với đề bài, bằng hình thức làm video, lồng tiếng, thiết kế poster… học sinh tự sáng tạo sản phẩm và áp dụng kiến thức về Văn thuyết minh để diễn giải về chủ đề đã chọn, teen FPT đã có nhiều sản phẩm khiến thầy cô trầm trồ.
Mở đầu cho chuỗi dự án sáng tạo là video về ẩm thực tại phố cổ Hà Nội của lớp 10A7 và 10A15. Các món ăn nổi tiếng: Phở Bát Đàn, bún đậu Hàng Khay… xuất hiện trong video cùng với lời giới thiệu đầy hấp dẫn..
Video Foodtour phố cổ Hà Nội do học sinh THPT FPT thực hiện:
Khi vừa đăng tải, video đã có hơn 10000 lượt xem, đồng thời nhận được cơn mưa lời khen từ các bậc phụ huynh, cư dân mạng với cách hoàn thành bài tập sáng tạo này. Bất ngờ khi bài tập của mình nhận được nhiều sự quan tâm đến thế, bạn Phạm Lương Huy Vũ- học sinh lớp 10A7 chia sẻ: “Thật sự là bọn em rất vui và bất ngờ vì điều này nằm ngoài dự tính. Khi thực hiện dự án này, bọn em đã cùng nhau lên kịch bản và ý tưởng, bọn em chọn thời gian buổi chiều lúc không phải học để cùng bàn bạc, buổi tối với sự giúp đỡ của các thầy cô quản nhiệm nên bọn em cũng có cơ hội để cùng nhau hoàn thành”.
Dàn ekip thực hiện video Foodtour phố cổ Hà Nội
Dự án này cho phép các bạn học sinh thỏa sức sáng tạo với những chủ đề khác nhau: Ẩm thực, Game, lịch sử… Mới đây, các bạn còn cùng nhau lồng tiếng cho trận đánh “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử và đầy hào hùng, hay thuyết minh về Game CSGo đang hot hiện nay. Thầy Đức bật mí: “Một dự án nữa đang hoàn thành đó là giới thiệu về FPT trên mô hình 3D. Chắc là cuối tuần này sẽ xong thôi”.
Trong dự án, các bạn phối hợp team work nhịp nhàng và phân chia công việc hợp lý: bạn tìm hiểu thông tin, bạn viết nội dung, bạn tự tin nhất sẽ được phân công làm MC dẫn chính trong video và các thành viên còn lại đảm nhận việc chỉnh sửa video. “Nhờ môn hợp tác và làm việc nhóm được học tại trường bọn em biết cách kết nối với nhau, hiểu nhau và đưa tiến độ, năng suất công việc lên cao” – Huy Vũ chia sẻ.
Những kỹ xảo quay dựng trong video khá cầu kỳ và đẹp mắt. Những kỹ năng chỉnh sửa clip được học trong môn tin học trên lớp giúp hoc sinh rất nhiều trong dự án này. Những video được hoàn thiện chuyên nghiệp và chỉn chu là sản phẩm của cách thức đào tạo đa chiều, tập trung vào tính ứng dụng CNTT và cung cấp kỹ năng thiết thực cần có của người trẻ thế hệ Z hiện nay.
Bạn Phạm Lương Huy Vũ- người dẫn chính của video ẩm thực phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Những môn học kỹ năng mềm của trường dạy đã giúp em rất nhiều. Nhất là môn thuyết trình, em may mắn được cô Yến dạy, môn này mang lại cho em cảm hứng và giúp em tự tin hơn khi đứng thuyết trình trước ống kính cũng như mọi người xung quanh”.
Một số sản phẩm poster sáng tạo của học sinh:
Người đứng sau dự án Văn Thuyết Minh tại THPT FPT là thầy Nguyễn Ngọc Đức – chủ nhiệm lớp 10A8, “cha đẻ” loạt hình thức dạy học độc đáo: Học Văn bằng game Ai là triệu phú, vở ghi bài điện tử… Nhận thấy thể loại Văn thuyết minh được giảng dạy học kì 2 lớp 10 có tính ứng dụng cao, thầy Đức quyết định cho học sinh làm bài tập bằng video thuyết trình. Kết quả bài tập này sẽ được lấy điểm 45 phút.
4 lớp thực hiện dự án bao gồm: 10A6, 10A7, 10A8 và 10A15. Do có sự tham gia của nhiều lớp học nên các ý tưởng cũng rất sáng tạo và đa dạng: Lồng tiếng Lịch sử, bình giảng Văn học, bình luận về Game, giới thiệu trường học FPT bằng mô hình 3D… Việc làm bài kiểm tra Văn bằng hình thức quay video thuyết trình nhằm giúp hoc sinh nhận ra: Môn Văn thực ra rất gần gũi, thiết thực, phần nào xóa bỏ nỗi sợ hãi khi phải đọc chép, cảm thụ “vẹt” như phương pháp học truyền thống.
