Làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc?
Nếu Washington muốn thay đổi toan tính của Bắc Kinh, họ phải ngăn chặn khả năng Trung Quốc kiểm soát vùng trời và vùng biển xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, đồng thời hợp nhất các mạng lưới tác chiến của đồng minh và củng cố các năng lực của đồng minh.
Trong quân đội Mỹ, ít nhất, chiến lược “xoay trục” sang Châu Á đã bắt đầu. Đến năm 2020, hải quân và không quân dự kiến bố trí 60% lực lượng của mình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đang đầu tư một phần ngày càng tăng các nguồn lực đang thu hẹp lại vào máy bay ném bom tầm xa mới và tàu ngầm năng lượng hạt nhân được thiết kế để hoạt động trong các môi trường có mức độ đe dọa cao.
Những sự thay đổi này rõ ràng nhằm ngăn chặn một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Và với một lý do chính đáng: các tuyên bố chủ quyền ngày càng bành trướng của Bắc Kinh đe dọa gần như mọi quốc gia nằm dọc cái thường được biết đến là “chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm các khu vực của Nhật Bản, Philippines và Đài Loan – tất cả các khu vực mà Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ. Nhưng để ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc, Lầu Năm Góc thậm chí sẽ phải đi xa hơn nữa. Các năng lực đang nổi lên của Trung Quốc nhằm làm suy giảm khả năng Washington đem lại sự trợ giúp quân sự cho các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mặc dù răn đe thông qua viễn cảnh trừng phạt, dưới hình thức không kích và bao vây hải quân, có một vai trò trong việc ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, mục tiêu của Washington, và cũng là mục tiêu của các đồng minh và đối tác của Washington, hẳn sẽ là răn đe thông qua ngăn chặn – để thuyết phục Bắc Kinh rằng họ đơn giản không thể đạt được các mục tiêu của mình bằng vũ lực.
Tận dụng khả năng tiềm tàng của các lực lượng mặt đất của Mỹ cùng đồng minh và đối tác, Washington tốt nhất có thể đạt được mục tiêu này bằng cách thiết lập một loạt phòng tuyến liên kết dọc theo chuỗi đảo thứ nhất – một tuyến “phòng thủ quần đảo” – và, bằng cách làm như vậy, ngăn chặn khả năng Bắc Kinh đạt được các mục tiêu theo chủ nghĩa xét lại của mình bằng cách gây hấn hoặc ép buộc.
Những rủi ro của chủ nghĩa xét lại
Trung Quốc tuyên bố rằng sự trỗi dậy của nước này là hòa bình, nhưng các hành động của họ lại kể một câu chuyện khác biệt: câu chuyện của một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại đang tìm cách thống trị Tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền không chỉ đối với Đài Loan mà còn cả quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) và phần lớn trong 1,7 triệu km2 biển Hoa Đông và Biển Đông, mà ở đó 6 quốc gia khác vẫn duy trì các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và biển khác nhau. Và Trung Quốc đã không biện hộ cho việc theo đuổi các mục tiêu này. Chẳng hạn, năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã bác bỏ một mạch những lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh khi nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế”.
Hãy xem xét những hành động bắt nạt gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vào tháng 3/2014, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã ngăn không cho các tàu của Philippines tiếp cận tiền đồn của nước này trên quần đảo Trường Sa. Hai tháng sau, Trung Quốc đã di chuyển một giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đụng độ với các tàu đánh cá của Việt Nam. Các động thái này đã lặp lại các sự cố trước đó ở biển Hoa Đông. Vào tháng 9/2010, như là một sự trừng phạt dành cho việc bắt giữ thuyền trưởng của một tàu cá của Trung Quốc – người đã lái tàu đâm vào hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Trung Quốc đã tạm thời cắt đứt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, thành phần thiết yếu để sản xuất điện thoại di động và máy tính. Và đến tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), buộc phải tuân thủ các quy định giao thông hàng không của nước này, đối với quần đảo Senkaku có tranh chấp và các khu vực khác của biển Hoa Đông, cảnh báo rằng nước này sẽ có hành động quân sự nhằm vào các máy bay từ chối tuân thủ.
Một số người cho rằng khi quân đội của Trung Quốc lớn mạnh hơn và các nhà lãnh đạo của nước này cảm thấy an tâm hơn, Trung Quốc sẽ tiết chế hành vi như vậy. Nhưng điều ngược lại dường như khó có khả năng xảy ra. Quả thực, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã xảy ra đồng thời với sự gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của nước này. Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư vào một số năng lực mới, điều đặt ra một thách thức trực tiếp cho sự ổn định của khu vực. Chẳng hạn, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tăng cường cái được gọi là các năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), nhằm ngăn chặn các quân đội khác chiếm đóng hoặc vượt qua các dải lãnh thổ rộng lớn, với mục tiêu đặc biệt là biến Tây Thái Bình Dương thành một khu vực cấm ra vào đối với quân đội Mỹ. Mục tiêu đó bao gồm cả việc phát triển các phương tiện nhằm vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Lầu Năm Góc, vốn phụ thuộc nặng nề vào các vệ tinh và mạng Internet để phối hợp hoạt động tác chiến và hậu cần. PLA đã có tiến bộ đáng kể trên mặt trận này trong những năm gần đây, thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh, sử dụng tia laser để “làm mù” các vệ tinh của Mỹ, và tiến hành các cuộc tấn công mạng tinh vi vào các mạng lưới phòng thủ của Mỹ.
Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng của mình để nhằm vào các phương tiện quân sự quan trọng của Mỹ và hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ hoạt động ở các vùng biển quốc tế. PLA đã có các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thông thường có thể tấn công các cơ sở lớn của Mỹ ở khu vực này, chẳng hạn như căn cứ không quân Kadena, ở Okinawa, Nhật Bản, và đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng tấn công nhiều mục tiêu nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất. Để phát hiện và nhắm tới các tàu hải quân ở khoảng cách xa hơn, PLA đã triển khai các hệ thống radar và vệ tinh do thám mạnh mẽ, cùng với các phương tiện bay không người lái (UAV) có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám tầm xa. Và để đuổi theo các tàu sân bay của Mỹ, cũng như các tàu chiến trên mặt nước bảo vệ chúng, Hải quân Trung Quốc đang mua các tàu ngầm được trang bị ngư lôi tối tân và tên lửa hành trình tốc độ cao được thiết kế để tấn công các tàu ở khoảng cách xa.
Các hành động của Bắc Kinh không thể được biện minh như một hành động đáp trả trước sự tăng cường vũ trang của Mỹ. Trong thập kỷ qua, Washington đã tập trung năng lượng và các nguồn lực của mình chủ yếu vào việc hỗ trợ các lực lượng trên bộ của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Ngân sách quốc phòng của Mỹ, mà cho đến gần đây chiếm hơn 4% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của nước này, được dự báo sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối thập kỷ này. Nói đơn giản, Lầu Năm Góc đang đánh rơi các khả năng quân sự trong khi PLA đang tích lũy chúng.
Tuy nhiên, nếu quá khứ là nguồn gốc của bối cảnh hiện tại, Trung Quốc sẽ không tìm cách giải quyết các mục tiêu theo chủ nghĩa bành trướng của mình bằng cách gây hấn công khai. Nhất quán với văn hóa chiến lược của nước này, Trung Quốc muốn thay đổi cán cân quân sự theo chiều hướng có lợi cho mình một cách chậm rãi nhưng không thể lay chuyển được, hầu như không để lại sự lựa chọn nào cho phần còn lại của khu vực này ngoài việc quy phục sự ép buộc của Trung Quốc. Phần lớn, các nước láng giềng gần biển của Trung Quốc tin chắc rằng cam kết ngoại giao và kinh tế sẽ hầu như không có tác dụng thay đổi thực tế cơ bản này. Một số quốc gia này, trong đó có Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, đang ngày càng tập trung quân đội của họ vào nhiệm vụ chống lại các tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ hiểu rõ rằng hành động cá nhân sẽ là không đủ để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện tầm nhìn phía trước. Chỉ với sự trợ giúp về vật chất của Mỹ, họ mới có thể thiết lập được một mặt trận chung ngăn chặn được các hành động gây hấn hoặc ép buộc của Trung Quốc.
Răn đe thông qua phong tỏa
Nếu Washington muốn thay đổi toan tính của Bắc Kinh, họ phải ngăn chặn khả năng Trung Quốc kiểm soát vùng trời và vùng biển xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, bởi vì PLA sẽ phải thống trị cả hai đấu trường để cô lập nhóm đảo này. Mỹ cũng phải hợp nhất các mạng lưới tác chiến của đồng minh và củng cố các năng lực của đồng minh – cả hai điều này sẽ giúp bù lại các nỗ lực của PLA nhằm gây bất ổn cán cân quân sự của khu vực. Nói chung, các mục tiêu này có thể đạt được bằng các lực lượng mặt đất, các lực lượng này sẽ không thay thế các lực lượng không quân và hải quân hiện nay mà sẽ bổ sung cho họ.
