Làm tốt khảo sát trước khi thực hiện chính sách cho người nghèo
Dù là quốc gia có tốc độ giảm nghèo ấn tượng nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói kinh niên ở vùng lõi và nhóm người dân tộc, người yếu thế.
Dù là quốc gia có tốc độ giảm nghèo ấn tượng nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói kinh niên ở vùng lõi và nhóm người dân tộc, người yếu thế. Ông Nguyễn Thắng (ảnh)- Giám đốc Trung tâm Phân tích dự báo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã trao đổi với PV Báo NTNN về về những giải pháp ứng phó và giảm nghèo hiệu quả ở nhóm đối tượng này.
Theo báo cáo về giảm nghèo đa chiều của Việt Nam tính đến năm 2018 vừa được công bố, tỷ lệ hộ nghèo Việt Nam đã giảm mạnh. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Báo cáo hiện nay đã chỉ ra rất rõ, dù đo bằng thước đo nào, bằng thu nhập hay thước đo nghèo đa chiều của Việt Nam, hay đa chiều của thế giới thì kết quả giảm nghèo của Việt Nam cũng rất ấn tượng. Cụ thể, tốc độ giảm nghèo rất nhanh, mặt khác nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế cũng đạt được tốc độ giảm nghèo tương đối nhanh. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại thực trạng là nhóm đồng bào yếu thế vẫn còn ở lại phía sau như nhận định của nhiều chuyên gia và Bộ LĐTBXH.
Chúng ta vẫn thường nói “Tốc độ của đoàn quân đi nhanh hay chậm phụ thuộc vào anh đi cuối cùng”. Việc giảm nghèo nhanh hay chậm tại Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều ở đối tượng đồng bào dân tộc thuộc nhóm yếu thế này. Vì vậy, ngoài việc có thể tự hào về thành tích giảm nghèo nói chung, chúng ta cũng phải có những nỗ lực mới hướng vào nhóm yếu thế kể trên.
Thực tế cho thấy việc giảm nghèo ở địa phương vẫn chưa thực chất. Có hiện tượng một số địa phương cố tình cho các hộ nghèo thoát nghèo chỉ vì thành tích. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Là đơn vị nghiên cứu, báo cáo vừa được Viện phối hợp với Bộ LĐTBXH, UNDP công bố không dựa trên số liệu từ địa phương mà dựa trên số liệu điều tra, khảo sát dân cư của Tổng cục Thống kê. Đây là cơ quan độc lập, khách quan, khoa học không bị phụ thuộc. Chính vì vậy, tôi nghĩ kết quả từ báo cáo mà chúng tôi vừa công bố mới đây là đáng tin cậy.
Vậy theo ông khó khăn hiện nay trong công tác giảm nghèo đa chiều của chúng ta là gì?
- Khi chuyển sang một phương pháp tiếp cận giảm nghèo mới rõ ràng chúng ta sẽ đối mặt với nhiều những khó khăn mới. Một trong những khó khăn lớn mà chúng ta đang gặp phải chính là sự thiếu hụt nhà vệ sinh và vấn đề tiếp cận giáo dục của người lớn và chiều tiếp cận BHYT. Đương nhiên, trong 2 năm gần đây chúng ta đã có những tiến bộ lớn trong lĩnh vực BHYT, nhưng 2 chiều còn lại vẫn khá khó khăn. Do đó, thời gian tới vấn đề nhà vệ sinh sạch và tiếp cận giáo dục người lớn cần được ưu tiên giải quyết.
Nhiều địa phương cho rằng có những tiêu chí còn chưa phù hợp như tiêu chí nhà vệ sinh, tiêu chí tiếp cận thông tin… cơ quan quản lý nhà nước đã nghiên cứu tới vấn đề này chưa, thưa ông?
Video đang HOT
- Có thể nói quá trình xây dựng chương trình nghèo đa chiều là quá trình rất chặt chẽ đề cập trong nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ đã thực hiện rất nhiều vòng tham vấn như chuyên gia, cơ quan quản lý địa phương, trung ương, nhà khoa học, lấy ý kiến bộ ngành, người dân… để xây dựng ra bộ tiêu chí này. Tất nhiên không có bộ tiêu chí nào đáp ứng được hết tất cả các vùng miền vì thế với mỗi địa phương, vùng miền cần có nghiên cứu để đưa ra chính sách chuyên sâu hơn.
Nếu được hiến kế về chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, ông sẽ hiến kế gì?
- Theo tôi, khi thực hiện chính sách giảm nghèo cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương cần phải thực hiện linh hoạt, giao quyền tự quyết cho địa phương, người nghèo. Thực tế, có những nơi người nghèo được lựa chọn cách thoát nghèo và điều này mang lại hiểu quả rất cao. Bên cạnh đó, lại có những địa phương không làm tốt việc này, thực hiện cách áp đặt. Ví dụ như khi thực hiện chính sách tín dụng một cách áp đặt, ở trên nghĩ tín dụng quan trọng nhưng khi họ không có phương tiện sản xuất thì tín dụng lại là một gánh nặng, cho nên việc người nghèo tự suy nghĩ cân nhắc là có vay hay không là việc cần thiết. Chính bởi vậy mà các địa phương cần làm tốt bước khảo sát trước khi thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt cần chú ý việc phân cấp phân quyền, giao quyền tự chủ chọn cách thoát nghèo cho người nghèo.
Theo Danviet
Giao quyền tự quyết cho người nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh nhưng được đánh giá là chưa bền vững. Thêm vào đó, thiên tai, hạn hán lại đang tạo ra những hộ nghèo đói cùng cực ở những địa bàn đặc thù.
