Lâm Tố Như phân trần việc bị ‘cậu ấm dancesport’ tố giả tạo
Thí sinh nhỏ tuổi và đáng yêu nhất của cuộc thi “ So you think you can dance” cho biết, điều khiến cô buồn nhất trong thời gian qua là bị bạn nhảy tuổi teen Tuấn Đạt hiểu lầm.
Sung sướng khi được chị Ngô Thanh Vân ngưỡng mộ
- Cảm giác của Tố Như gần 1 tuần qua thế nào khi đêm công bố kết quả người thắng cuộc đang đến gần?
- Em bây giờ không còn hồi hộp như lúc đầu nữa. Vì đã vào top 4 em biết được khả năng và thực lực của mình đến đâu. Dù kết quả thế nào em cũng đã chiến thắng bản thân, không cần phải đoạt quán quân mới là giỏi.
- Tố Như cảm thấy thế nào về 3 bài thi của mình trong đêm chung kết cuối cùng?
- Em nghĩ mình đã làm tốt 3 bài nhảy của cuộc thi. Em cũng có chút tự tin vì trong suốt tuần đó em tập luyện rất nhiều, ngoài giờ tập mà ban tổ chức sắp xếp thì về nhà em còn tập thêm và luyện động tác thật kỹ nên bài diễn của em đều suôn sẻ.
Tố Như lúc tập luyện. Ở ngoài, nữ thí sinh nhỏ tuổi nhất được mọi người khen xinh đẹp và đúng tuổi 17 hơn khi lên sân khấu.
- Nhưng nhiều người lại cho rằng Hồng Nhung có sự bùng nổ, tỏa sáng và có độ chín chiều sâu ở vòng thi mang tính quyết định trong khi Tố Như vẫn ở mức đều đều?
- Em không muốn nói đến điều đó. Em không so sánh giữa mình và chị Hồng Nhung vì mỗi người có cách múa khác nhau. Hơn nữa em còn nhỏ (Tố Như 17 tuổi và đang học lớp 12 – PV) nên còn nhiều cơ hội để trao dồi thêm.
- Em đánh giá thế nào về 3 bạn nhảy trong top 4?
- 3 anh chị rất giỏi và có ý thức cao cùng với nghị lực lớn, ai cũng cố gắng làm tốt bài nhảy của mình. Em học được nhiều ưu điểm ở họ. Vì em luôn nghĩ rằng nếu mình giỏi sẽ có người giỏi hơn nữa nên em luôn cố gắng thật nhiều.
- Đó là trên sàn đấu, còn sự hòa nhập trong đời sống chung thì sao?
- Anh Vinh Hải và Quang Đăng rất hòa đồng và vui vẻ. Anh Đăng rất tốt bụng, lo cho em nhiều vì em nhỏ tuổi nhất trong nhà, lúc nào hỏi iPad, anh cũng đều cho em mượn. Anh Hải là cây cười cho cả nhà. Chị Hồng Nhung ít nói và nghiêm túc nhưng đôi khi chị ấy cười rất tươi.
Lâm Tố Như hồn nhiên và trong sáng nhưng cũng rất bùng nổ và tỏa sáng khi đứng trên sân khấu giống với tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.
- Tố Như có sợ thiệt thòi hơn 3 anh chị kia vì việc học ở trường khiến em bị rút ngắn thời gian tập luyện?
- Đôi lúc em cũng thấy thiệt thòi vì lịch học dày đặc và nhiều khi em không sắp xếp được nên áp lực đè lên em rất lớn. Nhưng trong đêm thi cuối cùng, em đã bỏ hết việc học sang một bên để chiến đấu hết mình cùng với mọi người. Những đêm thi trước em cảm thấy mình nhàn rỗi, chờ kết quả với cảm giác được thì được, không thì thôi. Nhưng tuần qua em thấy mình quyết tâm và nỗ lực hết mình cho đêm thi.
- Nếu so với Vinh Hải và Quang Đăng đang sở hữu lượng fan khá lớn và người hâm mộ 2 chàng trai này có những động thái chạy đua trong cuộc nhắn tin bình chọn thì em lại khá bình thản?
- Em đến với cuộc thi không vì ngôi vị quán quân mà muốn được học hỏi thêm nên dù có được bình chọn hay không, em đều để mọi người quyết định. Khán giả tự cảm nhận, em không muốn kêu gọi bất cứ người nào.