Khi nói đến phòng không, các nước nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất có thể củng cố năng lực của họ để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận không phận bằng cách sử dụng các đơn vị quân đội được trang bị tên lửa đánh chặn tầm ngắn có tính cơ động cao và tương đối đơn giản (chẳng hạn như tên lửa Sea Sparrow cải tiến, được hỗ trợ bởi các hệ thống radar GIRAFFE nhằm phát hiện mục tiêu). Trong khi đó, quân đội Mỹ, cùng với các đồng minh như Nhật Bản, có thể vận hành các hệ thống tinh vi hơn, tầm xa hơn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và tiêu diệt máy bay tiên tiến của Trung Quốc. Mặc dù không phải là một phần trong chuỗi đảo thứ nhất, Việt Nam cũng đang củng cố các năng lực chống xâm nhập không phận và có thể đóng góp vào một nỗ lực phòng thủ lớn hơn.
Khi đó, nhiệm vụ đề ra là ngăn chặn PLA kiểm soát vùng biển mà lực lượng này sẽ cần để gia tăng hoạt động tấn công nhằm vào các hòn đảo này. Các thành viên cấp cao của Quốc hội đã khích lệ quân đội Mỹ xem xét việc khôi phục một lực lượng pháo binh để phòng thủ bờ biển, một nhiệm vụ mà quân đội này đã từ bỏ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ý tưởng này đơn giản và có sức thuyết phục. Thay vì mạo hiểm đưa các tàu chiến vào trong phạm vi phòng thủ của PLA hoặc chuyển hướng các tàu ngầm sang các nhiệm vụ ưu tiên hơn, Mỹ và các đồng minh của mình có thể dựa vào các lực lượng mặt đất, được bố trí dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và được trang bị các bệ phóng cơ động và các tên lửa hành trình chống tàu, để thực hiện các hoạt động tương tự. Quân đội của Nhật Bản đã thực hiện chính xác như vậy, bố trí các đơn vị tên lửa hành trình chống tàu trên một số hòn đảo của quần đảo Ryukyu trong các cuộc diễn tập quân sự. Việt Nam cũng đã triển khai các hệ thống tương tự. Và các nước tiền tuyến khác cũng đã làm theo, hoặc là độc lập hoặc với sự tài trợ, huấn luyện và trợ giúp về mặt kỹ thuật của Mỹ.
Một nhiệm vụ khác mà các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh có thể đóng góp đó là chiến tranh thủy lôi. Theo truyền thống, các tàu của hải quân bố trí hoặc rà phá thủy lôi để hạn chế hoặc cho phép đi qua các vùng biển và eo biển hẹp. Mặc dù việc rà phá thủy lôi sẽ vẫn là một chức năng vốn có của hải quân, các lực lượng mặt đất có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc bố trí chúng, đặc biệt là nếu được đóng ở gần các eo biển chủ chốt nối biển Hoa Đông và Biển Đông với các vùng biển mở. Được trang bị khả năng đặt thủy lôi từ các căn cứ trên đất liền sử dụng các tên lửa tầm ngắn, máy bay trực thăng, hoặc xuồng lớn, các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh có thể khiến các vùng biển rộng lớn trở thành bất khả xâm phạm đối với Hải quân Trung Quốc. Các bãi mìn ở các điểm chủ chốt dọc chuỗi đảo thứ nhất sẽ làm cho một cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc trở nên vô cùng phức tạp và làm cản trở khả năng Trung Quốc quấy rối các lực lượng hải quân của đồng minh. Trong khi đó, các khẩu đội pháo chống tàu ven biển gần đó, có thể khiến các hoạt động rà phá thủy lôi của các tàu của PLA trở nên rất nguy hiểm.
Về dài hạn, các lực lượng mặt đất cũng có thể trợ giúp các hoạt động tác chiến chống lại lực lượng tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của PLA. Một chiếc tàu ngầm chủ yếu dựa vào khả năng tàng hình của nó để phòng thủ; một khi bị phát hiện, nó phải tránh liên lạc hoặc có nguy cơ cao bị tiêu diệt. Bằng cách bố trí các thiết bị cảm biến tần số thấp và cảm biến âm thanh dưới nước xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, các lực lượng của Mỹ và đồng minh có thể gia tăng khả năng phát hiện tàu ngầm của PLA. Các đơn vị pháo binh ven biển khi đó có thể sử dụng ngư lôi phóng từ tàu ngầm để khiến các tàu ngầm đang tiến đến phải từ bỏ nhiệm vụ và rút lui.
Nếu Trung Quốc xâm lược một đồng minh hoặc đối tác của Mỹ, ngay cả một số lượng nhỏ bộ binh của Mỹ cũng có thể giúp đỡ các lực lượng địa phương chống trả quyết liệt. Các xung đột hiện đại ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông đã thể hiện những gì mà một lực lượng mặt đất không chính quy khiêm tốn có thể làm được với sự giúp đỡ của các vũ khí hiện đại và các cố vấn tài giỏi. Nhờ có các cố vấn và sức mạnh không quân của Mỹ, quân đội miền Nam Việt Nam đã chống đỡ được một cuộc tấn công quy mô toàn diện của các lực lượng miền Bắc Việt Nam vào năm 1972. Gần 3 thập kỷ sau, vào năm 2001, một nhóm nhỏ Lực lượng Đặc biệt của Mỹ, được hỗ trợ bởi máy bay, đã giúp Liên minh phương Bắc của Afghanistan đánh bại Taliban. Và vào năm 2006, các chiến binh Hezbollah ở Liban, với sự trợ giúp của các cố vấn Iran, đã chiến đấu chặn đứng Lực lượng Phòng vệ Israel trong suốt 1 tháng. Một nỗ lực tương tự của các lực lượng mặt đất của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể khiến việc đoạt lấy và chiếm đóng lãnh thổ trở thành một vấn đề cực kỳ tốn kém đối với Trung Quốc, đặc biệt là nếu các lực lượng địa phương cũng được huấn luyện và trang bị tiên tiến. Chẳng hạn, khả năng tiếp cận súng cối, tên lửa tầm ngắn dẫn đường chính xác, và các tên lửa phòng không vác vai, sẽ tối đa hóa việc sát thương của các đơn vị kháng chiến du kích nhỏ.
Video đang HOT
Bằng cách gánh vác nhiều hơn trách nhiệm ngăn chặn PLA kiểm soát vùng trời và vùng biển mà họ cần để gia tăng các hoạt động tấn công, các lực lượng mặt đất có thể để cho các lực lượng không quân và hải quân của đồng minh thực hiện các nhiệm vụ mà họ có thể thực hiện, chẳng hạn như do thám tầm xa và không kích. Nếu răn đe thất bại, các phương tiện không quân và hải quân này sẽ chứng tỏ tầm quan trọng đối với việc bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất và bù lại các lợi thế của PLA. Chẳng hạn, PLA có thể tập trung các lực lượng ở bất kỳ địa điểm nào dọc chuỗi đảo thứ nhất nhanh chóng hơn nhiều so với Mỹ và các đồng minh của nước này, những nước có quân đội của họ được phân bố rải rác hơn. Và PLA không cần phải điều hòa các lợi ích quốc gia mâu thuẫn. (Sau khi Trung Quốc tấn công một hòn đảo, các quốc gia dọc chuỗi đảo này có thể sẽ muốn giữ các lực lượng của họ tại chỗ để bảo vệ quê hương của mình). Bằng cách giảm bớt đòi hỏi phải có các lực lượng không quân và hải quân của Mỹ thực hiện các nhiệm vụ chẳng hạn như chống xâm nhập vùng trời và vùng biển, các lực lượng mặt đất sẽ cho phép các lực lượng không quân và hải quân giữ vững lực lượng, sẵn sàng di chuyển nhanh chóng để bảo vệ một mắt xích bị đe dọa trong chuỗi.
