Làm theo trào lưu trên TikTok, người phụ nữ phát hiện ung thư được kịp thời cứu chữa
Một bệnh nhân bị ung thư giai đoạn 4 đã được cứu kịp thời nhờ phát hiện dấu hiệu ung thư khi thực hiện trào lưu làm đẹp trên TikTok.
Tờ Daily Mail mới đây đưa tin nữ bệnh nhân Helen Bender (26 tuổi, đang sống tại Mỹ) đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da giai đoạn 4, sau khi cô này phát hiện mình có một khối u bất thường nhờ làm theo trào lưu làm đẹp trên TikTok.
Cụ thể, sau khi Bender bắt đầu thực hiện phương pháp mát xa mặt và cổ bằng đá Gua Sha một thời gian, đến tháng 4 năm 2022 thì bất ngờ phát hiện ngay bên dưới hàm trái của mình có một cục u lớn ẩn dưới da.
Khi mát xa bằng đá Gua Sha, cô gái vô tình phát hiện khối u ung thư
Đến kiểm tra tại bệnh viện, Bender được các bác sĩ cho biết cô đã mắc ung thư hắc tố – loại ung thư da nguy hiểm nhất, và khối u mà cô phát hiện chỉ là một trong 20 khối u đã lan ra khắp cơ thể. Bác sĩ cũng dự báo cô chỉ còn sống được khoảng 6 tuần nếu không tiến hành điều trị kịp thời.
Trước đó, Bender cho biết khi vừa phát hiện khối u, cô chỉ nghĩ đơn giản đó là một hạch bạch huyết bị sưng. Nhưng sau đó, cô nhận ra mình đã sụt cân rất nhiều nên quyết định đi khám.
Video đang HOT
Kể lại quá trình phát hiện bệnh của mình, Bender nói: “Việc sử dụng Gua Sha đã cứu mạng tôi. Ban đầu tôi chỉ chú ý vì nó là một trào lưu phổ biến trên TikTok và muốn thử thực hiện để khuôn mặt của mình trông thon gọn hơn. Cuối cùng không ngờ lại kịp thời phát hiện ra căn bệnh nguy hiểm này”.
Hiện tại, sức khỏe của Bender đã ổn định sau khi trải qua hơn một nửa thời gian điều trị. Các khối u ung thư cũng bắt đầu nhỏ lại và theo các bác sĩ khoảng 8 tháng nữa thì bệnh nhân có thể hồi phục bước đầu.
Vaccine ung thư mới khiến tế bào ung thư tiêu diệt chính 'gia đình' mình
Các nhà khoa học đã có cách tiếp cận mới, sử dụng tế bào ung thư như thuốc diệt ung thư.
Vaccine ung thư não tác dụng kép khiến khối u bị tiêu diệt bởi chính tế bào ung thư. Ảnh minh họa: I.E
Hãy tưởng tượng bạn trải qua nhiều cơn đau đầu mỗi ngày. Đôi khi những cơn đau đầu đó thậm chí có cảm giác như ai đó đang đâm kim hoặc dao vào trong đầu bạn và bạn không thể làm gì được. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Thật không may, đó lại là nỗi đau mà nhiều bệnh nhân ung thư não phải đối mặt hàng ngày. Có hàng triệu bệnh nhân như vậy trên toàn cầu và tất cả họ đang chờ đợi một loại vaccine có thể giải thoát họ khỏi sự đau khổ này, giúp họ phục hồi sức khỏe. Đây là lý do tại sao các nhà khoa học ở nhiều nơi trên thế giới không ngừng cố gắng phát triển một loại vaccine ung thư não hiệu quả.
Một công trình nghiên cứu được công bố gần đây đã giới thiệu một loại vaccine ung thư não tác dụng kép, được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Brigham and Women's (BWH) của Trường Y Harvard.