Em nghĩ 2 anh ấy phải có điều gì đó thì mọi người mới yêu thích. Em không lo sợ điều đó. Nếu 2 anh có điều tốt thì em cũng có sức hút riêng.
Thí sinh nhỏ tuổi này không chỉ sở hữu khả năng múa ballet điêu luyện mà còn thể hiện rất tốt nhiều thể loại múa, nhảy khác.
- Ngô Thanh Vân đã không ngần ngại bày tỏ sự yêu mến với em, chị Đoan Trang cũng ưu ái gọi Như là “cô gái ballet của tôi”. Tố Như có ý thức được mình đang rất được nhiều người yêu mến và ủng hộ?
- Em rất vui và sung sướng vì các bài nhảy được 2 chị Ngô Thanh Vân và Đoan Trang yêu mến. Em vốn thần tượng 2 chị ấy nhưng giờ lại được họ quay sang ngưỡng mộ mình, điều này khiến em hạnh phúc không thể diễn tả được. Em luôn cố gắng hết mình để 2 chị và những người yêu mến em sẽ nhìn thấy sự tiến bộ để xứng đấng với lòng yêu thương đó.
- Việc học của em bị gián đoạn thế nào? Nhà trường có động viên cô học trò nhỏ không?
- Dù gặp khó khăn về việc học nhưng thật may là thầy cô trong trường đều ưu tiên cho em. Khi em được lọt vào top 4, thầy cô còn cộng điểm cho em. Em rất ngại, không muốn như thế và xin thầy cô cho em thi lại để công bằng với các bạn trong lớp. Mấy đứa bạn thân còn mắng em “sao mày ngu thế, cứ nhận đi rồi học kỳ 2 gỡ lại hết, lo gì”, nghĩ lại em thấy đúng. Ở trường 11 năm liền em đều là học sinh giỏi nhưng không biết học kỳ 1 của lớp 12 sẽ thế nào. Hôm phát điểm, em được 8 phẩy nhưng còn thiếu 0,2 mới được học sinh giỏi.
- Hẳn họ rất tự hào vì có cô học trò tài năng?
- Thầy cô rất ủng hộ việc em đi thi. Trong giờ chào cờ lại xướng tên em đã lọt vào top 6, top 4 khiến đôi lúc em cũng hơi mắc cỡ nhưng lại rất vui.
Tố Như cũng không bận tâm nhiều về kết quả và tỏ ra bình thản trước đêm trao giải.
- Tố Như có lo sợ quyền quyết định nằm trong tin nhắn bầu chọn của khán giả sẽ mang lại kết quả không công bằng?
- Em biết Vũ công được yêu thích nhất chưa chắc là người giỏi nhất nên em không lo lắng nhiều khi chờ đợi kết quả. Nếu không đoạt giải quán quân, em cũng không buồn vì đến với cuộc thi em đã được học quá nhiều thứ, em lại còn nhỏ nữa. Hôm trước nhìn lại hành trình của mình, em thấy mình tiến bộ rất nhiều. Ở 4 vòng đầu tiên, em như một học sinh với học lực cơ bản. Nhưng khi vào chung kết top 20 em hoàn toàn khác hẳn từ diễn xuất, cảm nhận, các động tác tinh tế hơn, múa cũng tốt hơn.
Video đang HOT
- Các bài nhảy của em luôn rất ấn tượng và phô được tài năng nhưng ở phần solo 30 giây, Tố Như lại khá an toàn với các bài dễ thương mà thiếu đi sự bứt phá?
- Chỉ có 30 giây thôi nên em đã lấy hết các động tác khó của nhiều thể loại, không riêng gì ballet sở trường, em đã nâng kỹ thuật khó lên rất nhiều. Có lẽ em chuyên sâu về kỹ thuật nhiều quá nên khán giả không thấy em có sự bùng nổ. Các bài diễn của em trong phần solo khiến các thầy cô trong trường múa rất hài lòng. Bài solo của em luôn khác với các anh chị vì nó có sự dễ thương và trong sáng, em không muốn đánh mất điều đó.
Chuyện xảy ra với Tuấn Đạt khiến Tố Như hụt hẫng nhưng cô bé cũng sớm lấy lại tinh thần.
- Em học múa từ khi nào?