Để thành công, một chính sách răn đe cũng cần phải có một sự đe dọa trả đũa đáng tin cậy sau sự việc, và ở đây, các lực lượng mặt đất cũng có thể giúp đỡ. Hiện nay, các vũ khí của Mỹ mà có thể phát động một cuộc tấn công trả đũa chính xác được đặt tại các căn cứ không quân và tàu sân bay tiền tuyến ngày càng dễ bị tổn thương. Lầu Năm Góc dự định sẽ giải quyết vấn đề này một phần bằng cách chế tạo các tàu ngầm và máy bay ném bom tàng hình tầm xa mới, nhưng chi phí cho các khí tài hạng nặng như vậy là rất cao, đặc biệt là do tải trọng tương đối khiêm tốn của chúng. Nếu so sánh, các lực lượng mặt đất, có thể mất một mức chi phí rẻ hơn để cung cấp thêm hỏa lực. Không giống như các lực lượng không quân và hải quân, các lực lượng mặt đất có thể không cần quay trở lại các căn cứ xa xôi để tái vũ trang. Họ có thể dự trữ nhiều đạn dược hơn rất nhiều so với ngay cả chiếc máy bay ném bom hay tàu chiến lớn nhất, và họ có thể cất trữ chúng trong các boongke kiên cố có thể chống chịu được các đợt tấn công tốt hơn.
Hơn nữa, trong trường hợp có xung đột, PLA sẽ được hưởng lợi nhờ một lợi thế đặc biệt không cân xứng: số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung trên đất liền của nước này. Mỹ, với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (IRNF), không thể triển khai các hệ thống này. Tuy nhiên, bằng cách trang bị cho các lực lượng mặt đất những tên lửa tương đối rẻ tiền tuân thủ các hạn chế về tầm bắn của hiệp ước này, và bằng cách bố trí các tên lửa này dọc chuỗi đảo thứ nhất để giảm bớt chi phí liên quan đến việc phóng tên lửa tầm xa, Washington và các đồng minh của mình có thể tiến xa trong việc “sửa chữa” sự mất cân bằng này với một chi phí tương đối thấp. Và nếu bộ binh không thể hành động đủ nhanh để đối phó với một sự xâm phạm các phòng tuyến của chuỗi đảo này, các phòng tuyến gần đó có thể nhanh chóng đáp trả bằng cách tập trung hỏa lực tên lửa vào khu vực bị đe dọa.
Có lẽ điểm yếu nhất của chuỗi đảo thứ nhất là mạng lưới tác chiến của Mỹ – các hệ thống quan trọng có thể xử lý tất cả vấn đề từ chỉ đạo và theo dõi quân đội và tiếp tế cho đến điều khiển vũ khí. Mạng lưới này hiện nay chủ yếu dựa vào các vệ tinh và phương tiện bay không người lái (UAV) không tàng hình, cả hai đều có thể bị PLA nhắm làm mục tiêu. Cách tốt nhất để giảm bớt rủi ro sẽ là thiết lập một mạng lưới thông tin liên lạc bằng cáp quang được chôn dưới mặt đất và đáy biển dọc chuỗi đảo này, cho phép các lực lượng khác nhau tiếp nhận và truyền tải dữ liệu một cách an toàn từ các trung tâm chỉ huy kiên cố trên đất liền. Các lực lượng phòng không và phong tỏa biển được đặt trên đảo, cũng như là các bãi mìn chống tàu, có thể bảo vệ các đường dây cáp chạy giữa các hòn đảo.
Nghệ thuật của điều khả thi
Giống với bất kỳ khái niệm tác chiến nào, phòng thủ quần đảo cũng gặp phải những trở ngại. Hai trở ngại nổi bật nhất là tài chính và địa chính trị: phí tổn về sau và sự sẵn sàng hợp tác của các nước nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất. Nhưng bất chấp cái giá được đưa ra để có một tư thế mới, cộng đồng phòng thủ ở Mỹ đang bắt đầu nhận thấy rằng những sự cắt giảm được dự kiến hiện tại trong ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc không thích hợp với môi trường an ninh ngày càng nguy hiểm hiện nay. Ủy ban Quốc phòng, một nhóm chuyên gia quốc phòng của hai đảng của Mỹ, mới đây đã đề nghị Chính quyền Obama và Quốc hội Mỹ khôi phục chi tiêu quốc phòng ở mức dự kiến trong ngân sách ban đầu của Lầu Năm Góc cho năm tài khóa 2012. Việc thông qua khuyến nghị này sẽ làm tăng đáng kể các nguồn lực của Lầu Năm Góc trong thập kỷ tới.
Lầu Năm Góc cũng có thể đưa ra lập luận rằng việc đầu tư vào phòng thủ quần đảo có thể đem lại những lợi ích vượt ra ngoài Tây Thái Bình Dương. Chẳng hạn, cái gọi là khái niệm Tác chiến trên không-trên bộ, vốn được phát triển trong những năm 1970 và giúp ngăn chặn một cuộc tấn công của khối Warsaw vào NATO, đã thành công không chỉ ở Trung Âu; Mỹ và các đồng minh của nước này cũng đã dựa vào khái niệm này, dưới hình thức sửa đổi, trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991. Tương tự, Lầu Năm Góc có thể sử dụng nhiều năng lực liên quan đến phòng thủ quần đảo để bảo vệ các khu vực quan trọng khác, gồm cả các đồng minh và đối tác gần vùng Vịnh Persian và Biển Baltic.
Nếu Bộ Quốc phòng không thể đảm bảo những sự gia tăng trong ngân sách, bộ này vẫn có thể tạo ra những sự thay đổi để làm cho tư thế tổng thể của mình phù hợp hơn với môi trường an ninh hiện nay. Lấy một ví dụ, Lầu Năm Góc vẫn dành ra một số lượng đáng kể lực lượng mặt đất để bảo vệ Hàn Quốc trước một cuộc tấn công của Triều Tiên. Tuy nhiên, một cuộc xâm lược quy mô lớn là điều không thể xảy ra; mối đe dọa lớn hơn là Bình Nhưỡng có thể phát động một cuộc tấn công với các tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn hóa học. Trong bất kỳ trường hợp nào, Hàn Quốc có dân số lớn gấp đôi dân số của kẻ thù và thu nhập bình quân đầu người lớn gấp hơn 15 lần. Seoul có thể và nên gánh vác một phần gánh nặng phòng thủ lớn hơn trước một cuộc xâm lược trên bộ truyền thống.
Ngay cả với các nguồn lực thích hợp, việc phối hợp với một nhóm đồng minh và đối tác khu vực chắc chắn sẽ là một thách thức. Các lực lượng mặt đất của Mỹ sẽ phải đóng các vai trò khác nhau phụ thuộc vào nước này. Nhật Bản, với các năng lực đáng gờm của mình, có thể hỗ trợ cho tuyến phòng thủ trên bộ của nước này mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của Mỹ. Ngược lại, các lực lượng mặt đất của Mỹ có thể sẽ cần phải đảm nhận một vai trò to lớn hơn ở Philippines. Ở cả hai nước, một sự hiện diện lớn hơn của Mỹ ở trên bộ sẽ đem lại một mức độ đảm bảo mà các lực lượng không quân và hải quân, vốn có thể nhanh chóng rút lui, không thể đem lại. Trong khi đó, Đài Loan, do không có các mối quan hệ ngoại giao với Mỹ, sẽ phải hành động với hầu như không hoặc không có sự trợ giúp đỡ nào.
Một số nước, cụ thể là Nhật Bản và Việt Nam, đã cho thấy rằng họ nghiêm túc về việc triển khai dạng phòng tuyến mạnh mẽ sẽ cần thiết cho phòng thủ quần đảo. Các quốc gia khác nằm ngoài chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có Úc và Singapore, dường như có ý sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp về căn cứ và hậu cần. Nhưng chính bởi NATO cũng đã phải mất hơn một thập kỷ để thiết lập một sự răn đe thông thường đáng gờm đối với khối Warsaw, Mỹ và các đồng minh của mình không thể thiết lập phòng thủ quần đảo trong một sớm một chiều.
Hiện nay, việc cam kết thực hiện chiến lược này có lợi thế, đó là cho phép Washington và các bạn bè của mình dàn trải phí tổn triển khai các lực lượng như vậy theo thời gian. Trong khi đó, bởi sự cạnh tranh quân sự đang diễn ra của khu vực này, Mỹ và các đồng minh của mình dọc chuỗi đảo thứ nhất phải nỗ lực kiên trì, lâu dài để duy trì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Dĩ nhiên, phòng thủ quần đảo sẽ không đem lại nhiều hơn một thứ thuốc chữa bách bệnh chống lại mọi hình thức gây hấn của Trung Quốc so với sự răn đe thông thường của NATO đã giải quyết những vấn đề mà các cuộc chiến giải phóng dân tộc và tăng cường hạt nhân của Moskva đặt ra. Nhưng việc thiết lập một tư thế như vậy sẽ thể hiện bước đi đầu tiên cần thiết và đã quá chậm từ lâu trong việc đối trọng với các tham vọng theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.