Điều thú vị là nhóm đã thử nghiệm thành công vaccine của họ trên mô hình chuột bị u nguyên bào thần kinh đệm, một trong những bệnh ung thư não nguy hiểm nhất. Kết quả của thí nghiệm này rất hứa hẹn.
Sử dụng tế bào ung thư như "thuốc diệt ung thư"
Mặc dù vaccine ung thư là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực, nhưng cách tiếp cận được đề xuất trong nghiên cứu trên khá khác biệt. Thay vì sử dụng các tế bào khối u đã bất hoạt, các nhà khoa học tại BWH đã chỉnh sửa gien và "tái sử dụng" các tế bào ung thư sống.
Thông thường, các tế bào của khối u trước tiên sẽ bị bất hoạt bằng cách ly giải hoặc chiếu xạ trước khi được tái sử dụng vào cơ thể của đối tượng để tăng cường khả năng sinh miễn dịch (khả năng miễn dịch do tác động của chất lạ). Các nhà nghiên cứu cho rằng trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, phương pháp trị liệu này chỉ mang lại lợi ích hạn chế hoặc không mang lại lợi ích sức khỏe nào đối với bệnh ung thư não.
Do đó, họ quyết định thực hiện một cách tiếp cận kiểu hành động kép khác. Phương pháp trị liệu khác biệt này liên quan đến việc biến đổi các tế bào khối u sống thành các tác nhân có thể kích hoạt các hoạt động tiêu diệt khối u và khả năng miễn dịch chống ung thư bên trong cơ thể bệnh nhân.
Vaccine khiến tế bào ung thư tự diệt nhau mới được thử nghiệm trên chuột.
Tác giả nghiên cứu và cũng là Phó Chủ tịch Nghiên cứu tại BWH, Khalid Shah, nói: "Các tế bào ung thư sống sở hữu một đặc điểm khác thường để làm nơi cư trú cho các tế bào khối u đồng loại của chúng. Tận dụng đặc tính độc đáo này, chúng tôi đã tái sử dụng các tế bào ung thư sống bằng cách sử dụng công cụ chỉnh sửa gien CRISPR-Cas9 và sau đó 'thiết kế' chúng để giải phóng các chất tiêu diệt tế bào khối u và các tác nhân điều hòa miễn dịch để chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch đáp ứng chống lại khối u trong thời gian dài".
Liệu pháp tế bào tác động kép này đã được thử nghiệm trên mô hình chuột thí nghiệm có khối u não. Các khối u đã hình thành được cắt bỏ và các tế bào khối u điều trị (ThTC) được bọc trong một loại gel tương thích sinh học và được đặt vào khoang khối u. Giáo sư Shah cho biết: "ThTC được bọc là an toàn và hiệu quả trong mô hình khối u này."
Về cơ bản, phương pháp trị liệu này đã thành công ở cả hai khía cạnh - tiêu diệt các khối u hiện có và ngăn chặn sự lây lan thêm của bệnh ung thư trong chuột thí nghiệm.
Vaccine này liệu đã sẵn sàng cho con người?
Vaccine ung thư não nói trên mới chỉ được thử nghiệm trên mô hình chuột và mặc dù kết quả có vẻ hứa hẹn nhưng nó vẫn chưa sẵn sàng cho con người. Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến thức về môi trường vi mô khối u là rất quan trọng cho sự thành công của liệu pháp này ở người hiện nay. Tuy nhiên, nghiên cứu không giải thích nhiều về tái hấp thu môi trường vi mô khối u.
Do đó, công việc nghiên cứu tiếp theo là cần thiết để giải quyết những vấn đề này và nhiều yếu tố khác liên quan đến vaccine tác dụng kép.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng chiến lược điều trị của họ sẽ có khả năng ngăn chặn sự tiến triển, tái phát và di căn của khối u ở bệnh nhân ung thư não.
Ai có nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus Adeno? Virus Adeno lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể chứa virus. Theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do virus Adeno Bộ Y tế mới ban hành, virus Adeno gây bệnh ở người thường nhẹ, trừ một...