Lâm Vissay suýt bỏ vai trùm giang hồ vì dốt tiếng Việt
Vào vai Long – một trùm giang hồ khét tiếng – trong phần 3 của series phim “Khi đàn chim trở về”, diễn viên Việt kiều gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nhớ lời thoại.
Chiều 20/5, tại thủ đô Hà Nội, buổi họp báo phần 3 phim truyền hình Khi đàn chim trở về được tổ chức với sự tham dự của đạo diễn và các diễn viên tham gia phim. Ngoài Việt Anh, Kiều Thanh, cái tên được chú ý trong buổi ra mắt là Lâm Vissay, nam diễn viên Việt kiều điển trai.
Từng góp mặt trong một số dự án phim của VFC song vai Long – một trùm giang hồ khét tiếng – trong Khi đàn chim trở về vẫn “làm khó” Vissay khi đạo diễn yêu cầu anh phải hiểu nội dung câu chuyện bằng tiếng Việt và nhớ thoại, thay vì có người phiên dịch rồi chỉ đọc vẹt.
Lâm Vissay tâm sự: “Nhiều buổi tối tôi không ngủ được vì áp lực và dành rất nhiều thời gian để đọc, học kịch bản, lời thoại. Có những lúc, tôi tưởng bỏ vai diễn do quá khó khăn. Nhưng cuối cùng, tôi cũng vượt qua và cùng ê-kíp hoàn thành bộ phim. Tới nay, tiếng Việt của tôi đã tốt hơn nhiều”.
Lâm Vissay có bố là người Lào, mẹ là người Việt Nam. Anh từng sống 33 năm tại Đức. Cuộc gặp tình cờ với đạo diễn Đỗ Thanh Hải tại liên hoan phim diễn ra ở Berlin (Đức) đã mở ra cơ duyên cho chàng Việt kiều về nước hoạt động nghệ thuật. Trong buổi họp báo, trước câu hỏi về tiền cát-xê để mời được nam diễn viên Showreel tham gia, “cha đẻ” của chương trình Gặp nhau cuối năm dí dỏm, anh đã mặc cả được cái giá phải chăng để có được cái tên Lâm Vissay trong dự án phim Khi đàn chim trở về.
Nam diễn viên Lâm Vissay.
Trong phim, nhân vật của Lâm Vissay si mê Kiều Loan (Kiều Thanh) và có thể làm bất cứ điều gì vì người tình. Thế nhưng, Kiều Loan, dù là chủ doanh nghiệp gỗ, lại yêu Thành (Việt Anh), hạt trưởng kiểm lâm chính trực. Dẫu vậy, người phụ nữ sắc sảo, nhiều mưu mô này luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết. Bằng thủ đoạn và nhan sắc, Loan mua chuộc nhiều cán bộ để thuận lợi làm chủ địa bàn khai thác gỗ.
Video đang HOT
Nữ diễn viên tâm sự, đây là vai cô chờ đợi từ rất lâu. Dù biết phải xa thành phố để “lên rừng”, quay phim trong những điều kiện vất vả, cô vẫn vui vẻ nhận lời. Bù lại, cả đạo diễn Danh Dũng và bạn diễn Việt Anh đều nhận xét Kiều Thanh nhập vai đến nỗi “diễn như không diễn”.
Việt Anh cho biết, vai Thành trong phim là vai chính diện đầu tiên của anh. Anh thổ lộ đã dành nhiều ngày sống cùng các chiến sĩ kiểm lâm để có thể vào vai tốt nhất. Trong quá trình làm phim, nam diễn viên không tránh được những tai nạn nguy hiểm do không quen với địa hình rừng núi. Dẫu vậy, Việt Anh vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành vai diễn và nhận được rất nhiều lời khen từ đạo diễn và đồng nghiệp.
Sát cánh với Việt Anh, Kiều Thanh, Lâm Vissay trong phim còn có diễn viên Tùng Dương, NSND Trần Nhượng, Hoa hậu biển Hoa hậu Thế giới người Việt Vân Anh…
Kiều Thanh rạng rỡ trong buổi họp báo ra mắt phim.