4 năm 6 triệu người thoát nghèo
Công bố giảm nghèo đa chiều vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ LĐTBXH, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc về chỉ số mục tiêu phát triển bền vững năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đi kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách giảm nghèo ở Phú Thọ. Ảnh: Minh Nguyệt
Tuy nhiên, những đánh giá độc lập của các chuyên gia giảm nghèo cho thấy, tỷ lệ giảm nghèo này vẫn chưa bền vững. Theo số liệu được công bố, tỷ lệ nghèo thu nhập cũng như nghèo đa chiều giảm mạnh. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 18,1% xuống còn 10,9% trong thời kỳ 2012 - 2016. Ngoại trừ trình độ giáo dục của người lớn thì tỷ lệ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều quốc gia đều giảm xuống trong thời kỳ 2012 - 2016.
"Mặc dù chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần làm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ mình chính là chủ thể của tiến trình giảm nghèo, để có trách nhiệm hơn nữa trong vươn lên thoát nghèo".
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Nguyễn Thị Hà
Đặc biệt, tỷ lệ thiếu hụt thông tin giảm mạnh do sự phát triển của điện thoại di động và internet. Nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc đã biết ứng dụng công nghệ số và internet vào sản xuất, buôn bán. Thêm vào đó, điều kiện nhà ở và vệ sinh cũng được cải thiện, nhưng tốc độ khá chậm.
Hiện nay, mức độ thiếu hụt lớn nhất là các chỉ tiêu về nhà tiêu hợp vệ sinh và trình độ giáo dục của người lớn. Năm 2016, cả nước có 36,1% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nghèo đa chiều nào và có 1,3% dân số thiếu hụt trầm trọng từ 5 - 7 chỉ số.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, giáo dục nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo. Chỉ 1% số hộ nghèo có chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trong khi có đến 26,6% hộ nghèo có chủ hộ chưa học xong tiểu học. Các hộ nghèo có chủ hộ làm trong lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ nghèo cao nhất, tiếp đến là các hộ có chủ hộ làm việc trong các ngành nghề không có kỹ năng.
Mặc dù tỷ lệ nghèo giảm nhưng vẫn có tình trạng tái nghèo hoặc các hộ dễ bị tổn thương rơi vào nghèo. Trong giai đoạn 2012 - 2020, có 6,7% dân số nghèo cả hai năm, 2,6% dân số rơi vào nghèo và 9,4% dân số thoát nghèo. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tái nghèo và phát sinh nghèo mới là mức độ thiệt hại do thiên tai ngày càng trầm trọng, nhất là năm 2013 thiệt hại hơn 19,6 nghìn tỷ đồng và năm 2016 thiệt hại lên đến hơn 39,7 nghìn tỷ đồng.
Người nghèo phải tự quyết
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định, hoạt động giảm nghèo là hoạt động thường xuyên, liên tục, huy động sự hợp tác có hiệu quả của các khu vực kinh tế. "Mặc dù chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần làm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ mình chính là chủ thể của tiến trình giảm nghèo, để có trách nhiệm hơn nữa trong vươn lên thoát nghèo" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, cần tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tăng cường phân cấp giao quyền cho các địa phương, chú ý việc giao quyền tự quyết cho người dân. "Thực tế tôi đã đi nhiều vùng và thấy, khi người dân được giao quyền tự quyết, họ có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn phương thức hỗ trợ phù hợp, từ đó có cách thoát nghèo hiệu quả" - bà Hà nói.
Bà Caitlin Wiesen - quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá, những tiến bộ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là "thành công ở tầm thế giới". Mặc dù vậy, tại Việt Nam, nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, ví dụ, tỉ lệ nghèo đa chiều của dân tộc Mông là 76,2%, Dao 37,5%, và Khmer 23,7%...
Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn 2012 - 2016. Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước.
Theo bà Wiesen, để giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh doanh, đặc biệt chú trọng tới vấn đề khởi nghiệp, tiếp cận tài chính và thị trường. "Việt Nam có thể tiếp tục giảm nghèo thành công hay không phụ thuộc vào khả năng đảm bảo tăng trưởng bao trùm tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân và hỗ trợ hiệu quả những người bị bỏ lại xa nhất" - bà Wiesen nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:
Xã hội hóa giảm nghèo còn hạn chế
"Kết quả giảm nghèo trong thời gian qua của Việt Nam được đánh giá tốt, tuy nhiên tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Một số chính sách giảm nghèo chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng; công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn hạn chế. Cần nhìn nhận những khó khăn này như một thách thức để giải quyết. Đặc biệt, các chính sách đang tiếp cận giảm nghèo theo hướng đa chiều cần chú ý đến việc giao quyền tự chủ, tự quyết cho địa phương và chính người nghèo".
Ông Ngô Trường Thi - Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo:
Không nghèo tiền nhưng nghèo về giáo dục
"Thu nhập tăng cũng chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều. Có thu nhập các hộ sẽ có điều kiện được tham gia giáo dục, tiếp cận thông tin, nhà vệ sinh hay mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thực tế điều này không phải đúng với tất cả các trường hợp, bởi vẫn có những người không hề nghèo về thu nhập nhưng lại không biết cách chi tiêu, sử dụng tiền nên vẫn nghèo về giáo dục và nghèo về nhà vệ sinh... Điều này là vấn đề mà cơ quan giảm nghèo đã nhìn nhận thấy và đang có chính sách để hỗ trợ".
Nguyệt Tạ (ghi)
Theo Danviet
Lãng phí từ mô hình giảm nghèo Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng sản xuất. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thu...