Làm việc ở Facebook “độc hại” đến nỗi mất ngủ và sang chấn tâm lý, quản lý cũ đâm đơn tố cáo
Quản lý cũ của Facebook đã lên tiếng đòi lại công bằng cho bản thân sau khi phải chịu đựng môi trường làm việc mà không nhận được sự quan tâm có chừng mực của công ty.
Công việc kiểm soát nội dung đăng tải lên Facebook mỗi ngày không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều người hình dung đó chỉ là một ngày trôi qua với vài cú click xử lý hình ảnh, status không hợp lệ được gửi về đầy nhàn hạ – nhưng không, một vụ kiện nghiêm túc vừa được mở ra nhắm thẳng đến Facebook, cáo buộc bởi chính nhân viên của họ vì sự “độc hại” của công việc này.
Selena Scola – một quản lý phụ trách kiểm duyệt nội dung tại Facebook là nhân vật chính của vụ việc này. Một bộ tài liệu khởi kiện đã được soạn và gửi lên cơ quan chức năng, trong đó nói rằng chính tính chất công việc bắt buộc phải tiếp xúc liên tục với những “hình ảnh quá đỗi độc hại và sai trái nặng nề” đã để lại hậu quả là chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD).
Đồng thời, Scola cũng cáo buộc Facebook cố tình thờ ơ với những tiêu chuẩn về môi trường làm việc trong khía cạnh đảm bảo an toàn tâm lý cho nhân viên.
Theo thông tin từ Scola, mỗi ngày có tới hàng nghìn bài đăng từ ảnh, video hay cả livestream về nội dung bạo lực gay gắt được báo cáo cho những người như cô trực tiếp theo dõi, phân loại và xử lý. Công việc này kéo dài từ khi cô được nhận vào Facebook từ tháng 6 năm 2017, thông qua một hãng tuyển dụng nhân lực trung gian – Pro Unlimited Inc. – cũng được nhắc đến và quy một phần trách nhiệm trong đơn kiện. Kể từ đó, Scola đã làm việc ở Facebook 9 tháng rồi thôi việc, nhưng đã được kiểm tra và chẩn đoán với những triệu chứng của bệnh suy nhược cơ thể, mất ngủ, chứng lo âu và nặng hơn là PTSD.
Đã có những bằng chứng y tế xác thực đưa ra rằng Scola sẽ tái phát các sang chấn tâm lý khi “chạm vào chuột máy tính, ở trong một toà nhà lạnh lẽo, xem TV có cảnh bạo lực, nghe âm thanh lớn đột ngột hoặc giật mình”. Thậm chí, những dấu hiệu tâm lý đó còn có thể xuất hiện khi Scola vô tình nhớ lại những gì mình trải qua khi làm việc tại Facebook.
Video đang HOT
Làm việc ở Facebook chưa chắc đã như mơ.
Hiện tại, luật sư Steve Williams đại diện cho Scola cho biết mình đang yêu cầu Facebook phải có biện pháp sắp xếp một khoản tiền hỗ trợ điều trị và tiếp tục theo dõi tình trạng sức khoẻ tâm lý cho thân chủ cũng như những người làm công việc tương tự. “Giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến tâm lý của người làm kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là những ai dã và đang chịu ảnh hưởng sẵn có là một nhiệm vụ mà Facebook cần quan tâm đúng mức.” Một luật sư khác có liên quan – Korey Nelson – cũng bày tỏ quan điểm: “Facebook đang thờ ơ với sức khỏe của nhân viên cũng như trách nhiệm bảo đảm một môi trường làm việc đủ an toàn, không sát sao với những tính chất công việc mà họ giao.”
Được biết, dự định của Facebook trong năm nay sẽ hướng đến chỉ tiêu 20.000 nhân viên kiểm duyệt, tăng đột phá so với 7500 người của năm 2017, trong đó bao gồm cả các nhân viên hợp đồng liên kết với những bên tuyển dụng trung gian, không hẳn là được nhận vào trực tiếp tại Facebook.