Theo Nghiên Cứu Biển Đông
Việt Nam cần làm gì để hóa giải 'Lời nguyền địa lý'?
Tất cả các cường quốc quan trọng của thế giới đều có lợi ích ở Việt Nam, bất kỳ nước nào có ý đồ "o ép" Việt Nam đều sẽ phải tính đến các hệ lụy mang tính hệ thống và phản ứng của các cường quốc khác.
2014 là một năm đầy thử thách với ngoại giao Việt Nam. Tháng 5, Bắc Kinh bất ngờ hạ đặt giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 và triển khai hơn một trăm tàu đủ loại để bảo vệ trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng lúc đó, các lực lượng Trung Quốc tiến hành một chiến dịch bồi đắp quy mô lớn để xây dựng 6 đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa để xây dựng các cơ sở hậu cần và đường băng dã chiến. Dù cho Việt Nam đã xử lý khéo léo, thành công khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981, nhưng sức mạnh ngày càng tăng và sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trên Biển Đông buộc các nhà hoạch định, các chiến lược gia của Việt Nam tiếp tục suy ngẫm và tranh luận về cục diện an ninh mới ở khu vực và đối sách của Việt Nam trước mắt và trong trung hạn.
Các câu hỏi cụ thể hơn về mặt chính sách là: Liệu đã đến lúc Việt Nam cần tìm đối tác an ninh mới, hoặc Việt Nam nên xem xét lại chính sách "ba không" để bảo vệ lợi ích của mình trên biển Đông trước sự xâm lấn của người láng giềng phương Bắc? Trong khi chia sẻ với nhận định của nhiều nhà phân tích về cục diện địa chính trị mới ở khu vực, tác giả cho rằng chính trị liên minh (ở các cấp độ khác nhau) không phải là một lựa chọn thích hợp cho Việt Nam tại thời điểm này. Tiếp tục hội nhập theo hướng nâng cao tự lực, tự cường và cân bằng lợi ích của các nước lớn ở Việt Nam là con đường tốt nhất để hóa giải lời nguyền địa chính trị đi liền với dân tộc hàng ngàn năm qua. Qua bài viết, tác giả muốn nêu lên một vài suy nghĩ cá nhân để tất cả mọi người cùng tham khảo và tranh luận.
Lời nguyền Địa lý
Địa lý là một trong những nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chính trị quốc tế của Việt Nam từ thủa dựng nước đến nay. Luận điểm này bắt đầu từ nhận định đầu tiên là các quốc gia không thể lựa chọn được láng giềng. Cụ thể hơn, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á "núi liền núi, sông liền sông", kể cả biển liền biển với Trung Quốc. Với vị trí án ngữ con đường nam tiến cả trên bộ lẫn trên biển của Trung Quốc, Việt Nam thường là đối tượng đầu tiên mà các hoàng đế Trung Hoa muốn chinh phạt. Như nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận xét, "Việt Nam từ hàng ngàn năm qua đã gánh trên vai mình sức nặng của Trung Quốc, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng." Trong thời phong kiến, Trung Quốc là mối đe dọa thường trực với Việt Nam. Không có sự hỗ trợ nào khác ngoài từ bên ngoài, cha ông ta buộc phải vận dụng kế sách "trong đế, ngoài vương", chấp nhận "sống chung với lũ" để bảo vệ mảnh đất tổ tiên truyền lại và giữ gìn bản sắc dân tộc trước các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Đến kỷ nguyên công nghiệp hóa, khi các thương thuyền và chiến thuyền của Châu Âu có thể vươn tới mọi ngõ ngách của địa cầu trong một thời gian ngắn, Việt Nam trở thành đối tượng để nhòm ngó của thực dân phương Tây. Ban đầu, các các cường quốc châu Âu quan tâm đến tài nguyên thiên nhiên. Sau đó, vị trí chiến lược của Việt Nam ở giao lộ từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á, từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng. Lực kéo và đẩy trong hệ thống quốc tế biến Việt Nam trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và giữa hai phe XHCN và TBCN. Vướng trong bàn cờ thế đó cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước trước thực dân Phương Tây của Việt Nam trở nên phức tạp, gay go, và kéo dài gần 30 năm.
Ngay cả khi Việt Nam đánh đuổi được ba cường quốc Nhật, Pháp và Mỹ, chiến thắng không mang lại sự đảm bảo về an ninh. Sau 1975, quan hệ Việt - Trung và Việt - Campuchia xấu đi và Việt Nam bị đe dọa, uy hiếp trên ba mặt: biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và trên Biển Đông. Nguyên nhân cơ bản là do Trung Quốc không chấp nhận vị thế mới của Việt Nam ở Đông Dương, và ngược lại Hà Nội không chấp nhận sự áp đặt từ phía Bắc Kinh. Trong lúc đó, Liên Xô mong muốn mở rộng ảnh hưởng Đông Nam Á, tìm kiếm một chỗ đứng chân để theo dõi các diễn biến ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tình thế đó đẩy Việt Nam đi đến liên minh với Liên Xô để kiềm chế Trung Quốc. Kết quả là Việt Nam dấn sâu vào chiến tranh ở Campuchia và xung đột với Trung Quốc kéo dài hơn một thập kỷ.
Lịch sử cho thấy, với vị trí địa lý nhạy cảm, Việt Nam rất dễ trở thành vật cản trên con đường nước khác mở rộng ảnh hưởng, hay bàn đạp để các nước lớn kiềm chế lẫn nhau. Điều đó có nghĩa là Việt Nam là một "cô gái" hấp dẫn, nhưng cần phải hiểu là sự hấp dẫn không đến chỉ từ vẻ đẹp "cô gái", mà phần nhiều là do "nhà" của cô gái ở vị trí trọng yếu trong cuộc so găng giữa những "gã to con" đang hằm hè nhau nhằm chiếm vai trò bá chủ.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cục diện địa chiến lược mới ở khu vực
Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991. Cùng lúc đó, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN để phá thế o ép của các nước phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn. Thế đứng chân của Mỹ ở khu vực suy yếu với việc rút khỏi hai căn cứ quân sự Clark và Subic ở Philippines dưới sức ép chính trị nội bộ mạnh mẽ ở nước này sau Chiến tranh Lạnh. Trong thập niên 1990 và nửa đầu thập niên 2000, Trung Quốc cần hòa bình và ổn định để tập trung phát triển, nên thực thi một chiến lược ngoại giao tương đối ôn hòa với các nước ASEAN. Dù cho có tham vọng ở Biển Đông, Bắc Kinh tìm cách "xâm lấn từ từ", tránh tạo ra các bất ổn phá vỡ mối quan hệ với ASEAN và thúc đẩy Mỹ quay trở lại khu vực. Thử nghiệm đáng kể nhất của Trung Quốc ở Biển Đông là việc xâm chiếm bãi ngầm Vàng Khăn từ cuối năm 1994, nhưng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Philippines và các nước ASEAN. Trước sự nghi ngại ngày càng tăng của ASEAN và khả năng Mỹ tái can dự ở khu vực, Trung Quốc tạm lùi một bước, chấp nhận thảo luận đa phương với ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường sử dụng các công cụ ngoại giao, kinh tế để tăng cường ảnh hưởng trong ASEAN. Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc cũng có bước phát triển thực chất, đặc biệt là việc ký kết hai hiệp định phân định biên giới trên bộ (1999) và ranh giới biển trong Vịnh Bắc Bộ (2000).
