Làm thế nào để tố cáo công ty đa cấp lừa đảo?
Việc “yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp” là một trong các hành vi “bán hàng đa cấp bất chính”.
Hỏi: Tôi có người bạn đang làm ở một công ty, sau khi nghe bạn tôi kể về công ty này và tìm hiểu trên mạng thì tôi biết công ty này kinh doanh theo kiểu đa cấp (bán hàng đa cấp bất chính).
Cụ thể:
- Khi vào công ty phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu mới được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
- Công ty không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại
- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Tôi muốn tố cáo công ty này thì mình cần những bằng chứng gì, cụ thể là những giấy tờ gì (tôi không biết là khi mua hàng có hóa đơn hay không nữa). Vì bạn tôi và còn nhiều người nữa cũng đang bị như vậy. Mà số tiền công ty kêu mua hàng thì càng ngày càng tăng, nếu không mua thì công ty nói sẽ không được tiếp tục tính điểm gì đó coi như mất tất cả.
Ảnh minh họa.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 48 Luật cạnh tranh năm 2004, việc “yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp” là một trong các hành vi “bán hàng đa cấp bất chính”. Hành vi này được xếp vào một trong những “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” và bị xử lý theo Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định, phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Video đang HOT
- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 3 trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều này và hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này trừ trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được;
c) Buộc cải chính công khai.
Về thẩm quyền xử lý vi phạm
Các cơ quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp được quy định tại Chương 6 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm:
1. Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương;
2. Sở Công thương
Như vậy, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp bán hàng đa cấp đóng trụ sở.
Trong quá trình điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải kiến nghị ngay với thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định một số tội danh liên quan như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156), Tội kinh doanh trái phép (Điều 159), Tội lừa dối khách hàng (Điều 162), Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167), Tội quảng cáo gian dối (Điều 168), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), Tội buôn lậu (Điều 153)….
Như vậy, tùy vào hành vi cụ thể cũng như tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện và doanh nghiệp có hành vi kinh doanh đa cấp bất chính có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự.
Để bảo vệ quyền lợi, bạn có thể cùng những người bị hại khác yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả lại tiền đã “lừa”. Nếu doanh nghiệp đó không giải quyết hoặc gây khó khăn thì bạn và những người bị hại khác cần chuẩn bị chứng cứ, làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng như đã nêu ở trên.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Bán hàng đa cấp như thế nào thì không phạm luật?
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau.
Hỏi: Em trai tôi đang là sinh viên, hiện đang được một số bạn bè rủ rê bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng. Tôi rất lo lắng, xin hỏi việc tham gia bán hàng đa cấp có phạm luật không? Bán hàng đa cấp như thế nào để không phạm luật? Cần lưu ý những gì khi thực hiện việc tham gia bán hàng đa cấp như thế này?
Bán hàng đa cấp như thế nào thì không phạm luật? - Ảnh minh họa
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, ngày 14 tháng 05 năm 2014 Về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (gọi là Nghị định 42/2014) quy định: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Với tư cách là người tham gia bán hàng đa cấp, em trai anh/chị cần tuân thủ các quy định pháp luật sau để hoạt động kinh doanh của mình được hợp pháp: Trước tiên, em trai anh/chị phải tham gia vào các hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp hợp pháp được thành lập và hoạt động theo quy định tại Chương 2 Nghị định 42/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan. Là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 19 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Đồng thời, phải được ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; được doanh nghiệp bán hàng đa cấp đào tạo và cấp chứng chỉ theo mẫu; được cấp Thẻ thành viên.Khi bán hàng đa cấp, em trai anh/chị phải có trách nhiệm theo Điều 23 Nghị định 42/2014/NĐ-CP gồm:
1. Xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hàng hóa hoặc tiếp thị bán hàng.
2. Cung cấp đầy đủ những thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp khi bảo trợ một người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
3. Thông tin trung thực, chính xác về hàng hóa được chào bán.
4. Tuân thủ quy định trong Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp.
5. Không thực hiện các hành vị bị cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này, cụ thể:
- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình tham gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
6. Các trách nhiệm khác theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp em trai anh/chị thực hiện các hành vi vi phạm các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (cụ thể quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP, ngày 19 tháng 11 năm 2015 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, ngày 15 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực bắt đầu từ ngày 05/01/2016). Trường hợp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp khác, phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra theo quy định pháp luật.
Như vậy, em trai anh/chị nếu có ý định kinh doanh theo phương thức đa cấp thì cần tìm hiểu về doanh nghiệp mình tham gia và thực hiện các quy định pháp luật mà chúng tôi viện dẫn ở trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và người khác.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Nữ sinh nhẹ dạ và cái kết cho việc tham gia mạng lưới đa cấp Mờ mắt bởi số tiền lớn, nhiều bạn trẻ sập bẫy mạng lưới đa cấp và sau đó phải tống tiền cả gia đình để lấy tiền trả nợ... Ngày 12/9, cơ quan CSĐT quận Cầu Giấy vừa làm rõ vụ việc nữ sinh bị một số đối tượng đe dọa, tống tiền gia đình với số tiền là 70 triệu đồng. Nữ...