Giám đốc Truyền thông tại Facebook – Berite Thompson – đã lên tiếng phản hồi về vấn đề này, rằng họ đã nắm rõ và đang xem xét lại các điều khoản liên quan. “Chúng tôi cũng đã cố gắng hỗ trợ nhân viên kiểm duyệt nội dung với những buổi thực tập và tăng chế độ ưu đãi phúc lợi ở cả mặt tinh thần cũng như vật chất, đi cùng sự giúp đỡ từ các quản lý cố vấn làm việc cùng và cơ sở tiện nghi, thoải mái.” Dù sao thì kết quả và cách giải quyết vụ kiện như thế nào vẫn sẽ cần thêm thời gian để làm rõ, thống nhất giữa hai bên.
Theo Tri Thuc Tre
Apple, Google, Facebook - Công ty nào dễ xin vào làm việc hơn?
Muốn làm việc tại những tập đoàn hàng đầu thế giới yêu cầu bạn không chỉ phải có một kiến thức chuyên môn vững chắc, mà còn phải tư duy logic, sáng tạo, thậm chí có phần hơi ... khác người.
CEO Mark Zuckerberg cùng các nhân viên tại Facebook.
Thung lũng Silicon luôn được biết đến như mảnh đất "khó đến, dễ đi", nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng giấc mơ được làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Thử thách đầu tiên mà bất kỳ mỗi ứng viên nào nếu muốn được làm việc tại những Apple, Amazon, Microsoft hay Facebook chính là vòng sơ tuyển và phỏng vấn. Với vị thế của một tập đoàn đầu ngành, họ luôn khiến ứng viên rơi vào cảnh lo sợ, hoang mang, và không tự tin về bản thân mình.
Tại Apple, họ thậm chí tuyên bố luôn rằng "các ứng viên nên sẵn sàng chấp nhận rằng mình sẽ quay lại đây nhiều lần để xin việc", và "hiểu rằng đôi khi phải mất một vài năm mới xin được việc". Trong khi đó Google lại luôn khiến các ứng viên phải "đau đầu" với những câu hỏi hóc búa và có thể không hề liên quan chút nào tới công việc.
Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ, điển hình như tại Facebook, nơi các kỹ sư có thể xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với "bất kỳ trang phục nào mà bạn cảm thấy thoải mái". Thế nhưng đừng quá tự tin, vì có thể ngay ở cách bạn chọn trang phục cũng là một câu hỏi mà hội đồng đưa ra nhằm đánh giá sự phù hợp với công việc.
Để hiểu rõ hơn về trải nghiệm phỏng vấn tại một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trang web phân tích dữ liệu Comparably đã khảo sát hơn 6.400 nhân viên tại Google, Apple, Facebook và Microsoft.
Trong đó, đa số nhân viên đánh giá Apple và Microsoft có những vòng phỏng vấn "tuyệt vời" nhất với tỷ lệ 90/100. Trong khi đó, Facebook lại bị đánh giá thấp nhất với chỉ 83/100.
Về độ khó của các buổi phỏng vấn, Google xếp đầu bảng với việc hơn 19% ứng viên đánh giá ở mức "rất khó", và 30% ở mức "khó". Tiếp sau đó là Apple đứng ở vị trí thứ 2 với 36% ứng viên đánh giá ở mức "khó". Các công ty như Amazon, Microsoft, Facebook có vòng phỏng vấn được đánh giá ở mức "trung bình" bởi phần đông ứng viên.
Khảo sát cũng mang đến một vài con số thú vị, điển hình như việc nộp đơn online giúp các ứng viên có được lợi thế và dễ xin việc hơn. Cụ thể đã có tới 29% ứng viên cho biết họ xin được việc dựa trên phương pháp này, so với 24% từ giới thiệu, và 19% từ tuyển dụng trực tiếp.
Google xếp đầu bảng về mức độ khó của các vòng phỏng vấn.
Facebook và Google cũng là 2 công ty có nhiều vòng phỏng vấn nhất để vượt qua trước khi được xét duyệt vào làm việc. Tuy nhiên, quá trình này lại được đa số ứng viên (từ 79-85%) đánh giá là "giúp họ có được cái nhìn rõ nét về văn hóa của công ty".
Ngược lại, tại Apple dù có ít vòng phỏng vấn, nhưng lại chưa khiến ứng viên có được cảm nhận nêu trên với chỉ 46% số người cùng quan điểm. Con số này tại Amazon và Microsoft lần lượt là 67% và 60%.
Theo dantri