Tiếp tục chủ đề về nạn phá rừng và công cuộc bảo vệ “lá phổi xanh”, Khi đàn chim trở về phần 3 khắc họa cuộc chiến khốc liệt giữa lực lượng kiểm lâm và lâm tặc. Công cuộc bảo vệ rừng trở nên khó khăn khi trong chính đội ngũ kiểm lâm xuất hiện những cán bộ tha hóa, tiếp tay, thậm chí cấu kết với lâm tặc và những doanh nghiệp gỗ trá hình để phá rừng trục lợi.
Điểm hấp dẫn của Khi đàn chim trở về phần 3 là mỗi nhân vật, tình huống trong phim đều mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, những vấn đề xã hội nóng bỏng. Qua bộ phim, khán giả hình dung và cảm nhận được những khó khăn, khốc liệt trong cuộc chiến bảo vệ rừng.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, người đã thành công với các phần trước của bộ phim, tiếp tục “nhào nặn” phần 3. Đây là bộ phim ông đặt nhiều tâm huyết khi cùng ê-kíp dành một năm quay tại những địa phận rừng núi hiểm trở, điều kiện sinh hoạt tối thiểu rất khó khăn. Chưa kể, trước đó, Danh Dũng đã mất hơn 2 năm để chỉnh sửa kịch bản và nửa năm đi thực tế.
Khi đàn chim trở về lên sóng VTV1 các tối thứ 4, 5, 6 kể từ 28/5.
Theo Zing
Kỳ vọng bước tiến của phim truyền hình Việt
Thị trường phim truyền hình Việt năm 2015 sẽ tiếp tục nhộn nhịp, tạo thế cạnh tranh cao nên chất lượng được các nhà sản xuất đặt lên hàng đầu.
Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã thoát khỏi tình trạng làm cẩu thả, chộp giật, gây "thảm họa". Năm 2014, tuy số phim nổi bật, tạo tiếng vang không nhiều nhưng chất lượng khá đồng đều, duy trì thị trường ổn định. Góp phần làm thay đổi diện mạo phim truyền hình Việt phải kể đến các bộ phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, phát trên sóng các kênh truyền hình quốc gia. Năm 2015, VFC tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, hướng đến nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như tính chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất phim truyền hình. Trong đó, những dự án trọng điểm vẫn là dòng phim chính luận "đặc sản".
Giảm số lượng, tăng chất lượng
Điển hình là 30 tập của Bến không chồng với phần kịch bản được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chấp bút dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Bến không chồng từng là một phim điện ảnh "để đời" của điện ảnh Việt nói chung và đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói riêng cách đây 15 năm. Được đánh giá là "một bi kịch của thời hậu chiến", việc "làm mới" thành phim truyền hình lần này khiến Bến không chồng đứng trước nhiều thử thách không nhỏ. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh bảo rằng "một tấn bi kịch" trong phiên bản truyền hình chắc chắn sẽ ám ảnh khán giả.
Cảnh trong phim truyền hình Bến không chồng. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Tiếp nối thành công của phim Khi đàn chim trở về, phần 3 sẽ lên sóng trong năm nay, tái hiện cuộc chiến đấu đầy cam go, khốc liệt giữa lực lượng kiểm lâm với bọn lâm tặc nhiều thủ đoạn. Gia phả của đất, Người đứng trong gió là 2 phim chính luận có chất lượng nghệ thuật, nội dung và ý nghĩa sâu sắc sẽ lên sóng VTV trong năm nay. Nếu Gia phả của đất tái hiện một phần thực trạng nông thôn Việt Nam từ năm 1978 đến nay thì Người đứng trong gió phản ánh đời sống ở vùng đất Tây Nguyên gắn chặt với những vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm. Trong khi đó, Mạch ngầm vùng biên ải là phim hình sự xoay quanh cuộc chiến chống buôn lậu của những chiến sĩ biên phòng. Một phim đáng xem khác là Mỹ nhân Sài thành, kể về số phận ba người đẹp Hồng Trà, Tuyết Trà và Bạch Trà trong bối cảnh Sài Gòn từ năm 1975.
