Làm tốt công tác giáo dục quốc phòng – an ninh
Chiều 20-3, Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN) TP Hà Nội đã đánh giá kết quả thực hiện công tác GDQP-AN năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013.
Theo đó, Hội đồng GDQP-AN TP đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở, nhà trường tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 72.587 cán bộ, hội viên các tổ chức đoàn thể cơ sở và chức sắc, nhà tu hành tôn giáo.
Sở GD-ĐT cũng đã hoàn thành chương trình môn học GDQP-AN năm học 2011-2012 của 222 trường THPT, Trung tâm GDTX cho 222.743 học sinh. Trong năm 2012, 68 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cao đẳng, đại học tổ chức bồi dưỡng kiến thức GDQP-AN cho 124.934 học sinh, sinh viên theo đúng nội dung chương trình. Thành đoàn đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức 2 khóa “Học kỳ quân đội” cho 295 học sinh từ 12 đến 18 tuổi…
Tại hội nghị, 33 tập thể và 26 cá nhân đã được UBND TP khen thưởng. Báo An ninh Thủ đô được Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác GDQP-AN năm 2012.
Theo ANTD
Chủ tịch UBND TP trực tiếp đến doanh nghiệp khảo sát
Hôm qua, 14-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình sản xuất tại 2 Khu công nghiệp Thăng Long và Quang Minh I. Tại đây, Chủ tịch UBND TP đã lắng nghe các doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc để cùng tìm hướng tháo gỡ.
Lãnh đạo TP luôn lắng nghe doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn
Số liệu cuối năm 2012 cho biết, tại Hà Nội tổng số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động tăng mạnh, khoảng 12.542 DN. Thống kê mới nhất cho thấy, 2 tháng đầu năm, trên toàn quốc, số DN ngừng hoạt động lên tới 8.600. Mức độ khó khăn cũng được thể hiện qua tỷ lệ số doanh nghiệp có phát sinh thuế VAT ở mức rất thấp. Do khó khăn, các doanh nghiệp đều phải lăn lộn khắp nơi để tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết phải tự tìm thị trường mới để sinh tồn.
Gặp Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, ông Tăng Bá Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và thương mại Phúc Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, do khó khăn, DN này phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm bớt nhân công để duy trì sản xuất. "Cái gì cũng tăng! Giá xăng dầu, giá điện, tiền thuê đất, chi phí nhân công đều tăng. Trong khi đó, lãi suất thì vẫn chót vót ở mức 13%/năm với khoản vay ngắn hạn 15%/năm với trung hạn thì bảo sao DN "sống" nổi. Nếu lãi suất hạ được về mức 9%/năm thì tốt quá..." - ông Tăng Bá Cường chia sẻ.
Dự báo tình hình sắp tới còn tiếp tục khó khăn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, vướng mắc vẫn nằm ở khâu tìm kiếm thị trường, vay vốn tín dụng, lãi suất còn cao, cơ chế, chính sách quản lý chưa cởi mở...: "Có những vướng mắc từ rất lâu. TP đã chỉ đạo tháo gỡ nhưng tới nay vẫn chưa xong". Chủ tịch UBND TP cho biết, để hỗ trợ DN vượt khó, TP đã ban hành chương trình cụ thể triển khai các Nghị quyết của Chính phủ. Trong đó, TP dành khoảng 50 tỷ đồng hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và 100 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, TP cũng sẽ thực hiện các chính sách giãn hoãn, gia hạn thuế, lệ phí trước bạ, cho chậm nộp tiền sử dụng đất nới tín dụng với người mua nhà xã hội, đơn giản hóa các thủ tục cho vay...
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng khuyên các DN nên nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ mới và có kiến nghị cụ thể gửi tới UBND TP để TP xem xét, quyết định. Ông tâm sự: "TP có hỗ trợ nhưng DN không quan tâm thì cũng chịu. Đơn cử chủ trương hỗ trợ DN bất động sản bằng cách mua nhà thương mại chuyển thành tái định cư, TP thông báo hơn 1 tháng nay mà vẫn chưa có DN nào đăng ký".
Thực hiện cam kết luôn đồng hành với DN, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở ngành phải khẩn trương có kế hoạch thực hiện hỗ trợ DN, nhất là hạ lãi suất, mở rộng tín dụng, thủ tục đất đai, quy hoạch... Đặc biệt, các chính sách mới đều phải rõ ràng, minh bạch để DN tiếp cận dễ dàng. Ông Nguyễn Thế Thảo phân tích: "Hà Nội mà dễ quá cũng không được, rất dễ xảy ra sai phạm. Chúng ta làm chặt chẽ, đúng pháp luật nhưng tính công khai, minh bạch phải cao. Mọi thông tin đều phải rõ ràng để DN tiếp cận nhanh chóng nhất".
Cũng trong ngày 14-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khảo sát tình hình ăn ở của công nhân khu công nghiệp tại dự án nhà ở công nhân tại Kim Chung (Đông Anh). Đây là các khu nhà ở được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách của TP và công nhân được thuê với giá rất rẻ, chỉ 120.000 đồng/người/tháng. Cũng bởi giá thuê thấp nên khu nhà hầu như không còn phòng trống. Căn hộ làm tới đâu, công nhân vào ở tới đó. Qua kiểm tra thực địa, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, khẩn trương làm ngay cầu đường bộ (vượt qua đường Bắc Thăng Long - Nội Bài) để tiện cho việc đi lại của công nhân. Đồng thời, phải bắt tay xây dựng nhà văn hóa cộng đồng để phục vụ tốt hơn đời sống tinh thần cho công nhân. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu xây dựng ngay nhà trẻ và trạm y tế trong phạm vi dự án: "Tôi biết có hơn 1.000 cặp gia đình trẻ đang thuê nhà. Con cái của họ phải có chỗ gửi chứ đi làm thì ai trông. Quy mô dân số ở đây rồi cũng tăng lên bằng một phường nội thành, phải có trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho họ".
Theo ANTD
Năm 2013 ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP khóa XIV sáng qua, 7-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, năm 2013 chính là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015. Ưu tiên hàng đầu của thành phố trong năm vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn...