Làm thế nào để mọi người chấp nhận những học sinh phải ngồi xe lăn, không thể giao tiếp?
Học sinh của tôi, một số em phải ngồi xe lăn, nhiều em không thể giao tiếp như người bình thường. “Chúng tôi có thể làm gì để được những người khác chấp nhận?” – câu hỏi này luôn thường trực trong đầu tôi mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Tôi làm việc cho tổ chức giáo dục trẻ khuyết tật từ nhiều năm nay. Ban đầu, trừ những chuyến đi dã ngoại hiếm hoi, trẻ khuyết tật ít có dịp tiếp xúc trẻ bình thường. Mặc dù việc học hành vẫn tốt đẹp, tôi cảm thấy học trò của tôi có phần bị tách biệt. Tôi không bao giờ nghe chúng hoặc cha mẹ chúng nói về vấn đề tham dự tiệc sinh nhật của đứa trẻ khác, hoặc chơi chung với bạn cùng lớp sau giờ tan học.
Một ngày nọ, trong chuyến đi tham quan và ăn trưa ở cửa hiệu McDonald, tôi và một cậu học sinh nghe lỏm một bé gái hỏi mẹ nó rằng, nó có thể nói chuyện với cậu này về chiếc xe lăn mà cậu đang sử dụng không. Bà mẹ đưa ngón tay lên môi, liếc mắt xem chúng tôi có để ý hay không rồi nói nhỏ:
- Suỵt! Nói về những chuyện như thế không được lịch sự đâu!
Sau đó, hai mẹ con rời khỏi cửa hiệu. Cậu học sinh quay qua tôi và hỏi:
- Tại sao họ nghĩ rằng không nên nói về chiếc xe lăn? Em sẽ rất vui nếu được nói chuyện với bạn ấy.
Video đang HOT
Nhìn theo hai mẹ con cô bé đẩy mạnh cánh cửa kính để ra ngoài, tôi đáp:
- Cô nghĩ, nhiều người họ không biết họ đang mất thứ gì.
Cậu này đáp:
- Chắc vậy… Rồi sẽ có một ngày người ngồi trên xe lăn cũng giống như mọi người khác.
Tối hôm đó, tôi bàn với chồng tôi, người điều hành một trường trung học, về khả năng học sinh trường anh ấy tổ chức công tác xã hội với lớp học đặc biệt của tôi. Kết quả là toàn thể học sinh và hội đồng giáo viên của trường gây quỹ để mua sắm thiết bị dành cho sinh hoạt vui chơi của lớp tôi. Cuối năm đó, tình bạn giữa hai bên càng thêm gắn bó. Trong buổi phát thưởng của nhà trường, lớp tôi được mời đến tham dự.
Tôi lo lắng nghĩ tới việc đưa các học trò đặc biệt của tôi ra trước 1.200 học sinh của trường trung học. Một số em phải ngồi xe lăn, nhiều em không thể giao tiếp như người bình thường. Chúng tôi có thể làm gì để được những người khác chấp nhận? Tôi nghĩ đến bài hát Một thế giới tuyệt vời – bài hát kinh điển từng nổi tiếng với giọng ca Louis Armstrong. Chúng tôi hăng say tập hát điệp khúc của bài hát đó. Nói cách khác, điệp khúc này đã trở thành bài hát không chính thức của lớp tôi. Nếu có phải biểu diễn trước đám đông cả ngàn học sinh trung học, đây quả là bài hát thích hợp.
Ngày phát thưởng rồi cũng đến. Tất cả khán giả im lặng khi tôi và một vài đồng nghiệp đưa các em khuyết tật lên sân khấu – trên chiếc xe lăn và bằng khung tập đi. Tôi giải thích rằng, chúng tôi đến đây để cám ơn nhà trường đã giúp đỡ chúng tôi và các học trò của tôi sẽ hát (và sẽ ra dấu) bài hát mà chúng yêu thích nhất. Tôi cũng nhắc khán giả biết rằng một số em không thể hát hoặc ra dấu thông thường được. Chúng chỉ có thể gật đầu hoặc vỗ tay theo điệu nhạc. Rồi tôi mời tất cả học sinh trường trung học cùng hát theo đoạn điệp khúc.
