Lâm tặc ‘xẻ thịt’ rừng phòng hộ ở Huế: UBND tỉnh yêu cầu điều tra làm rõ
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tổ chức để xảy ra vụ phá rừng phòng hộ với quy mô lớn để xử lý kỷ luật; chấn chỉnh ngay tình trạng quản lý bảo vệ rừng ở huyện A Lưới.
Ngày 25/9, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin, cơ quan này vừa có văn bản số 7142/UBND-NN về việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này.
Trong văn bản, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và các hình thức xử lý kỷ luật; chấn chỉnh ngay tình trạng quản lý bảo vệ rừng sau vụ phá rừng quy mô lớn ở địa phương này.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục thực hiện các phương án phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tại các tuyến, khu vực trọng điểm, thiết yếu.
Rừng phòng hộ A Lưới bị lâm tặc đua nhau “xẻ thịt” không thương tiếc. (Ảnh: Quang Thành)
Video đang HOT
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát để tổ chức, sắp xếp hợp lý hơn nữa mạng lưới quản lý bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng trên toàn tỉnh, nhất là các khu vực có nguy cơ phát sinh tình trạng khai thác gỗ trái phép.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra các phương án phòng chống chặt phá rừng; thường xuyên phối hợp với các lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, và chính quyền các địa phương để thực hiện các đợt truy quét có hiệu quả.
Trước mắt, lực lượng kiểm lâm chủ trì phối hợp với chủ rừng, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương truy quét tại các tiểu khu rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới, Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Lâm nghiệp Nam Hoà, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương và giám sát chặt chẽ tuyến đường 71 và 74.
Lực lượng kiểm lâm cần chỉ đạo chủ rừng là các ban quản lý, công ty lâm nghiệp thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo kế hoạch đã phê duyệt, xây dựng cơ chế phối hợp với lực lượng kiểm lâm, và các lực lượng khác, đảm bảo quản lý hiệu quả lâm phận được giao.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với các chủ rừng kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng tự nhiên theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Trước đó, báo chí đưa tin về một vụ phá rừng quy mô lớn ở khu vực rừng phòng hộ A Lưới. Theo đó, trên một phần diện tích lớn thuộc các tiểu khu 297; 311 do BQL rừng phòng hộ A Lưới quản lý, thời gian qua, lâm tặc đã đốn hạ hàng chục cây rừng để lấy gỗ. Lâm tặc thậm chí còn ngang nhiên dựng lán trại trong núi, đưa cả máy tời, cưa máy vào phá rừng.
Ngày 25/9, ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới (thuộc Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế) cho biết, từ ngày 18-20/8, Hạt Kiểm lâm A Lưới phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) A Lưới đã kiểm tra tại Tiểu khu 297, 298 do Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ quản lý thuộc xã Phú Vinh, nằm trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới.
Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, phát hiện 24 gốc cây bị chặt hạ có đường kính trung bình từ 40 – 60cm, nằm rải rác trên các tuyến kiểm tra, các gốc cây cây chặt có gốc chặt từ lâu (đã kiểm tra và lập biên bản), có gốc còn mới tại khu vực Tiểu khu 297, 298 do Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ quản lý.
Ngoài ra trên các tuyến phát hiện rải rác tại một số điểm tại rừng có 26 phách gỗ chò, trám các loại khối lượng 1,834m3 (đã được lập biên bản). Các gốc cây bị chặt hạ là quế rừng, trám chũa, chò, mỡ, dẻ… thuộc nhóm 6,7… Có 1 lán cũ đã tiêu hủy và tại một số vị trí có giá để tời đã cũ.
NGUYỄN VƯƠNG
Theo VTC
Lâm Đồng khẩn trương điều tra, xử lý các vụ phá rừng, chống người thi hành công vụ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng, chống người thi hành công vụ tại các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai và Đam Rông.
Lực lượng chức năng thực hiện nghiệp vụ kiểm tra hiện trường phá rừng tại Tiểu khu 390 (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm). Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các đoàn công tác xuống hiện trường, kiểm tra tình hình thực tế trước khi có các chỉ đạo trên.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở tăng cường các giải pháp phòng chống các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Đối với vụ phá 3,9 ha rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, huyện Đam Rông, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện khẩn trương thực hiện việc điều tra xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đình chỉ công tác đối với cán bộ, viên chức liên quan của đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn và lãnh đạo UBND xã Phi Liêng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, sai phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/9.
Đối với vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng tại huyện Lâm Hà và khai thác rừng trồng trái phép tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng giao Công an tỉnh khẩn trương điều tra, củng cố chứng cứ, làm rõ vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng xảy ra ngày 21/8 để xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm tăng cường tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
UBND tỉnh Lâm Đồng UBND huyện Đạ Huoai chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép 223 cây sao, dầu với khối lượng gỗ thiệt hại gần 56m3, thuộc rừng trồng từ năm 1993 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý.
Các vụ việc phá rừng để lấn chiếm đất ở, đất sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng diễn ra có tính chất nghiêm trọng, hành vi công khai và có tính chất manh động. Đối với 2 diện tích rừng thông 30 tuổi bị phá ở thị trấn Nam Ban, trong Báo cáo số 123 ngày 4/9/2018 của Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà có nêu: "Theo báo cáo của cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn thì việc phá rừng trên do một băng nhóm "xã hội đen" tại thị trấn Nam Ban tổ chức phá. Việc phá rừng vào ban đêm, khi phá thường có từ 10 - 20 người mang mã tấu vừa đứng canh chừng lực lượng chức năng, vừa đe dọa không cho người dân tại khu vực rừng bị phá báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền... Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đề nghị UBND huyện giao Công an huyện tập trung đấu tranh với vi phạm có tổ chức và băng nhóm trong việc phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn...".
Dư luận đang cho rằng các vụ việc vi phạm những quy định về quản lý và bảo vệ rừng có sự "tiếp tay" của cán bộ chính quyền địa phương và chủ rừng. Cụ thể vụ phá rừng phòng hộ tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, khu vực rừng bị phá nằm trong một dự án sản xuất do một cán bộ trước đây công tác ở một đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên rừng của huyện này, nay đã chuyển công tác lên tỉnh đứng tên.
Tình trạng phá rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn ra nhiều năm qua, nhưng chưa có cán bộ chính quyền các cấp nào ở địa phương này bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chu Quốc Hùng
Theo TTXVN
Vụ tàn sát rừng thông ở Lâm Đồng có bàn tay "xã hội đen" Bước đầu lực lượng chức năng xác định các đối tượng phá rừng thuộc băng nhóm "xã hội đen" có từ 10-20 người, thực hiện phá rừng có tổ chức mục đích là chiếm đoạt đất. Ngày 5-9, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thống kê, làm rõ số lượng...