Năm 2015, hãng TFS (Đài Truyền hình TP HCM) vẫn tập trung đầu tư cho dòng phim chính luận. Được đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng là phim Đảo khát với câu chuyện quá khứ về những dòng họ đã vượt biển ra khẩn hoang lập ấp nơi hòn đảo này, đối mặt thiên nhiên và chống chọi với kẻ cướp, kẻ thù xâm lược. Phim lấy bối cảnh chính ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, phim Không một ai nói về những người trẻ ở miền Nam sống như thế nào sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975. Ngoài ra, hãng này còn có các phim giải trí đa dạng đề tài, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, trong năm 2014, số phim do VFC sản xuất phát sóng trên VTV chỉ chiếm khoảng 35% và năm 2015, con số này sẽ không thể tăng thêm nhiều. Đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, cũng cho biết năm 2015, số lượng tập phim của TFS giảm nhiều so với năm 2014 do khó khăn về kinh phí nhưng hướng tới nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Nỗ lực tạo dựng niềm tin cho khán giả
Năm 2015, phim xã hội hóa sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường phim truyền hình Việt trên các đài từ trung ương đến địa phương. Các hãng phim từ lớn đến nhỏ đều tăng tốc sản xuất để phủ sóng trên diện rộng.
Hãng M&T Pictures dự kiến sản xuất 600 tập phim và sẽ tăng thêm vào năm 2015 vì có thêm giờ phát phim trên HTV7. Hãng Sóng Vàng dự kiến có khoảng 700 tập phát sóng đều đặn trên các kênh VTV và HTV. Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, năm nay, số lượng phim tăng khoảng 100 tập so với năm 2014. Riêng hãng phim Lasta sẽ sản xuất khoảng 500 tập để phát sóng trên kênh Lets Viet (VTC9).
Trong năm 2015, các hãng phim Blue Light, Tâm Điêm, Sao Thế Giới, Vietcom Film, Sena Film cũng tiếp tục nỗ lực sản xuất phim. Các đài địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ đã chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác để sản xuất, tạo nguồn phim phát sóng riêng.
Việc phim xã hội hóa chiếm lĩnh thị trường với khoảng 80% thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình đã tạo ra thế cạnh tranh cao, các hãng đều nỗ lực tạo dựng niềm tin cho khán giả. Ông Lý Quang Trung nhận xét: "Đã có nhiều phim của các hãng tư nhân được đánh giá tốt, đoạt các giải thưởng cao. Đó là một tín hiệu đáng mừng". Bà Lê Thị Thúy Nga, Giám đốc hãng phim Blue Light, nhìn nhận: "Phim truyền hình Việt là một cuộc chơi dành cho những nhà sản xuất có tâm cùng lòng đam mê. Khán giả rất khó tính, họ không bao giờ chấp nhận những bộ phim thực hiện cẩu thả, kịch bản thiếu hợp lý, nội dung kém hấp dẫn".
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của đạo diễn Lý Quang Trung, chất lượng phim Việt dù đang ổn định, đồng đều nhưng thiếu tính đột phá. Để tìm được một phim thật sự nổi trội xem ra vẫn rất khó.
Theo Ngoisao.vn
Bí mật đằng sau những vai diễn của sao Việt Đằng sau các vai diễn, cảnh quay thành công của sao là những bí mật ít ai biết được. NSƯT Mỹ Duyên Với Gái nhảy, Mỹ Duyên không chỉ lột xác trong cách diễn mà còn chủ động hy sinh vì nghệ thuật. Trong phim, có cảnh Hoa phải làm tình với năm thanh niên để đổi lấy thuốc. Cảnh quay đòi hỏi...