- Em theo học từ năm 3 tuổi và đến nay đã được 14 năm rồi. Lúc nhỏ em rất thích nhảy múa, nghe nhạc là em nhảy theo và đi đâu em cũng nhảy. Em còn nhớ khi đó em đòi đi học múa nhưng mẹ không cho, song vì em đòi quá nên mẹ chở em đi học. Bên cạnh học múa em còn học thể dục nhịp điệu được 9 năm và còn học đàn vì những môn đó đều bổ trợ cho múa sau này. Nhờ học nhịp điệu mà sức khỏe em rất tốt, dù tập nhiều tiếng đồng hồ liền nhưng em không bị đuối.
- Sao em lại chọn bộ môn múa quý tộc này?
- Ballet chỉ là một bộ môn trong trường múa thôi. Ban đầu em cũng ghét lắm vì nó khuôn khổ rất dễ chán vì sự lặp lại đến chuẩn xác trong từng động tác. Nhưng càng học em lại càng thích vì nếu làm được các động tác ballet thì các thể loại khác không khó vì đây là bộ môn khó nhất. Ballet đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ và khi theo học nó con người em cũng trở nên thoải mái và học hành cũng giỏi giang hơn.
Sau đó Như có nghe nói Đạt muốn xin lỗi mình nhưng cô bé quyết tâm không để ý đến nữa.
- Nhưng em từng tâm sự có người đã ngăn cản em đi thi “So you think you can dance” phiên bản Việt?
- Một số thầy cô ở trường múa không ủng hộ em đi thi vì lo cuộc thi nhảy ở Việt Nam sẽ không bằng nước ngoài khiến em rất buồn và luôn hỏi tại sao lại không cho em đi thi, các thầy cô không nói rõ lý do khiến em phân vân nhiều. Mẹ động viên em và bảo tương lai là của em, do em quyết định nên em mạnh dạn đăng ký thi. Nhưng có lẽ em được đi sâu vào đêm chung kết và tiến bộ rõ hơn qua các vòng thi nên đã thuyết phục được các thầy cô và bây giờ mọi người ủng hộ.
Hụt hẫng khi bị Tuấn Đạt “tố” giả tạo
- Tại sao em lại từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến Tuấn Đạt, bạn diễn ăn ý và là cặp đôi dễ thương nhất của “Thử thách cùng bước nhảy”?
- Em không muốn mọi người hiểu lầm chuyện em với Đạt, tụi em đang có mâu thuẫn với nhau. Trong đêm công bố top 4, lúc nghe tin anh Đăng được xướng tên và chạy xuống sân khấu, em có ôm anh ấy chúc mừng. Nhưng việc đó lại khiến Đạt mất vui và nói em sung sướng và giả tạo, ý Đạt là bạn ấy rớt mà em lại vui. Ai chia tay em cũng đều rất buồn, huống chi là Đạt, người bạn nhảy gắn bó lâu dài lại cùng tuổi với nhau.
Em thấy buồn lắm vì bắt cặp với nhau 5 tuần mà Đạt lại không hiểu em chút nào. Em nghĩ lượng fan của anh Đăng rất lớn nên giúp anh ấy vào trong. Em buồn rất nhiều nhưng sau đó em tự an ủi việc Đạt bị loại trở thành động lực để em cố gắng nhiều, thay cả phần bạn ấy thi đấu trong đêm cuối.
Sau đêm công bố kết quả, qua ngày sau, Đạt không nói chuyện cũng không thèm nhìn em. Em không hiểu tại sao Đạt lại như thế nữa. Em ức quá khóc luôn. Thú thật em rất mến Đạt nhưng bạn ấy lại đối xử lạnh nhạt với em nên giờ em không muốn nói chuyện với Đạt nữa. Từ sau khi có kết quả top 4, Đạt thay đổi hẳn, nói chuyện với em cụt ngủn, thái độ lạnh nhạt hẳn, không còn thân thiện như trước.
Vẫn còn giữ nét đáng yêu, tinh nghịch của tuổi 17 nhưng trong suy nghĩ, Tố Như chững chạc và trưởng thành hơn nhiều.
- Thế sao em không giải thích với Tuấn Đạt ngay lúc đó?
- Nghe Đạt nói em sung sướng, giả tạo khiến em hết hồn. Đạt nhắn tin hỏi em có xem lại đêm chung kết 8 chưa, có thấy mặt mình trong đó chưa? Em trả lời Đạt: “Mặt Như thì sao?”. Đạt bảo “Sung sướng, giả tạo chưa?”. Em có nói nhưng Đạt không chịu nghe. Vì 2 đứa cùng tuổi lại bắt cặp với nhau nên em và Đạt hay nói chuyện và động viên nhau trong cuộc thi.
- Vậy em có thật sự ăn ý với Tuấn Đạt hay không khi trở thành cặp đôi trên sân khấu?
- Lúc đầu em nghĩ sẽ hợp nhau nhưng khi cặp chung cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn. Em cặp với anh Đăng ăn ý hơn. Anh Đăng lúc nào cũng hiểu và động viên em khi tập. Kỹ thuật anh ấy không giỏi nhưng bù lại anh rất siêng năng và nghị lực. Anh Vinh Hải quá tốt, học một lần nhớ bài liền nên em và anh Hải không cần tập nhiều. Anh ấy khỏe nên bưng bê rất nhẹ nhàng nên làm một lần là được liền. Còn nhảy với anh Đăng thì phải tập nhiều hơn.
- Sau đêm công bố kết quả, Tuấn Đạt lại quay sang ủng hộ Hồng Nhung ngay trên trang cá nhân và trong đêm thi đấu cuối cùng. Em có tủi thân vì điều này không?
- Trước đó 2 đứa rất thân thiết với nhau nhưng giờ Đạt quay sang ủng hộ chị Nhung mà không đếm xỉa gì đến em khiến em hụt hẫng nhiều. Em đã hiểu khi Đạt không hề nhắc đến tên em. Nếu Đạt xem như chưa từng quen biết em thì em cũng không muốn có người bạn này. Đạt ủng hộ ai là quyền của bạn ấy. Đạt 17 tuổi nên chưa suy nghĩ chín chắn trong khi cũng 17 nhưng em lại “già” hơn.
Lâm Tố Như và bạn nhảy cùng tuổi Tuấn Đạt.
- Mọi người phản ứng thế nào trước thái độ của Đạt đối với em?
- Em sốc, mọi người cũng sốc vì điều đó. Anh Đăng buồn nhiều vì lo sợ bản thân anh ấy ảnh hưởng đến em. Mọi người động viên em nên bỏ qua và tập trung cho đêm thi cuối, đừng để chuyện này làm ảnh hưởng đến phong độ. Anh Đăng bảo em “em phải làm người ta nổi da gà vì tuổi 17 của mình”.
- Việc này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của em, làm thế nào để em vượt qua nó?
- Em đã chuẩn bị tâm lý rồi nên khi đứng trên sân khấu, em không nhìn xuống hàng ghế đầu của các vũ công để tránh bị phân tâm. Ở đó toàn hét tên của anh Vinh Hải và chị Hồng Nhung.
Theo Zing
John Huy Trần: Từ người gom rác thành giám khảo múa
Giám khảo "So you think you can dance" đã chia sẻ câu chuyện về mình, từ nhân viên công ty bảo hiểm có mức lương khá cao đến người dọn dẹp, thu gom rác chỉ để theo đuổi ước mơ tại trường múa.
Với John Huy Trần, giám khảo cuộc thi So you think you can dance, con đường đến với múa không trải hoa hồng, có khi rơi tõm vào khu ổ chuột với những chuyện cười ra nước mắt. Từ một anh chàng nhân viên công ty bảo hiểm lương cao ở Canada, tuột dài xuống thành người gom rác rồi lại xoay qua làm thầy giáo... chẳng có gì anh không dám làm để theo đuổi múa đến hôm nay.
Đến chỗ Huy sớm, tôi thấy anh vẫn đang loay hoay bàn việc với học trò rồi quay sang chuẩn bị ghi hình hậu trường So you think you can dance phiên bản Việt. Dù vậy, sợ để tôi phải chờ lâu, chốc chốc anh lại chạy sang bảo chờ anh vài phút. Khác với hình dung ban đầu, Huy mặc chiếc quần thụng, áo thun, đầu đinh, hai bên tay để lộ những hình xăm trông rất "hầm hố" kèm theo cặp chân mày đính hai hạt cườm và cả tai trái đeo bông, đúng chất dân nhảy bụi bặm.
Suốt buổi nói chuyện, Huy làm tôi cười ngất vì sự lí lắc, pha trò tếu táo cùng cách dùng những từ tiếng Việt ngô nghê chỉ riêng anh mới có. Đến lúc nhìn lại, cả hai đều giật mình vì tôi chỉ mới hỏi một câu Huy trả lời hết cả tiếng đồng hồ. Trộm nghĩ, nếu ai đó thấy cuộc đời bỗng chán và muốn giết thời gian, hãy tìm đến chàng vũ công tài năng, dí dỏm này...
John Huy Trần sinh ra và lớn lên tại Canada.
Không sợ bị ai chê, vì tôi là tôi
- Là gương mặt khá lạ trong chương trình "So you think you can dance", nhiều khán giả đến giờ vẫn thắc mắc John Huy Trần là ai, có giải thưởng gì lại được ngồi ghế nóng như thế?
- Tôi sinh ra trong một gia đình gốc Việt ở Canada. Nhà tôi sang đó từ năm 1976, bố làm giáo viên dạy lái xe, mẹ nội trợ và kinh doanh qua mạng. Về giải thưởng, hồi học trung học, tôi được trường tặng tấm bằng khen nhỏ thay cho lời cảm ơn vì đã làm biên đạo cho đội cổ động thể thao của trường. Chấm hết (cười lớn).
- Nói về mình đơn giản thế, anh không sợ khán giả đánh giá thấp anh?
- Nhiều người sợ rằng nếu tự nhiên sẽ bị chê, không lẽ họ có thói quen... giả tạo? Bị ai chê đó không phải vấn đề của tôi. Tôi không sợ người ta nghĩ mình đàng hoàng, lịch sự hay không, nếu suốt ngày chỉ nghĩ làm sao để ai cũng thích mình dễ stress lắm. Tôi chỉ cần người ta thích tôi vì tôi là tôi.
Tôi chỉ biết, thứ nhất mình là giáo viên dạy múa, thứ hai mình là biên đạo múa, thứ ba mình là vũ công. Tôi chỉ nhận mình là thầy giáo đang ngồi ghế giám khảo nên nhận xét như đang dạy học sinh, không bênh vực ai. Tôi không cần giải thưởng để làm giám khảo vì đó không phải là công việc chính của tôi.
- Từng học trường múa quốc gia Canada (National dance of Canada), điều gì khiến anh xác định theo nghề này?
- Ở Canada, gia đình tôi cho con tự học đủ các thể loại yêu thích để phát triển bản thân. Từ 3 tuổi, tôi đã theo ba học võ vì ông từng là giáo viên dạy võ. Tôi thích múa nên chuyển qua múa. Thành phố tôi ở rất nhỏ, chỉ có 10 ngàn người, trong đó có 2 - 3 trường dạy nhảy nhưng nơi nào dạy cũng dở. Khi 11, 12 tuổi, tôi vào đó tập, tập được 3 tháng bỏ vì không học được điều gì mới. 16 tuổi, tôi cùng một nhóm nhỏ đi vòng vòng làm mấy show nhảy múa đường phố miễn phí để thỏa mãn đam mê.
19 tuổi, tôi đến Toronto để học đại học. Khi chờ nhập học, tôi rảnh rỗi nên kiếm việc làm thêm. Tôi được nhận vào một tiệm đồ và tình cờ gặp một vũ công. Cô ấy nhìn tôi có phong cách, bắt chuyện và phát hiện tôi đam mê nhảy nên giới thiệu vào học trường múa quốc gia Canada. Tôi gọi về cho gia đình bảo không học đại học và theo trường múa.
"Từ 3 tuổi tôi đã theo ba học võ".
Xin việc vì múa, bị đuổi việc cũng vì múa
- Trước quyết định rẽ ngang đột ngột của anh, bố mẹ phản ứng thế nào?
- Bố mẹ la tôi nhiều, họ hỏi tôi không học đại học sẽ làm gì. Tôi bảo con học nhảy nên bố mẹ rất thất vọng. Vào trường, cô giáo khen tôi tiến bộ, thuộc động tác nhanh nhưng tôi vẫn thấy mình thua kém các vũ công trong trường nhiều vì họ theo học từ 3 - 4 tuổi, còn tôi đến giờ mới bắt đầu. Nghĩ vậy tôi càng chăm chỉ tập luyện hơn, mỗi ngày bỏ 5 tiếng. Tuy nhiên, học phí ở trường rất cao. Lúc đó tôi không có tiền, còn ba mẹ không giúp vì không thích con trai theo học trường này.
- Làm sao anh kiếm tiền để đóng học phí và còn sinh hoạt hàng ngày?
- Trường không bắt buộc trả hết một lúc mà trả từng đợt. Trong thời gian đó, tôi đi kiếm việc. Làm một năm ở công ty bảo hiểm, họ thăng chức tôi lên làm quản lý. Công việc lương cao hơn song áp lực rất nhiều. Thêm vào đó, tôi hay đi học nhảy nên lơ là công việc. Đến lúc tôi đứng giữa hai lựa chọn, một là công việc với mức lương đáng mơ ước hoặc nhảy. Cuối cùng, tôi đã chọn bỏ việc.
Một thời gian sau, tôi bắt đầu thiếu tiền để chi trả học phí và ăn ở. Tôi tiếp tục đi xin việc ở công ty khác, lần này lương thấp hơn. Tôi chấp nhận nhưng vẫn cứ mê nhảy và bỏ làm nhiều. Ba tháng sau, công ty gọi tôi tới thông báo... hung tin là tôi bị đuổi việc. Ở nước ngoài, bị đuổi việc là một điều rất kinh khủng như trong gia đình có người qua đời vậy. Mọi người hỏi tôi có sao không, tôi bảo: "Không, bình thường, sao đến bây giờ mới đuổi!" (cười lớn).
- Bị đuổi việc đồng nghĩa không có tiền, anh làm gì để tiếp tục theo đuổi đam mê?
- Tôi kiếm việc tiếp. Họ thấy CV (hồ sơ) của tôi rất tốt, nhưng được 2 - 3 tháng lại cho tôi... biến. Đến một công ty, nhìn vào CV của tôi, thấy ban đầu làm 1 năm, 9 tháng, sau đó toàn 2 - 3 tháng, họ thắc mắc. Tôi trả lời thật luôn là muốn đi làm kiếm tiền học nhảy. Họ không chấp nhận một nhân viên như thế.
Lần sau, tôi chỉ ghi những công ty làm việc lâu. Họ nhìn vào CV, lại thắc mắc, ở đây làm việc 1 năm, ở đây làm việc 9 tháng, còn 9 tháng còn lại không làm gì hả? Tôi bảo quên không ghi vào. Khi tôi ghi vào, họ biết sự thật lại không chấp nhận. Cuối cùng, tôi vào một công ty may mặc, làm người giúp việc. Công ty mở cửa từ 8h sáng đến 9h tối, sau 9h30 tối tôi vào dọn dẹp thu gom rác.
John Huy ngồi trên vị trí giám khảo cuộc thi nhảy.
Vai trò BGK Thử thách cùng bước nhảy
- Từ một việc lương cao ngất chuyển xuống phụ giúp dọn dẹp, anh... chịu đựng được bao lâu?
- Tôi hụt hẫng dữ lắm. Lương kiếm được chỉ đủ giúp tôi chi trả mấy thứ cơ bản và thứ cơ bản của tôi đó là con chó. Tôi nuôi nó từ hồi còn làm ở công ty bảo hiểm. Lúc đó lương cao, tôi có tiền thuê căn hộ cao cấp, nuôi một con chó ở cùng cho vui. Dần dần từ căn hộ cao cấp tôi chuyển xuống hẳn khu ổ chuột dưới tầng hầm. Tôi có thể chịu đựng thiếu thốn nhưng con chó không. Nó đã quen sống sung sướng, có biết chủ nó nghèo giàu ra sao đâu để thông cảm. May mắn sau đó, bạn thân của tôi biết chuyện nên gom góp trả tiền nhà mấy tháng cho tôi. Họ bảo tôi cứ chuyên tâm học múa, học nhảy đi vì tôi thuộc về nơi đó. Họ còn giúp tôi kiếm việc khác phù hợp với lịch học. Tôi đã làm việc đó suốt thời gian còn lại.
Về Việt Nam, chưa hết tuần đầu tiên đã... khóc
- Mọi việc đang thuận lợi ở Canada, lý do gì anh quyết định trở về Việt Nam?