Tôi hầu như nín thở khi các học trò của tôi bắt đầu hát. Chúng cất tiếng vào nhịp hơi nhỏ nhưng rồi âm thanh tăng dần theo từng nốt nhạc. Cuối cùng, toàn thể hội trường cùng hòa chung vào bài hát và mọi người cùng đứng lên để vỗ tay.
Cậu bé ngồi trên xe lăn hỏi tôi:
- Như vậy nghĩa là họ thích chúng em phải không?
Tôi mỉm cười và gật đầu.
- Vậy bây giờ em có thể nói chuyện về chiếc xe lăn được không?
Tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui trên mặt cậu và trên mặt những học sinh trung học khi chúng ùa lên sân khấu chúc mừng.
Những đứa học trò đặc biệt của tôi ngày nào giờ đây đang học ở các trường trung học khắp nơi. Năm tháng trôi qua, kỷ niệm lần biểu diễn được xem như một lời nhắc nhở rằng, mọi người đều có khả năng chia sẻ với nhau những điều tốt đẹp. Năm nào tôi cũng dạy lớp tôi hát bài Một thế giới tuyệt vời – hát bằng lời và cả bằng ra dấu. Và ở mỗi lần biểu diễn, tôi ngạc nhiên lẫn vui sướng trước tinh thần nhân đạo và niềm hân hoan mà bài hát đã đưa mọi người đến với nhau.
Giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tại 18 quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy 23% trẻ em từ 2-9 tuổi có nguy cơ hoặc có một khuyết tật về mặt phát triển.
Ảnh minh họa
Việc thúc đẩy phát triển tiềm năng của trẻ em là đòn bẩy quan trọng để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của một quốc gia. Đó là thông tin được GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho biết tại hội thảo quốc tế "Giáo dục học sinh rối loạn phát triển" lần thứ 2 với chủ đề: Nâng cao chất lượng mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển vừa diễn ra tại Hà Nội vào 2 ngày 28-29/11.
Trẻ khuyết tật trong đó có trẻ rối loạn phát triển là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong học tập, phát triển và hòa nhập xã hội. Làm thế nào tất cả trẻ khuyết tật được giáo dục có hiệu quả và phát triển hết khả năng để trở thành những người sống độc lập và có ích cho xã hội?... Đó là những câu hỏi mà các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực luôn trăn trở tìm kiếm câu trả lời.
Theo một số đại biểu, bên cạnh giáo dục chuyên biệt thì giáo dục hòa nhập là một trong những giải pháp tích cực giúp trẻ khuyết tật nói riêng và trẻ rối loạn phát triển được tham gia học tập cùng với các trẻ bình thường xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh, đồng thời giúp trẻ phát triển bình thường, hình thành lòng nhân ái, yêu thương.
Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật; các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục các cấp hàng năm đều có đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, góp phần thành công lớn nhất trong việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật chính là vai trò của các thầy cô giáo, những người trực tiếp hướng dẫn, dạy dỗ, chăm sóc các em. Trong đó, sự gắn kết thường xuyên với gia đình để thấu hiểu tâm sinh lý, đặc điểm của từng em một chính là mẫu số chung để giúp các em có thể hòa nhập tốt nhất với trường lớp, bạn bè và xã hội. Đặc biệt là cần sự can thiệp càng sớm càng tốt trong việc giáo dục trẻ để mang lại những hiệu quả tích cực.
Lam Nhi
Theo daidoanket
Chuyến xe san sẻ yêu thương Ngày 29.4, tại TP.HCM, Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN (T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN) tổ chức ra mắt CLB Công tác xã hội "Chuyến xe yêu thương". Ra mắt hành trình "Chuyến xe yêu thương" - ẢNH: LÊ THANH Thành viên CLB "Chuyến xe yêu thương" là những người đang làm việc tại các tập đoàn,...