Làm việc với trạm xăng từ chối bán xăng cho khách vãng lai
Ngày 11/2, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, Sở và Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) đã cử đoàn làm việc với cây xăng dầu ASD của Công ty Cổ phần Ánh Sao Dương trên quốc lộ 13 (thuộc phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) trước thông tin cây xăng này từ chối bán xăng cho khách vãng lai, chỉ bán xăng cho khách có hợp đồng trước.
Cây xăng dầu ASD của Công ty Cổ phần Ánh Sao Dương trên Quốc lộ 13 (thuộc phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, kết quả, tại thời điểm kiểm tra các cột bơm của cây xăng vẫn đầy xăng các loại và vẫn bán ra thị trường bình thường. Công ty Ánh Sao Dương đã báo cáo với đoàn kiểm tra, hiện xăng dầu vẫn còn hàng, công ty còn khoảng 8.000 lít trong bồn, vẫn bán ra cho khách và bán cho khách hàng đã hợp đồng, khi đó buổi trưa công ty tạm nghỉ để nhân viên ăn cơm.
Đoàn đã yêu cầu cửa hàng bán bình thường cho người dân, không để gây ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trong ngày 11/2, theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, đại diện một số cửa hàng cho biết do nhà cung ứng nhập hàng chưa kịp nên tạm ngưng tạm thời chờ nhập hàng. Cụ thể, tại cửa hàng xăng dầu Phú Mỹ, đại diện Công ty Phúc Thịnh cho biết đang chờ nhập hàng.
Video đang HOT
Qua làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp đã cam kết đảm cung cấp cho hệ thống xăng dầu cho các đại lý, cây xăng để bán cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số điểm bán hết xăng cục bộ do nguồn xăng dầu khan hiếm, việc nhập và vận chuyển xăng về chậm. Từ đó một số cây xăng phải tạm ngưng bán chờ xăng về.
Từ ngày 29/1/2022 đến hết ngày 8/2/2022, tổng số cửa hàng giám sát là 387 cửa hàng xăng dầu và có 33 cửa hàng đóng cửa, do có 25 cây xăng đóng cửa do không có nhân viên bán hàng và 8 cửa hàng đóng cửa do hết hàng tạm thời, nguồn cung của cửa hàng chủ yếu do các thương nhân ngoài tỉnh chưa cung cấp.
Các doanh nghiệp (chủ các cửa hàng xăng dầu) phản ánh do tình hình nhập hàng từ các nhà cung ứng còn hạn chế, nên có xảy ra tình trạng bán hết hàng phải đóng cửa trong 1 hoặc nửa ngày để chờ nhập hàng về; Do đó, có tình trạng một số cửa hàng đóng cửa. Còn đa số các cửa hàng đều mở bán đề phục vụ nhu cầu xăng, dầu cho người dân.
Được biết, từ 15 giờ ngày 11/2, mỗi lít xăng E5 RON 92 cao nhất là 24.570 đồng một lít (tăng 980 đồng); RON 95 là 25.320 đồng một lít (đắt thêm 960 đồng). Với đà tăng lần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng một lít với RON 95 và đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8/2014.
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Dầu hỏa là 18.750 đồng một lít, tăng 960 đồng. Dầu diesel là 19.860 đồng một lít, tăng 960 đồng. Dầu madut là 17.650 đồng một kg, tăng 660 đồng.
Làm rõ thông tin nhân viên cây xăng bị tố không bán xăng, còn đuổi khách
Một người dân ở Bình Định bức xúc phản ánh về việc bị nhân viên một cửa hàng trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) không chịu bán xăng mà còn có hành động đuổi khách đi.
Phía cửa hàng bác thông tin.
Ngày 11/2, ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Định - xác nhận thông tin về việc nhân viên cửa hàng xăng dầu số 24 trên Quốc lộ 1, đoạn thuộc địa bàn thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (thuộc Xí nghiệp Xăng dầu Hoài Nhơn - Chi nhánh Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn, trụ sở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) không bán xăng cho khách.
Tổ công tác Cục QLTT tỉnh Bình Định kiểm tra cửa hàng xăng dầu 24 sau khi nhận được phản ánh (Ảnh: Đ.A.).
Theo thông tin, chiều 6/2, vợ chồng anh N.V.T. (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) đi trên Quốc lộ 1A từ hướng Bắc - Nam ghé vào cửa hàng xăng dầu số 24 trên Quốc lộ 1 (đoạn thuộc địa bàn thị trấn Phù Mỹ) để đổ xăng. Tuy nhiên, khi anh T. gọi nhân viên này ra bán xăng thì người này tỏ ý phớt lờ, ngồi im trên ghế không chịu ra bơm, bán xăng. Thời điểm anh T. đến cây xăng này, phía cửa hàng không có thông báo cửa hàng ngừng bán xăng. Nhân viên nam đang đứng trực.
Thấy vậy, anh T. lấy điện thoại gọi số tổng đài cửa hàng xăng dầu 24 để phản ánh và có quay clip ghi lại toàn bộ sự việc. Tuy vậy, nhân viên cửa hàng xăng dầu này vẫn không chịu bán xăng, đồng thời đuổi anh T. đi.
Trong khi đó, ông Trần Đình Tài - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn - khẳng định không có chuyện nhân viên cửa hàng số 24 của đơn vị này quản lý đuổi khách đi như phản ánh của anh T. Theo ông Tài, thời điểm trên, cặp vợ chồng trẻ đến cửa hàng xăng dầu 24 đổ xăng thì nhân viên cửa hàng này gọi ra hàng trụ bơm xăng dầu phía sau để bán nhưng khách hàng không đồng ý.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng QLTT tỉnh Bình Định - cho hay, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã cử tổ công tác đến Cửa hàng xăng dầu số 24 kiểm tra, xác minh vụ việc. "Chúng tôi đang cho kiểm tra, xác minh cụ thể để có báo cáo chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, ban đầu kiểm tra, làm việc với Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn và cửa hàng số 24, chúng tôi chưa phát hiện dấu hiện găm hàng, có thể do hiểu lầm về thông tin nên việc này cần xác minh cụ thể", ông Tiến nói.
Ông Trần Đức Tiến thông tin thêm, trong các ngày 10/2 và 11/2, đơn vị đã cử 5 đội kiểm tra tiến hành giám sát 327 cửa hàng bán lẻ xăng dầu toàn tỉnh. Việc kiểm tra chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hiện có khoảng trên 300 cửa hàng xăng dầu lẻ ở Bình Định vẫn hoạt động bình thường, còn 3 cửa hàng nghỉ do nhiều lý do khách quan, trong đó một cửa hàng đang sửa chữa, 2 cửa hàng có nhân viên bị F0.
Petrolimex, PVOIL đảm bảo cung ứng xăng dầu theo đúng sản lượng hợp đồng Hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung cho các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống và sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã cam kết với các cửa hàng xăng dầu...