- Khi tôi đang học trường múa và dạy nhảy cho các em học sinh khác, bố mẹ gọi điện bảo sắp về Việt Nam du lịch và hỏi tôi có muốn đi cùng không. Tôi thu xếp công việc, xin nghỉ 3 tháng để đi chơi. Gia đình ngoại tôi ở Long Mỹ, Cần Thơ. Tôi quen thời tiết ở Canada nên lúc về Cần Thơ thấy nóng không chịu nổi. Thêm vào đó, tôi lại không rành tiếng Việt nên ai nói gì cũng chỉ biết gật và lắc đầu. Nhà ngoại có 12, 13 dì cậu, mỗi dì cậu lại có 5 - 6 người con, tôi không biết ai là dì, ai là cháu.
Ở quê 5h sáng là người ta đã dậy. Tôi bị muỗi cắn nên chỉ dám ngồi trong màn. Mỗi lần muốn ăn gì, mọi người cứ hỏi: "Anh Huy thích ăn gì không", sau đó, họ lấy đồ ăn và nước đẩy vào màn cho tôi. Tôi cảm giác mình như con thú trong sở thú. Tôi buộc phải chọn, một là làm con thú trong màn như thế, hai là chui ra ngoài và mặc áo dài tay để khỏi bị muỗi cắn, nhưng tôi lại nóng không chịu được. Chưa hết tuần đầu tiên tôi đã khóc dữ dội, bảo với ba mẹ muốn về Canada.
- Nghe có vẻ hơi... công tử quá, thế rồi làm sao anh vẫn lưu lại Việt Nam?
- Ba dẫn tôi lên TP.HCM, bảo là đi cho khuây khỏa. Ba cũng biết ở Canada tôi sống không vui lắm nên hỏi trong 3 tháng này có muốn kiếm việc gì ở Việt Nam làm cho vui không. Tôi quyết định thử thách mình. Tôi có một bằng dạy Anh văn nên vào các trung tâm Anh ngữ xin làm thầy giáo.
Mấy lần đầu, họ đều từ chối vì nhìn vào bảo tôi là người Việt, không phải người nước ngoài. Sau đó, tôi may mắn gặp giám đốc một trung tâm Anh ngữ là người Canada. Tôi chỉ muốn ký hợp đồng 3 tháng để làm cho vui thời gian ở Việt Nam nhưng bà ấy bảo như thế không tốt cho mấy đứa nhỏ. Nghe câu đó, tôi mới biết bà ấy không chỉ làm kinh doanh mà còn là người rất có tâm với học sinh nên chấp nhận ký hợp đồng 1 năm.
- Anh đã sống cuộc sống của một giáo viên sáng đến trường, tối về nhà, không nhảy không múa trong bao lâu?
- Thời gian đó, tôi có đăng ký tập nhảy. Nhiều người thấy tôi nhảy rất lạ và thành thạo, biết tôi từng học trường múa Canada nên mời tôi về dạy cho trung tâm của họ. Ở đây, tôi may mắn gặp nhiều diễn viên, đạo diễn. Họ giới thiệu tôi với các nhóm nhảy. Một lần tôi gặp chị Linh Rateau, chị ấy là vũ công người Pháp và rất rành các điệu jazz. Tôi thấy mình thiếu jazz nên theo học. Một năm sau chị mở Trung tâm Dancenter và mời tôi về dạy.
Anh đã có được một số thành công nhỏ khi quyết định lập nghiệp tại Việt Nam.
Học cách chấp nhận để theo đuổi đam mê
- Cuộc sống ở đây có khiến anh hài lòng so với ở Canada không?
- Ở Canada, nếu chịu làm một việc văn phòng, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn ở đây nhưng không có điều kiện theo đuổi đam mê. Còn ở Việt Nam, tôi được dựng bài, đi dạy, theo đuổi khát khao. Ban đầu tôi hụt hẫng vì lương thấp, nhưng tôi đã học được cách chấp nhận, không hay than thở như trước.
Nhiều lần ra đường, tôi gặp mấy cặp vợ chồng ăn xin nghèo khổ, mất tay mất chân thế mà họ vẫn cười hạnh phúc, tôi nhận ra, nếu mình bằng lòng và chấp nhận hiện tại sẽ thấy cuộc sống thoải mái. Lúc mới về đây, tôi còn bị sốc về văn hóa xếp hàng, giờ dây thun và cả cách làm việc lộn xộn của người Việt. Tôi nghĩ, biết chấp nhận không có gì khó lắm, chỉ là bản thân không chấp nhận nên làm cho mọi thứ khó khăn.