Thầy Đức chia sẻ: “Mỗi học kì các bạn học sinh ở mỗi lớp sẽ tham gia 1 dự án học tập về một chủ đề hoặc một nội dung học tập trong chương trình, kết quả của dự án được thay cho bài kiểm tra 45p trên giấy. Mục đích là tạo cơ hội cho các bạn ấy được sáng tạo với môn học, giảm áp lực học tập, kiểm tra”.
Phạm Lương Huy Vũ – Học sinh 10a7, vlogger trong video Foodtour Hà Nội
Bản chất môn Văn là môn học giúp học sinh phát triển khả năng về ngôn từ, diễn đạt, khả năng cảm nhận, thấu hiểu, phân tích, đánh giá, rèn luyện tư duy ngôn ngữ. Những tác phẩm văn học là sự sáng tạo nghệ thuật có dụng ý của mỗi tác giả, do vậy nếu đứng ở góc độ là một người khám phá khi học văn, mọi thứ sẽ được tiếp nhận hoàn toàn khác. Đó là lý do thầy Đức đã tìm hiểu và khám phá ra một cách học văn thật mới mẻ và sáng tạo dành cho các bạn học sinh.
Bằng cách tận dụng năng khiếu, sở thích của mình, các bạn học sinh FSchool đã hô biến dự án môn Ngữ Văn thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và công phu. Chắc hẳn với mỗi lần được làm bài tập kiểu này, học sinh sẽ ngày càng thay đổi tâm thế tiếp nhận môn học và sáng tạo nhiều cách học thú vị hơn nữa.
Chàng trai 25 tuổi dành 7 năm chụp bộ ảnh "Hà Nội 100 năm trước": Vì thời gian là thứ không thể lấy lại được
Das, 25 tuổi, đã dành 7 năm để thực hiện dự án "Hà Nội 100 năm trước" với tổng 149 bức ảnh (và chưa dừng lại) so sánh những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội dưới cùng một góc nhìn trước và sau 100 năm. Với anh, xuân - hạ - thu - đông, những con phố cổ đều có nét đẹp riêng.
Das - một photographer, designer 25 tuổi, đã dành 7 năm để thực hiện dự án "Hà Nội 100 năm trước". Nhiều người vẫn nghĩ, chắc hẳn đây là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được nuôi dưỡng bởi thứ tình yêu mộc mạc của mảnh đất nghìn năm, mới có đủ động lực và nhiệt huyết theo đuổi một dự án công phu như thế.
Nhưng không, Das là người miền Nam. Hà Nội chỉ là nơi anh học tập và làm việc, trong suốt 7 năm.
Yêu mến những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái về phố cổ Hà Nội ngày xưa mộc mạc và dung dị, Das đã dành thời gian sưu tầm và khám phá Hà Nội theo cách riêng của mình. Những góc phố cổ, nay đã không còn dấu ấn nhiều nhưng vẫn để lại cho anh nhiều cảm xúc đặc biệt. Từ đó anh bắt đầu thực hiện dự án Hà Nội 100 năm trước và sau, so sánh những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, dưới cùng một góc nhìn nhưng đã có nhiều sự thay đổi khiến người xem không khỏi bồi hồi, nhung nhớ.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nhà thờ lớn 100 năm trước chỉ đúng 9h sáng.
Das kể, để bắt đầu, điều đầu tiên anh thực hiện, chắc có lẽ là thức dậy từ 4h sáng.
Những tấm ảnh xưa về Hà Nội đa phần anh sưu tầm trên Internet, tự nghiên cứu và biên tập độc lập. Để biết chính xác địa điểm, anh phải biên dịch tài liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Một số tấm ảnh hiếm, anh mua từ nhiều nguồn khác nhau hoặc phải tải về từ trang nước ngoài rồi vào phần mềm photoshop "độ" lại.
Hầu hết những địa điểm Hà Nội xưa Das đã từng ghé qua, nên khi nhìn vào ảnh xưa cũ, anh đã có chút hình dung đôi nét về khung cảnh đó. Còn việc chụp hình, anh vẫn thường chia sẻ với bạn bè mình rằng "một tấm ảnh đẹp quan trọng là mắt nhìn, còn điện thoại hay máy ảnh chỉ là công cụ".
Hướng lên cầu Long Biên.
Bưu điện Hà Nội 100 năm trước và năm 2014. Thời xưa mặt chính trông ra đại lộ Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng), mặt sau dựa lưng vào phố Chavassieux (phố Lê Thạch).
Hồ Gươm 100 năm về trước và 2016.
Những khung cảnh bình yên của góc phố Hà Nội 100 năm qua.
"Mình luôn cố gắng để bức ảnh xưa và nay khớp nhau nhiều nhất có thể, người xem bởi thế cũng cảm nhận chân thực hơn. Đó là động lực để mình cố gắng", Das nói.
Das muốn mọi người cảm thụ dự án theo hướng nghệ thuật xen chút so sánh hài hước về Hà Nội xưa và nay, chứ không hề vì mục đích lợi nhuận hay chính trị.
Dự án "Hà Nội 100 năm trước" tính đến thời điểm này có tổng cộng 149 bức ảnh và chưa dừng lại. Mỗi địa điểm là công sức góp nhặt rải rác trong vòng 7 năm không liên tục. Das có niềm đam mê với nhiếp ảnh nên việc chụp không khó khăn lắm, mỗi shot hình không ưng ý vẫn có thể quay lại lần nữa để chụp nên tâm tư rất thoải mái.
Bức ảnh anh tâm đắc nhất là khi chụp trước mặt Đền Quán Thánh sau 100 năm, bởi lẽ vì sự thay đổi quá sức tưởng tượng. Con đường Thanh Niên cũng là nơi gắn bó nhiều kỉ niệm với anh nên cũng có phần đặc biệt hơn.
Trước Đền Quán Thánh 100 năm trước và năm 2020. Sức mạnh của thời gian đã biến đầm lầy phía trước thành công viên.
"7 năm dài chứ, nhưng "Hà Nội không vội được đâu". Dự án Hà Nội 100 năm trước chắc đã đi về những đoạn cuối, những bức hình tiếp theo có lẽ sẽ thiên về văn hóa Hà Nội xưa nhiều hơn thay vì địa điểm", Das nói anh không quan trọng chuyện "được" hay "mất" ở đây. Anh nghĩ bản thân được nhiều hơn: được nhìn ngắm góc phố, cảnh vật xưa, được một mình tự do - tự tại nên với anh, không có bất cứ khó khăn nào.
"Đó là tự nguyện, và mình thấy thong thả những nơi mình đi qua. Xuân - Hạ - Thu - Đông, Hà Nội đều có những nét đẹp riêng, có khó khăn chắc là do một số địa điểm xưa đến nay không còn tồn tại nữa, có đi qua mấy lần cũng không thể hình dung ra được".
Một kỉ niệm vui khi chụp chùa Lưu Phương xưa trên góc phố Hàng Bạc giao Hàng Đào, Das có gặp 1 cụ bà bán nước ngay giữa góc phố. Bắt chuyện và hỏi mấy lần nhưng cụ quả quyết ngôi chùa nằm phía dưới đoạn Hàng Ngang, quay đi quay lại rồi lạc mấy vòng trên phố cổ mới hay bà lẫn nên chỉ lung tung.
"Nhưng không thể trách bà được vì địa điểm này đến nay đã không còn tồn tại", Das chia sẻ.
Theo thứ tự từ trái qua phải: Hồ Tây, Cầu Giấy và Ô Quan Chưởng.
Sau tất cả, Das cảm thấy vui và thoải mái vì đã sắp xếp được "cuộc gặp gỡ" cổ kim giữa hai thời đại cách xa nhau đến hàng trăm năm dù chỉ qua những tấm hình đơn giản. Dự án vì đam mê của bản thân và niềm yêu thích riêng với Hà Nội. Anh hy vọng, mọi người sẽ trân trọng hơn những giá trị xưa cũ, cũng như cảm nhận Hà Nội đẹp hơn, gần gũi hơn qua những bức ảnh.
"Vì thời gian là thứ không thể lấy lại được và lịch sử cũng vậy", Das nói. Hiện tại, anh đang ở Tây Nguyên để thực hiện dự án "Tây Nguyên xưa và nay". Xa hơn, sẽ là Sài Gòn 100 năm trước và "Đà Nẵng - Hội An thế kỉ trước".
Những thắng cảnh của Hà Nội dưới góc máy của chàng thanh niên 25 tuổi.
Ảnh: Das
Bún ngan Nhàn bị tố chửi cả người già 3 năm trước giờ đây ra sao Chủ quán ngan Nhàn nức tiếng phố cổ ở Hà Nội được nhiều thực khách quý nhưng cũng lắm kẻ ghét khi mang tiếng "mắng khách" trải lòng về những gì đã qua. Thái Trọng Trung Yên là một trong những "con ngõ ẩm thực" không thể không nhắc đến trong bản đồ ẩm thực khu vực phố cổ Hà Nội. Trong con...