Từ 2006, Trung Quốc bắt đầu âm thầm tăng cường các biện pháp cưỡng chế (coercive) để tăng cường kiểm soát Biển Đông. Trung Quốc tăng cường đóng mới, cải hoán các tàu quân sự thành các tàu thực thi pháp luật, được sử dụng bởi lực lượng kiểm ngư và hải giám, để trấn áp các tàu đánh cá của các nước và hỗ trợ tàu cá của nước này hoạt động trong phạm vi đường lưỡi bò trên Biển Đông. Cũng từ 2006, chính quyền Trung Quốc cho triển khai chương trình "tuần tra bảo vệ quyền lợi biển", tăng cường sử dụng các tàu bán vũ trang, tàu dân sự dưới sự yểm trợ của lực lượng hải quân Trung Quốc để áp đặt kiểm soát trên biển. Từ 2007, có dấu hiệu các tàu kiểm ngư, hải giám Trung Quốc chủ động va chạm để xua đuổi tàu cá và tàu chấp pháp của các nước khác. Cùng lúc đó, Trung Quốc bắt đầu đe dọa trừng phạt kinh tế với các tập đoàn dầu lửa quốc tế hợp tác với PetroVietnam để thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Sau Olympic Bắc Kinh giữa năm 2008, các lực lượng của Trung Quốc hoạt động mạnh hơn, quyết liệt hơn và công khai hơn. Đầu 2009, các tàu tuần duyên và tàu cá của Trung Quốc tìm cách xua đuổi tàu do thám Impeccable của Mỹ, hoạt động gần đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược. Bên cạnh đó, nhiều tàu cá của Việt Nam cũng bị đâm chìm, bắt giữ và làm hư hỏng phương tiện. Tháng 5/2009, phản ứng lại báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia, cũng như báo cáo riêng của Việt Nam, Bắc Kinh công khai yêu sách đường lưỡi bò trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc. Năm 2010, Trung Quốc chủ động leo thang căng thẳng, áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản sau vụ lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản bắt giữ tàu cá của Trung Quốc. Năm 2011, các lực lượng của Trung Quốc hai lần tiến hành cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam. Năm 2012, họ đột ngột khoanh vùng, chiếm đóng bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Shoal) và bao vây bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gây lên cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Bắc Kinh và Manila. Năm 2013, quan hệ Trung Nhật căng thẳng trở lại khi Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo Senkaku (còn gọi là Diaoyu theo tiếng Trung). Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời triển khai mạnh mẽ việc bồi đắp, xây dựng cảc đảo nhân tạo tại các điểm Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa.
Sự vươn ra mạnh mẽ, quyết liệt của Trung Quốc trên biển từ 2006 đến nay không chỉ đơn thuần do nhu cầu về tài nguyên mà chủ yếu là tham vọng địa chính trị của chính quyền Bắc Kinh. Về kinh tế, năm 2008, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Năm 2014, Trung Quốc vượt Mỹ theo chỉ số GDP về sức mua. Về quân sự, trong suốt thập niên 2000, mặc dù khu vực tương đối hòa bình và ổn định, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng. Năm 2008, báo chí thế giới tiết lộ thông tin Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm chiến lược quy mô lớn ở đảo Hải Nam. Cùng lúc đó, chiến lược "Hải dương xanh" dần được hiện thực hóa với việc Hải quân Trung Quốc mua lại một tàu sân bay cũ từ Ukraina để thử nghiệm. Lãnh đạo Trung Quốc, từ Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình, nhiều lần thể hiện rõ mong muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc biển, và vươn ra khống chế đại dương.
Cũng trong thời gian này, vị thế của Mỹ suy yếu một cách tương đối ở Thái Bình Dương. Từ 2001, Mỹ sa lầy vào hai cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq, ít chú ý hơn đến Châu Á-Thái Bình Dương. Quan chức cao cấp của Mỹ đã từng bỏ qua một số hội nghị quan trọng trong khuôn khổ của ASEAN. Việc Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Mỹ cho thấy mức độ tùy thuộc cao giữa hai nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế Mỹ suy yếu, đặc biệt dẫn đến hệ quả ngân sách bị thu hẹp. Khi tương quan lực lượng thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh tỏ ra tự tin hơn, mạnh bạo hơn khi đòi hỏi vai trò lớn hơn ở khu vực. Các quan chức quân sự Trung Quốc thẳng thừng đề nghị Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Không khác với các cường quốc khác khi trỗi dậy trong lịch sử, Bắc Kinh bắt đầu theo đuổi học thuyết "Monroe" với màu sắc của Trung Quốc, tìm cách xây dựng các khu vực ảnh hưởng, tìm cách từng bước đẩy lùi Mỹ ra khỏi khu vực.
Thực tế đó dẫn đến cạnh tranh địa chính trị ở khu vực ngày càng tăng. Một bên, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn thách thức sự hiện diện của Mỹ ở khu vực đồng thời o ép các quốc gia vừa và nhỏ khác. Nói một cách khác, Trung Quốc tìm cách làm suy yếu dần trật tự Mỹ lãnh đạo được thiết lập từ sau Thế Chiến II đến nay. Phía bên kia, Mỹ triển khai chiến lược "xoay trục" (pivot) hay "tái cân bằng", củng cố các liên minh, tăng cường can dự và lôi kéo các nước vừa và nhỏ, để duy trì vai trò của mình ở khu vực. Ở cấp độ thứ hai, các cường quốc hạng hai như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc cũng tăng cường hợp tác với nhau để giảm thiểu các áp lực từ phía Trung Quốc, trong khi hạn chế tối thiểu sức ép từ Mỹ, buộc họ phải lựa chọn một trong hai bên.
Nguy cơ an ninh với Việt Nam
Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ở khu vực đặt Việt Nam trước hai nguy cơ địa chính trị. Nguy cơ thứ nhất đến từ Trung Quốc thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất, khi Trung Quốc mạnh lên, chuyển chính sách từ "giấu mình chờ thời" sang cạnh tranh trực diện với Mỹ, nước này sẽ ít nhạy cảm và quan tâm với các quan ngại an ninh của Việt Nam. Điều đó thể hiện ở nhiều khía cạnh. Ví dụ, Trung Quốc có cách tiếp cận cứng rắn hơn với vấn đề chủ quyền, biển đảo. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang Việt Nam thưa dần khi Trung Quốc mạnh lên. Dấu hiệu thứ ba là lời lẽ giao thiệp của các quan chức, báo chí Trung Quốc cũng thiếu trọng thị, mà trở nên trịnh thượng, ngạo mạn và mang tính áp đặt hơn, gây kích động tinh thần dân tộc ở Việt Nam. Nếu hai nước không xử lý mối quan hệ bất đối xứng (asymmetry) một cách hợp lý, nó sẽ tạo ra những nhận thức sai lầm (misperception) ở hai nước về động cơ chiến lược của nhau, từ đó làm suy giảm lòng tin và xói mòn hợp tác. Cần phải thấy rằng, đây không chỉ là nguy cơ với Việt Nam, mà với hầu hết các láng giềng của Trung Quốc muốn theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, tự cường. Thứ hai, mục tiêu của Trung Quốc thiết lập một trật tự bá quyền mới ở khu vực mâu thuẫn với lợi ích chiến lược của Việt Nam và các quốc gia vừa và nhỏ khác.
Hai yếu tố này cộng hưởng làm các tranh chấp ở Biển Đông gần đây trở nên nóng bất thường, phức tạp hơn, và khó lường hơn. Về dài hạn, cần nhận thấy, quan tâm của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ đơn thuần là mở rộng lãnh thổ, tận thu tài nguyên vì mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn cả kiểm soát một vùng biển có ý nghĩa chiến lược với Đông Nam Á và các cường quốc như Mỹ, Nhật, Úc. Nói một cách khác, đây là địa bàn trọng điểm trong "bàn cờ lớn" của Trung Quốc để khống chế các nước Đông Á và làm suy yếu vai trò của Mỹ. Biển Đông là tuyến đường huyết mạch từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương và ngược lại. Hơn nửa số tàu vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa của thế giới đi qua vùng biển này hàng năm (gấp 3 lần kênh đào Suez và 5 lần kênh đào Panama). Về mặt chiến lược, vùng biển nửa kín như Biển Đông có ý nghĩa như các điểm nghẽn (choke points). Nếu Trung Quốc kiểm soát được các điểm nghẽn này có nghĩa Bắc Kinh đã nắm được yết hầu, hay có khả năng cắt đứt huyết mạch thương mại của tất cả các nước trong vùng, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á, từ đó ép các nước này bớt phù thịnh (bandwagoning) với Mỹ. Trong quá khứ, do tầm hoạt động của vũ khí ngắn hơn, Trung Quốc không thể nào kiểm soát được một phạm vi rộng lớn như ở Biển Đông, điểm nghẽn như eo Malacca có vị thế chiến lược không thể thay thế. Ngày ngay, với tầm bắn của các loại tên lửa, tầm hoạt động của các chiến hạm vươn ra xa hơn, việc theo dõi hoạt động và tấn công các tàu thương mại đi qua vùng biển từ các hệ thống vũ khí trên mặt đất, trên tàu chiến, hoặc trên không này là hoàn toàn có thể.