- Nam giới theo nhảy múa thường yếu đuối lắm nên ở Việt Nam, cứ thấy con trai theo múa là người ta... sợ?
- Sợ "bê đê" đúng không? (cười lớn) . Tôi chỉ quan tâm đến chuyện vũ công có cởi mở, làm việc nghiêm túc hay không. Tôi nghĩ thế giới thậm chí cần nhiều người "bê đê" vì không có họ, ai sẽ làm quần áo đẹp, ai sẽ cắt tóc, trang điểm cho mình.
- Về Việt Nam khi chỉ bập bẹ vài câu tiếng Việt, làm thế nào chỉ trong thời gian ngắn tiếng Việt của anh lại tiến bộ nhanh thế?
- Ban đầu, tôi nói tiếng Việt nhiều người cười vì không biết thế nào là lịch sự, cái nào là đúng sai. Bố mẹ tôi không bao giờ chỉ vì trong nhà mọi người xưng hô rất thoải mái. Thế nên khi về đây, tôi cứ tưởng "tụi bay" là "các bạn" nên gặp ai cũng gọi "tụi bay", tôi cũng không biết "đi đái", "đi..." được nói là "đi tiểu", "đi cầu" cho lịch sự.
Một lần đi ăn cùng đồng nghiệp trong trường tiếng Anh, tôi muốn khoe mình biết tiếng Việt nên nhìn thẳng giám đốc và hỏi: "John muốn đi đái thì đi ở đâu?". Mọi người tròn mắt nhưng tôi thật sự không biết nói thế là mất lịch sự. Mấy năm đầu tôi chỉ làm việc với người nước ngoài nên không học được tiếng Việt. Sau khi chuyển sang làm huấn luyện viên, làm việc với nhóm nhảy, các bạn không biết tiếng Anh nên tôi bắt buộc phải nói tiếng Việt để các bạn hiểu. Làm việc với các bạn hơn 4 năm, trình độ tiếng Việt của tôi tiến bộ như bây giờ.
- Giờ anh đã thành thạo tiếng Việt, sống được bằng nghề múa ở Việt Nam, lại còn là người nổi tiếng, bố mẹ anh có nói gì không?
- Lúc trước bố mẹ tự hào vì thấy con trai muốn đến Việt Nam nhưng không biết tôi làm được gì ở đây. Khi tôi dạy tiếng Anh, hai người nghĩ chỉ làm một năm rồi về. Tôi báo xin được việc đúng nghề yêu thích, bố mẹ chúc mừng, bảo tốt tốt nhưng tỏ vẻ không tin lắm. Sau đó tôi lên tivi, báo, lần này họ im lặng nhưng tôi biết hai người rất vui vì những gì con trai đã làm được.
- Giờ ngoài công việc, anh có nghĩ đến chuyện yêu đương?
- Hồi xưa, tôi có người yêu nhưng chia tay. Bây giờ ngoài làm giám khảo So you think you can dance, mỗi tuần tôi phải dạy mười mấy lớp ở trung tâm và còn nhận dạy riêng cho các diễn viên, ca sĩ. Vì vậy, tôi chưa sẵn sàng để yêu lại (cười).
- Một câu hỏi cuối cùng, chú chó của anh bây giờ thế nào?
- Lúc tôi phải sống ở căn nhà ổ chuột, chị và em gái lên thăm tôi ngày sinh nhật. Họ thấy nhà tôi ghê ghê, tủ lạnh trống trơn. Tôi nói với chị, tôi không đủ khả năng nuôi con chó nhưng không muốn bán nên nhờ chị đem về nhà nuôi. Bố mẹ tôi không thích nuôi chó. Từ lúc chị đem nó về, cả nhà yêu luôn và khi tôi về Việt Nam, mỗi lần nhớ tôi, cả nhà lại ôm con chó. Bây giờ nó già nên mất rồi.
Theo Mốt & cuộc sống
Diễm Hương pose ảnh tinh nghịch với HH Venezuela Đại diện Việt Nam rất thân với người đẹp Venezuela và 2 cô nàng cùng nhí nhảnh "tự sướng" bằng điện thoại di động. Tối ngày 06/12 (tức sáng ngày 07/12 giờ VN), cuộc thi Miss Universe 2012 chính thức bắt đầu được đánh dấu bởi sự kiện "Tiệc chào đón thí sinh - Welcome dinner". Diễm Hương nhí nhảnh tạo dáng cùng...