Lạm thu ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia
Nhiều phụ huynh ở xã Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bức xúc khi Trường tiểu học Đông Hà tiến hành thu tiền đầu năm với 16 khoản thu, đặc biệt có khoản thu xây dựng nhà để xe nhiều khối lớp học trong nhiều năm qua.
Qua tìm hiểu của PV Dân trí, đa phần các phụ huynh đều bức xúc về khoản thu tiền xây dựng nhà để xe với 80.000 đồng/học sinh (trường hợp một hộ có 2 con cùng học trong trường thì được giảm một học sinh), học phí và phụ đạo.
Với danh sách các khoản thu do phụ huynh cung cấp gồm tiền xây dựng nhà để xe (80.000 đồng), phụ đạo (50.000đ x 9 tháng), nước uống (20.000đ), tiền điện (20.000đ), quỹ lớp (10.000đ), học phí (60.000đ), khen thưởng (30.000đ), hoạt động đội (10.000đ), bảo vệ trực đêm và vệ sinh (20.000đ), bảo hiểm y tế (264.000đ), bảo hiểm thân thể (60.000đ), bảng tên và logo thêu trên đồng phục (21.000đ), ghế nhựa dùng ngồi chào cờ (15.000đ), quần áo thể dục (50.000đ), quần áo đồng phục (130.000đ) và kế hoạch nhỏ (7.000đ). Tổng số tiền trên 1,2 triệu đồng.
Các khoản tiền do phụ huynh ghi lại.
Khi PV Dân trí đề nghị nhà trường cung cấp danh sách các khoản thu đầu năm 2012-2013 vào chiều ngày 9/10, thầy Đặng Tấn Lực – hiệu phó Trường tiểu học Đông Hà yêu cầu kế toán in danh sách các khoản thu chỉ gồm tiền hội phí (tức học phí) là 60.000 đồng/HS, quỹ khuyến học (khoản khen thưởng) với 30.000đ/HS, kế hoạch nhỏ (7.000đ/HS) và hoạt động đội (10.000đ/HS). Tổng 4 khoản thu là 107.000đ/HS mà nhà trường trình Hội đồng nhân dân xã Nghĩa Hà về dự kiến các khoản thu trong năm học.
Đáng lưu ý, Tờ trình HĐND xã trên còn nêu: “Để các hoạt động của nhà trường ổn định và sớm triển khai trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, đề nghị HĐND xã cho chủ trương để trường thực hiện nhiệm vụ năm học đạt hiệu quả”.
Tờ trình với 4 khoản thu mà nhà trường cung cấp cho PV Dân trí.
Phụ huynh C. tâm sự: “Ở miền quê thuần nông thì lấy đâu nhiều tiền để đóng cho con như vậy. Điều chúng tôi bức xúc nhất là khoản thu để xây dựng nhà xe, trong khi có nhiều cháu ba mẹ chở đi học hoặc đi bộ mà lại thu toàn bộ HS trong trường”.
Video đang HOT
Hiệu phó Trường tiểu học Đông Hà cho biết: “Năm học 2012-2013, toàn trường có 318 HS với 10 lớp học. Nhà trường vinh dự đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011. Sắp tới trường tiến hành xây dựng nhà để xe cho HS từ nguồn kinh phí do Ban đại diện cha mẹ HS vận động, hiện nhà trường đang chờ ý kiến của UBND xã Nghĩa Hà”.
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhà trường đã thông báo mức thu cụ thể là 80.000 đồng/HS từ ngày họp phụ huynh đầu năm học 2012-2013. Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về thu và chi của Ban đại diện cha mẹ HS, nêu: “Thu theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, không quy định mức thu cụ thể cuối năm học kinh phí chưa sử dụng được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng”.
Thế nhưng, khoản thu trên đều được giáo viên chủ nhiệm thông báo mức thu cụ thể đến phụ huynh HS và yêu cầu nộp các khoản thu đầu năm học 2012-2013.
Cũng là vấn đề thu tiền xây dựng nhà để xe cho HS, một phụ huynh có con đang học lớp 10 (đề nghị giấu tên) cho biết: “Lúc con tôi học ở Trường tiểu học Đông Hà cũng bị thu khoản tiền xây dựng nhà để xe, không chỉ một năm mà năm nào cũng vậy. Đến giờ, con tôi học cấp 3 rồi lại nghe nhiều phụ huynh khác bức xúc về việc thu khoản tiền này. Năm nào cũng thu toàn bộ HS gần 10 năm qua nhưng chẳng thấy đâu”.
Tiền xây dựng nhà để xe là khoản thu tiêu biểu với danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ HS. Ngoài ra, Trường tiểu học Đông Hà còn vận dụng khoản thu gọi là tiền “học phí” và “phụ đạo”.
Theo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, khoản thu bắt buộc gồm thu học phí, lệ phí thi tốt nghiệp nghề phổ thông và bảo hiểm y tế. Đối với khoản thu hộ, Sở quy định các khoản thu gồm bảo hiểm thân thể (đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc), mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS như tiền quần áo đồng phục, thể dục, phù hiệu,…
Tại tỉnh Quảng Ngãi, các trường phổ thông áp dụng mức thu học phí theo Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 thì học sinh Trường tiểu học Đông Hà được áp dụng khung học phí ở khu vực nông thôn là 25.000 đồng/HS (2 buổi/ngày). Như vậy, với khoản thu học phí 60.000đ/HS (buổi sáng) và phụ đạo buổi chiều (50.000đ/HS) thì có gọi là “lạm thu” hay không?
Thầy Đặng Tấn Lực nói: “Buổi sáng, các em học theo chương trình đã quy định, còn buổi chiều chỉ phụ đạo cho các HS yếu và kém. Riêng thứ 6 là bồi dưỡng HS giỏi”. Rõ ràng không phải HS nào cũng được học 2 buổi/ngày trong một tuần.
Ông Thái Văn Đồng – giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi khẳng định: “Nếu ngành phát hiện trường nào lạm thu, tôi yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh. Trường hợp sai phạm thuộc về hiệu trưởng thì ban giám hiệu đó phải chịu án kỷ luật thích đáng”.
Dự kiến, trong tháng 10 và 11/2012, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi phối hợp với các Phòng GD-ĐT và đơn vị liên quan tiến hành thanh tra các khoản thu, chi đầu năm ở các trường học trong toàn tỉnh.
Theo dân trí
"Nếu đưa ra hình thức tự nguyện thì rất khó thực hiện!"
"Khi chúng tôi họp với thường trực Hội Cha mẹ học sinh, nếu đưa ra hình thức tự nguyện thì rất khó thực hiện. Hội Cha mẹ học sinh đưa ra mức thu trên là đáp ứng ngưỡng công việc cần làm", đó là khẳng định của hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1 (Thanh Hóa).
Vấn đề lạm thu trong các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thanh Hóa vẫn tiếp diễn đầu năm học dù các cấp, các ngành đã chỉ đạo ráo riết. Mỗi ngày, có nhiều ý kiến phản ánh, bức xúc của phụ huynh, giáo viên về tình trạng này. Tuy nhiên, các trường thì vẫn cho rằng, tất cả các khoản thu đều được phụ huynh nhất trí cao.
Theo phản ánh của giáo viên và phụ huynh tại Trường THPT Triệu Sơn 1, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), 4 năm nay, nhà trường vẫn thu khoản tiền xã hội hóa giáo dục được "núp bóng" dưới hình thức Hội Cha mẹ phụ huynh HS thống nhất thu ủng hộ nhà trường.
Trong buổi chào cờ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường đã công bố trước cờ về các khoản đóng góp trong năm học mới 2012 - 2013. Theo tờ trình của hiệu trưởng báo cáo Hội đồng nhà trường, số tiền thu xã hội hóa giáo dục chi vào việc mua mới 100 - 120 bộ bàn ghế, nâng cấp nhà xe giáo viên, tu sửa nhà vi tính và làm bảng tin. Dự kiến kinh phí để thực hiện các công trình trên từ 200 - 250 triệu đồng.