Tất nhiên, cần phải thấy đây là chiến lược mang tính dài hơi, và thực hiện theo nhiều giai đoạn, và các động thái sẽ phụ thuộc nhiều vào tình huống. Dù sao, những diễn biến trên biển Đông cho thấy Trung Quốc đang từng bước, chậm mà chắc, có chuẩn bị, cân nhắc kỹ lưỡng để thiết lập các mắt xích để tăng cường khả năng triển khai sức mạnh (project of power) trên biển Đông. Chuỗi căn cứ của Trung Quốc trải dài từ Hải Nam đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa (Woody Island), và đảo nhân tạo trên Bãi Chữ Thập (Fiery Cross Reef) của Trường Sa. Các học giả quốc tế cho rằng các căn cứ ít có ý nghĩa về mặt quân sự ngoại trừ khả năng do thám và tình báo vì dễ bị tiêu diệt (trơ trọi và thiếu các hỏa lực bảo vệ). Tất nhiên, đó là trong trường hợp xảy ra chiến tranh trực diện. Các cơ sở đó không phải là các cứ điểm phục vụ chiến tranh (vì nó rất dễ bị tấn công, phá hủy), mà chủ yếu để tăng cường khả năng hậu cần vì mục đích bao vây, kiểm soát, răn đe với các nước quanh Biển Đông hơn là các cường quốc như Mỹ, Nhật. Với khả năng tiếp tế và tiếp vận ngay trên biển, các tàu và máy bay của Trung Quốc có thể hoạt động dài ngày hơn, phạm vi rộng hơn để cản phá tàu thuyền của các quốc gia khác. Trong tương lai, khi các cơ sở này hoàn thiện, Trung Quốc có nhiều lợi thế để tiến hành xâm chiếm các bãi cạn không người, hoặc bao vây các cứ điểm của các nước Đông Nam Á (bằng các lực lượng dân sự trên tuyến đầu, và hải quân bảo vệ ở phía sau) ở Biển Đông một cách dễ dàng, mà không nhất thiết phải gây chiến. Ở chiến thuật này, ai có khả năng tiếp vận tốt hơn, duy trì lâu hơn, kịp thời hơn sẽ buộc đối phương phải lùi bước.
Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, Biển Đông không phải là mục tiêu cuối cùng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mà chỉ là một công cụ để Trung Quốc làm suy giảm vai trò và uy tín của Mỹ và khống chế Đông Á. Điều đó lý giải tại sao, dù hoàn toàn có thể, Trung Quốc không giải quyết triệt để các tranh chấp ở đây, mà cùng không xâm chiếm toàn bộ. Vì cả hai kịch bản đó đều làm Trung Quốc mất con bài để can thiệp vào các nước ASEAN, hoặc là làm cho các nước này lo ngại chạy về phía Mỹ. Các chiến thuật dựa vào sức mạnh quá rủi ro, nếu triển khai một cách cấp tập. Chính vì thế, Bắc Kinh đã và đang triển khai các đòn bẩy kinh tế và chính trị khác để gắn các nước khu vực chặt hơn vào Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ không vội vàng, mà từ từ "siết thòng lọng". Tuy nhiên, cũng không nên thổi phồng lý thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Dù các nhà lãnh đạo Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông và thiết lập bá quyền ở khu vực, nhưng không phải cứ muốn là được. Có quá nhiều trở ngại để Trung Quốc theo đuổi mục tiêu trên, đặc biệt những yếu kém trong nội bộ Trung Quốc và sự phản đối của các nước khu vực và các cường quốc bên ngoài. Nhưng, Trung Quốc "đáng sợ" (hay "đáng nể") bởi họ tính toàn dài hạn, triển khai nhất quán, và có tính toán trên các thời điểm và tình huống cụ thể, đi các bước nhỏ nhưng chắc chắn trong khi các nước khác phản ứng mang tính tình thế.
Nguy cơ thứ hai là dễ rơi vào vòng xoáy của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trung Quốc đã và đang tăng cường sử dụng các đòn bẩy chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Mặt khác, Mỹ cũng chủ động lôi kéo Việt Nam và các nước khác để ngăn chặn Trung Quốc (containment). Từ 2009 trở lại đây, chính quyền Mỹ thức tỉnh trước mối nguy từ Trung Quốc nên triển khai chính sách "xoay trục" hay "tái cân bằng" nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực. Chính sách xoay trục của Mỹ tương đối toàn diện, triển khai trên nhiều mặt. Ở góc độ quân sự, Mỹ dần chuyển trọng tâm phân bổ lực lượng từ Đại Tây Dươgn sang Thái Bình Dương với mục tiêu triển khai 60% lực lượng hải quân, không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương vào 2020. Về kinh tế, chính quyền Obama thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Về ngoại giao, Mỹ quan tâm hơn đến ASEAN và chú trọng các hoạt động ngoại giao đa phương do ASEAN dẫn dắt. Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt - Mỹ phát triển nhanh chóng với việc Mỹ tăng cường hỗ trợ Việt Nam với mong muốn Việt Nam mạnh sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực, khi các siêu cường tăng cường cạnh tranh quyền lực, các nước nhỏ như Việt Nam rất khó để giữ chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng.
Chính trị Liên minh và Rủi ro
Trước các động thái gần đây của Trung Quốc, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên theo tìm mọi cách "thoát Trung", từ bỏ chính sách quốc phòng "ba không"[2] để theo đổi chính trị liên minh để kiềm chế mối đe dọa Trung Quốc, hoặc sử dụng các công cụ pháp lý để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khuôn khổ bài phân tích này, liên minh được định nghĩa theo nghĩa rộng như là liên kết chính thức hoặc bán chính thức giữa các quốc gia (về quân sự, chính trị, ngoại giao và pháp lý) để đối phó với mối đe dọa chung từ các quốc gia bên ngoài liên minh. Liên minh chỉ hình thành với đối tượng, mục đích, mục tiêu cụ thể (ngăn chặn mối đe dọa) và với các cam kết dài hạn, rõ ràng về nghĩa vụ tương hỗ trong các tình huống cụ thể. Theo nghĩa này, liên minh có nhiều nấc, từ liên minh quân sự, liên minh chính trị-ngoại giao, hay liên minh pháp lý để kiềm chế, chống lại một quốc gia hay một mối đe dọa cụ thể . Tác giả cho rằng, dù rằng đó là một lựa chọn để ngỏ, theo đuổi chính trị liên minh là quá sớm (premature), chi phí quá cao (costly), và rủi ro lớn (highly risky).
Thứ nhất, liên minh chỉ hình thành khi một quốc gia xác định quốc gia khác là mối đe dọa trực tiếp và hiện hữu (threat). Theo lý thuyết của Stephen Walt, việc xác định liên minh dựa trên bốn yếu tố của quốc gia là mối đe dọa tiềm năng: (1) sức mạnh tổng hợp (aggregate strength); (2) sức mạnh tấn công (offensive power); (3) sự gần gũi về địa lý (geographical proximity); (4) chủ ý hiếu chiến của lãnh đạo (aggressive intents). Trong con mắt của Việt Nam, ba yếu tố đầu tiên đã rõ, nhưng yếu tố thứ tư là khó đoán định nhất. Trên thực tế, mâu thuẫn lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là ở Biển Đông, trong khi quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực tương đối ổn thỏa. Các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông mang tính chất gặm nhấm, cơ hội, thử phản ứng hơn là sẵn sàng dùng bạo lực (trực tiếp sử dụng quân sự ở quy mô lớn) để đánh chiếm các đảo do các nước khác kiểm soát. Nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc vẫn ngại phản ứng ASEAN và các nước lớn khác. Với yếu tố đó, có thể coi Trung Quốc là mối nguy cơ tiềm tàng, lâu dài hơn là mối đe dọa hiện hữu và trực diện.
Thứ hai, chi phí cho liên minh quá cao dưới dạng Việt Nam sẽ phải từ bỏ sự độc lập về chính trị và chiến lược để phối hợp chính sách an ninh quốc phòng với các nước đồng minh. Để đáp lại các hỗ trợ, Việt Nam chấp nhận các chi phí, nghĩa vụ trong các hoạt động, chiến dịch chung, biến các lực lượng khác (dù trước đó ít liên quan, hoặc thậm chí là đối tác) thành kẻ thù. Liên minh là mối quan hệ hai chiều, không đơn giản là mối quan hệ của một bên bảo trợ, giúp đỡ, và một bên chỉ hưởng lợi. Cụ thể với Việt Nam, một trong những chi phí đắt đỏ nhất của liên minh chống Trung Quốc sẽ làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với nhiều nước ASEAN.
Tất cả hình thức liên minh để hướng vào Trung Quốc đều có rủi ro làm suy giảm lòng tin, làm sứt mẻ quan hệ với Trung Quốc, đặt Trung Quốc vào thế đối đầu. Để liên minh vận hành, các đồng minh phải có các cơ chế tham vấn trực tiếp, cụ thể để trao đổi thông tin, bàn cách chuẩn bị và đối phó với các tình huống mới. Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải là thành viên của cơ chế kín đó. Trước việc tập hợp lực lượng đó, Trung Quốc phải tìm cách đối phó, trả đũa nhằm vào Việt Nam đầu tiên (cũng là mắt xích yếu nhất trong liên minh). Biển Đông không phải là toàn bộ mối quan hệ Việt - Trung, vì thế chính sách của Việt Nam nên là lưỡi dao nhỏ, sắc để phẫu thuật đúng, trúng chỗ u nhọt, mà không cắt nhầm các bộ phận lành mạnh khác. Cái mà Việt Nam hướng để không phải là bao vây, chống lại Trung Quốc, mà là kiên quyết ngăn chặn, phản đối, đẩy lùi một số hành vi, ứng xử trái với luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh bằng nhiều cách khác nhau của chính quyền Bắc Kinh và các lực lượng Trung Quốc muốn tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Thứ ba, ngay cả khi hiệp ước liên minh (formal treaty) hình thành, đó không phải là sự bảo đảm đồng minh sẽ can thiệp khi khủng hoảng nổ ra. Một khi quốc gia A trong liên minh bị quốc gia C tấn công, đồng minh B có hai lựa chọn: một là bỏ rơi đồng minh (abandonment), hai là buộc phải can dự (entrapment). Quyết định bỏ rơi hay can dự phụ thuộc rất lớn vào 3 nhân tố: nguyên nhân của khủng hoảng và lợi ích của bên B với vấn đề tranh chấp giữa bên A và bên C, mức độ song trùng (chia sẻ) lợi ích giữa quốc gia A và quốc gia B, cũng như song trùng lợi ích giữa quốc gia B và quốc gia C. Nếu song trùng lợi ích giữa quốc gia B và quốc gia C lớn, trong khi song trùng lợi ích giữa quốc gia B và quốc gia A nhỏ, nhiều khả năng quốc gia B sẽ hi sinh lợi ích của quốc gia A để tránh đối đầu trực tiếp với quốc gia C. Bên cạnh đó, còn có các nhân tố chính trị nội bộ khó lường trong quốc gia B, ảnh hưởng đến quyết định đối ngoại của nước này. Cũng có lập luận cho rằng, quốc gia B vì muốn duy trì uy tín với đồng minh sẽ quyết định can dự. Nhưng trong lịch sử, có không ít trường hợp các nước lớn bỏ rơi đồng minh, và Việt Nam cũng đã có những bài học thực tế. Vì thế, để chuẩn bị cho các khả năng liên minh trong tương lai để đối phó với các bất trắc, cần xây dựng các nền tảng quan hệ cần thiết với các đồng minh tiềm năng từ bây giờ.
Quay lại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích tối cao là duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực. Chiến lược xoay trục của Mỹ không vì mục đích nào khác ngoài việc đối phó với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Ở Biển Đông, Mỹ muốn duy trì trật tự do Mỹ thiết lập, đặc biệt là tự do đi lại, quyền tiếp cận với các địa bàn trọng yếu, và tuân thủ các Công ước Luật Biển, trong khi Trung Quốc với tư cách là cường quốc đang trỗi dậy, tìm cách thách thức trật tự đó, hạn chế khả năng tự do hành động của các lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, bản thân Mỹ không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế đan xen và Mỹ cần Trung Quốc để giải quyết các vấn đề an ninh lớn hơn như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ở Iran, cuộc chiến chống IS ... Tác giả cho rằng Mỹ ít có khả năng can thiệp quân sự nếu Trung Quốc xâm lấn từ từ, từng bước thay đổi nguyên trạng mà không ảnh hưởng lâu dài đến tự do hàng hải. Mỹ sẽ không muốn dính liứ quân sự trực tiếp, nhưng sẽ tìm cách cung cấp, hỗ trợ cho các nước ở khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, chống lại sức ép từ phía Trung Quốc. Bằng cách này, Mỹ có thể kiềm chế, làm suy yếu Trung Quốc với chi phí thấp nhất.
Cần phải nhắc lại, tranh chấp Biển Đông có nhiều tầng nấc, không chỉ đơn thuần là tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á về lãnh thổ và ranh giới biển, là một phần trong cuộc tranh đấu giữa cường quốc đang lên là Trung Quốc và cường quốc đang suy yếu (Mỹ) về trật tự khu vực. Việt Nam và đa số các nước ASEAN, cũng như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc đều có lợi ích chung trong việc duy trì trật tự hiện hữu (hay giữ nguyên trạng ở Biển Đông và tuân thủ UNCLOS), cơ bản là coi UNCLOS là hiến pháp của thế giới về biển cả. Trung Quốc rõ ràng không muốn bị gò bó bởi UNCLOS. Thực tế cho thấy không có một nước nào sẵn sàng là kẻ đi đầu, phản đối yêu sách và các hành động phi lý của Trung Quốc khi Trung Quốc chưa đụng chạm đến quyền lợi của họ. Trong một thời gian dài, Mỹ, Nhật, Úc đều theo đuổi lập trường trung lập, tránh bình luận về các yêu sách ở Biển Đông, kể cả đường lưỡi bò. Gần đây, do Trung Quốc triển khai quá mạnh mẽ, Mỹ cực chẳng đã, đã dần thay đổi lập trường về các yêu sách biển của Trung Quốc, đặc biệt là kêu gọi Trung Quốc điều chỉnh yêu sách đường lưỡi bò theo UNCLOS. Các nước khác cơ bản đều kêu gọi chung chung là tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, nhưng tránh đề cập trực tiếp tới đường lưỡi bò, có lẽ vì ngại Trung Quốc. Một cách tế nhị, họ ủng hộ Việt Nam và Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về Luật biển. Tuy nhiên, tất cả đều hiểu rằng,Việt Nam hay Philippines kiện Trung Quốc sẽ không làm nước này lùi bước (dù cho phán quyết của tòa án có bất lợi cho Trung Quốc), mà ngược lại sẽ khiến Bắc Kinh trả đũa, trừng phạt hai nước này. Vô hình chung, có kỳ vọng Việt Nam, sẽ làm giống như Philippines, "dơ đầu chịu báng", "đứng mũi chịu sào" để bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS. Trong câu chuyện này, ai là người tiên phong chấp nhận rui ro, thiệt thòi phần hơn (cũng như chú chuột đi lĩnh nhiệm vụ đi đeo chuông vào cổ mèo) và ai sẽ là người đi sau, ngư ông đắc lợi, chắc mọi người đều rõ.
Đứng trước cục diện địa chính trị mới ở khu vực, Việt Nam cần hết sức cẩn trọng để tránh biến mình thành quân tốt trên bàn cờ địa chính trị của các cường quốc. Điều này không có hàm ý là Việt Nam không nên kiện Trung Quốc. Kiện là một lựa chọn để bỏ ngỏ khi các biện pháp chính trị và ngoại giao không còn hữu hiệu. Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị hết sức kỹ không chỉ hồ sơ pháp lý, mà cả dư luận chính trị hỗ trợ cũng như các cơ sở kinh tế, quân sự, đảm bảo Việt Nam có đủ khả năng để đối phó với các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc. Một lần nữa, lời nguyền địa lý lại linh ứng và dân tộc Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn bị kéo vào dòng xoáy địa chính trị do các nước lớn tạo ra. Tình thế này đòi hỏi các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam phải có tư duy sáng tạo và đột phá để thoát khỏi lời nguyền địa lý đi liền với dân tộc hàng nghìn năm qua.
Cân bằng Lợi ích và Hội nhập để hóa giải Lời nguyền Địa lý
Rõ ràng, tìm kiếm liên minh đối trọng không phải là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam hiện nay. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn loại bỏ lựa chọn này khỏi thực đơn của mình. Liên minh hình thành trong một số điều kiện, tình huống khủng hoảng cụ thể khi Việt Nam đối mặt với đe dọa bị tấn công quân sự. Nhưng, như đã phân tích ở phần trên, chính trị liên minh luôn cần có nền tảng vững chắc, khả năng chấp chi phí cao, rủi ro lớn. Ở chiều ngược lại, chính sách phù thịnh (bandwagoning), nghĩa là liên kết với cường quốc đang trỗi dậy (cũng là mối đe dọa tiềm tàng) để tìm kiếm sự bảo vệ và hưởng lợi, cũng không còn hữu hiệu. Chính sách vươn lên siêu cường của Trung Quốc thời gian qua cho thấy họ tìm kiếm sự thần phục hơn là tìm kiếm đồng minh. Để hóa giải lời nguyền địa chính trị, Việt Nam không cách nào khác phải thoát khỏi cách tiếp cận truyền thống về chính trị và địa lý. Theo quan điểm của tác giả, đối ngoại Việt Nam cần xoay quanh hai trụ cột sau:
Thứ nhất, cốt lõi của đối ngoại Việt Nam phải là tạo thế cân bằng về lợi ích giữa các nước lớn ở Việt Nam (thay vì cân bằng quyền lực). Cân bằng lợi ích ở đây có nghĩa là phải tôn trọng các lợi ích chiến lược của các nước lớn, tránh biến ta thành kẻ thù của họ. Ở góc độ này, tiếp tục chính sách quốc phòng độc lập "ba không" là cần thiết, để tránh biến Việt Nam thành bàn đạp để các nước lớn khác bao vây, đe dọa Trung Quốc. Cũng như các nước khác, Trung Quốc cũng có các quan ngại chính đáng về an ninh, trong đó muốn có một vành đai an ninh an toàn và Việt Nam nên tôn trọng lợi ích đó. Tuy nhiên, cần có điều chỉnh nhỏ, là phải công khai cho Trung Quốc thấy, chính sách "ba không" là có điều kiện, gắn với việc Trung Quốc phải tôn trọng các lợi ích căn bản của Việt Nam. Việt Nam cũng tôn trọng lợi ích căn bản của Mỹ và các cường quốc khác liên quan đến tự do đi lại trên biển và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như cứu hộ, cứu nạn, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt... Từ góc độ này, Việt Nam có thể (và nên) đẩy mạnh hợp tác với các cường quốc trên tất cả các góc độ, trừ việc sử dụng lãnh thổ Việt Nam vì mục đích bao vây, đe dọa quân sự các quốc gia khác. Bằng chính sách cân bằng lợi ích, Việt Nam sẽ khuyến khích các nước lớn hợp tác tích cực với Việt Nam.
Riêng về Biển Đông, cần có chuẩn bị cho lâu dài, đặc biệt là xây dựng các khả năng phòng vệ bờ biển, vùng biển, và các đảo, để ứng phó với các tình huống xấu. Trước các hành động lấn tới, uy hiếp của Trung Quốc, cần phản ứng kiên quyết nhưng thận trọng, công khai và kiên quyết bởi việc hình thành các liên minh ngầm sẽ chỉ làm xấu đi tình hình trong khi sự nhẫn nhịn chỉ làm cho đối phương lấn tới. Điều này không đồng nghĩa với luận điểm của Bắc Kinh hay dùng là "lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng" để buộc Việt Nam phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước các hành vi sai trái của Trung Quốc. Trước các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, Việt Nam phải bản lĩnh, phản đối công khai, rộng rãi vận động dư luận quốc tế và sự ủng hộ của các nước, và kiên quyết không lùi bước. Cần làm rõ với Trung Quốc là Việt Nam không đồng tình, kiên quyết với hành động sai trái của Trung Quốc không có nghĩa là chống Trung Quốc. Đó cũng là vì "đại cục quan hệ lâu dài" của hai nước. Trong thời gian đó, tiếp tục chủ động tăng cường trao đổi với các nước liên quan để duy trì hòa bình, ổn định, tích cực cùng ASEAN để tìm các biện pháp quản lý tranh chấp, và kiên trì đối thoại với Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp lâu dài, ổn thỏa cho các tranh chấp. Đó cũng là biện pháp để đảm bảo cân bằng lợi ích của các nước ở Biển Đông.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập để phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam cũng như để tăng cường lợi ích của các nước lớn ở Việt Nam, tránh bị lệ thuộc vào bất kì một nước lớn, hay một khối nước nào. Hội nhập ở đây theo nghĩa biến Việt Nam thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống chính trị và kinh tế quốc tế và đẩy mạnh hợp tác cả về chiều rộng và chiều sâu với các nước trên thế giới.. Cụ thể hơn là hạ thấp, tiến tới xóa bỏ các hàng rao để tăng cường trao đổi, chấp nhận các cạnh tranh công bằng trên cơ sở các chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi, và tích cực tham gia xây dựng các thể chế, luật chơi quốc tế. Hội nhập không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà trên cả chính trị, an ninh, và quân sự. Theo cách hiểu trên, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị ngày 10/4/2013 là một bước đi đúng đắn và cần thiết, nhằm đưa ra các chỉ đạo và định hướng thống nhất cho qúa trình hội nhập.
Hội nhập là bước đi quan trọng để xóa bỏ các ranh giới địa lý truyền thống có thiên hướng kéo Việt Nam vào các vận động địa chính trị trên thế giới. Việc Việt Nam chủ động và có trách nhiệm, tham gia sâu vào các thể chế kinh tế, chính trị thế giới sẽ tạo ra các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, tạo ra các lợi ích đan xen của tất cả các nước lớn tại Việt Nam, biến Việt Nam thành một mắt xích quan trọng của hệ thống thế giới. Nếu Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU, ... tất cả các cường quốc quan trọng của thế giới đều có lợi ích ở Việt Nam, bất kỳ nước nào có ý đồ "o ép" Việt Nam đều sẽ phải tính đến các hệ lụy mang tính hệ thống và phản ứng của các cường quốc khác.
Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi "quỹ đạo" của Trung Quốc theo cách thức hạn chế quan hệ với quốc gia này. Theo tác giả, đó là cách phản ứng thái quá, sẽ dẫn đến thua thiệt nhiều hơn là có lợi. Trên thực tế, quan hệ với Trung Quốc mang lại nhiều thuận lợi và lợi thế cho Việt Nam, vấn đề là chúng ta cần phải làm sao phát huy được các lợi thế đó và ngăn chặn các ảnh hưởng có hại. Vi dụ, Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng toàn bộ hệ thống công nghiệp phụ trợ (rất tốn kém, thiếu hiệu quả, và gây ô nhiễm môi trường). Trung Quốc có một thời gian dài phát triển công nghiệp phụ trợ, họ sản xuất với giá thành rẻ hơn, hiệu quả hơn, tại sao ta không tận dụng. Vấn đề của Việt Nam là phải xác định đúng đắn các lợi thế so sánh, các phần việc tạo ra giá trị thặng dư lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không phải làm tất cả mọi công đoạn từ A-Z và cần phải đa dạng hóa nguồn cung cũng như thị trường để tránh chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Nói cách khác, quan hệ với Trung Quốc cần phải đặt trong tổng thể quan hệ Việt Nam với các đối tác khác và với thế giới. Nếu Việt Nam có các lựa chọn khác ngoài Trung Quốc (về thị trường và nguồn cung), Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc kỹ hơn vì các hành động của họ sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của Trung Quốc và vị thế của họ ở Việt Nam.
Trên hết, hội nhập là để tăng cường sức mạnh và phát triển qua việc tiếp thu các tinh hoa trên thế giới và trưởng thành qua cạnh tranh. Hội nhập là đổi mới, và Việt Nam không nên chỉ có một "Đổi Mới", mà nên đổi mới không ngừng để lớn mạnh và trưởng thành. Chỉ có cường thịnh và văn minh mới có thể giúp Việt Nam có được độc lập và tự chủ thực sự trong dài hạn. Lịch sử cho thấy, những quốc gia nào sớm mở cửa, chấp nhận cạnh tranh sẽ thông minh hơn, sức sống mạnh mẽ hơn, và cường thịnh và trưởng thành hơn. Nếu nhà vua Minh Trị tiếp tục chính sách bế quan tỏa cảng, có lẽ Nhật Bản ngày nay đã khác. Ngược lại, nếu nhà Nguyễn rộng cửa với các thuyền buôn phương Tây từ giữa thế kỷ 19, có lẽ Việt Nam ngày này cũng rất khác. Hơn lúc nào hết, mang quốc tế đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra với thế giới, liên tục đổi mới để phát triển và tiến bộ là con đường sáng nhất để thoát khỏi "cái dớp" quá lớn của địa lý và lịch sử.
Chú thích:
[1] "Lời nguyền địa lý" là bản dịch của tác giả Lê Hồng Hiệp cho khái niệm "tyranny of geography" mà GS. Carlyle A. Thayer dùng để phân tích quan hệ láng giềng Việt-Trung.
[2] Không tham gia liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, và không đi với nước này để chống nước kia.
Đỗ Thanh Hải
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược - Quốc Phòng, Đại học Quốc gia Australia.
Theo NTD
Báo Nga: "Quyền lực lịch sự" - học thuyết chính trị đối ngoại mới của Moscow Hôi năm ngoai, trong nền chính trị thế giới đa xảy ra nhưng sự kiện làm thay đổi toàn bộ cấu hình của cac mối quan hệ quốc tế. Nêu noi vê các hướng chính trong chính sách đối ngoại của Nga, thi đo la sự tăng cường của BRICS, biên nhom G-20 thanh G-30 băng cach mơi các nước lớn nhất không...