Hiện nhà trường có tổng số trên 1.145 HS, dự kiến số tiền thu được hơn 400 triệu đồng. Mức thu cụ thể đối với các khối lớp 10 là 450.000đ/hs, lớp 11 là 400.000đ, lớp 12 là 350.000đ.
Ngoài khoản thu trên, Trường THPT Triệu Sơn 1 còn thu các khoản: gửi xe 100.000đ, nước uống 50.000đ, vệ sinh 40.000đ, quỹ phụ huynh 80.000đ, quỹ đoàn đoàn phí 48.000đ, quỹ lớp 50.000đ...
Trường THPT Triệu Sơn 1 (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Một phụ huynh tâm sự: "Đã bao năm, người dân ở các vùng quê nghèo Triệu Sơn cóp nhặt từng đồng cho con em ăn học! Mừng là mấy năm nay, Nhà nước không thu tiền xây dựng trường. Ấy thế mà ở Trường THPT Triệu Sơn I liên tục thu 5 năm liền, kể từ năm học 2008. Năm nay chúng tôi mừng khi nghe đọc thư của Chủ tịch nước chúc mừng năm học mới 2012 - 2013 có đề cập đến nội dung "lạm thu". Nhưng Trường THPT Triệu Sơn 1 vẫn thu tiền để trả đối ứng, mặc dù chúng tôi đã đóng góp từ năm học trước. Việc thu tiền xây dựng phải thông quan Hội đồng nhân dân huyện, phải đưa vào văn bản, tuy nhiên, ở đây do Chánh văn phòng UBND huyện ký?".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy - hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1, giải thích: "Trên cơ sở những công trình còn thiếu của nhà trường, đầu năm học nhà trường có họp với Hội Cha mẹ HS đưa ra công việc trong năm học để kêu gọi ủng hộ. Ước thu trong năm khoảng 400 triệu đồng, khi chúng tôi họp với thường trực Hội Cha mẹ HS, nếu đưa ra hình thức tự nguyện thì rất khó thực hiện. Hội cha mẹ học sinh đưa ra mức thu trên là đáp ứng ngưỡng công việc cần làm của trường".
Ông Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng trường THPT Triệu Sơn 1.
Trong khi hàng năm, nhà trường đều tổ chức vận động phụ huynh đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dãy nhà 12 phòng học được xây dựng kiên cố và mới đưa vào sử dụng từ năm 2009, nhưng hầu hết các phòng học và hành lang lớp gạch nền đã bị bong tróc. Theo lý giải của hiệu trưởng nhà trường là vì HS quá đông, thời tiết thay đổi nên gạch giãn nở dẫn đến bị hư hỏng.
Nhiều lớp gạch dọc hành lang và các phòng học của dãy nhà mới đưa vào sử dụng từ năm 2009 đã bong tróc.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Nguồn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: "Nguyên tắc các trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xin ý kiến của huyện và tổ chức hội nghị phụ huynh đầu năm học. Trong đó quan trọng nhất là triển khai kế hoạch năm học với phụ huynh, chất lượng dạy học, việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó vấn đề ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất chỉ là một việc nhỏ. Nếu phụ huynh nào không đồng ý tự nguyện thì không được thu".
Duy Tuyên - Thái Bá
Theo dân trí
È cổ đóng 17 khoản thu đầu năm Tiền hoạt động, đồng phục, đồ chơi, dọn vệ sinh... đến những khoản thu trái khoáy như "tiền trực cổng, trực trống", khiến nhiều phụ huynh trên địa bàn huyện nghèo Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) chới với. Tiền trực cổng, trực ... trống ! Vài ngày cho con nhập học trường Mẫu giáo Điện Ngọc (xã Điện Ngọc, Điện Bàn), anh...